LTS: Simon Starling là một trong những nghệ sĩ ý niệm (conceptual artist) quan trọng nhất trong nghệ thuật đương đại thế giới. Không chỉ riêng các sáng tác mà sự tinh tế và những nghiên cứu sâu sắc của ông đã thuyết phục cộng đồng nghệ thuật và cuốn hút nhiều đối tượng khán giả từ các ngành nghề khác nhau. Cuối năm 2012, nữ nghệ sĩ Việt kiều Nguyễn Hân Thùy Chi (sinh năm 1988), môn đệ của Starling, đến từ trường Stadelschule (1), một trong những trường nghệ thuật có tầm ảnh hưởng nhất châu Âu, có chia sẻ với nghệ sĩ Hà Nội về các sáng tác tiêu biểu của Starling, phương pháp giáo dục nghệ thuật cũng như ảnh hưởng của ông đến sự phát triển nghệ thuật của sinh viên tại Stadelschule. Theo kế hoạch đã định, Starling và nhóm sinh viên của ông sẽ đến Việt Nam tìm hiểu cuộc sống ở đây và thực hiện các chương trình trao đổi nghệ thuật với nghệ sĩ trẻ trong tháng 4 – 2013. Nhân dịp này, VHNT giới thiệu với bạn đọc quan tâm một phác họa hành trình nghệ thuật và nhân cách nghệ sĩ của ông.
Từ những sáng tác đầu tiên
Sinh năm 1967, tại Epsom, Anh Quốc, Starling hiện đang sống và làm việc tại Copenhagen (thủ đô Đan Mạch), Berlin và Frankfurt (CHLB Đức). Ông đã tốt nghiệp khoa nhiếp ảnh và nghệ thuật ở trường nghệ thuật Maidstone, Trent Polytechnic Nottingham và trường nghệ thuật Glasgow, Anh Quốc. Ngay từ những thập niên 90, Starling đã tham gia nhiều triển lãm quốc tế. Tuy cùng thế hệ với nhóm nghệ sĩ trẻ Anh (YBAs – Young British Artists) nhưng những sáng tác của S.tarling hoàn toàn độc lập và mang những nét độc đáo riêng. Bên cạnh nhiều triển lãm nhóm và cá nhân khác nhau, ông đã từng tham gia Venice Biennale năm 2003 và Gwangju Biennale năm 2006. Ông cũng được đưa vào đề cử cho giải thưởng nghệ thuật đương đại Hugo Boss của bảo tàng Guggenheim năm 2004 và giành giải thưởng Turner Prize danh tiếng cho những thành quả nổi bật trong thực hành nghệ thuật đương đại năm 2005.
Sáng tác của Starling luôn giải quyết các quá trình biến đổi của cả tự nhiên và văn hóa. Được thực hiện theo những chuỗi hành động ý niệm và thực tiễn như một dạng thí nghiệm, nhưng cùng lúc đó, tác phẩm của ông cũng kể những câu chuyện về sự thay đổi. Để thực hiện dự án Rescued Rhododendrons (Những cây đỗ quyên được giải cứu, năm 2000), S. Starling đã thực hiện một cuộc hành trình từ phía bắc Scotland tới phía nam Tây Ban Nha. Cuộc hành trình này là chuyến đi ngược lại theo chân nhà thực vật học người Thụy Điển Claes Alestroemer. Năm 1763, Alestroemer đã mang giống hoa đỗ quyên lần đầu tiên tới nước Anh. Ngày nay, tuy loài hoa này rất phổ biến ở Anh nhưng lại bị coi là một thứ cây dại và nằm trong một chiến dịch của nhà nước sẽ bị phá hủy toàn bộ. Bằng một cử chỉ tưởng chừng đơn giản, S. Starling tự đào lên 7 cây hoa đỗ quyên và chở trên chiếc xe ô tô của mình để đưa chúng về “quê hương” thực sự. Nếu cây cối như một biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc hay bản sắc của một đất nước thì việc phá hủy những cây đỗ quyên đã tồn tại ở Scotland đến 250 năm đặt những câu hỏi về việc vậy thì thực sự đâu mới là phong cảnh của Scotland? Lưu giữ lại toàn bộ quá trình của dự án là những bức ảnh và video. Việc sắp đặt những cây đỗ quyên theo môtip lặp lại như một biểu tượng cho thấy khả năng thích nghi của chúng vào các môi trường tự nhiên khác nhau cũng như tác phẩm khám phá việc các vật thể được xác định, phân loại và đặt giá trị như thế nào.
Đến Những phân tử Nam Kinh – nghệ thuật kết hợp với lịch sử và khoa học
Trong các tác phẩm của Starling, “câu chuyện đằng sau là tất cả”- nhà phê bình nghệ thuật người Anh Adrian Searle đã nhận xét như vậy. Kết hợp giữa tư duy phê phán yếu tố thương mại cùng với mối quan tâm về một lịch sử đã bị quên lãng hay có thể nói là một ý thức rõ ràng về nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật, các tác phẩm của S.Starling chạm đến tất cả những vấn đề tưởng chừng rất khác nhau.
Tác phẩm Những phân tử Nam Kinh (The Nanjing Particles) được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật đương đại Massachusetts (MASS MoCA) năm 2008 là một ví dụ điển hình cho việc kết hợp các nghiên cứu liên ngành. MASS MoCA mang một kiến trúc và thiết kế táo bạo, sắc nét và ít bị ảnh hưởng bới yếu tố duy mỹ hơn các bảo tàng nghệ thuật đương đại khác. Tác phẩm gồm 2 bức ảnh đen trắng cũ, chụp từ năm 1870 bởi Henry Ward, được phóng to. Những bức ảnh này là hình ảnh những người công nhân Trung Quốc đứng tạo dáng chụp ảnh một cách kiên nhẫn bên ngoài nhà máy ở North Adams – nơi hiện tại chính là một phần của MASS MoCA. Trên hai tấm ảnh khổng lồ này có hai lỗ hổng để khách tham quan nhìn qua và thấy hai điêu khắc lớn khác, bóng lóa bằng kim loại với hình dáng khá kỳ lạ, được đặt phía bên kia phòng triển lãm. Bề mặt của hai điêu khắc sáng bóng và có thể phản chiếu cả không gian kiến trúc hiện đại, mang đậm tính công nghiệp xung quanh cũng như phản chiếu chính những khán giả tới xem. Hình dáng kỳ lạ của hai điêu khắc này thực sự cuốn hút người xem cho tới khi ta đọc câu chuyện đằng sau đó: Quay lại thời điểm lịch sử năm 1870, nhà máy sản xuất giày Calvin T. Sampson ở North Adams đã thuê một nhóm công nhân ở Trung Quốc từ San Francisco tới North Adams để dấy lên một cuộc biểu tình. 75 người Trung Quốc trẻ tuổi tới một thành phố mà hầu như vào thời điểm đó chưa xuất hiện người châu Á. Sau đó, hầu hết những người công nhân này đã ngụ cư lại North Adams trong 10 năm tiếp theo. Sự hiện diện của họ cũng như lý do chính là để giúp kích động một cuộc tranh cãi diễn ra nhiều năm đã lên đến đỉnh điểm trong hệ thống pháp luật của Mỹ về việc Quốc hội cấm người dân nhập cư lao động của Trung Quốc vào Mỹ. Mãi đến khi luật này được bãi bỏ vào năm 1940, theo như ghi chép lại, thì “đây là một trong những luật duy nhất trong lịch sử nhập cư ở Mỹ mà loại trừ cả một sắc tộc người”. Những bức ảnh được Starling tái tạo lại là hai phần của một bức ảnh chụp tập thể, một cặp ảnh được chụp chỉ từ hai góc hơi khác nhau. Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Henry Ward 5 năm sau khi những người công nhân này đã chuyển tới sống ở North Adams. Câu chuyện lịch sử thú vị này đã cuốn hút Starling. Nhưng việc ông đã lấy bức ảnh của Ward và tạo nên hai điêu khắc kim loại nghĩa là sao? Starling đã chiết xuất phân tử bạc từ những tấm ảnh của Ward, ông đặt các hạt phân tử này trong một kính hiển vi điện tử, thứ có thể phóng đại và giúp ta nhìn thấy hình dáng đặc biệt của chúng. Sau đó ông phóng lớn hình dáng này lên gấp một triệu lần. Ông đã xem xét việc chuyển đổi hai phân thể phóng to này ở Mỹ nhưng thấy quá trình sản xuất quá tốn kém. Sau khi cân nhắc thêm về ý tưởng và tìm hiểu kỹ lưỡng, ông đã mang những điêu khắc này tới sản xuất ở Xưởng nghệ thuật quốc gia thuộc Nam Kinh, Trung Quốc. Tại đây, nhân công rẻ hơn, những hình dáng này được dựng lên bằng đất sét và khuôn nhựa, sau đó được bọc một lớp thép không gỉ trước khi được đánh bóng bằng tay và tạo nên một sản phẩm hoàn thiện sáng bóng như gương. Những điêu khắc này sau đó lại được vận chuyển tới North Adams. Cuối cùng, ông đã tìm được những vật thể phù hợp đầy tính châm biếm và phảng phất những âm vọng từ lịch sử. Ông chia sẻ rằng, ông muốn “tìm lại dấu vết nguồn gốc của mọi vật”. Tác phẩm này nối tiếp vào chuỗi quan tâm của ông khi xem xét lại quá trình sản xuất và lao động. Đan xen yếu tố lịch sử lao động địa phương vào những thực hành lịch sử hiện tại về sản xuất và tái hiện nghệ thuật, tác phẩm sắp đặt đã gợi lên rất nhiều mỗi liên kết giữa nghệ thuật, công nghiệp và kinh tế toàn cầu. Các thành viên giám khảo đã trao giải thưởng Turner Prize danh tiếng cho ông năm 2005 cũng nhắc tới khả năng độc đáo của Starling khi tạo ra những thứ trữ tình, mang màu sắc của cả câu chuyện văn hóa, chính trị và lịch sử. Và bao giờ các tác phẩm của ông cũng gắn bó chặt chẽ và trực tiếp tới địa điểm mà ông triển lãm. Starling thường kể lại câu chuyện của một địa điểm nhất định, trong khi đó, tiết lộ thêm những kết nối thường vô cùng bất ngờ tới thời gian và không gian. Ngay việc sử dụng cả một không gian triển lãm khổng lồ chỉ cho một tác phẩm không quá lớn cũng phần nào cho thấy ông đưa ra một sự phê phán đầy ẩn ý mà cũng khiêu khích tới những xu hướng gần đây khi các bảo tàng luôn dung túng cho việc trưng bày các sáng tác có kích thước khổng lồ hoặc mang yếu tố giải trí. Cùng lúc đó, ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình để khám phá sự lao động và chất liệu cũng như tác động về địa lý, chính trị và nguồn gốc văn hóa của nó.
Dự án cho một dạ hội hóa trang
Project for a Masquerade (Dự án cho một dạ hội hóa trang, tên khác là Hiroshima) năm 2011 là triển lãm cá nhân đầu tiên ở Nhật của Starling. Các tác phẩm trong triển lãm thuộc về dự án chuyên sâu của ông về Hiroshima. Chúng dựa trên những nghiên cứu của ông về điêu khắc gia người Anh nổi tiếng Henry Moore (1898-1986), đặc biệt lấy cảm hứng từ tác phẩm Atom Piece (Mảnh nguyên tử) của ông mà Bảo tàng Nghệ thuật đương đại thành phố Hiroshima (Hiroshima MOCA) sở hữu. Từ những chiếc mặt nạ cùng các nhân vật trong một vở kịch noh, tác phẩm đã kể lại một câu chuyện thời chiến tranh lạnh và những vấn đề trong bối cảnh chính trị xã hội và văn hóa có kết nối tới điêu khắc của Moore và Hiroshima, một câu chuyện đan xen nhiều tầng lớp nghĩa.
Trong không gian triển lãm, điều đầu tiên khán giả thấy là 1 tấm gương khổng lồ và 8 chiếc mặt nạ Nhật Bản làm thủ công. Những tấm mặt nạ đối diện với người xem và phản chiếu chính hình dáng của chúng trong gương. Những mặt nạ này là mặt của các nhân vật khá quen thuộc trong văn hóa đại chúng hay lịch sử như James Bond, Colonel Sanders… Phía trước những mặt nạ, khuất sau tầm nhìn là ba bức ảnh chụp lại bức điêu khắc bằng đồng nói trên của Moore. Để có thêm manh mối giải bài toán nghệ thuật ý niệm này chúng ta cần đọc thêm lời giới thiệu. Để trả lời những câu hỏi như liệu các nhân vật này có phải là nạn nhân của “trái bom” hay đây là một sự phê phán giữa mối quan hệ người xem – tác phẩm? Một cuốn sách gồm 20 trang là một phần của triển lãm dần đưa người thưởng lãm vào một câu chuyện đầy cuốn hút, gần như một kich bản phim truyện…
Có lẽ nên nhắc lại tác phẩm điêu khắc của Moore, được công bố vào 3giờ 36 phút chiều ngày 2-12-1967, chính xác 25 năm sau khi những nhà khoa học thuộc Đại học Chicago lần đầu tiên duy trì điều khiển phản ứng hạt nhân dây chuyền – sự kiện khơi mào cho một thời đại nguyên tử. Dù cho Moore ban đầu định đặt tên tác phẩm là Atom Piece, nhưng ông cho phép những người đặt hàng tác phẩm đổi tên thành Nuclear Energy (Năng lượng hạt nhân) vì trong tên nguyên gốc tiếng Anh Atom Piece, từ Piece dễ bị nhầm với từ Peace – nghĩa là hòa bình nên có thể gây những tranh cãi về chính trị. Năm 1987, TP Hiroshima đã mua một trong những mô hình của tác phẩm này và trưng bày ở cổng của Hiroshima MOCA…
Cho đến Hiroshima, những câu chuyện lịch sử khác nhau của tác phẩm điêu khắc đều tập trung thành một câu chuyện đa nghĩa hơn cả. Tham khảo từ kịch noh của Nhật, dự án Manhatta, bộ phim Goldfinger (1964) thuộc series phim về James Bond và thế giới nghệ thuật thời kỳ chiến tranh lạnh, tác phẩm gồm 8 mặt nạ được gắn trên những tripod bằng sắt. 8 mặt nạ này mô phỏng chân dung 8 nhân vật trong lịch sử từng có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Moore. Chúng kể câu chuyện dựa trên Eboshi ori, một vở kịch noh TK XVI. Trong vở kịch, một cậu bé quý tộc tên là Ushiwaka phải hóa trang để thoát việc phải đi lưu vong cưỡng ép và bắt đầu một cuộc sống mới ở phía đông Nhật Bản. Còn trong câu chuyện của Starling, Nuclear Energy, Moore vào vai người làm mũ đã giúp hóa trang cho cậu bé Ushiwaka bằng cách tạo ra một chiếc mũ eboshi được khâu một cách kỹ lưỡng. Nhà sử gia nghệ thuật và vừa là gián điệp Xô viết Anthony Blunt đóng vai vợ của người thợ làm mũ, người trong vở kịch cũng sẽ tiết lộ một quá khứ bí mật đáng kinh ngạc. Bản thân trong lịch sử, Blunt cũng là một người ủng hộ trung thành các tác phẩm của Moore. Biểu tượng đồ ăn nhanh ông già KFC Colonel Sanders đóng vai người chủ quán trọ, người đã chào đón Ushiwaka và cảnh báo cậu về những nguy hiểm trước mắt. Là gương mặt đại diện của KFC, Sanders như một biểu tượng cho những ảnh hưởng của Mỹ vào Nhật; KFC cũng xuất hiện trong phim Goldfinger. Trong vai của tên cướp đầy cơ hội Kumasaka là Joseph Hirshhorn, triệu phú kiêm nhà sưu tập nghệ thuật ham ăn, người sở hữu nhiều tác phẩm của Moore và là người phất lên nhờ khai thác các quặng uranium (chất liệu sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân). Trong vở Eboshi ori, tên cướp Kumasaka chiến đấu với một nhà buôn vàng tên Kichiji. Starling đã dành vai diễn này cho chính Sean Connery, người thủ vai James Bond trong Goldfinger. Trong phim, Bond đóng giả là một nhà buôn vàng để gài bẫy nhân vật phản diện Goldfinger.
Được làm bằng tay bởi Yasuo Miichi, người thợ thủ công bậc thày làm mặt nạ từ Osaka, những mặt nạ gỗ khiến cho việc mô tả không gian và thời gian theo ý đồ của Starling vô cùng độc đáo về khía cạnh ấn tượng và cảm xúc thị giác. Chúng là sự pha trộn: căn tính được đặt cho của mỗi người dễ nhận ra một cách lạ thường và chúng cũng vừa vẫn giống những mặt nạ kịch Noh truyền thống, cùng tóc thật và màu nhuộm được vẽ rất tỉ mỉ. Bond của Connery lại có đôi mắt Á châu, lông mày cong và miệng tròn; Blunt được khắc họa với những đường nét nhẹ nhàng nữ tính, với đôi mắt nhắm nghiền chỉ với khe hở nhỏ để nhìn qua – đây cũng là một đặc điểm của những mặt nạ nữ trong kịch noh truyền thống; Hirshhorn được thể hiện như một con quỷ nóng nảy với khuôn mặt giống một con chó đang tức giận mà cũng giống một loại mặt nạ truyền thống của kịch noh… Với sự thể hiện này, Starling có thể mạo hiểm đánh mất người xem với cách đặt lại bối cảnh câu chuyện vô cùng kỳ lạ, nhưng tác phẩm lại có một ấn tượng thị giác mạnh mẽ, kết hợp cùng tài liệu tham khảo phức tạp và một sắp đặt tối giản mà tinh tế. Giống như một tảng băng chìm, câu chuyện dường như không hiện hữu, và chỉ được hé mở dần khi ta đã quan sát và kết nối tất cả những mảnh ghép của cả tác phẩm. Một câu chuyện khác về sự tinh tế: có Bond trong câu chuyện này vì nhân vật phản diện Goldfinger trong cuốn tiểu thuyết của Ian Fleming về Bond được dựa trên nhân vật lịch sử có thật, kiến trúc sư người Hungary Erno Goldfinger, người đã gặp Moore trong giới văn hóa nghệ thuật London những năm 1920. Có một thực tế rằng những chủ đề như Hiroshima hay sự đe dọa của chiến tranh nguyên tử là những điều ta không hề dễ hiểu và bỏ qua, nó giống như một thứ khiến ta cần ngồi lại kiên nhẫn suy ngẫm về nó. Và dù cho “vở kịch” của Starling với các nhân vật, câu chuyện lịch sử và thành công của ông trong việc tìm ra các kết nối mới giữa chúng với các sự kiện có thật, ông đã kể lại một câu chuyện mà dù cho đã từng kể đi kể lại nhiều lần, vẫn đáng phải được kể lại lần nữa.
Các thực hành nghệ thuật của Starling xem xét lại tiến trình của thời gian cũng như những sự biến đổi trong các vật thể. Kết hợp cùng với sự nghiên cứu hàn lâm sâu sắc, những thực hành mang tính khai phá như một nhà thám hiểm, cùng với sự nhạy cảm tinh tế và trí tưởng tượng phong phú của một nghệ sĩ sâu sắc, các tác phẩm của Starling đã phá vỡ các lằn ranh khác nhau trong biểu hiện nghệ thuật. Mỗi tác phẩm của ông vừa như một sự tự thách thức chính bản thân mình, vừa như sự dấn thân hết mình vào mỗi cuộc hành trình. Phơi bày nhiều khía cạnh lịch sử sâu sắc và các sự kiện cụ thể trong cả quá trình, tác phẩm của Starling cũng mang tính toàn cầu hóa nơi thời gian và không gian của các xã hội đan xen lẫn nhau, được nhìn qua các mối quan hệ phức tạp giữa các sự kiện, con người, và bằng chứng về thời gian.
Starling sẽ đến Việt Nam
Trong lớp của Starling tại Stadelschule hiện tại gồm 20 sinh viên đến từ 17 nước với nền tảng, văn hóa và tuổi tác khác nhau. Các sinh viên làm việc độc lập theo nghiên cứu riêng của mỗi người trong studio và mỗi tháng, ông sẽ tới gặp riêng từng người để nói chuyện về công việc và nghiên cứu của họ trong suốt tháng vừa qua. Starling luôn để các sinh viên tự do phát triển, nên mặc dù dưới sự dạy dỗ của ông nhưng sinh viên vẫn là nghệ sĩ độc lập với những sáng tác độc đáo. Đặc biệt là một người vô cùng nhạy cảm và gần gũi sinh viên, ông luôn nhớ rõ mối quan tâm, tính cách, sở thích của mỗi sinh viên trong lớp. Mỗi khi ông đi đâu, đọc gì, xem gì, ông thường sẽ chia sẻ thông tin và kiến thức cho từng sinh viên. Hàng năm, ông còn đứng ra tổ chức các dự án ở nhiều nơi khác nhau để đưa sinh viên tới thực hành nghệ thuật trong các bối cảnh địa lý, văn hóa mới.
Theo Nguyễn Hân Thùy Chi, gần đây do việc sáng tác và nghiên cứu của cô diễn ra ở Việt Nam với khá nhiều thời gian, Starling và các sinh viên trong lớp cũng bị cuốn hút bởi lịch sử và văn hóa độc đáo của Việt Nam nên mong muốn được tới Việt Nam để thực hiện một dự án trong tương lai gần nhất. Hy vọng chuyến viếng thăm của Starling và các môn đồ của ông trong tháng 4-2013 này sẽ thành công, để một lần nữa, khán giả Việt Nam và thế giới được nghe kể lại một câu chuyện của Việt Nam qua con mắt của những nghệ sĩ nước ngoài, một cách sâu sắc, tinh tế và chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa.
_______________
1. Tên nguyên văn của trường này là Staatliche Hochscule fur Bildende Kunste (Viện Mỹ thuật đương đại), ở Frankfurt am Main, CHLB Đức. Ngôi trường có lịch sử từ năm 1817 do một thương nhân ở Frankfurt tên là Johann Friedrich Stadel thành lập. Nhờ tài sản thừa kế của mình, ban đầu Johann thành lập một quỹ nghệ thuật – đây là tiền đề để thành lập trường cho các sinh viên trẻ tài năng cũng như việc giúp công chúng dễ dàng tiếp cận với bộ sưu tập nghệ thuật của riêng ông. Ngày nay, nơi này đã là một địa chỉ quốc tế với khoảng 40% số sinh viên cùng nhiều giảng viên và nghệ sĩ cộng tác đến từ khắp nơi trên thế giới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 345, tháng 3-2013
Tác giả : Đỗ Tường Linh
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ