Tín ngưỡng thờ cúng cá ông (cá voi) của ngư dân, tại các vùng ven biển ở Trung Bộ và Nam Bộ, có thể xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử nhưng đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được thời điểm cụ thể đủ sức thuyết phục. Từ bao đời nay, người dân làm nghề biển như: người đi thuyền vận tải, thuyền buôn, thuyền đánh bắt cá, “các đội trường đà” (thuyền chở lương nhà nước) (1) rất sùng kính cá ông, coi đây là vị thần tối cao luôn cứu giúp họ khi gặp hoạn nạn trên biển, phù hộ họ đánh bắt, nên không dám gọi thẳng tên mà gọi một cách thành kính là “ông”. Trong dân gian, ngư dân thể hiện sự tôn kính đối với cá voi bằng những tên gọi khác nhau, như: ông Nam Hải, ông Chuông, ông Khơi/ông Lớn, ông Lộng/ông Cậu…, bởi họ quan niệm đây là vị thần độ mạng (2), là chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm niềm tin.
Tín ngưỡng thờ cúng cá ông được xem là một trong những tín ngưỡng quan trọng, thu hút sự tham gia của cộng đồng do quan niệm, lòng tin của ngư dân về vị thần cứu hộ, độ sinh và một phần xuất phát từ định hướng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Từ truyền thuyết Nguyễn Ánh được cá ông cứu, sau này, khi lên ngôi, vua Gia Long đã ban tặng cho cá ông là Nam Hải Cự tộc Ngọc lân. Các vua triều Nguyễn còn quy định làng nào bắt gặp cá ông, lụy phải trình báo với quan trên để nhận “tiền tuất” mai táng, cúng tế (3). Có lẽ vì vậy, hầu hết các lăng thờ cá ông ở các tỉnh duyên hải miền Trung và Nam Bộ đều được các vua triều Nguyễn ban tặng sắc phong. Sắc phong là văn bản hành chính cấp cao của vương triều, do hoàng đế ban bố và thưởng cấp cho thần dân trăm họ, nhằm để phong tặng, tưởng thưởng về hàm tước, quan vị, vật hạng, thần hiệu, mỹ tự…(4). Sắc phong thần được phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các cơ sở tín ngưỡng, có thể là nhân vật lịch sử có công với nước, thường gọi là nhân thần, và các thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh, các hiện tượng thiên nhiên… Nội dung sắc phong thần cơ bản là phong tặng cho các thần những thần hiệu, mỹ tự và cấp bậc xếp hạng phù hợp (thượng, trung, hạ đẳng thần) tùy theo vị thế và vai trò của thần đối với làng xã.
Đối với tín ngưỡng thờ cúng cá ông, qua khảo sát ở một số địa phương, các sắc phong của triều đình cho cá ông hiện chỉ thấy có ở triều Nguyễn, từ thời Minh Mạng đến Khải Định. Tại các lăng thờ thần Nam Hải ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu còn lưu giữ một số sắc phong do các đời vua triều Nguyễn phong tặng, cụ thể:
Ở Phú Yên (5), tại Lăng Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu có 2 sắc phong thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân: Nguyên tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, gia tặng mỹ tự Trừng trạm, cấp ngày 29-11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), giao thôn Cửu An, huyện Đồng Xuân phụng thờ; Nguyên tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, gia tặng mỹ tự Dực bảo Trung hưng, cấp ngày 1-7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), giao thôn Vĩnh Cửu, huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên phụng thờ.
Tại Lăng Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa có 3 sắc phong thần: Nguyên tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, gia tặng mỹ tự Trừng trạm, cấp ngày 29-11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), giao thôn Hội Hải, huyện Tuy Hòa phụng thờ; Nguyên tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, gia tặng mỹ tự Dực bảo Trung hưng, cấp ngày 1-7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), giao thôn Phú Lạc, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phụng thờ; Giữ nguyên mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, Dực bảo trung hưng Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần, cấp ngày 11-8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).
Ở Khánh Hòa (6), thôn Bình Tây II, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa lưu giữ 8 sắc phong qua các thời kỳ: Tặng mỹ tự Từ tế, cấp ngày 24-9 năm Minh Mạng thứ 3 (1822), giao thôn Tây An, Hà Bạc Thuộc (chỉ làng ngư được thành lập sớm) phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, cấp ngày 13-8 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), giao thôn An Tây, huyện Quảng Phước phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, cấp ngày 21-9 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), giao thôn An Tây, huyện Quảng Phước phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, cấp ngày 8-11 năm Tự Đức thứ 3 (1849), giao thôn Tây An, huyện Quảng Phước phụng thờ; Giữ nguyên mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, cấp ngày 8-11 năm Tự Đức thứ 33 (1879), giao thôn Tây An, huyện Quảng Phước, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Dực bảo Trung hưng, cấp ngày 1-7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), giao thôn Bình Tây, huyện Quảng Phước, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ; Giữ nguyên mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, Dực bảo Trung hưng, cấp ngày 11-8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), giao thôn Bình Tây, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Uông nhuận Trung đẳng thần, cấp ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924), giao thôn Bình Tây, tổng Phước Hà Ngoại, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ.
Phường Xương Huân, thành phố Nha Trang lưu giữ 6 sắc phong: Tặng mỹ tự Từ tế, cấp ngày 24-9 năm Minh mạng thứ 3 (1822), giao thôn Cù Huân Thượng, Hà Bạc Thuộc phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, cấp ngày 13-8 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), giao thôn Cù Huân Thượng, huyện Vĩnh Xương phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, cấp ngày 8-11 năm Tự Đức thứ 3 (1849), giao thôn Minh Huân, huyện Vĩnh Xương phụng thờ; Giữ nguyên mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, cấp ngày 8-11 năm Tự Đức thứ 33 (1879), giao thôn Minh Huân, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Dực bảo Trung hưng, cấp ngày 1-7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), giao thôn Xương Huân, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Uông nhuận Trung đẳng thần, cấp ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924), giao thôn Xương Huân, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương phụng thờ.
Thôn Thạnh Đức, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa lưu giữ 5 sắc phong:Gia tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, cấp ngày 8-11 năm Tự Đức thứ 3 (1849), giao thôn Thạnh Đức, huyện Vĩnh Xương phụng thờ; Giữ nguyên mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, cấp ngày 8-11 năm Tự Đức thứ 33 (1879), giao thôn Thạnh Đức, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Dực bảo Trung hưng, cấp ngày 1-7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), giao thôn Thạnh Đức, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ; Giữ nguyên mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, Dực bảo Trung hưng, cấp ngày 11-8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), giao thôn Thạnh Xương, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Uông nhuận Trung đẳng thần, cấp ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924), giao thôn Thạnh Xương, tổng Cam Linh, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ.
Thôn Ngân Hà, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa lưu giữ 2 sắc phong: Trứ phong mỹ tự Trừng trạm, Dực bảo Trung hưng Nam Hải Cự tộc Nhân ngư chi thần, cấp ngày 20-2 năm Thành Thái thứ 2 (1890), giao thôn Ngân Hà, huyện Quảng Phước, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Dực bảo Trung hưng Nam Hải Cự tộc Nhân ngư chi thần, cấp ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924), giao thôn Ngân Hà, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ.
Thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh lưu giữ một sắc chỉ trứ phong mỹ tự Trừng trạm, Dực bảo Trung hưng Nam Hải Cự tộc Nhân ngư chi thần, cấp ngày 20-2 năm Thành Thái thứ 2 (1890), giao thôn Đầm Môn, huyện Quảng Phước, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ.
Thôn Phú Hội, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh lưu giữ một sắc chỉ trứ phong mỹ tự Uông nhuận Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần Nam Hải Đức Ngư Thần nương tôn thần, cấp ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924), giao thôn Phú Hội, tổng Phước Tượng Nội, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ.
Ở Bình Thuận (7), dinh Ông Cô và đình Hưng Long, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết lưu giữ 10 sắc phong cho thần Nam Hải và thành hoàng làng (8), trong đó có 7 sắc chỉ ban cho thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân hoặc hợp phong với Thành hoàng: Gia tặng mỹ tự Từ tế cho thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân, cấp ngày 11-2 năm Minh Mạng thứ 5 (1824), giao thôn Minh Long, huyện Hòa Đa phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Chương linh cho thần Từ tế Nam Hải Cự tộc Ngọc lân, cấp ngày 13-8 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), giao thôn Minh Long, huyện Tuy Định phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Trợ tín cho thần Từ tế, Chương linh Nam Hải Cự tộc Ngọc lân, cấp ngày 21-9 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), giao thôn Minh Long, huyện Tuy Định phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Dực bảo Trung hưng cho thần Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm Nam Hải Cự tộc Ngọc lân, hợp phong với Thành hoàng, cấp ngày 1-7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), giao thôn Minh Long, huyện Tuy Lý, tỉnh Bình Thuận phụng thờ; Nguyên phong mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, Dực bảo Trung hưng Nam Hải Cự tộc Ngọc lân được giữ nguyên, hợp phong với Thành hoàng, cấp ngày 11-8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), giao thôn Hưng Long, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Uông nhuận Trung đẳng thần cho thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, Dực bảo Trung hưng tôn thần, cấp ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924), giao thôn Hưng Long, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận phụng thờ.
Vạn An Thạnh, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý đang lưu giữ 10 sắc phong ban cho các vị thần thờ cúng tại đây, trong đó có sắc chỉ gia tặng mỹ tự Trừng trạm cho thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Từ tế, Chương linh, Trợ tín chi thần, cấp ngày 29-11 năm Tự Đức thứ 5 (1853), giao 3 thôn Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương, huyện Tuy Phong thờ phụng.
Vạn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý đang thờ phụng 7 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng cho thần Nam Hải và Thành hoàng làng, trong đó có 2 sắc phong của vua Khải Định ban cho thần Nam Hải:Trứ phong Trừng trạm Dực bảo Trung hưng cho thần Hải Cự tộc Ngọc lân tôn thần, cấp ngày 18-3 năm Khải Định thứ 2 (1917); Gia tặng mỹ tự Uông nhuận Trung đẳng thần cho thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Trừng trạm Dực bảo Trung hưng tôn thần, cấp ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Vạn Hội An, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý lưu giữ 7 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng cho các vị thần được thờ tại di tích, trong đó có sắc phong ban cho thần Nam Hải, tặng mỹ tự Trừng trạm Dực bảo Trung hưng tôn thần, cấp ngày 18-3 năm Khải Định thứ 2 (1917), giao thôn Hội An, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận thờ phụng.
Vạn Tả Tân, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong còn bảo lưu 14 sắc phong ban tặng cho các thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân, Đông Hải Cự tộc Ngọc lân, Thủy Long, Cao Các, Hà Bá, Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh nương, Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi và Hỏa Đức phu nhân, trong đó có 8 sắc chỉ ban cho riêng thần Đông Hải Cự tộc Ngọc lân, Nam Hải Cự tộc Ngọc lân hoặc hợp phong với các vị thần phối thờ: Gia tặng mỹ tự Từ tế tại hai sắc chỉ, một cho thần Đông Hải Cự tộc Ngọc lân, một cho thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân cấp ngày 11-2 năm Minh Mạng thứ 5 (1824), giao vạn Tả Tân, rạch Phan Rí, huyện Hòa Đa phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Chương linh cho thần Từ tế Đông Hải Cự tộc Ngọc lân, cấp ngày 13-8 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), giao xã Hải Tân, huyện Hòa Đa phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Dực bảo Trung hưng cho thần Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm Đông Hải Cự tộc Ngọc lân và Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm Nam Hải Cự tộc Ngọc lân, hợp phong với các vị thần phối thờ, cấp ngày 1-7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), giao xã Hải Tân, huyện Hòa Đa phụng thờ; Tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, Dực bảo Trung hưng cho thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân, cấp ngày 08/6 nhuận năm Duy Tân thứ 5 (1911), giao thôn Xuân Giang, huyện Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Uông nhuận Trung đẳng thần tại hai sắc chỉ, một cho thần Đông Hải Cự tộc Ngọc lân Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, Dực bảo Trung hưng tôn thần, một cho thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, Dực bảo Trung hưng tôn thần, cấp ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924), giao vạn Tả Tân, xã Hải Tân, phủ Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận phụng thờ; Gia tặng mỹ tự Uông nhuận Trung đẳng thần cho thần Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm, Dực bảo Trung hưng, cấp ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924), giao thôn Xuân Giang, phủ Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận phụng thờ.
Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, tại đình Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu lưu giữ 3 sắc thần: Gia tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần, cấp ngày 27-11 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), giao thôn Thắng Tam, huyện Phước An thờ phụng; Gia tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần, cấp ngày 26-12 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), giao thôn Thắng Tam, huyện Phước An thờ phụng; Gia tặng mỹ tự Từ tế, Chương linh, Trợ tín, Trừng trạm Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần, cấp ngày 8-11 năm Tự Đức thứ 3 (1850), giao thôn Thắng Tam, huyện Phước An thờ phụng.
Điểm qua một số thần sắc của các đời vua triều Nguyễn phong cho cá ông, có thể thấy vùng Nam Trung Bộ hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong hơn vùng Nam Bộ. Thần hiệu Nam Hải Cự tộc Ngọc lân được cho là xuất hiện ít nhất vào thời Gia Long, nhưng đến nay chưa thấy một bản thần sắc nào có niên đại đó ở khu vực miền Trung và miền Nam. Các sắc phong chủ yếu được ban từ thời Minh Mạng đến Khải Định. Với các sắc phong được tiếp cận, thần hiệu này từ thời Minh Mạng đến Khải Định được giữ nguyên. Tuy nhiên, ở một số địa phương, thần hiệu Nam Hải Cự tộc Ngọc lân được đổi thành Nam Hải Cự tộc Nhân ngư chi thần (thôn Ngân Hà, thôn Đầm Môn, huyện Quảng Phước, tỉnh Khánh Hòa, ngày 20-2 năm Thành Thái thứ 2 – 1890; thôn Ngân Hà, ngày 11-8 năm Duy Tân thứ 3 – 1909), có sự phân biệt giới tính như: Nam Hải Đức ngư thần nương tôn thần (thôn Phú Hội, tổng Phước Tường Nội, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 – 1924), hay thêm thần hiệu Đông Hải Cự tộc Ngọc lân (mạn Tả Tân, rạch Phan Rí, huyện Hòa Đa, ngày 11-2 năm Minh Mạng thứ 5 – 1824; xã Hải Tân, huyện Hòa Đa, ngày 13-8 năm Thiệu Trị thứ 3 – 1843; Thuận Tĩnh, xã Hải Tân, huyện Bình Đa, ngày 1-7 năm Đồng Khánh thứ 2 – 1887; vạn Tả Tân, phủ Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận, ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 – 1924). Phần lớn sau thần hiệu của Cá ông là danh xưng “chi thần” được ghi trong các sắc chỉ từ thời Minh Mạng, nhưng thời Minh Mạng và Khải Định cũng có khi được thay thế bằng danh xưng “tôn thần” như trường hợp ở Khánh Hòa: Nam Hải Đức ngư thần nương tôn thần tại sắc chỉ ban cho thôn Phú Hội, ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924); trường hợp ở Bình Thuận: Đông Hải Cự tộc Ngọc lân tôn thần tại sắc chỉ ban cho vạn Tả Tân, ngày 11-2 năm Minh Mạng thứ 5 (1824), Nam Hải Cự tộc Ngọc lân tôn thần tại các sắc chỉ ban cho thôn Minh Long, ngày 11-2 năm Minh Mạng thứ 5 (1824), thôn Mỹ Khê, thôn Hội An, ngày 18-3 năm Khải Định thứ 2 (1917), thôn Mỹ Khê, ngày 25-7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Ngoài thần hiệu, Nam Hải Cự tộc Ngọc lân còn được các đời vua gia tặng các mỹ tự nhân các dịp đăng quang, đại khánh, như: Từ tế thời Minh Mạng; Chương linh, Trợ tín thời Thiệu Trị; Trừng trạm thời Tự Đức; Dực bảo Trung hưng thời Đồng Khánh; giữ nguyên các mỹ tự thời Thành Thái và Duy Tân; Uông nhuận Trung đẳng thần thời Khải Định. Vào đời vua Tự Đức năm thứ 3 (1850), việc phong mỹ tự được điển phạm hóa cho 6 loại thần: Thiên thần, Thổ thần, Sơn thần, Thủy thần, Dương thần và Âm thần ở 3 hạng: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Theo đó, loại Thủy thần sẽ được gia tặng các mỹ tự: Hoành hợp (Thượng đẳng thần), Uông nhuận (Trung đẳng thần), Trừng trạm (Hạ đẳng thần). Nam Hải Cự tộc Ngọc lân được gia phong mỹ tự Trừng trạm thời Tự Đức và nâng hạng Uông nhuận Trung đẳng thần thời Khải Định (9).
Sắc phong của triều Nguyễn, dù chưa được tiếp cận đầy đủ, đối với hình tượng cá ông, bước đầu có thể rút ra một vài nhận định. Theo bước chân Nam tiến mở mang bờ cõi của cha ông thuở trước, người Việt Bắc Bộ từ nơi “xa rừng nhạt biển”(10) mới thực sự nhìn ra biển, hướng ra biển nhưng hệ thống thần linh mang theo hoàn toàn thiếu vắng thần linh liên quan đến biển. Khoảng trống tâm linh khi đứng trước biển được lấp đầy bởi hình tượng Cá ông khi người Việt tiếp quản Nam Hải và quá trình cụ thể hóa các đối tượng thờ cúng của vùng biển, cả trên phương diện nhà nước phong kiến và ở cấp độ làng xã. Dạng thức thiêng hóa cá ông thành Nam Hải Cự tộc Ngọc lân qua các sắc phong của triều Nguyễn, ban tặng thần các mỹ tự, nâng cấp từ danh xưng chi/tôn thần lên Trung đẳng thần, thể hiện sự hòa hợp của lòng dân và ý trời. Đây cũng là biểu hiện của quá trình thần quyền hóa, quá trình tăng quyền của triều đình, thể hiện quyền uy của thiên tử, chủ của bách thần trong thế giới u linh. Vì vậy, thần phải dốc sức linh ứng, thuận theo để phù trợ cho thiên tử, vị đại diện của trời dưới trần gian và con dân của ngài, nhắc nhở thần và muôn dân phải thực hiện nghiêm minh. Sắc phong cho Cá ông của các đời vua triều Nguyễn thể hiện sự chính thức hóa danh phận và ngôi thứ của ngài, được nhìn nhận với tư cách Chính thần, Phúc thần, được quy định điển lễ tế tự, cho thấy vị thế, vai trò của thần linh đối với đất nước, với làng xã. Thần Nam Hải trong hệ thống thần linh biển cũng là cách xác lập ý thức dân tộc, sự coi trọng biển, thể hiện khát vọng thống nhất quốc gia, bao gồm cả lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng từ thời Nguyễn.
Sự quan tâm, chỉ đạo của triều đình với tục thờ cúng cá ông góp phần duy trì, bảo tồn tập tục này trong đời sống cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm của triều đình đối với đời sống tinh thần của nhân dân, khẳng định sự thích ứng với biển, niềm tin của ngư dân đối với cá ông không phải là niềm tin mù quáng mà chính là động lực, là sức mạnh tinh thần to lớn giúp cố kết muôn dân, giúp mọi người sống tốt hơn với làng với nước. Sự thiêng hóa của triều đình, niềm tin thực hành tín ngưỡng của ngư dân khẳng định sự hiện hữu của vị thần bảo trợ về phương diện lãnh hải (khẳng định chủ quyền) và về phương diện bảo trợ tinh thần (khẳng định quyền chủ quyền của ngư dân trong việc đánh bắt hải sản trong vùng lãnh hải).
________________
1. Đại Nam thực lục, tập IV, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963.
2. Dẫn theo Nguyễn Thanh Lợi, Về tục thờ cá ông tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4- 2007, tr.61 – 71.
3. Thạch Phương và Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.
4. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2018. Dẫn theo Sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế và sách thư mục đề yếu.
5. Tư liệu của Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên.
6. Lê Đình Hùng, Thần hiệu và mỹ tự của cá voi qua tư liệu thần sắc tại tỉnh Khánh Hòa.
7. Tư liệu của Nguyễn Chí Phú, Bảo tàng Bình Thuận.
8. Do dinh Ông Cô và đình làng Hưng Long cùng nằm chung trong một khuôn viên.
9. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 7, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993.
10. Chữ của Ngô Đức Thịnh.
Tác giả: Dương Thị Anh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%