Quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng nền văn hóa dân tộc


     Cách tiếp cận của Hồ Chí Minh về văn hóa và nền văn hóa theo nghĩa rộng, ở phương diện tinh thần nhưng lại có mặt ở tất cả các hoạt động của con người, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự phân biệt rõ ràng giữa văn hóa và nền văn hóa. Nếu như định nghĩa văn hóa phản ánh bản chất, đặc trưng của văn hóa thì định nghĩa nền văn hóa được hiểu dưới góc độ một hệ thống các yếu tố, chính là những lĩnh vực chính của đời sống xã hội, từ đạo đức, giáo dục, kinh tế đến chính trị, xã hội. Sự phân biệt giữa hai khái niệm văn hóa và nền văn hóa có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng trong thực tiễn xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

     1. Lý thuyết văn hóa

     Văn hóa học là ngành khoa học nhân văn nghiên cứu bản chất, những quy luật tồn tại và phát triển của văn hóa, nghiên cứu ý nghĩa nhân bản của văn hóa và những phương pháp tìm hiểu văn hóa (1). Văn hóa học có hai nghĩa: thứ nhất, là các khoa học về văn hóa khảo cổ học, dân tộc học, nhân loại học, xã hội học; thứ hai, là triết học văn hóa; nghiên cứu văn hóa học như một ngành khoa học cần phải nghiên cứu lý thuyết triết học. Lý thuyết văn hóa là lý thuyết triết học được xây dựng trên cơ sở dân tộc học, nhân loại học văn hóa, sử học, xã hội học, khảo cổ học.

     Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa, nhưng định nghĩa về văn hóa chỉ là một phần rất nhỏ của hình thái học văn hóa. Chẳng hạn: “Văn hóa là hoạt động sáng tạo của con người và của các cộng đồng (xã hội) người. Hoạt động sáng tạo ấy đã tạo nên một khối lượng sản phẩm cực kỳ phong phú và đa dạng, được sàng lọc và tích lũy từ trong quá khứ đến hiện tại, nhằm không ngừng cải thiện đời sống” (2). Hay “văn hóa là phương thức hoạt động sống đặc biệt của con người, làm xuất hiện nhiều phong cách sống, các dạng thức vật chất để biến đổi thiên nhiên và sáng tạo các giá trị tinh thần” (3). Về định nghĩa văn hóa, A.Kroeber và Cl.Kluckhohn đưa ra gần 150 định nghĩa, phân định thành các nhóm và mỗi nhóm có các nhánh khác nhau.

     Nhóm các định nghĩa chuẩn mực về văn hóa học liên quan đến lối sống của cộng đồng. Theo C.W Wissler, “lối sống mà một công xã hay bộ lạc tuân thủ được gọi là văn hóa”.

     Nhóm những định nghĩa tâm lý về văn hóa tạo thành nhóm lớn nhất. Ví dụ, W.Summer định nghĩa văn hóa “như là tổng thể những thích nghi của con người với các điều kiện sống của nó”. R.Benedict hiểu văn hóa như là hành vi ứng xử. G.Stein trình bày một quan điểm đặc biệt về văn hóa: sự tìm kiếm phép trị liệu trong thế giới hiện đại. M.Herskovits coi văn hóa “như là tổng số những hành vi và kiểu tư duy tạo nên một xã hội nào đó”.

     Những định nghĩa cấu trúc về văn hóa chiếm một vị trí đặc biệt. Trong đó đáng lưu ý hơn cả là quan điểm của R.Lintơn: “Văn hóa, xét cho cùng, đó là không phải cái gì khác hơn là những phản ứng có tổ chức được lặp đi lặp lại của các thành viên xã hội”. Còn J.Homignan cho rằng văn hóa bao gồm hai kiểu hiện tượng, thứ nhất là “hành vi hoạt động được xã hội chuẩn hóa, tư duy, tình cảm của một nhóm nào đó”; thứ hai là “những sản phẩm vật chất… nghiên cứu hành vi của một nhóm nào đó”.

     Trên thực tế còn có những định nghĩa văn hóa thuộc nhóm phát sinh, nhóm chức năng… Có thể kết luận rằng, các định nghĩa này đều nói đến hình thức tổ chức cuộc sống của con người, mà những đặc thù của nó thuộc về các dân tộc khác nhau (4).

     Mặc dù đã phân chia các định nghĩa văn hóa thành các nhóm khác nhau, nhưng hạn chế là A.Kroeber và Cl.Kluckhohn chỉ khái quát và phân loại các định nghĩa văn hóa dựa trên các tài liệu viết bằng tiếng Anh chứ không phải của tất cả các ngôn ngữ khác, do đó không thể kết luận đó là các định nghĩa văn hóa trên toàn thế giới.

     Cũng nghiên cứu và phân nhóm các định nghĩa văn hóa, tác giả KapuuH, tập hợp chia thành 14 nhóm.

     Định nghĩa miêu tả, liệt kê, miêu tả dài dòng, rất tiện để nghiên cứu dân tộc học nhưng không tiện để nghiên cứu triết học.

     Định nghĩa dân tộc học/ nhân học, xem văn hóa là thế giới nhân tạo, vật nhân tạo/ cái con người làm ra. Con người làm/sáng tạo ra văn hóa nhưng cũng là sản phẩm của văn hóa. Các vật thể văn hóa ảnh hưởng đến nhân cách con người. Định nghĩa văn hóa là thế giới nhân tạo mang tính khách quan.

     Định nghĩa giá trị, cái gì tốt mới là văn hóa, mang tính chủ quan, trái ngược với định nghĩa nhân học mang tính khách quan.

     Định nghĩa thiên về chuẩn mực: gắn với lối sống, gắn với xã hội học.

     Định nghĩa thích nghi, gắn với hoạt động; sống phải hoạt động, hoạt động là sống.

     Định nghĩa mang tính lịch sử.

     Định nghĩa mang tính nhu cầu/chức năng; thuyết chức năng gắn với nhu cầu.

     Định nghĩa mang tính ký hiệu học, liên quan đến văn bản, văn hóa xét đến cùng là văn bản.

     Định nghĩa mang tính biểu tượng; ví dụ: tại sao con rùa tượng trưng cho sự trường thọ, hiền lành, cây thông tượng trưng cho sự cứng cáp.

     Định nghĩa mang tính thông diễn học, tức nghiên cứu là phiên dịch; ví dụ: ký hiệu trên trống đồng nghĩa là gì?

     Định nghĩa văn hóa là thế giới tinh thần của con người.

     Định nghĩa mang tính tâm lý học, xem hành vi là văn hóa, chia thành hành vi vô thức và hữu thức; ví dụ: phong tục tập quán là làm theo vô thức, không cần ý thức nào cả nhưng nó cũng chính là văn hóa.

     Định nghĩa tri giác, văn hóa là học được/ do học mà có chứ ko phải là di truyền sinh học, văn hóa là do xã hội hình thành nên.

     Định nghĩa xã hội học, văn hóa là lối sống, mỗi truyền thống là văn hóa.

     Trên đây là các phân nhóm định nghĩa văn hóa, một phần nhỏ của hình thái học văn hóa. Có nhiều định nghĩa văn hóa khác nhau và đúng tương đối. Tuy nhiên, cách phân chia các định nghĩa văn hóa thành các nhóm như thế này cho thấy chỉ có 2 nhóm định nghĩa quán xuyến và đối chọi nhau là nhóm định nghĩa giá trị mang tính chủ quan và nhóm định nghĩa nhân học mang tính khách quan. Nhóm định nghĩa giá trị, vấn đề không chỉ là nó chủ quan mà cái ngầm ẩn của nó là văn hóa của châu Âu mới là giá trị, mới là hay, đáng là thống thị thế giới. Theo định nghĩa giá trị, văn hóa phải nói cái cao cả chứ không nói cái tầm thường.

     2. Phân biệt giữa hai thuật ngữ văn hóa và nền văn hóa

     Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, ở mục đọc sách trong Nhật ký trong tù có đoạn viết về ý nghĩa của văn hóa, có thể chia làm 3 ý.

     Ý thứ nhất: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa” (5). Xét về phân nhóm định nghĩa văn hóa của tác giả KapuuH ta thấy đây là định nghĩa miêu tả về văn hóa. Định nghĩa này không có ý định khái quát triết học mà liệt kê ra một số hiện tượng, bao gồm từ các lĩnh vực cao cấp nhất như: đạo đức, pháp luật, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo… cho đến những hiện tượng bình thường trong đời sống hằng ngày như ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Nhưng ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói đến giáo dục mặc dù giáo dục rất quan trọng.

     Ý thứ hai: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (6). Phương thức sinh hoạt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ở đây là lối sống. Theo quan niệm của các nhà xã hội học thì lối sống là toàn bộ phương thức ứng xử được khuôn mẫu hóa, vận hành ổn định trong một cộng đồng xã hội nào đó và đã trở thành truyền thống của họ. Theo quan niệm này thì mỗi truyền thống của một cộng đồng xã hội được xem là một văn hóa. Sinh hoạt tức là sống, phương thức sống tức là lối sống, như vậy, lối sống chính là văn hóa của cộng đồng người từ cách nhìn của môn xã hội học. Như vậy, đây là định nghĩa văn hóa theo cái nhìn xã hội học.

     Nếu có định nghĩa văn hóa nhấn mạnh vào đặc trưng sáng tạo, tức đặc trưng tâm lý của con người, thì có định nghĩa văn hóa lại nhấn mạnh vào đặc trưng xã hội của loài người. Đó là những quan hệ người được thể chế hóa thành lối sống, để một xã hội sống trong trật tự, bền vững.

     Định nghĩa văn hóa nào cũng đều có thể chấp nhận và đều đúng. Khi phân tích đặc trưng tâm lý học của văn hóa người, thì người ta có thể dùng cách này, còn khi nhận xét về đặc trưng xã hội học của con người, thì dùng cách khác. Người ta gọi là tiếp cận phân tích tâm lý học về văn hóa, hoặc tiếp cận phân tích xã hội học về văn hóa. Tiếp cận văn hóa theo các cách khác nhau sẽ giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ về văn hóa trong tính đa dạng, phong phú và phức tạp của nó. Đây là một đóng góp của Hồ Chí Minh trên phương diện lý luận văn hóa.

     Ý thứ ba: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc: xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập, tự cường; xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; xây dựng chính trị: dân quyền; xây dựng kinh tế” (7). Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc này chính là định nghĩa về nền văn hóa dân tộc.

     Khi định nghĩa văn hóa, người ta chỉ cần nêu lên những đặc trưng thể hiện các phẩm tính ưu việt riêng có của con người, khiến nó khác với động vật. Còn nền văn hóa là nói về văn hóa của một cộng đồng xã hội, sống trong một không gian và tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó. Như vậy, nền văn hóa được hình dung như một hệ thống cấu trúc, bao gồm nhiều phân tố hợp thành (8).

     3. Về xây dựng nền văn hóa dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

     Ở đoạn trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói xây dựng văn hóa, mà nói xây dựng nền văn hóa dân tộc; đưa ra cấu trúc bao gồm 5 thành tố tạo thành một hệ thống có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đó là: tâm lý – xây dựng tinh thần độc lập, tự cường, văn hóa ý thức, hệ tư tưởng về độc lập tự cường dân tộc; luân lý – xây dựng đạo đức cách mạng, văn hóa đạo đức; phúc lợi xã hội – mọi sự nghiệp đều liên quan đến phúc lợi của nhân dân; chính trị – xây dựng dân quyền, văn hóa chính trị (dân chủ); kinh tế – xây dựng văn hóa mưu sinh (làm giàu).

     Có thể diễn đạt hệ thống cấu trúc nền văn hóa dân tộc như sau:

     Năm điểm trên đây hợp thành hệ thống cấu trúc của nền văn hóa dân tộc, trong đó hệ tư tưởng “độc lập dân tộc” và đạo đức “biết hy sinh vì lợi ích chung” là các giá trị chủ đạo, có vai trò định hướng để toàn dân tộc phấn đấu vươn tới; chính trị chi phối toàn bộ sự vận hành của hệ thống; kinh tế là nền tảng vật chất đảm bảo cho hệ thống tồn tại và phát triển; phúc lợi xã hội là kết quả và cũng là mục tiêu vận hành của toàn bộ hệ thống.

     Ý tưởng xây dựng nền văn hóa dân tộc như xây dựng một hệ thống cấu trúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được người nhắc lại nhân dịp xem triển lãm nghệ thuật vào ngày 7-10-1945. Người nói: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa” (9).

     Từ phân tích trên đây, có thể thấy cách tiếp cận của Hồ Chí Minh về văn hóa và nền văn hóa theo nghĩa rộng, tức văn hóa là toàn bộ phương diện tinh thần nhưng lại có mặt ở tất cả các hoạt động của con người, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự phân biệt rõ ràng giữa văn hóa và nền văn hóa. Nếu như định nghĩa văn hóa phản ánh bản chất, đặc trưng của văn hóa thì định nghĩa nền văn hóa được hiểu dưới góc độ một hệ thống các yếu tố. Các yếu tố đó chính là những lĩnh vực chính của đời sống xã hội, từ xây dựng đạo đức, giáo dục, kinh tế đến chính trị, xã hội. Sự phân biệt giữa hai khái niệm văn hóa và nền văn hóa có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng trong thực tiễn xây dựng nền văn hóa dân tộc. Xây dựng nền văn hóa dân tộc phải đồng thời xây dựng một hệ thống cấu trúc của nền văn hóa toàn bộ, không thể xem nhẹ một thành tố nào (10).

     Trong hệ thống văn hóa ở nước ta, văn hóa chính trị luôn đóng vai trò chủ đạo, là yếu tố chi phối các văn hóa khác, chi phối sự vận hành của toàn bộ hệ thống. Do vậy, để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa “thực sự thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển” (11), trước hết phải bắt đầu từ văn hóa chính trị. Những nỗ lực nhằm phát triển các yếu tố khác trong hệ thống như đạo đức, giáo dục, kinh tế, xã hội chỉ có ý nghĩa thực sự khi văn hóa chính trị lành mạnh. Chỉ có thể có một nền văn hóa lành mạnh khi nó được đặt trong một hệ thống xã hội lành mạnh.

     Xây dựng nền văn hóa không thể tách rời với xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, giáo dục, xây dựng nền tảng đạo đức dân tộc và tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc. Qua cơ cấu này chúng ta thấy rằng nếu văn hóa suy thoái là lỗi hệ thống gồm nhiều yếu tố: kinh tế, chính trị, đạo đức, giáo dục, xã hội.

     Từ phân tích trên đây về quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng nền văn hóa dân tộc cho thấy quan niệm này có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam hiện nay. Nền văn hóa ấy phải được xây dựng song song với xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, đạo đức, giáo dục, xã hội.

____________

     1. A.A. Radughin, Văn hóa học, những bài giảng, Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.10.

     2, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Một số bài giảng của GS Hoàng Vinh: Suy ngẫm từ quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng nền văn hóa dân tộc; Thức nhận lại việc xây dựng văn hóa và con người nhằm mục tiêu phát triển; Vài suy nghĩ về văn hóa nhân đọc Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI (Tài liệu tham khảo – NCS khóa 2 Đại học Văn hóa Hà Nội).

     3, 4. A.A. Belik, Văn hóa học, những lý thuyết nhân học văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2002, tr.15.

     11. Lê Xuân Kiêu, Từ quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa, suy nghĩ về nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 6- 2018, tr.48.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Anh Quyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *