SẢN PHẨM THỦ CÔNG VÀ LƯU NIỆM CỦA LUANG PRABANG TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP ASEAN

Sự quan trọng của sản phẩm thủ công và đồ lưu niệm trong quá trình hội nhập Luang Prabang là trung tâm của Phật giáo ở Lào với nhiều chùa chiền được xây dựng theo đa dạng phong cách kiến trúc, lưu giữ được nhiều nét nghệ thuật văn hóa và lối sống truyền thống cổ xưa. Điều này đã trở thành cái duyên và điểm riêng biệt cho thành phố, có thể thu hút được một lượng lớn khách vào tham quan du lịch ở đất nước Triệu Voi. Năm 1995, thành phố Luang Prabang được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo ông Sucsai Singnhabut (Hội liên hiệp Hòa bình Thái Lan – Lào), “Luang Prabang là nơi bảo tồn được nền văn hóa đã có từ lâu đời, cho đến hiện nay không có sự biến đổi nhiều, thể hiện sự thành công của việc tập hợp các nền văn hóa, phong tục tập quán, kiến trúc, cơ cấu dân số, sự ảnh hưởng thuộc địa châu Âu từ cuối TK XIX – đầu TK XX. Với tính chất riêng biệt về mặt địa hình, Luang Prabang là nơi bảo tồn tốt nền văn hóa, được thể hiện trong các sản phẩm văn hóa với sự kết hợp hai kiểu văn hóa. Luang Prabang là điểm lựa chọn nhận được sự yêu thích nhất trong ba năm liền của khách du lịch…”(1). Đây chính là cơ hội tạo điều kiện cho mặt hàng thủ công và đồ lưu niệm của Luang Prabang có điều kiện phát triển, nâng cao chất lượng để đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo sự tin tưởng cho khách hàng với sự kết hợp khéo léo giữa nét đẹp văn hóa, sự sáng tạo, khoa học công nghệ và cách thức giới thiệu sản phẩm. Đây là cơ hội để có thể thu hút các nhà đầu tư và là con đường rộng mở để hội nhập vào thị trường cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN. Đây cũng chính là lý do thúc đẩy việc phải nghiên cứu khảo sát thị trường sản phẩm thủ công ở Luang Prabang nói riêng, ở CHDCND Lào nói chung trong xu thế cạnh tranh trong lĩnh vực này giữa các nước trong cộng đồng các nước Đông Nam Á. Việc nghiên cứu góp phần tạo ra sự hiểu biết, có sự trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cách thức đề ra kế hoạch, chủ trương đường lối để bảo vệ và phát triển di sản nghề thủ công ở Luang Prabang. Ngoài ra còn có thể đưa các mặt hàng thủ công của Luang Prabang vào cạnh tranh với các nước khác ở trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á một cách hiệu quả và bền vững. Các sản phẩm thủ công và lưu niệm chính ở Luang Prabang Sản phẩm vải thủ công ở bản Pha Nôm được sản xuất với số lượng lớn và đa dạng về kiểu dáng, do nhân công thợ dệt vải dồi dào. Họ tập hợp với nhau để tạo ra các nhóm có sự liên kết một cách chặt chẽ để có thể tiêu thụ được sản phẩm nhiều hơn như: đề ra quy định không được đưa các sản phẩm ở các nơi khác vào bán, nhận biết về mặt hàng vải dệt thủ công để người mua và khách du lịch biết đến sản phẩm thủ công thực sự có ở Luang Prabang. Các sản phẩm đều được dán tem đảm bảo chất lượng, tạo lòng tin đối với khách hàng. Vấn đề là khi cộng đồng kinh tế các nước ASEAN được thành lập, mặt hàng thủ công ở bản Pha Nôm sẽ phải cạnh tranh giá cả với các sản phẩm thủ công trong khu vực. Lâu nay, thợ dệt của bản còn nhận sản xuất theo đơn đặt hàng, như sản xuất theo các họa tiết do khách yêu cầu, dẫn đến nguy cơ về lâu dài có thể mất đi các họa tiết đặc trưng của Luang Prabang. Sản phẩm gốm thủ công ở bản Chan Nưa chịu sự chi phối mạnh mẽ của các yếu tố tự nhiên. Nguồn nguyên liệu đất tại địa phương có thể đủ cho nhiều hơn 10 năm nữa và những người thợ gốm đều có kỹ năng cao, tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau. Khó khăn lớn nhất hiện nay là có sự giao lưu, du nhập với bên ngoài làm cho nét riêng biệt của đồ gốm bản Chan Nưa không được bảo tồn và dần dần bị mất đi. Có thể vì vậy mà các sản phẩm đồ gốm không thể được bán với giá cao. Khi cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập, đã thu hút nhiều nhà đầu tư các nước đến với nghề làm gốm, thúc đẩy nghề thủ công này trở thành một ngành công nghiệp. Khi đó các sản phẩm gốm của bản Chan Nưa sẽ không thể theo kịp. Vì vậy điều cần thiết nhất bây giờ là phải cố gắng tạo ra nét đặc trưng, riêng biệt cho các sản phẩm gốm để có thể thu hút sự chú ý quan tâm của khách hàng, như sản xuất các sản phẩm gốm có sự kết hợp giữa các họa tiết hoa văn cổ xưa với các họa tiết hoa văn hiện đại. Nghề làm giấy ở bản Sang Khong được tiếp nối nhau qua nhiều thế hệ, có nguyên liệu sản xuất là tơ cây dó khô. Những người dân làm giấy bản đều là những người có tay nghề cao, hiểu biết được nhu cầu của khách hàng. Màu sắc của giấy bản được tạo ra theo phương pháp tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học để tạo màu. Người bản Sang Khong biết cách xây dựng các điểm bán hàng có sự liên hệ mật thiết với thiên nhiên. Cùng với đó là sự khuyến khích, tuyên truyền của các cơ quan, tổ chức ở địa phương để làm cho nơi đây trở thành địa điểm du lịch văn hóa và trí tuệ. Tuy nhiên, vấn đề chính là nguyên liệu sản xuất là sợi cây dó khô được mua từ những khu vực khác ở ngoại thành với giá càng ngày càng cao, làm cho nguồn vốn sản xuất cũng tăng lên. Mặt khác, hiện nay càng ngày càng có nhiều mặt hàng giống nhau và sử dụng các loại hoa văn họa tiết từ các nước láng giềng vào sản xuất. Để hội nhập được với cộng đồng kinh tế ASEAN, người thợ cần phải cố gắng tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng bằng sự kết hợp các loại kiểu dáng, hoa văn họa tiết riêng có của Luang Prabang, từ đó tạo ra sự khác biệt với các nước khác trong cộng đồng ASEAN. Đồ đan lát thủ công ở bản Đòn Kéo có thuận lợi là nguồn nguyên liệu được lấy trực tiếp ở địa phương. Yếu tố quan trọng nhất là tay nghề của người thợ để tạo ra các sản phẩm với nhiều kiểu dáng. Vì vậy, sản phẩm này không tốn nhiều vốn và không cần có nguồn vốn cao cũng có thể sản xuất được. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của loại sản phẩm này là sản phẩm có sự tỉ mỉ cao, số lượng sản phẩm tiêu thụ không nhiều, không có sự đa dạng và phong phú về mặt chủng loại, không có sản phẩm mang đặc trưng riêng của địa phương, tiêu thụ theo kiểu bán buôn cho các của hàng và các thương lái nên không thể bán với giá cao. Điểm quan trọng nhất trong nghề làm bạc ở Luang Prabang chính là sự sáng tạo. Trước đây, đồ bạc chỉ được sử dụng trong cung vua và giới quý tộc. Nhu cầu của khách du lịch đối với đồ bạc ở Luang Prabang ngày càng tăng lên nhưng hiện nay, thợ thủ công làm bạc lành nghề ở Luang Prabang còn rất ít. Phần lớn các sản phẩm bạc được bán ở đây đều không phải là bạc thật và được lấy từ những nơi khác. Vì vậy, cần phải khuyến khích để có thể tạo ra các sản phẩm bạc có giá trị cao và có điểm đặc trưng riêng biệt mà không một nước nào ở cộng đồng các nước ASEAN có được. Sự xuất hiện các loại hàng “nhái” ở Luang Prabang Thời gian đầu, hàng hóa được bày bán ở Luang Prabang là những sản phẩm thủ công được làm bằng tay của đồng bào Mông, người dân bản Phạ Nôm và các làng nghề khác trong huyện Luang Prabang. Các loại hàng hóa truyền thống của địa phương cũng chưa đa dạng, chủ yếu là quần áo và khăn quàng thổ cẩm, giấy saa, đồ gỗ chạm khắc hoa văn… Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, người dân địa phương từ những nguyên liệu truyền thống đã sáng tạo ra những mẫu mã mới, tiện dụng như túi xách, túi đựng điện thoại, giầy dép, đèn lồng… Trang sức được kết hợp giữa chất liệu cổ truyền với mẫu mã, kiểu dáng hiện đại mà lại rất Lào, như các loại trang sức bằng bạc (đồng hồ bạc, thắt lưng bạc, vòng bạc…). Đây là những sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng trong nước mà còn được rất nhiều khách du lịch nước ngoài ưa chuộng. Sự đổi mới trong công nghệ chế tạo sản phẩm đã tạo sự phong phú về mặt chủng loại cũng như tạo ra sự cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người dân. Do sự phát triển nhanh chóng của du lịch tại Luang Prabang cùng với nhu cầu ngày một tăng của khách du lịch, hàng hóa sản xuất trong tỉnh không còn đủ, người ta bắt đầu nhập hàng từ các thợ thủ công tỉnh khác như Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn… Ngoài ra, ở Luang Prabang, còn có rất nhiều hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài. Các mặt hàng nhập khẩu cũng phải đáp ứng được tiêu chí thể hiện bản sắc văn hóa các dân tộc Luang Prabang. Ở Luang Prabang, những người bán hàng đã bán cả đồ do họ làm thủ công và hàng sản xuất công nghiệp từ các cửa hàng bán buôn của người Việt Nam, Trung Quốc ở các khu vực khác. Những ví dụ về đồ làm thủ công là vỏ gối, khăn trải bàn, ví và túi được may vá và thêu trang trí, trong khi các sản phẩm Trung Quốc được bán cho khách du lịch là vòng tay, vòng cổ, nhẫn, khăn quàng cổ… Các mặt hàng nhập khẩu thường có giá rẻ nên tiêu thụ nhanh hơn các sản phẩm thủ công sản xuất trong nước. Một vài kiến nghị Thứ nhất, các loại vải dệt thủ công và đồ bạc là các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Luang Prabang. Vì vậy, cần được phát triển và bảo tồn để phù hợp với xu hướng thị hiếu khách du lịch cũng như đảm bảo cuộc sống của người thợ thủ công. Đặc biệt, có thể mở một trung tâm làm đồ bạc, vừa là nơi giới thiệu vừa bán sản phẩm cho khách du lịch trong và ngoài nước. Thứ hai, nên có biện pháp để bảo vệ, bảo tồn mặt hàng thủ công địa phương. Có thể kết hợp các loại hoa văn họa tiết truyền thống với hoa văn họa tiết mới mang đặc trưng văn hóa Luang Prabang. Tuy nhiên, không nên học hỏi và làm theo các kiểu hoa văn họa tiết của các địa phương khác, bởi như vậy sẽ làm mất đi nét đặc trưng của sản phẩm địa phương. Cần phải tạo ra các họa tiết trên các loại vải dệt thủ công của Luang Prabang, họa tiết đồ bạc, kiểu dáng và họa tiết của đồ gốm có nét riêng biệt, là sản phẩm đặc trưng của Luang Prabang. Thứ ba, nên có biện pháp để tìm cách hạn chế việc mua nguyên liệu từ các địa phương khác, như sợi vải, vì sẽ làm nguồn vốn sản xuất tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán của sản phẩm. Thứ tư, nên tạo ra một mạng lưới những người sản xuất đồ thủ công và đồ lưu niệm ở Luang Prabang, giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh trong việc tiêu thụ sản phẩm. Thực tế là khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, hàng hóa cùng chủng loại với các sản phẩm thủ công Luang Prabang của các nước láng giềng được sản xuất ở các nhà máy có quy mô vừa và lớn mà có giá cả thấp sẽ bước vào cạnh tranh và giành thị trường ở ngay Luang Prabang. Chính vì thế, một mạng lưới của cộng đồng sản xuất hàng thủ công mà có liên kết chặt chẽ thì có thể hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau trong việc sáng tạo mẫu mã, quản lý sản phẩm và dây chuyền tiêu thụ. Thứ năm, các cơ quan tổ chức có liên quan cần khuyến khích sản xuất bằng việc quảng cáo, tuyên truyền để khách hàng biết đến các sản phẩm thủ công và đồ lưu niệm Luang Prabang nhiều hơn. Cần có chế độ trả lương cho các nghệ nhân và đưa ra biện pháp để khôi phục lại các làng nghề sắp bị mất như nghề làm bạc. ______________ 1. Wanderlust Travel Award 2556, 2004, tr.58.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018

Tác giả : SOMPHANITH MANGNOMET

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *