Theo số liệu của Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Thái Bình có 2.969 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật chùa Keo và Khu Di tích Đền Trần, lăng mộ các vị vua nhà Trần), 114 di tích quốc gia, 550 di tích cấp tỉnh và 2.138 di tích trong danh mục kiểm kê (1). Các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình đa dạng về loại hình, được phân bố rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Trong thời gian qua, công tác quản lý di tích lịch sử – văn hóa ở tỉnh Thái Bình đã được các cấp quản lý và các ngành liên quan quan tâm, đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác quản lý di tích nơi đây.
1. Thực trạng công tác quản lý di tích lịch sử – văn hóa ở Thái Bình
Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ di tích nói chung, các di tích được Nhà nước xếp hạng, di tích trong danh mục kiểm kê nói riêng ở tỉnh Thái Bình luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành VHTTDL Thái Bình quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh; phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Thực hiện Luật Di sản văn hóa, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 2319/QĐ-UBND ngày 11-6-2019 về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh (2) và Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 27-6-2019 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình (3). Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình giao cho Sở VHTTDL là cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh quản lý Nhà nước các di tích trên địa bàn tỉnh; UBND cấp huyện, thành phố quản lý các di tích trên địa bàn huyện, thành phố và trực tiếp quản lý di tích quốc gia đặc biệt, quần thể di tích; UBND cấp xã trực tiếp quản lý các di tích ở địa phương bao gồm di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và đối tượng kiểm kê; các di tích thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân thì UBND cấp xã giao cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật. Đối với mỗi di tích lịch sử – văn hóa được Nhà nước xếp hạng, chính quyền địa phương cấp xã thành lập Ban quản lý di tích, số lượng từ 7-13 người. Thành phần gồm đại diện chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể quần chúng và chủ sở hữu di tích. Thực tế, với số lượng di tích được Nhà nước xếp hạng, toàn tỉnh hiện có hàng nghìn người là thành viên Ban quản lý các di tích, qua đó phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong việc huy động các nguồn lực xã hội, đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các di tích.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Hiệp Hòa kiểm tra công trình đã được tu bổ, tôn tạo.
Ảnh: sovhttdl.thaibinh.gov.vn
Từ khi Luật Di sản văn hóa được ban hành, đặc biệt là Thông tư số 09/TT-BVHTTDL ngày 14-7-2011 của Bộ VHTTDL quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng các di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh có hiệu lực, công tác nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng có nhiều chuyển biến. Trên cơ sở đề nghị của chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh (nay sáp nhập về Bảo tàng tỉnh Thái Bình) đã phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành phố thành lập Đoàn khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ di tích trình Hội đồng khoa học xem xét, trình UBND tỉnh công nhận. Việc lập hồ sơ di tích được thực hiện bài bản, chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý và khoa học theo quy định pháp luật. Giai đoạn 2009-2020, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có từ 3-5 di tích được Bộ VHTTDL xếp hạng cấp quốc gia, từ 8-20 di tích được UBND tỉnh xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích sau khi được xếp hạng đều được các địa phương tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ theo quy định; phát huy vai trò giá trị di sản trong đời sống tinh thần thông qua các sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với lễ hội truyền thống ở mỗi địa phương. Công tác kiểm kê di tích cũng được ngành VHTTDL tỉnh đẩy mạnh nhằm quản lý chặt chẽ hệ thống di tích, tránh tình trạng di tích bị bỏ quên và xuống cấp. Đến nay, Sở VHTTDL đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành 4 đợt tổng kiểm kê di tích vào các năm 1962, 1977, 2007, 2014. Trên cơ sở số liệu kiểm kê, Sở VHTTDL đã tiến hành phân loại theo thiết chế văn hóa và theo các loại hình di tích. Sở VHTTDL đã tổng hợp, phân loại các loại hình di tích. Hiện, toàn tỉnh có 731 đình, 425 đền, 425 miếu, 869 chùa, 401 từ đường, 21 địa điểm lịch sử, 97 di tích thuộc các loại hình khác (4). Hệ thống các di tích này đã và đang được các cấp chính quyền, người dân các địa phương chung tay bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Trên cơ sở kết quả công tác kiểm kê, nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích được quan tâm thực hiện hiệu quả. Hằng năm, Sở VHTTDL đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá thực trạng hệ thống di tích; từ đó bố trí nguồn kinh phí để tu bổ chống xuống cấp từ 30-50 di tích/năm với mức kinh phí 40 triệu đồng/ di tích (5). Bên cạnh đó, đối với các di tích trọng điểm, những năm gần đây được tu bổ hoàn toàn bằng nguồn kinh phí nhà nước cấp, có thể kể đến như: chùa Lãng Đông, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương được cấp 19 tỷ đồng, chùa Cần Tu, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng được cấp kinh phí 23 tỷ đồng. Miếu Ba Thôn, chùa Hưng Quốc, xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy được cấp 29 tỷ đồng… Bên cạnh đó, nhiều di tích được thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa đã góp phần vào công tác bảo tồn di tích trên địa bàn tỉnh.
Về công tác tuyên truyền và phát huy giá trị di tích, Phòng Nghiệp vụ văn hóa chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và viết bài tuyên truyền giới thiệu di tích trên trang thông tin điện tử của ngành. Ban quản lý các di tích ở địa phương tự thuyết minh, hướng dẫn cho khách tham quan du lịch.
2. Một số vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý di tích lịch sử – văn hóa ở Thái Bình
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác quản lý di tích lịch sử – văn hóa ở Thái Bình còn đặt ra một số vấn đề bất cập đòi hỏi phải khắc phục để từ đó nâng cao hiệu quả quản lý như sau:
Một là, về bộ máy quản lý và phân cấp quản lý. Bộ máy quản lý còn có những bất cập, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao, không chỉ ở cấp tỉnh mà cả ở cấp huyện, xã, đặc biệt là trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác ở cấp huyện, xã còn thấp, có những cán bộ được đào tạo theo đúng chuyên ngành nhưng lại ít được tiếp xúc với công việc, ít có điều kiện tham gia vào việc xây dựng các kế hoạch, đề án nên khi triển khai và đề xuất phương pháp giải quyết còn lúng túng, việc chủ động trong công việc còn thụ động. Một số nơi hoạt động xây dựng, tôn tạo di tích sai quy định như: đưa các tượng, đồ thờ tự mới vào di tích, tô lại tượng và đồ thờ tự. Có nơi chính quyền cơ sở cho xây dựng những công trình mới trong khu vực di tích mà không xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa theo quy định. Những việc như thế vô hình trung đã làm biến dạng di tích. Khi cơ quan có thẩm quyền về văn hóa phát hiện ra thì “việc đã rồi” rất khó khắc phục.
Thứ hai, hiện nay tỉnh Thái Bình chưa ban hành quy chế quản lý di tích lịch sử – văn hóa, dẫn đến tình trạng các mô hình quản lý di tích chưa được thống nhất, phân cấp quản lý chưa rõ ràng và phụ thuộc vào từng địa phương. Đơn cử như trường hợp có 2 di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh là: di tích chùa Keo (huyện Vũ Thư) và khu Đền Trần, lăng mộ các vị vua nhà Trần (huyện Hưng Hà) đều phân cấp do cấp huyện quản lý. Tuy nhiên, Ban Quản lý di tích chùa Keo do Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Vũ Thư làm trưởng ban, trong khi Ban Quản lý di tích đền Trần và lăng mộ các vị vua nhà Trần lại do Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà làm trưởng ban. Việc chưa thống nhất được mô hình quản lý di tích trên địa bàn tỉnh gây khó khăn cho công tác quản lý di tích.
Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản Nhà nước có liên quan đến di tích được quan tâm. Tuy nhiên, do việc tuyên truyền chưa thường xuyên nên người dân vẫn chưa thực sự hiểu và vận dụng các văn bản này vào công tác bảo tồn di tích. Việc tuyên truyền giáo dục bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng thiếu tập trung, điểm nhấn. Hiện nay, ý thức về bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng rất khác nhau và có sự phân hóa trong cách ứng xử với di sản văn hóa, bên cạnh những người đóng góp tiền của để tu bổ, tôn tạo di tích, tô lại tượng, đúc lại chuông… vẫn còn xuất hiện những cá nhân vi phạm Luật Di sản văn hóa, lấn chiếm đất di tích…
Thứ tư, công tác hướng dẫn chuyên môn về quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng chưa cụ thể, chưa sát tình hình thực tế, tính thiết thực và hiệu quả chưa cao. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý di tích trên địa bàn, tạo điều kiện cho sự xâm phạm, lấn chiếm di tích (trước và sau khi xếp hạng). Một số cấp chính quyền địa phương chưa chú ý việc trông nom, chăm sóc di tích, coi di tích là của cộng đồng hoặc của Nhà nước (đối với những di tích đã được xếp hạng). Phần lớn di tích trước khi đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh không được đầu tư chống xuống cấp. Việc xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn hạn chế. Bên cạnh đóng góp to lớn của nhân dân vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng còn một số địa phương mang nặng tâm lý trông chờ vào Nhà nước, khi di tích được Nhà nước xếp hạng bị xuống cấp thì trông chờ vào ngân sách Nhà nước hỗ trợ, trong khi đó lại huy động nhân dân đóng góp cho việc tu sửa những công trình chưa được Nhà nước xếp hạng.
Mặt khác, thiếu sự hướng dẫn nghiệp vụ đối với những đóng góp của tổ chức, cá nhân cho việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Trong thời gian qua, có nhiều nhà hảo tâm công đức cho việc tu sửa di tích, tuy nhiên, do hạn chế về công tác tổ chức, cán bộ chuyên môn ở các cấp, cộng với sự tiếp nhận không có chọn lọc của những người trực tiếp trông nom di tích và chính quyền cơ sở nên các cơ quan chuyên môn chưa kiểm soát được việc tu bổ, tôn tạo di tích bằng các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước dẫn đến tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích tùy tiện ở một số nơi… không ít trường hợp đã làm sai lệch và giảm giá trị di tích.
Việc quản lý nguồn tiền công đức, có nơi chưa được công khai minh bạch và chưa được đầu tư trở lại để tu bổ di tích như tại Di tích quốc gia đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, mọi nguồn thu đều do thủ nhang quản lý và toàn quyền sử dụng. UBND xã, huyện không có thông tin về số tiền công đức và quản lý nguồn tiền này tại di tích (6).
Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm tại di tích đã được chú trọng, tuy nhiên nhiều vụ việc phát sinh trong thực tế chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí còn lúng túng trong quá trình xử lý như: xây mới di tích tại địa điểm khác xảy ra tại cụm di tích đình, chùa làng Ngùi, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà; tu bổ không phép xảy ra ở đình làng Bồng Lai, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư; Ban Quản lý di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà đã tự tiện tiếp nhận và đặt sáu bia đá trong khu vực bảo vệ 1 của di tích do một hội đồng hương tại nước ngoài công đức mà không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền (7).
Với những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý di tích nêu trên, thời gian tới, ngành VHTTDL Thái Bình cần tập trung vào các nhóm giải pháp như về hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa; nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực chuyên môn của bộ máy quản lý di tích; nâng cao hiệu quả hoạt động và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử – văn hóa ở Thái Bình trong thời gian tới.
__________________
1. UBND tỉnh Thái Bình, Quyết định số 3591/ QĐ-UBND ngày 31-12-2018 của UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
2. UBND tỉnh Thái Bình, Quyết định số 2319/QĐ-UBND ngày 11-6-2019 về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
3. UBND tỉnh Thái Bình, Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 27-6-2019 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
4, 5, 6, 7. Bảo tàng tỉnh Thái Bình, Báo cáo tổng kết công tác quản lý di tích năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Ths NGUYỄN TRI PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%