Các nhà nghiên cứu dân tộc học đã khái quát đặc trưng cư trú của các tộc người miền núi phía Bắc: “Thái ăn theo nước, Xá ăn theo lửa, Mông ăn theo sương mù”. Tính chất cư trú cũng phản ánh rõ nét đặc trưng văn hóa tộc người. Nếu như cư dân vùng thấp hình thành một dạng thức “văn hóa bản mường” (văn hóa thung lũng) (1) hay văn hóa rẻo cao của người Mông, Dao… thì người Sán Dìu cư trú ở rẻo giữa đã sáng tạo những giá trị văn hóa mang đậm dấu ấn vùng trung du, tạo nên sự khu biệt của một cộng đồng cư trú ở vùng sinh thái, văn hóa gò đồi điển hình, được biểu hiện trên nhiều góc độ khác nhau. Ở đây, chúng tôi lựa chọn yếu tố tín ngưỡng và lễ hội để phân tích và làm sáng rõ dấu ấn vùng cư trú của tộc người Sán Dìu trên vùng gò đồi tỉnh Thái Nguyên qua nghiên cứu huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Bình.
1. Điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái vùng gò đồi tỉnh Thái Nguyên
Qua quan sát thực địa và kết hợp với các tài liệu về đặc điểm địa lý của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi căn cứ vào bảng Các dấu hiệu hình thái và trắc lượng hình thái của địa hình của A. I. Xpiridonov (2) để xác định vùng người Sán Dìu cư trú ở tỉnh Thái Nguyên là vùng đồi núi thấp. Trong nghiên cứu này, chúng tôi gọi đó là vùng gò đồi để có sự thống nhất.
Về địa lý, Thái Nguyên hội tụ đầy đủ các dạng cảnh quan, có rừng núi của các tỉnh vùng cao, có các gò đồi nhấp nhô tạo nên đặc trưng của vùng trung du, có cả các đồng bằng màu mỡ. Vì vậy, Thái Nguyên được coi là điển hình của vùng trung du chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, đây là sự thuận lợi của Thái Nguyên cho canh tác nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội nói chung so với các tỉnh trung du miền núi khác.
Đồng Hỷ và Phú Bình là hai huyện liền kề, từ Đồng Hỷ (ở các xã người Sán Dìu cư trú tập trung từ Linh Sơn đến Nam Hòa) về phía Đông Nam là huyện Phú Bình (ở xã Bàn Đạt – nơi người Sán Dìu cư trú đông nhất huyện: 2224 khẩu, chiếm 81% dân số toàn xã (3), tiếp giáp thành phố Thái Nguyên và tỉnh Bắc Giang, cửa ngõ vùng đồng bằng, lại nằm trong dạng cảnh quan trung du điển hình của tỉnh Thái Nguyên, nên có tính chất chuyển tiếp rõ rệt.
Căn cứ vào sự phân bậc địa hình chung của tỉnh Thái Nguyên và vị trí địa lý vùng cư trú của người Sán Dìu ở hai huyện Đồng Hỷ (xã Linh Sơn) và Phú Bình (xã Bàn Đạt); căn cứ vào bảng của A. I. Xpirido ov, thì vùng người Sán Dìu cư trú ở hai điểm nghiên cứu thuộc địa hình đồi núi thấp, với các đặc điểm về địa hình như sau: độ cao điển hình nằm trong bậc 3 và bậc 4 với từ khoảng 25 – 200m, chia cắt ngang trung bình (0,5 – 1,5km/ km2), độ dốc nghiêng thoải (4 – 80) và nghiêng (9 – 150). Với kiểu hình thái đồi thấp – trung bình: dạng bát úp với đỉnh rộng khá bằng phẳng, sườn lồi thoải, phân cắt nhau bởi những đáy trũng rộng, độ cao giảm về phía nam, xen giữa các đồi bát úp dốc thoải là các khu đất bằng.
Theo bản đồ thổ nhưỡng, có các loại đất phổ biến:
Đất đỏ vàng trên phiến thạch sét (đất đỏ vàng hay còn gọi là đất Feralit) có diện tích lớn nhất, phân bố ở hầu hết các khu vực đồi thấp có độ dốc từ 30 trở lên và tập trung chủ yếu ở khu vực đồi núi có độ dốc trên 250. Phản ứng đất có đặc điểm chua hoặc rất chua, đòi hỏi có sự cải tạo, tuy nhiên lớp đất mặt khá tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thích hợp cho trồng các loại cây như chè, trẩu, sở, sơn, cam, quýt, mía, nhãn, vải…
Đất phù sa chiếm một diện tích nhỏ ở phía chân các gò đồi. Đất có phản ứng trung tính, thành phần cơ giới nhẹ, đây là loại đất khá tốt, đã được khai thác cải tạo lâu đời, phù hợp cho thâm canh cao, với nhiều mô hình canh tác có hiệu quả phù hợp cho trồng lúa, ngô, khoai, rau đậu…
Nhìn chung tài nguyên đất đai có nhiều tiềm năng, có thể phát triển nhiều loại cây trồng như cây lương thực, cây rau màu, cây công nghiệp lâu năm (chè), cây ăn quả và có thể ứng dụng nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hệ thống sông ngòi có độ dốc theo địa hình nên việc tưới tiêu, dẫn nước lội đồng ở vùng này khá thuận lợi. Đặc biệt, các hệ thống ao hồ tự nhiên trong vùng đảm bảo việc dự trữ nguồn nước và cung cấp cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Khí hậu đặc biệt thuận lợi so với các vùng khí hậu khác trong tỉnh. Vì từ dải đồi thấp của xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) xuống đến xã Bàn Đạt (Phú Bình) được che chắn bởi các dãy núi cao phía Trại Cau nên vùng người Sán Dìu cư trú không chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc, tuy nhiên, khí hậu vẫn chịu ảnh hưởng bởi độ cao địa hình (4).
Các đặc điểm tự nhiên này có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành diện mạo văn hóa của người Sán Dìu trên vùng gò đồi tỉnh Thái Nguyên, khu biệt với cư dân vùng thung lũng hay rẻo cao.
2. Sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Sán Dìu ở vùng gò đồi
Tín ngưỡng
Thông qua một vài biểu hiện về tín ngưỡng, có thể nhận thấy dấu ấn văn hóa gò đồi ở người Sán Dìu thể hiện rõ sự chuyển tiếp từ văn hóa của vùng đồng bằng và văn hóa vùng cao, vừa có sự tương đồng, vừa tạo nên sự khu biệt. Với đặc trưng gốc cùng là canh tác nông nghiệp nên các tín ngưỡng thờ thần nông, thờ vía lúa, thờ thành hoàng ở người Sán Dìu cũng có mặt ở nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số khác, kể cả người Việt.
Tín ngưỡng thờ thần nông
Người Sán Dìu rất coi trọng việc thờ cúng thần nông, họ cho rằng thần nông chính là người mẹ của nông nghiệp, vị thần cai quản việc đồng áng của bà con trong làng, bảo vệ cho dân làng có một mùa vụ tươi tốt, không bị sâu hại làm hỏng, làm ăn thuận lợi, may mắn. Lễ cúng tế thần nông được tổ chức thống nhất trong các nghi lễ cộng đồng: lễ ra đồng, lễ hạ điền, lễ thượng điền, Tết cơm mới. Dịp đầu xuân, trong lễ ra đồng, thần nông được khấn thỉnh mời xuống cai quản ruộng đất và coi sóc việc đồng áng. Sau Tết cơm mới, kết thúc mùa vụ sản xuất trong năm, thần nông được tiễn về trời nghỉ ngơi trước khi bắt đầu mùa vụ mới.
Tín ngưỡng thờ thành hoàng
Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng cũng là một trong các biểu hiện phổ biến của cư dân đồng bằng do có sự ổn định về nơi cư trú. Cư dân rẻo cao thì điển hình với các tín ngưỡng thờ thần, tiêu biểu là thờ thần rừng. Người Sán Dìu cư trú ở vùng gò đồi, có tín ngưỡng thờ thành hoàng làng của vùng đồng bằng nhưng lại mang dấu ấn của vùng núi với biểu hiện thờ cúng các vị thành hoàng làng đều là nhiên thần, cai quản các vùng rừng núi.
Qua phỏng vấn sâu được biết, ở vùng người Sán Dìu cư trú thường thờ các vị thành hoàng làng là nhiên thần, đại diện cho vùng núi: Lưu Thiện đại vương, Bà chúa Sơn Lâm, Miếu Bạc đại vương (xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ), Xuất Thành đại vương, Quý Minh đại vương, Linh Binh đại vương (xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình). Ngoài ra còn có các đối tượng nhân thần như Hồng gia tiểu mưu đại hoàng (người họ Hồng), Nguyễn gia tiểu mưu đại hoàng (người họ Nguyễn)…
Thành hoàng làng được coi là vị thần bản mệnh, che chở cho cuộc sống của cả cộng đồng. Địa điểm thờ thành hoàng làng là đình chung của thôn làng. Thành hoàng có mặt ở mọi nơi trong bản. Chỉ khi nào nghỉ ngơi mới về ngự nơi có thế đất đẹp, cao rộng, thoáng mát. Vì vậy, mỗi làng bản Sán Dìu đều dành một nơi có địa thế linh thiêng cao rộng, dựng đình thờ thành hoàng. Ngoài những dịp tổ chức lễ hội trong năm, ngày 1 âm lịch hằng tháng, dân làng đều đến thỉnh thành hoàng, cầu mong thần bảo vệ cho dân làng mạnh khỏe, mùa màng bội thu, súc vật không bị dịch bệnh, người làng no đủ.
Những kiêng kỵ liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp
Tín ngưỡng nông nghiệp có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người Sán Dìu. Vì vậy, trong mọi nghi lễ gắn liền với chu kỳ sản xuất, việc thờ cúng được thực hiện chu đáo, thể hiện sự tôn kính thần linh.
Khi ăn cơm, tuyệt đối không được chan canh vì theo quan niệm, nếu chan canh vào bát cơm thì sẽ làm trời đổ mưa to, trôi hết thóc, lúa và ảnh hưởng đến lễ hội. Là cư dân rẻo giữa, cần nước canh tác nông nghiệp nhưng với địa hình dốc, việc mưa to rất dễ gây nên hiện tượng rửa trôi, xói mòn, càng làm cho đất đai vùng dốc bị bạc màu, nghèo chất dinh dưỡng nên trong truyền thống, người Sán Dìu thực hiện kiêng kỵ này rất nghiêm ngặt.
Trong tang ma, người Sán Dìu có tục sau khi chôn cất người chết, con cháu trong nhà sẽ chạy thật nhanh về nhà, cầm theo nắm đất ở khu huyệt mộ về rải vào chuồng gia súc, gia cầm rồi chạy thật nhanh vào các bồ thóc. Càng dính được nhiều thóc là càng có nhiều lộc do người chết để lại. Những biểu hiện đó đều phản ánh một ước vọng của cư dân nông nghiệp về mùa màng được no đủ, mong muốn cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật, cây cối, con người cũng như sự đầu thai của linh hồn người chết.
Con trâu là vật quý nhất đối với người Sán Dìu bởi đây là phương tiện vận chuyển hữu hiệu nhất ở vùng gò đồi dốc. Trâu là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Người Sán Dìu kiêng ăn thịt trâu, chỉ dùng làm vật hiến tế thần linh, thể hiện sự tôn kính trong lễ cầu mùa. Con trâu được linh vật hóa, ở một số nơi nếu trâu chết người ta sẽ mang đi chôn. Đặc biệt khi gia đình có trâu cái đẻ họ sẽ làm cơm báo cáo với tổ tiên để cầu mong sự che chở, phù hộ cho con trâu khỏe mạnh. Ngày 8 – 4 âm lịch là ngày sinh nhật trâu, trâu không phải ra đồng, được nghỉ ngơi và thiết đãi.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi đời sống kinh tế có nhiều thay đổi, niềm tin tâm linh ấy vẫn ăn sâu, bám rễ trong đời sống tinh thần, được trao truyền qua các thế hệ như một sự nhắc nhở về cội nguồn, giáo dục con cháu về truyền thống văn hóa tộc người. Có thể thấy, niềm tin vào các vị thần nông nghiệp ở người Sán Dìu vẫn còn tồn tại nhưng không còn nguyên trạng. Biểu hiện cụ thể là sự giảm sút đối với sự linh thiêng. Niềm tin có thể vẫn tồn tại trong các thế hệ, từ lớp già cho đến con trẻ nhưng đã được biểu hiện theo một cách hoàn toàn khác, phù hợp với sự phát triển của xã hội: đơn giản hóa niềm tin tâm linh, rút gọn thời gian lễ hội… Điều đó cho thấy sự trân trọng truyền thống, cội nguồn, đồng thời khẳng định dạng thức văn hóa gò đồi khu biệt của tộc người.
Lễ hội
Đời sống lao động nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, do đó người Sán Dìu có mật độ các lễ nghi cầu mùa được tổ chức trong năm khá dày, theo các tiết trong năm, gắn liền với các thời vụ sản xuất, với ước vọng về sự đủ đầy, mưa thuận gió hòa, cây cối sinh sôi nảy nở, gia súc, gia cầm phát triển, dân làng khỏe mạnh: lễ ra đồng (sụt thông), lễ hạ điền, tết Đoan ngọ (ngũ nhọt triệt), lễ lên đồng (sết nhọt triệt), Tết cơm mới (tịch dìn), tết Đông chí (tông chị triệt)… Bên cạnh những lễ hội nông nghiệp mang sắc thái văn hóa chung của vùng miền, lễ Đại phan là dấu ấn văn hóa vùng gò đồi khu biệt của người Sán Dìu.
Đại là to, lớn, số nhiều; Phan là cơm. Lễ Đại phan thực chất là lễ cầu mùa của đồng bào, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làng bản không bị thiên tai, dịch bệnh, chim thú không phá hại mùa màng, con người được yên ấm.
Đời sống lao động gặp nhiều khó khăn, người Sán Dìu hướng tới các vị thần linh cầu mong sự phù hộ như một sự giải thoát về tinh thần. Trong toàn bộ chu kỳ sản xuất, song song với canh tác nông nghiệp là việc thực hiện các lễ thức cầu cúng cùng chung một ước vọng về mùa màng bội thu, người an vật thịnh. Các nghi lễ nông nghiệp được thực hiện tuần tự theo các tiết trong năm. Điều này cho thấy đồng bào đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong lao động, am hiểu quy luật tự nhiên để đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp được thuận lợi, cho hiệu quả kinh tế cao nhất, đảm bảo cuộc sống. Những tri thức đó là kết quả của quá trình lao động thực tiễn, lâu dài, những kinh nghiệm tích lũy và sáng tạo để chinh phục tự nhiên, sinh tồn và phát triển.
3. Kết luận
Những thích ứng văn hóa của người Sán Dìu ở Thái Nguyên trong đời sống văn hóa tinh thần phản ánh rõ nét quan hệ ứng xử của tộc người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, góp phần hình thành diện mạo văn hóa của tộc người cư trú trên vùng đất trung du gò đồi. Sự biến đổi văn hóa trong hoàn cảnh xã hội mới là quy luật tất yếu của lịch sử. Điều đó thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén của người Sán Dìu với nhu cầu và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, dù các biểu hiện văn hóa trong đời sống hiện nay có nhiều đổi khác nhưng trong tâm thức của người Sán Dìu, dấu ấn văn hóa vùng gò đồi vẫn in đậm trong tâm thức và thường thấy rõ nét nhất trong các dịp lễ hội, lễ tết, sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng cùng với sự tự hào, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người.
_______________
1. Lâm Bá Nam, Đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Bắc, trang điện tử của Ủy ban dân tộc.
2. Lê Bá Thảo, Miền núi và con người, Nxb Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, 1971, tr.66, 64.
3. Phòng dân tộc huyện Phú Bình, Kết quả tổng hợp phiếu điều tra dân tộc thiểu số huyện, năm 2016.
4. Ma Khánh Bằng, Vị trí nương đồi và soi, bãi trong đời sống của người Sán Dìu, Tạp chí Dân tộc học, số 2-1975, tr.76 – 80.
Tác giả: Dương Thùy Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%