Quan hệ giữa trần hưng đạo với các vua nhà trần


        Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú xếp Trần Hưng Đạo đứng thứ nhất trong bốn “tướng có tiếng và tài giỏi” đời Trần trên Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão và Trần Khánh Dư. Cùng với đó là lời cẩn án: “Danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo vương không mấy đời có; kiêm cả văn võ, thừa chí dũng, dựng nên công lao sự nghiệp kỳ vĩ mà giữ vững trung nghĩa… Ông không những là anh hùng của một thời đại mà cho đến các bậc tướng thần cổ kim cũng ít ai bì kịp”(1). Trong những ghi chép có phần vắn tắt, nhà sử học TK XIX còn không ít lần tỏ lòng ngưỡng mộ và ngợi ca mối quan hệ tốt đẹp cũng như tấm lòng trung thành trước sau như một của Trần Quốc Tuấn với các vua nhà Trần. Trước đó gần nửa thế kỷ, sử thần Ngô Thì Sỹ cũng đánh giá Hưng Đạo vương có “lòng trung thành thấu đến mặt trời, mặt trăng; khí tiết động đến quỷ thần”, “thật đáng làm gương hàng trăm đời cho những người làm bề tôi”(2). Trong lịch sử Việt Nam, đó là một chuẩn mực và mẫu mực của mối quan hệ vua tôi.

Tháng 6 năm Canh Tý, niên hiệu Hưng Long thứ 8 (1300), tức hai tháng trước khi qua đời, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lâm trọng bệnh. Vua Trần Anh Tông thân hành về phủ đệ của vương ở Vạn Kiếp. Đến bên giường bệnh, lo lắng hỏi thăm tình hình sức khỏe, nhà vua đồng thời tranh thủ ý kiến Trần Quốc Tuấn về kế sách ngừa giặc, giữ nước. Hưng Đạo vương tổng kết kinh nghiệm và bài học lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, nhấn mạnh nguyên nhân thắng lợi của nhà Trần trong ba lần kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông là bởi đã phát huy cao độ sức mạnh của “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, nước nhà góp sức”. Lời di chúc ngắn gọn, nhưng súc tích, mang tính khái quát rất cao. Đó không chỉ là tâm huyết, trí lực của một nguyên lão trọng thần gắn bó cả cuộc đời với thời kỳ gian nan nhất nhưng cũng huy hoàng nhất của vương triều; mà còn là kinh nghiệm tổng kết nghệ thuật quân sự của vị đại tướng ba lần gánh trọng trách tổng chỉ huy quân đội cả nước đánh giặc, giữ nước. Suy rộng ra, đó còn là tư tưởng, đường lối chính trị của vương triều Trần. Cội nguồn sức mạnh, nguyên nhân của mọi thành công nhà Trần có được là bởi triều đại này đã xây dựng được một nền tảng chính trị vững chắc dựa trên ba yếu tố: chính sách khoan hòa, thân dân; chính quyền vững mạnh, đoàn kết; và tinh thần gắn kết, nhất trí cao độ trong dòng họ Trần.

Thật vậy, tư tưởng bao trùm trong đường lối trị nước của triều Trần là thân dân. Thiết chế tập quyền thân dân thời Trần thực chất là sự kế thừa, phát huy tinh thần của triều Lý, nhưng mang những màu sắc riêng, mới của thời đại. Và cũng không phải đợi đến khi Trần Hưng Đạo di chúc phải “khoan thư sức dân để lấy làm kế sâu rễ bền gốc”, nhà Trần mới thấm nhuần triết lý dĩ nông vi bản. Còn nhớ, ngay từ thưở mới kiến lập vương triều, Trần Thái Tông đã rất tâm đắc lời của quốc sư Trúc Lâm: “Phàm là kẻ làm vua thì phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, phải lấy tấm lòng của dân làm tấm lòng của mình”. Vì vậy, ngai vàng quyền lực, ông “xem như chiếc giày rách, bỏ đi lúc nào cùng được”. Các vị vua về sau, từ những chính sách, pháp luật đến cách hành xử, các lời nói, việc làm cụ thể đều phản ánh tấm lòng yêu dân, coi trọng lê dân bách tính. Sử cũ chép rằng, một lần nọ, khi cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất (1258) vào hồi gian nguy nhất, nhà vua muốn biết tình hình quân giặc đã truyền hỏi: “Quân Nguyên ở đâu?”. Lão đánh cá đang xuôi thuyền sông Hồng, tên Hoàng Cự Đà, vốn là hầu cận của vua, ngang nhiên trả lời: “Không biết, các ngươi đi mà hỏi những ai ăn xoài ấy”. Trước thái độ khi quân của Cự Đà, vua Trần không những không xử tội, mà còn tự trách mình vì đã đối xử không công bằng với những người dưới(3).

Chính quyền nhà nước thời Trần là sự kết hợp chặt chẽ giữa tầng lớp quý tộc tôn thất và đội ngũ quan liêu đang dần lớn mạnh. Khôn khéo và chính xác trong thuật dùng người, thưởng phạt công bằng, nghiêm minh và phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, nhất trí trong hàng ngũ quan lại chính là những yếu tố quan trọng giúp triều Trần tạo nên sức mạnh của cả bộ máy chính quyền. Điều này được phản ánh bằng nhiều câu chuyện sinh động chép trong sử cũ:

Một lần, có kẻ đàn hặc Trần Thủ Độ, trước mặt nhà vua khóc mà rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Trần Thái Tông tức tốc tới tư dinh Trần Thủ Độ, mang theo cả người đàn hặc và kể hết mọi chuyện với Thái sư. Trần Thủ Độ trả lời: “Đúng như những lời hắn nói”. Rồi mang tiền lụa thưởng cho người ấy.

Lần khác, Linh từ quốc mẫu ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân lính ngăn lại, về dinh khóc nói với Trần Thủ Độ: “Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế”. Thủ Độ tức giận, sai người đi bắt tên lính. Người ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Đến nơi, khi bị tra hỏi, người lính cứ theo sự thực trả lời. Trần Thủ Độ nói: “Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa”. Bèn lấy vàng lụa thưởng, cho về.

Thái Tông có lần muốn lập anh của Trần Thủ Độ là An Quốc làm Tể tướng. Thủ Độ biết việc mới tâu rằng: “An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?”. Vua vì thế, bèn thôi(4)…

Đánh giá về thuật dùng người của nhà Trần, sử thần Ngô Sỹ Liên TK XV nhận xét: “Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm điện súy (Phạm Ngũ Lão – TG) thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, không chỉ có chuyên về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, đã tấn công là chiếm được, người xưa cũng không một ai vượt nổi các ông. Lê Phụ Trần thì dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong trận giặc, tùy cơ ứng biến, chống đỡ cho chúa trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo thái tử. Đủ biết, nhà Trần dùng người, vốn căn cứ vào tài năng của họ để trao trách nhiệm…”(5). Lê Quý Đôn cũng bình luận: “Nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ cho sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất”(6).

Xây dựng khối đoàn kết, thống nhất ý chí trong tôn thất thực sự là một tư tưởng lớn, một chính sách đặc trưng của vương triều Trần. Bản thân các thành viên trong tộc Trần cũng luôn ý thức sâu sắc về những lợi ích chung, vì sự vững bền của cơ nghiệp nhà Trần. Vua Trần Thánh Tông (1258-1278) từng nói với người trong họ rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”. Vua hạ chiếu cho các vương hầu tôn thất “khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau… Các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng”(7). Nhà Trần luôn ý thức rõ ràng trong việc xây dựng, không ngừng củng cố một tập đoàn dòng họ vững mạnh.

Tuy nhiên, trong khối thống nhất ấy, giữa các cá nhân, không tránh khỏi những hiềm khích, hiểu lầm, thậm chí là mâu thuẫn. Điều đáng lưu ý, dường như không ít những khúc mắc, đều ít nhiều liên quan đến Trần Hưng Đạo. Chủ yếu, ông là nạn nhân, phải gánh chịu và giải quyết.

Khi vừa tròn 20 tuổi, năm Tân Hợi (1251), Trần Quốc Tuấn chịu cái tang mất cha. Trong lúc hấp hối, An Sinh vương Trần Liễu gọi Quốc Tuấn đến bên trăng trối rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Mâu thuẫn giữa gia đình An Sinh vương với bên dòng vua Trần bắt đầu từ khi vương triều mới được kiến lập. Trần Cảnh khi ấy mới 8 tuổi, được chú họ là Trần Thủ Độ chọn đưa lên ngôi, không phải anh là Trần Liễu, lúc đó đã 15 tuổi. Sau khi làm vua, vì Trần Cảnh không có con, Thủ Độ ép lấy công chúa Thuận Thiên, vợ Trần Liễu, khi ấy đang mang thai. Khởi binh mà không giành lại được vợ con, tuy được tha chết song lại bị đầy ra Đông Triều, Trần Liễu trong lòng càng vô cùng căm giận. Ông quyết chí phục thù bằng cách dốc sức đào tạo, tìm khắp thiên hạ “những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn”. Trần Quốc Tuấn vốn “dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ”, càng khiến Trần Liễu yên tâm nhắm mắt vì đã tìm được người ủy thác.

Năm Bính Thìn (1256), Vũ Thành vương Doãn – anh trai Trần Quốc Tuấn, vì những bất bình trong gia tộc (có lẽ chủ yếu vẫn là giữa các con của Trần Liễu với dòng vua), thấy thất thế sau khi mẹ là Hiển từ Hoàng hậu (vợ Thái Tông Trần Cảnh) qua đời, đã mang theo vợ con trốn sang nước Tống, nhưng bị viên thổ quan phủ Tư Minh bắt đưa trả lại. Mối hiềm khích hai bên không những không được hóa giải, mà trong mắt các vua Trần và triều đình, thái độ chống đối của dòng máu An Sinh vương Trần Liễu càng trở nên rõ ràng.

Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai (1285), Thượng vị Chương Hiến hầu Trần Kiện – con thứ của Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang (thực chất là em ruột của Trần Quốc Tuấn), đã cùng với liêu thuộc là Lê Tắc đem cả nhà và quân lính đầu hàng giặc Nguyên. Dù Trần Kiện sau đó đã bị gia nô của Trần Hưng Đạo bắn chết, nhưng sự chống đối của con cháu Trần Liễu một lần nữa khiến vua Trần phải nghi ngại, dè chừng.

Bản thân Trần Quốc Tuấn cũng có những lúc không bằng lòng với các hoàng tử nhà Trần, tiêu biểu là với Trần Quang Khải. Hiềm khích đó càng trở nên khó giải quyết, khi cả hai đều là những đại thần đầu triều. Một người là Quốc công Tiết chế, chỉ huy cao nhất lực lượng quân đội toàn quốc; còn người kia là Thượng tướng Thái sư, đứng đầu đội ngũ quan lại triều đình.

Nhưng cái cách mà Trần Hưng Đạo hóa giải mọi mâu thuẫn, như cách nhìn nhận của sử cũ, là “vượt trên thói thường”.

Với Trần Quang Khải, Hưng Đạo vương dù là anh (thuộc ngành trên), lại hơn tuổi, nhưng đã chủ động hòa giải hiểu lầm bằng một hành động rất thân tình – cởi áo, tắm cho em. Quốc Tuấn vừa tắm vừa vui vẻ nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Quang Khải cũng đáp: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”. Từ đó, tình nghĩa giữa hai người ngày càng thêm thắm thiết.

Lời di huấn phút lâm chung của cha, Trần Quốc Tuấn ghi nhớ trong lòng nhưng không cho là phải, và cũng không làm theo. Giữa thù nhà và trách nhiệm với giang sơn xã tắc, với cơ nghiệp nhà Trần, ông đã đặt chữ trung trên tất thảy. Đến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều trong tay, Hưng Đạo vương mới đem lời dặn của An Sinh vương nói lại với gia nô và các con trai của mình. Thái độ kiên quyết phản đối của Yết Kiêu và Dã Tượng, hợp với ý ông, khiến ông cảm động phát khóc và hết lời khen ngợi lòng trung tín của hai gia thần. Khi hỏi con trai cả là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Quốc Nghiễn trả lời: “Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!”. Trần Quốc Tuấn khen là phải. Ngược lại, ông đã vô cùng tức giận trước câu trả lời có ý phản nghịch của người con trai thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Ông tuốt gươm quát mắng: “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra”, rồi toan giết Quốc Tảng, may nhờ Hưng Vũ vương van xin, ông mới tha tội cho. Ông dặn Hưng Vũ vương: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”(8). Cũng vì những lời lẽ gay gắt đó, Trần Quốc Tảng sau này không dám sinh lòng khác, lại hết lòng theo cha đánh giặc, lập nhiều chiến công, được phong đến tước Đại vương. Con trai Quốc Tảng là Trần Quang Triều được phong Văn Huệ vương, con gái làm Hoàng hậu của vua Trần Anh Tông… Đó là cách Trần Quốc Tuấn nghiêm khắc dạy con, dạy cháu; cũng là thái độ kiên quyết của ông trước mọi ý đồ và hành động bất trung, bất nghĩa.

Từ tư tưởng, tới cách hành xử và giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, họ tộc, tất thảy đều khắc họa rõ nét khí tiết Trần Quốc Tuấn – một tấm lòng trung nghĩa, một nhân cách cao thượng.

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là một cố mệnh đại thần trải bốn triều vua: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông. Trong quan hệ thân tộc, với các vua Trần, dù là cháu – con rể (Thái Tông), là anh họ (Thánh Tông), hay là bác – bố vợ (Nhân Tông), là ông (Anh Tông), Trần Quốc Tuấn đều hết mực trung thành, kính cẩn, thận trọng trong từng cử chỉ, lời nói, việc làm; luôn đúng mực giữ đạo phép vua tôi.

Vì có công lao lớn, vua Trần Thánh Tông trao cho Trần Hưng Đạo quyền được phong chức từ tước minh tự trở xuống, tước hầu thì phong trước tâu sau. Nhưng cả cuộc đời, chưa ông bao giờ dùng quyền ấy để phong cho một ai. Chỉ trừ gặp lúc chiến tranh cấp bách, ông phong Lang tướng giả (không phải Lang tướng thực) cho nhà giàu đã nộp thóc làm quân lương.

Trong cả ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, Trần Quốc Tuấn luôn túc trực bên các vua Trần. Vì ông là người nắm binh quyền, lại sẵn mối hiềm cũ, khiến không ít người nghi ngại. Với một nhãn quan rất tinh tế, ông chủ động bỏ đầu bịt sắt nhọn, chỉ dùng gậy không mỗi khi đi cạnh vua. Hành động này được sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận: “Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử… mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp. Nếu không thế thì nhất định sẽ mang tai họa. Quách Tử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như vậy”(9).

Khi vua Thánh Tông đi đánh giặc, Trần Quang Khải theo hầu, bỏ không chức Tể tướng, lại đúng lúc có sứ phương Bắc đến. Thượng hoàng Thái Tông gọi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đến bảo: “Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc”. Quốc Tuấn trả lời: “Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn”(10).

Ngược lại, các vua Trần đều rất mực yêu mến, tin tưởng và kính trọng Trần Quốc Tuấn. Tháng 9 năm Thiệu Phong thứ 7 (1257), quân Nguyên xâm phạm cương giới. Vua Trần Thái Tông ban chiếu, lệnh cho Trần Quốc Tuấn, khi ấy mới tròn 27 tuổi, thống lĩnh các tướng đem quân thủy bộ ra biên ải chặn giặc. Trong cuộc kháng chiến lần hai (1285) và lần ba (1288), Hưng Đạo vương đều được phong Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn bộ lực lượng quân đội cả nước đánh giặc. Cả ba lần, ông đều không phụ sự ủy thác của vua Trần và sự trông mong của triều đình, quân dân Đại Việt.

Mỗi lúc vận nước gian nguy, các vua Trần đều hỏi ý kiến Hưng Đạo vương với một thái độ rất ân cần, trọng thị. Trước kẻ thù là giặc Nguyên – Mông hùng mạnh, được nghe câu trả lời của vương: “Phá được chúng là điều chắc chắn”, “năm nay đánh giặc nhàn”, hay “nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước”, các vua Trần càng vững dạ yên lòng, củng cố quyết tâm đánh giặc và thắng giặc.

Sau khi đánh giặc thắng lợi, năm 1289, vua Trần tiến phong Trần Quốc Tuấn tước Đại vương, con cả Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn làm Khai quốc công, con thứ Hưng Nhượng vương Quốc Tảng làm Tiết độ sứ. Đó là cách tưởng thưởng xứng đáng của vua Trần cho những công lao to lớn của cả gia đình Hưng Đạo vương.

Khi biết tin vương lâm bệnh nặng, cả thượng hoàng và vua Trần đều về tận phủ đệ ở Vạn Kiếp, ân cần hỏi han sức khỏe. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 3-9-1300), Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn qua đời, thọ 70 tuổi. Cả nước khóc thương vô hạn. Vua (Anh Tông) cho bãi triều 10 ngày, cùng Thượng hoàng Nhân Tông đích thân về dự lễ tang, kính tế an ủi và xuống chiếu ban cho vương tước phẩm tột cùng: Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương, và cho lập miếu thờ. Thượng hoàng Trần Thánh Tông lúc sinh thời từng ngự chế bài văn bia đặt ở sinh từ của Đại vương, tôn ông là bậc thượng vụ, sánh tựa công lao kỳ vĩ của Thái Công Vọng khi xưa giúp Vũ vương nhà Chu.

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự, nhà chính trị – văn hóa lớn của lịch sử Việt Nam. Nhưng nhắc tới Trần Quốc Tuấn, trước hết là nhắc tới một nhân cách vĩ đại. Nói như Phan Bội Châu, Hưng Đạo vương “lập được công lớn, dẹp yên được giặc mạnh”, trở thành “người anh hùng bậc nhất chống ngoại xâm” là “nhờ có ba điều”: “thứ nhất là lòng nhiệt thành”, “thứ hai là có kiến thức cao” và “thứ ba là nhân cách cao thượng”(11). Giữa ông với các vua Trần luôn duy trì những mối quan hệ tốt đẹp, thủy chung như nhất. Đó có thể được coi là ví dụ điển hình, biểu trưng cho tinh thần hòa đồng, gắn kết trong dòng tộc nhà Trần; cũng là cội nguồn sức mạnh của hào khí Đông A, tạo nên những thành tựu rực rỡ về võ công, văn trị một thời. Xin được dẫn lời của Bắc kỳ Kinh lược đại sứ Hoàng Cao Khải, khắc trong bia văn đền Vạn Kiếp để ca ngợi khí tiết và sự nghiệp cái thế của Đức thánh Trần: “Với nhà Trần, vương (Trần Hưng Đạo – TG) là người tin cậy giữ thành, giữ nước, gửi trọng trách nơi triều đình, được mọi người quy phụ, chư tướng dốc lòng. Giả sử nghe lời di huấn của cha, vua nhỏ dễ lộng quyền, hoặc thay rèm đổi ngôi, hoặc đổi ấn xưng vương… Ngài thì đang khi nguy cấp lại an nhàn chấn chỉnh, ngôi vị cực tôn lại xử sự khiêm nhường, cầm dao kể tội con hư, bỏ đầu nhọn theo hầu xa giá. Môn hạ không gây bè đảng, xã tắc phúc bởi điều hòa. Vì thế mà vén trời vạch đất, là vĩ nhân của muôn đời. Xuất quỷ nhập thần, là hạo nhiên chính khí giữa khoảng trời đất”(12).

________________

1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.374.

2. Ngô Thì Sỹ, Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr.400.

3, 4, 5, 7, 8, 9, 10. Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.28-29, 34, 106, 37, 80, 54, 72.

6. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.258.

11. Phan Bội Châu, Toàn tập, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.413.

            12. Hưng Đạo vương từ bi ký, in trong Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.498.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012

Tác giả : Phạm Đức Anh

4.5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *