Trong xã hội đương đại, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào hoạt động sản xuất là yêu cầu mang tính tất yếu, bảo chứng cho khả năng thành công khi tham gia vào thị trường. Nhận định này có lẽ không sai trong việc ứng dụng KHCN để sản xuất các chương trình ca – múa – nhạc (CMN) ở TP.HCM trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang có những tác động ngày càng sâu sắc đến hoạt động tổ chức biểu diễn.
Trong những năm gần đây, thuận theo mức độ phát triển chung về đời sống kinh tế, văn hóa của người dân, chương trình biểu diễn CMN ở TP.HCM được sản xuất ngày càng nhiều, có quy mô và nhiều hình thức hơn. Nhờ đó, đời sống văn hóa nghệ thuật của người dân nói chung, thị trường biểu diễn CMN nói riêng phong phú và sôi động hơn. Từ những quan sát, trải nghiệm thực tế, có thể thấy, sự phát triển của hoạt động sản xuất chương trình CMN ở TP.HCM hiện nay còn nhiều vấn đề cần bàn luận, trong đó có việc ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0.
Khai thác dữ liệu lớn (big data)
Big data là tập hợp dữ liệu với kích thước lớn và phức tạp, vượt khả năng thu thập, xử lý và quản lý của các công cụ phần mềm thông thường. Nguồn dữ liệu tạo thành big data có thể đến từ các trang web, mạng xã hội, ứng dụng dành cho máy tính để bàn, thiết bị di động, các thí nghiệm khoa học, thiết bị cảm biến và các thiết bị khác trong Internet of Things – IoT… (1). Trong đó, đối với hoạt động giải trí như sản xuất các chương trình CMN, nguồn dữ liệu dạng big data của công chúng trên mạng xã hội, thiết bị di động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thông qua nguồn dữ liệu này, nếu các đơn vị tổ chức chương trình CMN biết đầu tư khai thác một cách hợp pháp, hợp lý, thì hoàn toàn có thể nhận diện được nhu cầu, thị hiếu, xu hướng giải trí của công chúng. Đó chính là cơ sở thực tiễn quan trọng để đơn vị tổ chức chương trình CMN xây dựng chiến lược truyền thông marketing, cũng như định hướng phát triển sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhất cho công chúng.
Trong thực tế, hầu như chưa có đơn vị tổ chức chương trình CMN nào ở TP.HCM khai thác hiệu quả hệ thống dữ liệu của công chúng dưới dạng big data từ các mạng xã hội, thiết bị di động… Quyết định sản xuất, tổ chức biểu diễn của đơn vị tổ chức hầu hết dựa trên chức năng, nhiệm vụ định sẵn, hoặc do phán đoán cá nhân dựa vào quá trình quan sát thực tế, kinh nghiệm làm nghề. Điều này cho thấy sự phát triển nghệ thuật biểu diễn CMN ở TP.HCM thiếu nền tảng, một phần nguyên nhân là chưa biết cách khai thác hiệu quả những dữ liệu big data bằng khoa học công nghệ hiện đại.
Ứng dụng trí thuệ nhân tạo (AI)
Trí tuệ nhân tạo là dạng trí tuệ do con người lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Nó là một trong những ngành trọng yếu của công nghệ thông tin, giúp con người xử lý được nhiều vấn đề trong cuộc sống… (2).
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ văn hóa giải trí tại TP.HCM, ở một chừng mực nhất định và trong giới hạn về nguồn lực, một số công nghệ có tích hợp AI đã bước đầu được sử dụng. Ví dụ điển hình như sử dụng AI để lập trình vận hành sân khấu, hệ thống âm thanh, ánh sáng, cảnh trí, hình ảnh… cho các chương trình CMN. Với sự hỗ trợ của các máy tính sử dụng AI, sau khi được lập trình, khi sử dụng, thay vì đòi hỏi cả một lực lượng nhân sự hỗ trợ hùng hậu như trước kia giờ đây, chỉ cần thao tác ấn nút, mọi ý tưởng nghệ thuật của đạo diễn sẽ được thể hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ trên sân khấu. Đối với khán giả, khi đặt mua vé online, vị trí ghế ngồi của họ sẽ được kết nối tương tác với các dịch vụ, tiện ích khác tại sân khấu.
Để sử dụng công nghệ AI vào quá trình sản xuất các chương trình ở quy mô lớn hơn và với chất lượng công nghệ cao, đòi hỏi đơn vị tổ chức phải sở hữu năng lực tài chính mạnh, đội ngũ nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao và một tầm nhìn phát triển có tính chất chiến lược của lãnh đạo đơn vị.
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR)
“Thực tế ảo (VR) là một môi trường mô phỏng máy tính phong phú, đa cảm giác, ba chiều, 360 độ”, cho phép công chúng có cơ hội trải nghiệm nhập vai “những hình ảnh, âm thanh thực tế và nhiều cảm giác khác tái tạo một môi trường đã biết hoặc tạo ra một môi trường tưởng tượng” (3). Trong khi đó, thực tế tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR) “là các hình thức khác của AR “rỗng” được bổ sung các lớp âm thanh, video hoặc đồ họa kỹ thuật số vào môi trường vật lý xung quanh người dùng”, giúp “gia tăng cảm nhận của người dùng về thực tế” (4). Những công nghệ này cho phép con người tương tác nhiều hơn, hiệu quả và có những trải nghiệm thú vị hơn thông qua sự hỗ trợ của máy tính.
Hiện nay, một số chương trình CMN tại TP.HCM, hình ảnh nghệ sĩ ảo trên sân khấu đã được hiện thực hóa bằng máy chiếu Hologram và các thiết bị kỹ thuật hiện đại khác (các thiết bị này thường được kết nối kỹ thuật và điều khiển từ xa). Công nghệ này tạo ra hình ảnh chân thực đến mức khán giả khó phân biệt giữa thật và ảo. Trong tương lai, trước nhu cầu sáng tạo của những người làm nghệ thuật và đòi hỏi ngày càng cao của công chúng, công nghệ VR, AR và MR sẽ được sử dụng thường xuyên và hiệu quả hơn.
Ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT)
IoT là một yếu tố cơ sở hạ tầng cốt lõi của cuộc CMCN 4.0. “Nó bao gồm một loạt các cảm biến thông minh và được kết nối để thu thập, xử lý và biến đổi dữ liệu theo nhu cầu; sau đó nó truyền dữ liệu đến các thiết bị hoặc cá nhân khác để đáp ứng các mục tiêu của hệ thống hoặc người dùng” (5). Sự ra đời và phát triển của IoT có những tác động rất lớn “và sẽ khiến các ngành công nghiệp dịch vụ và sản xuất hiện tại phải đối mặt với những biến động, giống như các biến động mà ngành truyền thông đã phải trải qua trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2015” (6).
Với những đặc tính ưu việt, IoT đã cho thấy khả năng hữu dụng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu cho công chúng của các chương trình CMN trong xã hội đương đại. Trong quy trình sản xuất – phân phối – tiêu thụ dịch vụ, các nhà sản xuất chương trình CMN có thể ứng dụng công nghệ IoT ở các khâu: phát hành vé, soát vé, quản trị các nguồn lực cơ sở vật chất, tài chính, nhân sự… Bằng cách kết nối với hệ thống cảm biến, trí tuệ nhân tạo (AI), máy ảnh và công nghệ nhận diện khuôn mặt, đơn vị tổ chức dễ dàng hơn trong việc kiểm soát, phân loại công chúng đến sân khấu, từ đó gia tăng chất lượng công tác đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình diễn ra chương trình. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tình hình an ninh trật tự ở các đô thị, những nơi tập trung đông người đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, qua công nghệ IoT, đơn vị tổ chức chương trình CMN có thể kết nối với hệ thống lưu trữ và phân tích dữ liệu xã hội học của công chúng hiện có, công chúng mục tiêu và công chúng tiềm năng để đưa ra những thông tin, dữ liệu mới giúp đơn vị tổ chức có thể phán đoán xu hướng thị hiếu, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng chính xác, ở những phạm vi rộng hơn. Đó là cơ sở khoa học để nhà sản xuất xác định những đặc điểm về hình thức, nội dung, ý tưởng nghệ thuật và thông điệp nhân văn được tích hợp trong chương trình CMN. Ngoài ra, với công nghệ IoT, đơn vị tổ chức chương trình CMN cũng thuận tiện hơn trong việc xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông marketing trên nền tảng các phương tiện điện tử kết nối internet như điện thoại, máy tính, tivi, đồng hồ, ipad… Tuy nhiên, việc ứng dụng những đặc tính công nghệ của IoT cũng đặt đơn vị sản xuất các chương trình CMN đối diện với nhiều rủi ro, thử thách như: “thiếu các giao thức bảo mật, giới hạn băng thông, rào cản chấp nhận văn hóa và các thỏa thuận còn thiếu về cách phân tích giá trị của dữ liệu và cơ hội hợp tác” (7).
Trong thực tế, ở TP.HCM rất hiếm nhà sản xuất ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất chương trình CMN để phục vụ công chúng. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tư duy chưa hợp thời của các nhà sản xuất, đạo diễn chương trình, nhưng cũng có thể từ nền tảng nguồn lực tài chính, nhân lực thấp.
Nhìn chung, việc ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc CMCN 4.0 vào quá trình sản xuất các chương trình CMN ở TP.HCM là cần thiết để nâng cao chất lượng chương trình, thu hút công chúng. Tuy nhiên, điều đó cũng làm thay đổi nhu cầu, thói quen, phương thức, hành vi tiêu dùng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, mà trong đó các chương trình CMN là một thành tố. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý, nhà sản xuất chương trình CMN những thử thách mới trong cuộc đua cạnh tranh trên thị trường văn hóa nghệ thuật.
NSND Lê Tiến Thọ cho rằng: “Trong thời đại CMCN 4.0 với nhiều thiết bị nghe nhìn hỗ trợ thì sân khấu cũng cần tiếp cận khán giả bằng công nghệ số. Một số nhà hát đã thay đổi tích cực, tiếp cận khán giả bằng việc giới thiệu thông tin về buổi diễn, vở diễn trên website hoặc trang Facebook chính thức của mình” (8). Nghệ sĩ Thanh Bạch trong một cuộc phỏng vấn cũng chia sẻ rằng: “Trên thế giới hiện nay, sân khấu đã đi vào nhà của khán giả”. Điều đó nghĩa là nghệ thuật đã tự thân tiếp cận đến tận khán giả, chứ không còn theo phương thức truyền thống trước đây là khán giả đến nhà hát.
Như vậy, nhà sản xuất chương trình CMN phải nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và tính tất yếu trong việc ứng dụng các thành tựu của KHCN vào chu trình sản xuất, cung ứng dịch vụ ra cho thị trường trong bối cảnh hiện nay. Bởi nếu không, các chương trình CMN được sản xuất ở TP.HCM không những tụt hậu so với xu hướng phát triển nghệ thuật biểu diễn của thế giới, mà còn trở nên lạc lõng trên thị trường văn hóa nghệ thuật ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ, và trở nên “lạc điệu” so với nhu cầu, thị hiếu nghệ thuật của công chúng.
Ở một bình diện khác, thông qua các giá trị công nghệ được tích hợp trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… nhà sản xuất chương trình CMN tại TP.HCM cần đóng vai trò dẫn dắt và khơi nguồn cảm hứng cá nhân cho khán giả. Bởi, khi tham dự chương trình, khán giả không thuần túy đến xem những gì diễn ra trên sân khấu mà còn có những nhu cầu ngoài sân khấu khác. Điển hình như khi các nghệ sĩ quốc tế đến dự Liên hoan phim Cannes 2018 tại Pháp, họ không hẳn đến để thưởng thức các tác phẩm điện ảnh, mà còn muốn nhân cơ hội này để làm nổi bật hình ảnh cá nhân. Xét từ góc độ kinh tế, việc này còn mang lại những hiệu quả truyền thông, marketing cho đơn vị tổ chức mà họ không cần phải tốn nhiều nguồn lực.
Việc ứng dụng KHCN để sản xuất các chương trình CMN là yêu cầu tất yếu, nhưng TP.HCM hiện nay chưa có cơ sở đào tạo nhân sự riêng cho lĩnh vực đặc thù này, hầu hết đều làm việc dựa vào tự học và kinh nghiệm cá nhân. Điều đó không chỉ làm cho nhà sản xuất rơi vào thế bị động, mà còn hạn chế nhiều khả năng cũng như hiệu quả ứng dụng.
Dù việc ứng dụng KHCN trong các chương trình CMN có ở cấp độ nào, quy mô nào thì đơn vị sản xuất cũng cần gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc. Chúng ta có thể thấy tinh thần đó được thể hiện trong tiết mục của nhóm nhảy 218 Dance Crew của Việt Nam khi họ tham gia chương trình Asia’s Got Talent2017. Mặc dù tiết mục được dàn dựng theo phong cách hiện đại, với phần trình diễn ứng dụng công nghệ Led-Wiless, nhưng nhóm nhảy đã giới thiệu đến khán giả quốc tế qua thiết kế trên nền biểu tượng hoa sen, nón lá và nhạc dân tộc được phối lại.
Theo xu hướng phát triển của thế giới, việc tăng cường ứng dụng các thành tựu của KHCN như khai thác dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế ảo (VR), công nghệ kỹ thuật số… góp phần nâng cao chất lượng chương trình biểu diễn. Đồng thời, thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng với chất lượng các chương trình CMN. Qua đó, giúp cho các đơn vị tổ chức biểu diễn khai thác thị trường văn hóa nghệ thuật hiệu quả hơn, hòa nhập được với thị trường quốc tế.
Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất các chương trình CMN ở TP.HCM còn nhiều khó khăn như: năng lực tài chính của đơn vị sản xuất chưa đủ mạnh, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, khả năng sáng tạo nghệ thuật trên nền tảng công nghệ của đạo diễn còn hạn chế… Để giải quyết những tồn tại, khó khăn trên, thiết nghĩ cần có sự đồng lòng, hiệp sức toàn diện từ đơn vị sản xuất chương trình, công chúng, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở đào tạo.
_______________
1. Duy Luân, Big data là gì và người ta khai thác, ứng dụng nó vào cuộc sống như thế nào?, tinhte.vn, 2013.
2. Trần Thị Ngọc Hoài, Trí tuệ nhân tạo là gì? Nguồn gốc và một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong thực tiễn, starup.vitv.vn, 2016.
3, 4, 5, 6, 7. Klaus Schwab, Nicholas Davis, Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Nguyễn Vân, Thành Thép dịch, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2019, tr.362, 363, 211, 211, 210.
8. Tân Khoa, Sân khấu không thể đứng ngoài cuộc với cách mạng công nghiệp 4.0, viettimes.vn, 2018.
Tác giả: Phạm Ngọc Hiền
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn