Quản lý hoạt động của Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam


Bảo tàng Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam (BTHC) là cơ quan lưu giữ các kỷ vật, hiện vật, tài liệu khoa học, tuyên truyền giáo dục về truyền thống vẻ vang của ngành Hậu cần quân đội với khách trong nước và quốc tế. Ngày 4-4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm triển lãm “Sáng kiến kỹ thuật của ngành Hậu cần quân đội” do BTHC tổ chức, Người để lại bút tích: “Cuộc trưng bày lần này của Tổng cục Hậu cần chứng tỏ, Quân đội ta đã có cố gắng nhiều và đã có thành tích khác trên con đường cải tiến kỹ thuật, nhằm tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, lãng phí. Cần phải phổ biến và kinh nghiệm ấy cho toàn quân, toàn dân áp dụng và góp thêm ý kiến”. Năm 2009, Tổng cục Hậu cần quyết định lấy ngày 4-4-1959 là ngày truyền thống của BTHC.

Trải qua quá trình hoạt động, BTHC đã được Bộ Quốc phòng ra quyết định xếp hạng II trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam. Năm 2003, được Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới. Ngày 15-1-2009, BTHC tổ chức khánh thành và đi vào hoạt động ở địa điểm mới, tại khu đô thị mới Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Trong quá trình xây dựng và phát triển, BTHC đã tích cực sưu tầm, lưu giữ quản lý được trên 18.000 tài liệu hiện vật có giá trị.

Hiện nay, BTHC đã và đang tập trung vào công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, triển lãm, tuyên truyền giáo dục, giới thiệu về lịch sử truyền thống, những thành tựu lớn của ngành Hậu cần quân đội. Để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển bảo tàng trong nước và trên thế giới, thời gian qua, BTHC đã không ngừng nâng cao năng lực quản lý trong đó tập trung vào đổi mới các khâu công tác chuyên môn nghiệp vụ, để nâng cao chất lượng hoạt động với công chúng và xã hội.

1. Thực hiện tốt quy chế hoạt động và xây dựng kế hoạch

Để thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động, các bảo tàng đều phải dựa vào các văn bản quy định của cơ quan quản lý trực tiếp. Từ đó cơ quan chủ quản trực tiếp của bảo tàng hoặc bảo tàng ban hành quy chế hoạt động hiệu quả, đúng mục đích, đúng chức năng và nhiệm vụ. Nội dung quy chế hoạt động phải cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động của bảo tàng. Nắm chắc quy trình quản lý, trên cơ sở các văn bản quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ VHTTDL, quy chế hoạt động của Bảo tàng Việt Nam, Quy chế hoạt động của các Bảo tàng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, BTHC đã soạn thảo quy chế hoạt động trình Thủ trưởng Cục Chính trị – Tổng cục Hậu cần phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy chế hoạt động kèm theo Quyết định số 892/QĐ-CT ngày 29-12-2011 do Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hậu cần đã ký và ban hành.

Cùng với việc thực hiện Quy chế, BTHC luôn bám sát các kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Cục Chính trị – Tổng cục Hậu cần để xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm, hằng tháng cho từng hoạt động, từng nhiệm vụ, sát thực tế của Bảo tàng và đúng chủ trương, chỉ đạo của cấp trên, như xây dựng kế hoạch chiến lược 10 năm, 5 năm, một nhiệm kỳ, một năm cho các hoạt động. Ngoài ra, BTHC còn bám sát các hoạt động, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, quân đội và ngành Hậu cần quân đội, kỷ niệm truyền thống của các đơn vị trong Tổng cục, để sớm nắm bắt chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch hoạt động như: trưng bày, triển lãm, tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học, sưu tầm, truyền thông, tuyên truyền giáo dục, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm truyền thống của bảo tàng… Việc thực hiện quy chế và xây dựng kế hoạch khoa học, nền nếp giúp BTHC thuận tiện cho công tác quản lý hoạt động theo đúng định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan cấp trên và điều hành tổ chức thực hiện của Ban lãnh đạo Bảo tàng.

2. Quản lý các hoạt động chuyên môn

Hoạt động nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động rất quan trọng của BTHC và được thực hiện ở tất cả các khâu công tác như: sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền giáo dục, trong đó đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu hiện vật gốc, nghiên cứu xây dựng đề cương sưu tầm, trưng bày, triển lãm, bảo tồn tôn tạo di tích, đồng thời thường xuyên thực hiện việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, các chương trình, dự án, đề án khác theo kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của BTHC. Hoạt động nghiên cứu khoa học của BTHC đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ, đồng thời làm cơ sở để tổng kết về mặt lý luận và thực tiễn ở BTHC, đưa ra các dự báo tình hình, nhu cầu phát triển, định hướng trong những năm tới và xây dựng những hoạch định chiến lược, kế hoạch hoạt động phát triển của BTHC. Trong thời gian qua, BTHC đã thực hiện được 1 đề tài khoa học cấp Bộ, 2 đề tài cấp cơ sở, nghiên cứu biên soạn được 5 đầu sách phục vụ cho nhiệm vụ chính trị trên giao và chuyên môn nghiệp vụ của BTHC.

Hoạt động sưu tầm

Hiện vật Bảo tàng luôn giữ vai trò trọng tâm, vì không có hiện vật bảo tàng, thì không có hoạt động bảo tàng theo nguyên tắc bảo tàng học. Do đó, bảo tàng cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, coi đây là một trong những hoạt động nghiệp vụ cơ bản, có vị trí quan trọng hàng đầu trong các hoạt động của BTHC. Nghiên cứu sưu tầm, thu thập hiện vật và tư liệu hóa khoa học những tài liệu, hiện vật nhằm phục vụ cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bảo tàng, là cơ quan văn hóa giáo dục khoa học, phục vụ cho sự phát triển của xã hội.

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động sưu tầm, ngay từ những năm đầu mới thành lập, BTHC đã luôn chỉ đạo công tác sưu tầm để tích cực làm giàu hiện vật ở kho cơ sở. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, hoạt động sưu tầm của BTHC đã có nhiều đổi mới sáng tạo. Trong 9 năm phát động, đã tổ chức tiếp nhận được 12 đợt với trên 4.000 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về ngành Hậu cần quân đội có giá trị về lịch sử, văn hóa. Đây không chỉ là nguồn sưu tầm tiềm năng, mà là địa chỉ tin cậy để các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, cán bộ, chiến sĩ trên mọi miền của đất nước gửi gắm, đóng góp hiện vật cho BTHC. Chính vì vậy, số lượng hiện vật không ngừng được nâng cao, tính đến nay BTHC đang quản lý trên 18.000 tài liệu hiện vật có giá trị. Tính từ năm 2014 đến nay, BTHC đã sưu tầm được trên 6.450 hiện vật và 5.180 ảnh tư liệu. Đây là nguồn tài liệu hiện vật cơ bản để bổ sung vào trưng bày thường xuyên tại BTHC và phục vụ tốt cho các đợt trưng bày triển lãm đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, BTHC còn lựa chọn, giới thiệu các kỷ vật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sách kỷ yếu, tạp chí trong và ngoài quân đội.

Hoạt động kiểm kê – bảo quản hiện vật

Công tác kiểm kê hiện vật là một hoạt động nghiệp vụ rất quan trọng, có nhiệm vụ nghiên cứu, xác lập các thủ tục pháp lý là lập hồ sơ khoa học cho hiện vật gốc của Bảo tàng. Quy trình kiểm kê hiện vật nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo quản, khai thác phát huy giá trị hiện vật, đảm bảo hiện vật phải có số đăng ký, bảo quản, khai thác phát huy giá trị hiện vật, đảm bảo hiện vật phải có số hiệu đăng ký pháp lý để chính thức thuộc sở hữu của Bảo tàng, phân loại hiện vật theo chất liệu và làm hệ thống phích phiếu để tra cứu hiện vật, tạo điều kiện cho công tác bảo quản, trưng bày, tuyên truyền giáo dục và thực hiện chức năng nghiên cứu, giáo dục của Bảo tàng. Thông qua công tác kiểm kê để làm sáng tỏ những giá trị thông tin chứa đựng trong hiện vật bằng hệ thống sổ đăng ký hiện vật gốc của Bảo tàng, được chỉ đạo duy trì thực hiện đều đặn trong những năm qua. Thực hiện Quy chế Kiểm kê hiện vật Bảo tàng (Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2006/QĐ-BVHTT ngày 15-9-2006 của Bộ trưởng Bộ VHTT, nay là Bộ VHTTDL), BTHC đã triển khai công tác kiểm kê theo đúng Quy chế và theo hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Di sản Văn hóa về công tác kiểm kê hiện vật, tiếp cận áp dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm kê quản lý hiện vật, các mẫu biểu đều thống nhất trong hệ thống bảo tàng toàn quân, toàn quốc. Tính từ năm 2014 đến nay, Bảo tàng đã lập hồ sơ và bổ sung thông tin vào hồ sơ hiện vật được 3.500 hồ sơ hiện vật, in ấn 15.000 mẫu biểu, phích phiếu các loại để phục vụ cho công tác kiểm kê hiện vật, bảo quản được 5.500 lượt hiện vật trong kho và hệ thống trưng bày.

Hoạt động trưng bày – triển lãm

Trưng bày bảo tàng là công tác tổ chức sắp xếp và trưng bày hiện vật theo hệ thống các chủ đề, sử dụng các trang thiết bị cần thiết để làm rõ ý tưởng, thông điệp mà bảo tàng muốn truyền đạt tới công chúng. Trưng bày được coi là dấu hiệu đặc trưng quan trọng nhất để phân biệt bảo tàng với các thiết chế văn hóa, giáo dục khác. Trưng bày là ngôn ngữ, là cầu nối giữa bảo tàng với xã hội, công chúng và là khâu giao tiếp quan trọng nhất. BTHC được trưng bày với quy mô lớn, có giải pháp trưng bày mới vừa truyền thống, vừa hiện đại, tăng tính hấp dẫn với khách tham quan. Diện tích trưng bày nội thất trên 3.500m2 trong nhà, 1.000m2 trưng bày ngoài trời, với khoảng trên 3.000 hiện vật và sưu tập hiện vật, được trưng bày theo tiến trình lịch sử.

Bên cạnh hoạt động trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng, BTHC còn phối hợp với các Bảo tàng quốc gia, Bảo tàng các địa phương, các Ban quản lý Di tích, hệ thống bảo tàng Quân đội tổ chức trưng bày chuyên đề và triển lãm lưu động, đưa văn hóa đến với bộ đội chiến sĩ và nhân dân, nhất là ở các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trung bình hằng năm, BTHC tổ chức từ 4 đến 6 cuộc trưng bày triển lãm, có năm do hội nghị, đại hội, các sự kiện, kỷ niệm ngày lễ lớn nhiều, BTHC tổ chức từ 10 đến 15 cuộc trưng bày, triển lãm. Tính từ năm 2014 đến nay, BTHC đã tổ chức được trên 50 cuộc trưng bày chuyên đề và triển lãm lưu động, được đông đảo công chúng đón nhận đánh giá cao, được Bộ Quốc phòng biểu dương, khen thưởng về thành tích trưng bày, triển lãm phục vụ công chúng.

Hoạt động tuyên truyền giáo dục

Hoạt động tuyên truyền giáo dục của bảo tàng nhằm chuyển giao có mục đích rõ ràng thông tin, những tri thức về khoa học, lịch sử văn hóa giúp cho việc hình thành thế giới quan, giáo dục tư tưởng đạo đức, thẩm mỹ cho con người phát triển toàn diện. Đặc biệt công tác tuyên truyền giáo dục ở các bảo tàng trong Quân đội phục vụ cho nhiệm vụ công tác Đảng, công tác Chính trị trong Quân đội, tập trung tuyên truyền giáo dục về tư tưởng chính trị, truyền thống yêu nước cách mạng, truyền thống đơn vị, góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất nhân cách cho cán bộ chiến sĩ trong Lực lượng vũ trang, đồng thời hướng nghiệp cho thế hệ trẻ về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, BTHC đã tập trung vào tổ chức hướng dẫn tham quan tại Bảo tàng với số lượng khách trung bình 90.000 lượt khách tham quan trong một năm; thường xuyên xây dựng các chương trình giáo dục đối với cán bộ chiến sĩ và các thành phần công chúng khác; tổ chức hội thảo, tọa đàm về truyền thống của ngành Hậu cần, các tướng lĩnh của Quân đội, của ngành Hậu cần Quân đội, các chuyên ngành trong ngành Hậu cần, các di tích lịch sử kháng chiến… Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng, Truyền hình Hà Nội và các báo, đài, phát thanh trong và ngoài Quân đội. Ngoài ra, Bảo tàng thường xuyên chủ động liên hệ, phối hợp với các trường đại học, trung học phổ thông, trung học cơ sở, các học viện nhà trường đào tạo sĩ quan trong Quân đội… để tổ chức đưa khách đến Bảo tàng, kết hợp tham quan và trải nghiệm ngoại khóa, như thi tìm hiểu truyền thống về Hậu cần Quân đội, mời các nhân chứng lịch sử nói chuyện chuyên đề…, tổ chức xuất bản các sách, ấn phẩm để tuyên truyền như tờ gấp, sách, những kỷ vật ngành Hậu cần Quân đội, các hình ảnh hoạt động của BTHC trong 60 năm qua. Có thể nói, công tác tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng rất tích cực, chất lượng hiệu quả hoạt động ngày càng cao.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý hoạt động của BTHC chưa được toàn diện, nhất là quản lý chất lượng, các hoạt động chuyên môn chưa cao, số lượng khách thăm quan còn chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của BTHC, bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, công tác huy động các nguồn lực cho hoạt động của Bảo tàng còn hạn chế, đòi hỏi cần có những giải pháp thích hợp, nhằm đưa hoạt động của Bảo tàng đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ của mình và nhiệm vụ của Tổng cục Hậu cần giao cho trong thời gian tới.

Để thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, về phát triển văn hóa Việt Nam nói chung và trong Quân đội nói riêng, đặc biệt là thực hiện bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể…”, BTHC phải có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý các hoạt động trong thời gian tới mới đáp ứng được yêu cầu chủ trương nhiệm vụ đặt ra. Đó là: Tiếp tục xây dựng ban hành các văn bản pháp lý, tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cho cán bộ nhân viên, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ của Bảo tàng, tăng cường công tác kiểm tra khen thưởng; Đẩy mạnh hoạt động sưu tầm và quản lý hiện vật; Đổi mới nội dung và hình thức trưng bày theo xu hướng hiện đại; Nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền giáo dục; Ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số hóa vào quản lý hoạt động của Bảo tàng, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên có tính chất quyết định nâng cao chất lượng quản lý các hoạt động của BTHC trong thời gian tới; Góp phần bảo toàn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa trong quân đội và của cả dân tộc.

Trong thời gian tới, với sự quan tâm của Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần, Cục Chính trị và sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, BTHC sẽ không ngừng đổi mới, phát huy hơn nữa các thế mạnh của mình, đồng thời khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng của ngành và sự đóng góp của các tổ chức trong và ngoài quân đội, giữ vững vị trí là một trong những địa chỉ “đỏ”, trung tâm giáo dục truyền thống cho các cán bộ chiến sĩ của Tổng cục Hậu cần, là điểm tham quan hấp dẫn của công chúng trong nước và quốc tế.

_____________

Tài liệu tham khảo

1.Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, 2, Nxb Quân đội nhân dân, 1995, 1999.

2. Tổng cục Hậu cần, Những kỷ vật Hậu cần Quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

5. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc Ra sức xây dựng giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Báo Hà Nội mới, số 18951, 25-11-2021

NGUYỄN THÙY DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *