Rau dớn “gọi” mùa Xuân

Ven bờ các con suối trên rừng núi vùng cao Quảng Nam có nhiều loại rau rừng phát triển theo từng mùa, hương vị độc đáo và rất sạch như: Rau tàu bay, rau dớn, sơn thục… Đó là “kho tàng” rau xanh cung cấp cho các bộ tộc trên dãy Trường Sơn và đã từng nuôi bộ đội ta ăn no đánh thắng giặc ngoại xâm qua 2 cuộc trường kỳ kháng chiến.

Rau dớn thuộc họ quyết, lớn hơn cây dương xỉ, cành dài, lá nhỏ xòe trên đầu cây như tán một cái ô rộng lớn; có gốc đen màu cơm cháy, từ trên ngọn cây mọc lên hai, ba cái cần, có cái dài tới nửa mét, đầu cong như vòi voi. Rau dớn không có ở đồng bằng, chỉ có ở vùng núi, nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp, nơi có độ ẩm ướt cao. Mùa xuân, dọc theo QL14G, qua các xã của huyện Đông Giang hay khu vực dưới Dốc Kiền, đều có những sạp bán rau dớn cho du khách hay người đi đường.

Hằng năm, các trận lụt đầu mùa với dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa bón cho đám rau dớn ven bờ sông, suối thêm phần tươi tốt và chuẩn bị cho một chu kỳ sinh chồi, nảy lộc. Rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Vì thế, đồng bào chỉ cần nhìn đọt rau dớn là biết mùa xuân đang gõ cửa. Ra Giêng, có từng nhóm người đi xe máy từ đồng bằng lên những dòng sông, ngọn suối vùng Đông Giang (Quảng Nam) để hái rau dớn về bán cho các nhà hàng đặc sản ở các khu đô thị.

Hiện nay, thị trường đang tiêu thụ rau dớn khá mạnh, nguồn cung không kịp cầu. Trung bình ở quê tôi, mỗi ngày người lớn vào ven rừng hái khoảng 30 bó, mỗi bó có giá khoảng 10.000 đồng, thu nhập mỗi người trên 300 ngàn đồng. Giá bán khoảng 50.000 đồng / kg. Xem ra, gấp nhiều lần  rau an toàn, rau sạch… Trước đây, rau dớn là loại rau dành cho người nghèo ăn. Hiện nay, theo xu thế ăn rau “siêu sạch”, rau dớn được chế biến các món như luộc, nấu canh, xào… với thịt hay tôm, mực… và trở thành những món đặc sản của các nhà hàng phục vụ cho khách du lịch, khách hạng sang…

Hái rau dớn cũng đơn giản. Chỉ việc dùng tay ngắt những ngọn cọng non như cái vòi voi dài khoảng 1 gang bàn tay cho vào bao là xong. Rau dớn hơi nhớt nên trước khi chế biến các món ăn, phải phơi nắng cho heo héo hoặc trụng (chần) sơ qua nước sôi. Rau dớn được chế biến các món: làm nộm, nướng, nấu canh, xào, trộn… Ở vùng trung du Quảng Nam như Quế Sơn, Hiệp Đức…, có món rau dớn trộn với “sắn võng” là loại thức ăn ngon truyền thống của cư dân nơi đây khi gặp những năm thiên tai hạn hán, mùa màng thất bát.

Rau dớn tươi hái về rửa sạch, chần sơ qua nước sôi và vớt ra để ráo. Làm nóng dầu ăn, cho tỏi giã dập vào phi vàng rồi cho rau dớn vào đảo đều 5 phút trước khi bắc xuống nêm đường, mì chính, tương ớt, hạt tiêu, nước chanh tươi, đậu phụng rang giã dập… và gắp ra đĩa. Bạn sẽ được thưởng thức món ăn vừa giòn sần sật, vừa có vị ngọt, chua… phảng phất mùi hương rừng cỏ nội hoà quyện vào nhau.

Ra Giêng, món rau dớn luộc chấm nước cá có tỏi, ớt, chanh sẽ là món ăn với cơm rất ngon khi các món nấu từ thịt được “chiến đấu” nhiều ngày qua  trở nên quá ngấy. Rau dớn là loại rau chính ăn trong mùa Xuân của người dân quê tôi. Vào những ngày cuối năm hay đầu năm, dù bận rộn đến mấy, bà con cũng tranh thủ hái rau dớn về để dành ăn trong và sau Tết. Mấy anh chị công nhân, cán bộ… từ miền núi về Tam Kỳ, Đà Nẵng thăm anh em, bà con, hội họp… không quên mang cho người thân, bạn bè một ít rau dớn hay ốc đá, gọi là chút quà quê đặc sắc từ vùng cao xứ Quảng.

Ngoài ra, theo các thầy thuốc, rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng và giúp dễ ngủ, ngủ sâu, giúp cơ thể khoẻ mạnh, nhất là người cao tuổi. 

Tác giả: Tiên Sa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

                                     

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *