Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của nhân loại, đồ chơi dân gian chiếm một vị trí đáng chú ý. Là một loại hình nghệ thuật độc đáo, đồ chơi dân gian ẩn chứa nhiều ý nghĩa, thể hiện những suy nghĩ, niềm tin, ước vọng của con người về một tương lai tươi đẹp. Đồ chơi dân gian của các dân tộc là những tư liệu phong phú về sự phát triển trí tuệ, biểu hiện nếp sống, phong tục, tập quán, lễ giáo của mỗi đất nước, vùng miền. Trong hệ thống đồ chơi dân gian, rối nước là một hình thái đặc biệt mang tính tổng hợp, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu từ góc độ văn hóa dân tộc.
1. Đồ chơi dân gian và rối truyền thống
Đồ chơi dân gian ở các dân tộc đã xuất hiện như những sản phẩm của thời kỳ văn hóa, tạo nên di sản của nhân loại. Tiếp xúc với đồ chơi dân gian, học cách chơi là một phương thức học tập, tiếp thu những giá trị xã hội, là sự khám phá thú vị về chính bản thân cũng như môi trường sống. Thuở ban đầu, đồ chơi dân gian đã được chế tác dành cho hoạt động vui chơi, học tập của trẻ nhỏ, sau này phát triển thành một loại hình nghệ thuật dân gian, có thêm chức năng trang trí, giải trí, phục vụ nhu cầu tinh thần của con người. Bởi vậy, đồ chơi đã không chỉ cần thiết cho sự phát triển của trẻ mà còn là món ăn tinh thần cho cả người lớn. Sự phát triển của đồ chơi dân gian góp phần quan trọng trong lịch sử tiến bộ và phát triển của nền văn hóa nhân loại.
Những con rối của các dân tộc trên thế giới gắn bó chặt chẽ với văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân các cộng đồng. Nghệ thuật rối dân gian Việt Nam được hình thành từ hàng ngàn năm, lưu truyền và phát triển với nhiều thể loại như: rối tay, rối que, rối dây, rối nhà mồ, rối mặt nạ, rối diều sáo, rối đồ chơi, rối bóng, rối nước… Trò rối truyền thống Nhật bản (Banraku) được biểu diễn cách đây hơn một ngàn năm, phối hợp với âm nhạc vào cuối TK XVI. Các vở diễn rối ở Thổ Nhĩ Kỳ sống động với sự tham gia của các nhạc cụ như: trống, trống tambourine, sáo, được hỗ trợ bởi khói, lửa, tiếng vỗ… với nhiều âm thanh. Ở châu Mỹ các con rối cũng xuất hiện trong nhiều nghi thức. Loại rối tượng nhỏ là một phần không thể thiếu của tang lễ. Các con rối cũng thường có mặt trong lễ hội của người bản xứ Bắc Mỹ.
Ở châu Âu, những con rối xuất hiện lần đầu đến từ Hy Lạp. Các con rối và trò rối ngày càng phổ biến ở nhiều nơi, được sử dụng để diễn các trò liên quan đến giáo lý, đạo đức, tôn giáo. Vào thời Phục hưng, rối được phát triển, khá phổ biến ở Ý là rối dây. Trong TK XIX, dưới sự chỉ đạo của Pietro Radillo (người biểu diễn rối thành Venice), các con rối được thiết kế nâng cấp, từ việc sử dụng hai dây và que để điều chỉnh đến sử dụng hệ thống nhiều dây (có khi đến 8 dây) khiến chúng có những vận động đa dạng, linh hoạt hơn. Cuối TK XIX, các con rối dần dần được tách khỏi những diễn viên sân khấu, vị trí của họ được những người chuyên điều khiển rối tiếp nhận. Thời điểm này trò múa rối bắt đầu kết hợp với sân khấu ca múa nhạc (music hall theater), tạp kỹ (vaudeville) trở nên sinh động hơn.
Có một số loại rối mang tính truyền thống. Đó là rối tay, người điều khiển dùng bàn tay và các ngón tay tạo vận động cho miệng và đầu con rối hoặc tổ hợp mặt và tay rối. Rối que/rối gậy có thân, đầu và cánh tay được điều khiển bởi những chiếc gậy nhỏ do người diễn rối điều khiển từ phía dưới con rối. Thường thì một cây gậy sẽ được người điều khiển nắm để giữ thân rối, đầu còn lại gắn với que, được giữ bằng tay khác. Rối dây (string puppets / marionette) có cấu trúc phức tạp, khó thao tác. Thường thì có 8 dây cơ bản. Tuy nhiên, một số con rối có tới hơn 30 dây, có cả cây gậy làm trung tâm, làm thanh điều khiển (control bar), thanh này có thể dựng dứng hoạc nằm ngang. Rối bóng (shadow puppets) là loại rối dẹt (2D), điều khiển trước tấm màn được chiếu ánh sáng. Rối “nói” hình nộm (ventriloquism dummy) là rối được trình bày kết hợp với giọng nói của diễn viên. Miệng và đầu rối được điều khiển bằng một bàn tay. Rối lễ hội (carnival puppets), còn được gọi là rối cơ thể người (body puppets) là loại rối khá to lớn (bằng người biểu diễn hoặc lớn hơn). Rối khổng lồ (giant puppets) là loại rối to lớn kềnh càng được sử dụng trong lễ rước, diễu hành, sân khấu. Rối nước (water puppets) được làm bằng gỗ. Người nghệ sĩ dùng những cây gậy đỡ dưới mặt nước và điều khiển. Loại này được cho là chỉ có duy nhất ở vùng châu thổ sông Hồng, Việt Nam.
2. Những nét đặc trưng của rối nước truyền thống Việt nam
Rối nước truyền thống Việt Nam ra đời và phát triển trên nền tảng văn hóa gắn với nông nghiệp lúa nước. Những trò rối nước đầu tiên được cho là xuất hiện vào khoảng hơn 10 thế kỷ trước ở một số vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những địa danh có rối nước truyền thống nổi tiếng một thời đó là: làng Đống (Thái Bình), làng Nguyên (Nguyên Xá, Thái bình), làng Đồng Ngư (Thuận Thành, Bắc Ninh), làng Nam Chấn, Nam Giang (Nam Trực, Nam Định), Thanh Hải (Thanh Hà, Hải Dương), chùa Nành (Gia Lâm)… Những Thủy đình lừng danh thu hút khán giả bình dân khắp nơi là ở xứ Đoài (Sài Sơn, Hà Tây), xứ Bắc (chùa Tiên Du); thủy đình trước đền Sóc (Xuân La), đền Gióng (Phù Đổng)…
Quân rối nước Việt Nam không đơn thuần là một đồ chơi dân gian thông thường, mà là những tác phẩm nghệ thuật. Để làm nên quân rối đòi hỏi người nghệ nhân không phải chỉ có con mắt thẩm mỹ, tài nghệ tạo hình (điêu khắc) mà còn phải có năng lực thiết kế, sự am hiểu về khoa học thường thức, thành thạo kỹ thuật lắp ráp máy móc, phối hợp các chi tiết, bộ phận, với các loại que, dây, cây đẩy… Tình yêu nghệ thuật và trí tưởng tượng phong phú là một điều kiện quan trọng để làm nên những con rối sinh động.
Các công đoạn làm nên quân rối nước truyền thống là một hệ thống công việc phức tạp, công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và tình yêu quê hương, yêu lao động. Để làm ra con rối cần trải qua các bước: nghiên cứu kịch bản, đặc điểm thủy đình; chọn gỗ (thường là gỗ sung, vông do tính chất của gỗ dai, nhẹ, dai thớ để quân rối dễ nổi, vận động trên mặt nước); cắt gỗ, tạo dáng thô cho quân rối tùy theo đặc điểm từng nhân vật; đục đẽo, khắc, làm chi tiết cho quân rối, tạo dáng vẻ sinh động theo đặc trưng của nhân vật; trau chuốt, làm mịn bề mặt rối; làm vóc cho quân rối để tránh thấm nước, tránh mối mọt, hạn chế độ co ngót khi môi trường và nhiệt độ thay đổi và bám mầu sơn tốt; sơn con rối vóc đen, rồi tiếp tục sơn son thếp vàng, thếp bạc lên thân rối tạo sự hấp dẫn; phủ thêm một lớp sơn trong, sơn ta để giữ màu bền, đẹp cho quân rối; tạo đế cho rối và lắp máy chuyển động, dây, sào bằng gỗ, tre (phần đế chìm dưới mặt nước); sử dụng hai loại máy: máy sào và máy dây.
Tạo hình quân rối là quá trình hoạt động nghệ thuật nghiêm túc và sáng tạo nhằm thể hiện tính cách nhân vật. Kết quả lao động sáng tạo của nghệ nhân là những quân rối đẹp mộc mạc về hình thức bên ngoài nhưng có khả năng biểu hiện đời sống tinh thần một cách phong phú, sinh động. Các con rối phải có thần sắc.
Nội dung của vở diễn, tính chất của sàn diễn (mặt nước thủy đình) sẽ quyết định hình thức và cách vận động của các quân rối. Với nhiều mục đích như truyền thông, giải trí, giao tiếp xã hội và giáo dục, các con rối nước được tạo dáng phù hợp với các nhân vật, gần gũi với đời sống dân dã, phù hợp khả năng nhận thức, tình cảm của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp… Đó có thể là cách làm ruộng, đánh cá, xay lúa, giã gạo, chăn vịt, dệt cửi, đấu vật, đưa ngựa, đánh đu, leo cây, múa lân, múa rồng, đánh kiếm, còn là những nhân vật anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo… Các vở rối truyền thống Nhà hát múa rối Thăng long đã khôi phục có nội dung khá đa dạng: bật cờ, chú tễu, múa rồng, em bé chăn trâu, cày cấy, bắt vịt, đánh cá, vinh quy bái tổ/rước trạng, múa sư tử, múa phượng, Lê Lợi thả gươm, nhi đồng vui chơi, đua thuyền múa lân, múa tiên, tứ linh…
Các quân rối nước của Việt Nam thường có hình thức mang tính ước lệ, ngộ nghĩnh, hồn nhiên, mộc mạc. Nhân vật tiêu biểu nhất là chú Tễu với thân hình tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh, lạc quan, xuất hiện với nét vui vẻ, tinh nghịch làm nhiệm vụ giáo đầu, dẫn chuyện, mở màn vở diễn. Quân rối nước được chế tác ít bị gò bó theo một khuôn mẫu. Chúng rất tự nhiên, dân dã, mang tính biểu tượng, ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi truyền thống điêu khắc dân gian, nghệ thuật đình làng và cả điêu khắc cung đình. Màu sắc của rối với các màu đỏ, hồng, vàng, đen… gợi cảm giác vui vẻ, ấm áp của thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa tôn giáo ở nông thôn Việt Nam với các màu đỏ, hồng, vàng, đen… Trang phục các quân rối lột tả khá rõ nét thân phận, đẳng cấp như: vua quan, lính tráng, nông phu, người lao động (kéo lưới, chèo thuyền đua, đi cày, câu cá, chăn trâu…). Các nhân vật rối đều được khắc quần áo bó sát người (phụ thuộc vào thân gỗ). Khuôn mặt và cơ thể quân rối tả người lao động bình dân đều tươi vui, béo tốt, hồn nhiên, đậm chất hài. Rối tầng lớp trên và quân lính nghiêm trang hơn, đôi khi ít nét tươi tắn, sinh động.
Nghệ thuật múa rối (puppetry) là sự tương tác thú vị của các quân rối (puppets) với người biểu diễn rối (puppeteer). Tham gia trong phường rối truyền thống xưa kia là các nghệ nhân nghiệp dư. Họ là những nông dân, thợ thủ công với công việc cấy cày, lao động kiếm sống, những lúc nông nhàn, tham gia các sinh hoạt vui chơi, giải trí. Các sân chơi cho đồ chơi – trò chơi rối nước chính là không gian sống, lao động của một vùng châu thổ gắn với nước. Những quân rối tưởng chừng như khô cứng, thô mộc được đưa xuống mặt nước bỗng trở nên sinh động, hoạt bát, uyển chuyển và hấp dẫn dưới bàn tay điều khiển khéo léo, thông minh của các nghệ nhân. Phần thân rối thể hiện nhân vật là phần nổi lên mặt nước. Phần đế chìm dưới mặt nước, máy điều khiển cho quân rối nổi lên và cử động. Mặt nước chính là sân khấu, buồng rối nước (được che bằng mành) gọi là thủy đình, có cấu trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình làng Việt Nam là nơi làm việc của các nghệ nhân diễn rối. Âm nhạc và lời thoại là những phương tiện nghệ thuật đắc lực thể hiện tâm tư, tình cảm của những quân rối hướng tới người xem. Đôi khi, ngôn ngữ biểu cảm của nghệ thuật chèo cũng được phối hợp khiến quân rối và nghệ thuật rối nước thêm gần gũi với công chúng.
Đồ chơi dân gian nói chung, rối nước truyền thống Việt Nam nói riêng đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian các dân tộc trên thế giới. Không chỉ là sản phẩm của sự phát triển văn hóa, rối nước còn có giá trị xã hội rất to lớn đối với mỗi cộng đồng. Có thể coi đây là một phương tiện truyền thông, giáo dục có tính nghệ thuật rất cao.
Cũng như các loại đồ chơi dân gian khác, rối nước đem đến những hiểu biết về thế giới vạn vật, cung cấp những thông tin về văn hóa xã hội, lịch sử… bằng những phương thức dễ tiếp nhận nhất. Các vở diễn cùng những quân rối ngộ nghĩnh giúp công chúng làm quen với các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Quân rối nước và không gian biểu diễn nghệ thuật rối chứa đựng trong đó tình cảm của người sáng tác, người biểu diễn đối với thiên nhiên, xã hội, quê hương đất nước. Các quân rối và các tích trò phản ánh những giá trị xã hội, đặc trưng nghề nghiệp, mối quan tâm, niềm đam mê… được đúc kết từ hoàn cảnh xã hội. Bởi vậy, luôn mang lại những xúc cảm, tình cảm tích cực, giúp con người có thể tiếp thu những chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ trong xã hội, học cách giao tiếp, ứng xử có văn hóa.
Những nghệ nhân đã chắt lọc cái đẹp từ tự nhiên và chuyển hòa vào hình ảnh quân rối. Thông qua óc thẩm mỹ, sự cảm thụ nghệ thuật, sự sáng tạo của người nghệ nhân đã biến rối nước thành cầu nối giữa đại chúng với với di sản văn hóa dân tộc. Vẻ đẹp phong phú, đa dạng mà mộc mạc của các loại đồ chơi dân gian tạo nên ở mỗi người những rung động, những xúc cảm, tình cảm thẩm mỹ và hình thành thái độ thẩm mỹ và thị hiếu thẩm mỹ.
Các quân rối nước truyền thống là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo nghiêm túc, gian khổ nhưng đầy cảm hứng. Trong lịch sử phát triển lâu đời của mình, nghệ thuật chế tác đồ chơi dân gian và rối truyền thống đã tạo tiền đề, động lực cho sự phát triển nhiều ngành nghề lao động trong xã hội. Đó là các nghề gốm, sứ, đan lát, chạm khắc, thời trang hay nội thất đã trở thành một trong những nguồn gốc của nghệ thuật tạo hình dân gian, nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Xu hướng phát triển hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa khiến cho mỗi con người, mỗi quốc gia có nhiều cơ hội mở mang tầm nhìn, tiếp cận với văn minh thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên những rối nhiễu và khó khăn cho việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị quý báu, thuần khiết trong nền văn hóa truyền thống của các dân tộc. Cùng với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác, rối nước truyền thống là một trong những loại hình nghệ thuật tiêu biểu thể hiện tinh hoa sáng tạo của người Việt cần được nghiên cứu, bảo tồn, khai thác trong giáo dục văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Để hình thành ở họ niềm tự hào dân tộc, ý thức, khả năng hành động chung tay gìn giữ di sản văn hóa trân quý mà ông cha chúng ta đã để lại.
_______________
1. Trần Lâm Biền , Đôi nét về nghệ thuật tạo hình trong nghệ thuật múa rối Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 2-2001, Hà Nội.
2. Hoàng Chương, Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012.
3. Lê Thị Thu Hiền, Múa rối nước Việt Nam – một di sản văn hóa độc đáo, số 3 (48) – 2014, dch.gov.vn
4. Nguyễn Thành Nhân, Nghệ thuật rối và một số đặc trưng của sân khấu rối Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.
5. Tô Sanh, Nghệ thuật múa rối nước, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1976.
6. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, unesco.org, 2003
Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017
Tác giả : VŨ THANH VÂN
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày