Quan hệ truyền thống – hiện đại trong phát triển văn hóa quân nhân là sự xâm nhập, tác động, ảnh hưởng qua lại được biểu hiện thông qua sự quy định, tương tác, chuyển hóa truyền thống – hiện đại diễn ra ở quá trình nâng cao tâm thức, hành xử, phát huy, khẳng định giá trị văn hóa quân nhân trong hoạt động quân sự. Phát triển văn hóa quân nhân, là quá trình tiếp nhận, kế thừa, lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc để nâng cao tâm thức văn hóa, hành xử văn hóa và khẳng định giá trị văn hóa quân nhân.
1. Biểu hiện của quan hệ truyền thống – hiện đại trong nâng cao tâm thức văn hóa quân nhân
Nâng cao tâm thức văn hóa quân nhân là quá trình quân nhân trau dồi, nâng cao tình cảm, ý chí, tri thức thông qua lĩnh hội, làm giàu thêm vốn văn hóa của mình. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, quân nhân muốn thực hiện tốt nhiệm vụ trước hết phải có nhận thức đúng, có tình cảm, ý chí và tri thức, bởi vậy trong tâm thức quân nhân luôn diễn ra sự quy định, tương tác, chuyển hóa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại.
Sự quy định truyền thống – hiện đại trong tâm thức văn hóa quân nhân biểu hiện trước hết là sự quy định của truyền thống đối với hiện đại, sự quyết định của yếu tố nền tảng với yếu tố tiến bộ. Trên nền tảng truyền thống văn hóa của cá nhân, gia đình, tộc người, địa phương, quân nhân tiếp nhận thêm các giá trị văn hóa quân sự, các giá trị văn hóa hiện đại để bổ sung, làm giàu tri thức văn hóa của mình, từ đó củng cố tình cảm, ý chí, định hướng mọi hoạt động văn hóa của họ khi tham gia hoạt động quân sự. Đồng thời, ở một mức độ nhất định, hiện đại quy định truyền thống, đó là sự quyết định của yếu tố tiến bộ với yếu tố nền tảng, đòi hỏi truyền thống phải luôn hòa hợp với cái mới, mang hơi thở của thời đại nếu không muốn bị lạc hậu.
Sự tương tác truyền thống – hiện đại trong tâm thức quân nhân biểu hiện chủ yếu ở hai chiều: tích cực và tiêu cực khi tiếp nhận, chuyển tải, thâu hóa các giá trị văn hóa của quân nhân. Đặc biệt, trước thực trạng nhu cầu về cái mới, cái đẹp, cái khác trong văn hóa luôn luôn diễn ra và trở thành một xu hướng chính ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình phát triển. Xu hướng này làm lệch trục truyền thống – hiện đại thường dẫn đến tâm thức thiên về hiện đại nhiều hơn truyền thống. Khi mất gốc hoặc phai nhạt truyền thống, có thể có cảm giác đang tiếp cận các giá trị văn hóa mới hơn, linh hoạt hơn, nhưng thực ra bản sắc văn hóa đã biến chất hoặc mang hình thái khác. Bên cạnh đó, sức ỳ to lớn của truyền thống kết hợp với sự kháng cự, không tiếp nhận cái mới, bản thân văn hóa tạo nên tâm thức bài ngoại, xa lánh yếu tố hiện đại, dẫn đến một nền văn hóa thủ cựu, lạc hậu so với sự phát triển của thời đại. Do vậy, văn hóa cũng như con người, không thể phát triển bền vững nếu bị tác động tiêu cực của sự lệch trục truyền thống – hiện đại. Và để định hướng đúng cho sự phát triển, chúng ta buộc phải ngăn chặn sự tác động tiêu cực, đồng thời, tập trung phát huy chiều tích cực bằng cách tạo ra sự đồng tốc hai yếu tố này không ngừng nâng cao tâm thức cho quân nhân qua giáo dục, lĩnh hội, tiếp nhận, bổ sung tri thức văn hóa hàng ngày.
Sự chuyển hóa truyền thống – hiện đại trong nâng cao tâm thức văn hóa quân nhân diễn ra trong suốt quá trình nhập thân văn hóa, từ khi người thanh niên rời gia đình, xóm làng bước vào quân đội; được biểu hiện ở quá trình tích lũy số lượng tri thức văn hóa truyền thống – hiện đại, hình thành chất lượng văn hóa quân nhân trong hoạt động quân sự. Khi đó toàn bộ giá trị văn hóa quân sự được bổ sung thêm vào trở thành cốt lõi của văn hóa quân nhân, làm cho quân nhân vượt về chất so với trước lúc vào quân đội.
2. Biểu hiện của quan hệ truyền thống – hiện đại trong nâng cao hành xử văn hóa cho quân nhân
Hành vi văn hóa của quân nhân được bắt nguồn và là biểu hiện của truyền thống ứng xử văn hóa dân tộc, phản ánh phương thức ứng xử của quân nhân đối với thiên nhiên, con người, xã hội và với bản thân họ. Trong hoạt động quân sự, truyền thống ứng xử văn hóa của dân tộc được cụ thể hóa thành hành vi ứng xử nhằm giải quyết các mối quan hệ của quân nhân như với đồng chí đồng đội (yêu thương gắn bó, đoàn kết); với đơn vị (tích cực xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan đơn vị); với giặc (đã đánh là thắng); với nhân dân (hiếu với dân, giúp đỡ dân)… Tuy nhiên, những biểu hiện ứng xử này đang bị ảnh hưởng bởi các giá trị hiện đại qua sự quy định, tương tác, chuyển hóa giữa các giá trị truyền thống – hiện đại, và do đó nâng cao hành xử văn hóa cho quân nhân không hẳn là việc dễ dàng.
Sự quy định truyền thống – hiện đại trong nâng cao hành xử văn hóa cho quân nhân biểu hiện: qua cách ứng xử, giao tiếp văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, ăn mặc, phong tục tập quán, tiếp xúc, quan hệ, trao đổi ngôn ngữ của một quân nhân cũng như của cả quân đội. Trên lĩnh vực văn hóa, do sự quy định theo chuẩn mực hiện đại, một số giá trị truyền thống không còn phù hợp hoặc quá yếu sẽ bị lấn át. Sự lấn át này không những làm xáo trộn truyền thống mà còn khiến cho các tiêu chí, tiêu chuẩn lẫn lộn khó có thể xác định được đó là truyền thống của dân tộc nào. Hoặc do sự quy định của truyền thống quá lớn làm cho các giá trị của hiện đại khó xâm nhập vào, gây cản trở cho quá trình đổi mới văn hóa. Hành xử văn hóa của quân nhân cũng bị sức hấp dẫn của hiện đại chi phối, ảnh hưởng, lôi cuốn làm cho lối hành xử trở nên xa lạ, không phù hợp với truyền thống với môi trường quân đội.
Sự tương tác truyền thống – hiện đại trong nâng cao hành xử văn hóa cho quân nhân, biểu hiện ở chiều tích cực, vẫn mang đậm nét những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của nhiều yếu tố, dẫn đến chiều tương tác tiêu cực có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, luân thường đạo lý, xã hội, mà nổi cộm những cách hành xử đáng lên án như vô cảm, bỏ mặc, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, làm cho đạo đức, ứng xử văn hóa xuống cấp, khiến cho sự phân biệt giữa các hành vi ứng xử đúng, sai, thiện, ác, có văn hóa, vô văn hóa… trở nên khó khăn. Có khi một hành xử đẹp lại được mạng internet bàn luận sôi nổi nhưng với chiều tiêu cực làm cho người hành xử đẹp ấy cảm thấy xấu hổ, tổn thương. Tất cả những tương tác trên đang tác động mạnh tới hành xử văn hóa của quân nhân.
Biểu hiện chuyển hóa truyền thống – hiện đại trong nâng cao hành xử văn hóa cho quân nhân chủ yếu thông qua việc vừa học tập gìn giữ, phát huy cách ứng xử văn hóa truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu, thâu nhận những cách ứng xử văn minh ở các quan hệ văn hóa tốt đẹp từ đời sống xã hội, đời sống quân sự hiện tại, đi đôi với việc bài trừ các yếu tố xấu độc, phản văn hóa và cách ứng xử vô văn hóa.
3. Biểu hiện của quan hệ truyền thống – hiện đại trong khẳng định giá trị văn hóa quân nhân
Giá trị văn hóa quân nhân được hình thành thông qua hoạt động quân sự, được biểu hiện ở việc nhận thức đúng giá trị văn hóa, vận dụng các tri thức văn hóa phù hợp hoàn cảnh và khẳng định giá trị của mình, được tập thể quân nhân, xã hội công nhận. Giá trị đó là kết quả phản ánh cái hùng, cái dũng, cái đẹp từ tâm thức đến hành xử trong hoạt động quân sự, làm cho giá trị văn hóa của quân nhân được tập thể, đơn vị quân đội và xã hội ghi nhận.
Sự quy định truyền thống – hiện đại trong phát huy khẳng định giá trị văn hóa quân nhân được biểu hiện qua việc giữ vững các giá trị, phẩm chất quân nhân cách mạng trong mọi hoàn cảnh; qua hàm lượng giá trị văn hóa kết tinh trong tâm thức và cách hành xử trong các quan hệ xã hội được ghi nhận là hợp chuẩn với giá trị của văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự. Trong tiến trình phát triển văn hóa của dân tộc Việt Nam, nhờ có tâm thức luôn Việt hóa các giá trị văn hóa từ bên ngoài vào làm giàu truyền thống văn hóa dân tộc mà dân tộc ta đã tồn tại, phát triển vững mạnh. Bởi vậy, cần không ngừng phát huy truyền thống văn hóa dân tộc truyền thống văn hóa quân sự, truyền thống đơn vị cơ sở và định hướng Việt hóa các giá trị văn hóa hiện đại làm nền tảng trong xây dựng giá trị văn hóa quân nhân, từ đó phát huy giá trị văn hóa quân nhân, bằng thực tiễn tiếp tục nêu cao các giá trị, phẩm chất, truyền thống được hun đúc trong dựng nước, giữ nước của dân tộc, của quân đội.
Sự tương tác truyền thống – hiện đại trong phát huy giá trị văn hóa quân nhân được biểu hiện ở hai chiều: Bên cạnh chiều tác động tích cực của truyền thống văn hóa dân tộc về phẩm chất, nhân cách con người, giá trị văn hóa quân sự, là động lực cho quân nhân học tập, vươn tới thì chiều tiêu cực tồn tại là phong cách gia trưởng, sự độc tôn, sức ì, sự dựa dẫm vào tập thể, lề lối làm việc thiếu linh hoạt… gây cản trở lớn tới việc khẳng định giá trị văn hóa quân nhân. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn khoét sâu vào văn hóa, phủ nhận, xuyên tạc các giá trị truyền thống dân tộc, các biểu tượng văn hóa, danh nhân văn hóa, tuyên truyền các giá trị văn hóa hiện đại của phương Tây, dùng hiện đại xóa bỏ truyền thống nhằm tạo ra sự tự chuyển hóa, tự diễn biến trong tâm thức, hành xử, làm lu mờ, lãng quên các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các mâu thuẫn trong quan hệ truyền thống – hiện đại như: sự mẫu mực, nghiêm khắc của truyền thống quân đội với sự linh hoạt, mềm dẻo bên ngoài quân đội, sự xung đột giữa những giá trị, phẩm chất cũ với những giá trị, phẩm chất mới của con người Việt Nam từ truyền thống tới hiện đại… cần được chú trọng giải quyết để có thể phát huy giá trị văn hóa quân nhân trong bối cảnh mới.
Sự chuyển hóa truyền thống – hiện đại trong phát huy khẳng định giá trị văn hóa quân nhân biểu hiện ở quá trình phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với tiếp thu những giá trị văn hóa hiện đại để làm mới giá trị văn hóa, làm các giá trị văn hóa vừa truyền thống, vừa hiện đại, thực sự tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Quá trình này giúp cho phát triển văn hóa quân nhân không lệch chuẩn bởi quá trình chuyển hóa đó làm người quân nhân tích đủ lượng truyền thống và hiện đại, chuyển thành chất đặc thù mang đậm bản chất cách mạng của quân đội nhân dân Việt Nam vừa phù hợp với sự phát triển của thời đại, đáp ứng yêu cầu trong xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
2. Nhiều tác giả, Bản sắc văn hóa Việt Nam, nền tảng của những chiến thắng quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015.
3. Đinh Ngọc Thạch, Hiện tượng “lệch chuẩn” và ứng xử văn hóa của người Việt trong điều kiện hiện nay, Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, Nxb Đại học quốc gia TP. HCM, 2015.
4. Ngô Đức Thịnh, Giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống và biến đổi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.
Tác giả: Đỗ Tiến Dũng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng