Chèo là thể loại sân khấu kịch hát có tuổi đời lâu nhất nước ta và cũng là một trong những thể loại đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam, mang đậm tâm hồn, tình cảm, tư duy sáng tạo của quần chúng nhân dân lao động trong xã hội phong kiến làng xã vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, nghệ thuật sân khấu Chèo đang đứng trước sự khủng hoảng, chông chênh trên con đường bảo tồn.
Thu hẹp về số lượng
Sân khấu Chèo ngày càng bị thu hẹp về số lượng hoạt động do nhiều đơn vị bị “xóa sổ” hoặc bị sáp nhập. Nếu như vào những năm 90 của thế kỉ XX, cả nước có khoảng 20 đơn vị Chèo chuyên nghiệp công lập, thì đến nay chỉ còn 9 đơn vị biểu diễn nghệ thuật Chèo độc lập chuyên nghiệp (Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Hải Dương, Nhà hát Chèo Hưng Yên, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Nhà hát Chèo Bắc Giang, Nhà hát Chèo Thái Bình, Đoàn Chèo Hải Phòng).
NSND Đoàn Thị Thanh Bình người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ Chèo VN
Ảnh: Nguyễn Đức Bình
Đoàn Chèo Hà Tây – đơn vị nghệ thuật Chèo duy nhất đại diện cho chiếng Chèo xứ Đoài đã sáp nhập vào Nhà hát Chèo Hà Nội năm 2018.
Còn lại có 9 đoàn ở các địa phương hoặc bị giải thể, hoặc bị sáp nhập và chỉ còn thu hẹp thành Đội chèo nhỏ bé (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, Đoàn Nghệ thuật Phú Thọ, Đoàn Nghệ thuật Yên Bái, Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên, Đoàn Nghệ thuật Tuyên Quang, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam).
Những đoàn Chèo bị sáp nhập đều hoạt động trong trạng thái cầm chừng, không có doanh thu và việc sáp nhập mới chỉ thể hiện trên phương diện hành chính, là “phép cộng cơ học”, gây ra xáo trộn về nhân sự, bất ổn về tâm lý nghệ sĩ, nhiều địa phương không còn đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp độc lập, hoạt động dần bị “nghiệp dư hóa”
Thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ tài năng
Sân khấu Chèo đang ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ tài năng trên cả các mặt, đặc biệt là tác giả, đạo diễn, diễn viên.
Như chúng ta đã biết, trong nghệ thuật sân khấu, kịch bản là khâu đầu tiên, quan trọng nhất dẫn đến sự ra đời của vở diễn. Theo thông lệ, các đoàn, nhà hát Chèo mỗi năm phải chọn lựa 1-2 kịch bản mới để dàn dựng theo kế hoạch. Con số này tuy ít ỏi, nhưng lại khó đạt được bởi Chèo quá hiếm những cây viết. Trước đây, thời hoàng kim, đội ngũ viết kịch bản Chèo khá đông đảo như Lộng Chương, Trần Bảng, Trần Huyền Trân, Hàn Thế Du, Lưu Quang Thuận, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Lương Tá, Cao Kim Điển, Tào Mạt, Việt Dung, Hà Khang, An Viết Đàm, Hồng Dương, Thanh Long, Ngọc Phúng, Phan Tất Quang, Bùi Đức Hạnh, Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, Trần Trí Trắc, Nguyễn Trung Phong, Xuân Cung…đã cung cấp nhiều kịch bản hay cho sân khấu Chèo. Nhưng, những năm gần đây, đội ngũ tác giả này ngày càng thưa vắng theo dòng chảy của thời gian và hiện nay đang đứng trước nguy cơ không có người viết.
Cảnh trong vở Thánh Mẫu (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định)
Đạo diễn là thành phần quan trọng, quyết định trực tiếp đến thành quả của vở diễn Chèo. Vì, họ là tác giả của vở diễn. Thực tế trong lịch sử, các đoàn, nhà hát Chèo đã trải qua nhiều thế hệ đạo diễn, góp phần phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Chèo lên một trình độ chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu của khán giả đương đại như Trần Bảng, Lê Huệ, Bùi Đắc Sừ, Dương Ngọc Đức, Chu Văn Thức, Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Tất Quang… Tuy nhiên, các đạo diễn tài năng thuộc thế hệ đi trước phần lớn đã khuất bóng hoặc tuổi cao trên 70, không còn hoặc hiếm hoi tham gia hoạt động sân khấu. Các đạo diễn trẻ hiện nay khi dàn dựng vở, phần lớn đều đi theo cấu trúc phương Tây, khiến cho tác phẩm Chèo mất đi những đặc trưng vốn có của nghệ thuật Chèo truyền thống.
Diễn viên là linh hồn của nghệ thuật sân khấu. Trong cơ cấu của các nhà hát, các đoàn Chèo, diễn viên trẻ là lực lượng chủ chốt, nhưng phần lớn còn non yếu về trình độ chuyên môn lẫn kiến thức chính trị, xã hội, năng lực xây dựng hình tượng chưa đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, đời sống của người nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Mức lương và các chế độ phụ cấp cho việc luyện tập và biểu diễn vẫn còn thấp kém, không có tác dụng lớn để kích thích, động viên người nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý cho công việc sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, việc trả lương theo bằng cấp không phù hợp với thực tiễn. Ở nhiều địa phương, vì khan hiếm diễn viên trẻ tài năng theo nghề, nên các đoàn, nhà hát phải khổ công tự đi tìm kiếm, tuyển sinh và cử đi học tại các trường. Tuy nhiên, ở các trường, chất lượng đào tạo chuyên môn không phù hợp với yêu cầu thực tế của đơn vị biểu diễn; lực lượng giảng viên có tài năng còn mỏng; số tiết học các môn văn hóa nhiều hơn so với học chuyên môn; học sinh không có điều kiện được những giảng viên là các nghệ sĩ tài năng, có uy tín trong ngành thường xuyên uốn nắn “cầm tay chỉ ngón” một cách chi tiết, bài bản nên dẫn đến hiện tượng không nắm vững được những kiến thức cơ bản về chuyên môn ở tất cả các mặt ca, nhạc, diễn, vũ đạo, phân tích kịch bản… Ngoài ra, các em còn không có cơ hội trau dồi chuyên môn, cọ xát thực tế từ những dịp thực hành biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật của đoàn, nhà hát. Điều này dẫn đến hiện tượng, các đoàn, nhà hát sau khi tiếp nhận các em về làm việc, phải mất thêm 2-3 năm để đào tạo lại, chưa kể còn phải đối diện với nguy cơ mất người. Vì vậy, nhiều đoàn, nhà hát chọn giải pháp đào tạo tại chỗ, sau một thời gian mới gửi các em học ở trường trung cấp của tỉnh để các em có bằng cấp làm căn cứ xếp lương cho các em. Điều này dẫn đến bất cập: những diễn viên được đào tạo chuẩn chỉ, bài bản tại đoàn, nhà hát giỏi chuyên môn, nhưng mức lương thấp hơn những diễn viên có bằng đại học, nhưng trình độ chuyên môn không bằng. Kết quả là nhiều NSND, NSƯT, tài năng sân khấu tại các đoàn, nhà hát làm việc cống hiến cả đời, nhưng có mức lương không bằng các diễn viên trẻ có bằng đại học.
Chồng chéo nhiều chức năng, nhiệm vụ
Thực tế cho thấy, hiện nay ở nước ta, không có một đơn vị sân khấu Chèo nói riêng và sân khấu kịch hát truyền thống nói chung nào được thành lập dưới dạng xã hội hóa do khán giả ngày càng khan hiếm, hoạt động khó khăn. Trong khi đó, các đơn vị sân khấu Chèo phải đảm đương nặng gánh trên vai nhiều sứ mệnh: vừa phải hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chính trị trong tuyên truyền, giáo dục các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vừa phải đảm đương trách nhiệm xã hội trong việc nhận thức, khám phá, giải phẫu hiện thực đời sống với những tiêu chí chân – thiện – mĩ của cơ chế thị trường; vừa phải lo bảo tồn và phát huy di sản truyền thống của cha ông để lại; vừa phải lo tự chủ, làm kinh tế, dựng vở “ăn khách” để giảm bớt gánh nặng ngân sách của Nhà nước và đảm bảo đời sống cơm áo hằng ngày trong sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt trên thị trường nghệ thuật. Đôi vai nặng gánh như vậy, cộng thêm khó khăn trong việc tìm kiếm khán giả, ngân sách hạn hẹp để duy trì hoạt động, sức ép lo toan bươn trải cuộc sống cơm áo gạo tiền để sinh tồn, các đơn vị Chèo còn đâu tâm huyết để xây dựng phong cách nghệ thuật, xây dựng kế hoạch, chiến lược chăm lo đến việc bảo tồn nghệ thuật Chèo truyền thống.
Hơn nữa, khi thực hiện cơ chế tự chủ, các đơn vị Chèo phải tự chi trả lương cho các hợp đồng. Việc giới hạn chỉ tiêu biên chế, khó tăng lương do quy định về bằng cấp, thu nhập thấp… là trở ngại lớn để thu hút và giữ chân các tài năng. Sứ mệnh bảo tồn sân khấu Chèo thuộc về các nghệ sĩ trẻ. Nhưng một khi các nghệ sĩ trẻ không có một cuộc sống ổn định để yên tâm làm nghề thì công tác bảo tồn sân khấu Chèo cũng không thể đảm bảo được tốt.
Vắng bóng dần các vở diễn, trích đoạn chèo cổ trên sân khấu
Hiện nay, trong kịch mục của đa số các đoàn, nhà hát Chèo hay các đơn vị có đội Chèo đã vắng bóng những tích cổ truyền thống. Ngoài Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn duy trì diễn được 5 tích cổ, còn lại không đơn vị nghệ thuật chèo nào có thể biểu diễn được 3/7 vở chèo cổ. Nhiều đơn vị chỉ còn có thể diễn được một số trích đoạn chèo cổ trong vở Quan Âm Thị Kính, Kim Nham, Lưu Bình – Dương Lễ như: Thị Màu lên chùa, Màu – Nô – Phú Ông, Lý trưởng – mẹ Đốp, Tuần Ty – Đào Huế, Phù thủy sợ ma, Lưu Bình – Dương Lễ (màn 3), Súy Vân giả dại, Cu Sứt – Huyện tể…, mà không diễn được trọn một vở.
NSND Mạnh Phóng trong trích doạn Phù thủy sợ ma
Ảnh: Nguyễn Đức Bình
Bên cạnh đó, phần lớn diễn viên trẻ nắm được các làn điệu Chèo cổ ngày càng hiếm hoi, dẫn đến số lượng lớn làn điệu Chèo cổ đang có nguy cơ mai một. Nghệ sĩ có thể hát được 50/150 làn điệu Chèo cổ đang dần trong tình trạng đếm trên đầu ngón tay. Điều này dẫn đến tình trạng hoạt động bảo tồn Chèo ở các đơn vị chỉ còn là việc sử dụng âm nhạc, làn điệu đã dùng và một số trích đoạn Chèo cổ trong hoạt động biểu diễn, dàn dựng tiết mục mới.
Có thể nói, hoạt động bảo tồn nghệ thuật sân khấu Chèo truyền thống nói riêng và sân khấu truyền thống nước ta hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn. Để công tác bảo tồn đạt hiệu quả, rất cần có một cơ chế đặc thù riêng để mở hướng hoạt động phù hợp cho các nghệ sĩ, để các nghệ sĩ không bị thiếu thốn, không quay lưng với sân khấu Chèo và yên tâm giơ cao ngọn lửa nhiệt huyết để hoàn thành sứ mệnh giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của cha ông để lại.
TRẦN THỊ MINH THU
Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Sự trở lại của các Bond Girl
Giá trị phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy
Tom Hardy: Chiến thắng chính mình