Số hóa toàn văn nguồn tài liệu nội sinh tại Thư viện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định


Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và ảnh hưởng của mạng thông tin toàn cầu, việc quản lý, cung cấp thông tin của các thư viện ngày càng có vai trò quan trọng trong các trường đại học. Để đảm đương tốt vai trò của mình, cũng như đáp ứng nhu cầu của giảng viên, học viên, sinh viên trong việc tìm kiếm và sử dụng các tài liệu học tập và nghiên cứu, thư viện cần tiến hành số hóa toàn văn tài liệu nội sinh.

Số hóa tài liệu được coi là một trong những phương thức tạo lập nguồn thông tin điện tử cung cấp những giá trị cao cho nghiên cứu, học tập, quản lý, nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao khả năng truy cập, đặc biệt đối với tài liệu quý hiếm, tài liệu xám, tài liệu cổ, tài liệu lưu trữ cần được bảo vệ. Thuật ngữ “số hóa” là quá trình chuyển đổi thông tin dạng không số hóa sang dạng số hóa, chuyển đổi thông tin trong các đối tượng thực dạng điện tử. Đối tượng thực chứa thông tin bao gồm các dạng tài liệu, văn bản, trang vẽ, bản đồ, băng hình… Sau khi số hóa, các đối tượng nguồn tin thực được chuyển sang dạng tệp dữ liệu: tệp văn bản, tệp ảnh của văn bản, tệp ảnh tĩnh, tệp bản đồ, tệp âm thanh, tệp đa phương tiện…

Số hóa đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, tự học, tự nghiên cứu khoa học, nhất là trong quá trình đổi mới phương thức giảng dạy, đào tạo tín chỉ tại Việt Nam nói chung và Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định nói riêng. Số hóa tài liệu cũng là yêu cầu của thư viện trong việc bảo quản, trao đổi, phổ biến nguồn thông tin, đồng thời là nhu cầu cấp thiết của bạn đọc. Trong môi trường đào tạo, người làm thư viện, giảng viên, học viên, sinh viên là những người tương tác trên mạng LAN, mạng WAN và mạng internet, mạng diện rộng toàn cầu để chia sẻ tài liệu số hóa và xuất bản những sản phẩm tri thức nhằm mở rộng vốn kiến thức của nhân loại. Số hóa tài liệu là tiền đề của thư viện số nhằm cung cấp phương thức xây dựng kiến thức, hỗ trợ quá trình học tập, nghiên cứu và chuyển giao những sản phẩm tri thức vượt qua giới hạn của không gian và thời gian không chỉ cho sinh viên, học viên mà cho cả cộng đồng người dùng tin nói chung (1).

Như vậy, số hóa tài liệu là xu thế chung trong hoạt động thư viện trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin. Thư viện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đang từng bước hội nhập và triển khai tiến hành xây dựng thư viện số và số hóa toàn văn tài liệu nội sinh.

Số hóa toàn văn tài liệu nội sinh đáp ứng nhu cầu tiếp cận và khai thác thông tin của người dùng tin

Không thể phủ nhận so với nguồn tài liệu truyền thống, tài liệu số hóa cho phép người dùng tin sử dụng nhiều tiện ích hơn. Thay vì đến thư viện để đọc tài liệu dạng in và cặm cụi ghi chép, hay chờ đợi để đăng ký sao chụp tài liệu, hoặc đưa ra yêu cầu thu thập, cập nhập thông tin và phải đến tận nơi làm dịch vụ để lấy kết quả nếu không muốn chờ nhận kết quả qua đường bưu điện, người dùng tin có thể tạo ra bộ sưu tập cá nhân cho riêng mình, chỉ với một tài khoản người dùng và những thao tác đơn giản trên máy tính nối mạng. Đối với nhiều cơ sở dữ liệu trực tuyến, người dùng chỉ cần xác định tiêu chí thông tin cần cập nhật, tạo các cảnh báo trên mạng có thể nhận được những thư điện tử thông báo khi có tài liệu số hóa phù hợp mới được bổ sung vào bộ sưu tập số. Với nguồn tin truyền thống, tìm lại tài liệu mình đã truy cập không dễ dàng, nhưng không quá khó khăn khi sử dụng nguồn tài liệu số vì những tìm kiếm và truy cập trước đó đã được ghi lại tự động và người dùng tin có thể theo đó tìm lại tài liệu nhanh chóng.

Bên cạnh đó, quá trình sử dụng các nguồn tài liệu số hóa toàn văn là phát triển kỹ năng khai thác thông tin của người dùng tin, các yêu cầu thông tin của con người thường không cố định mà luôn có nhiều yêu cầu thông tin mới liên tục phát sinh, biến đổi, buộc người dùng tin phải từng bước tự nâng cao năng lực tìm kiếm thông tin cũng như thích nghi nhanh hơn và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của nhà cung cấp tin. Nếu thư viện ở gần nhà, người dùng tin có thể đến truy cập tự do nguồn tin và khai thác miễn phí hay trả tiền trực tiếp. Nếu ở xa, người dùng tin không có điều kiện để được tư vấn và hướng dẫn trực tiếp, họ được tạo tài khoản người dùng hoặc tự tạo thông qua tư vấn trực tuyến, tuân thủ cách thức sử dụng, học cách tải tài liệu, lưu trữ tài liệu số hóa… Những hoạt động đó giúp người dùng tin nâng cao khả năng khai thác thông tin, cũng như phát triển kỹ năng internet và giao tiếp trong cộng đồng mạng (2).

Đối với người dùng tin tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, tài liệu nói chung và tài liệu nội sinh số hóa rất quan trọng. Hiện nay, Thư viện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã liên kết với trang http://tailieu.vn để triển khai và xây dựng trang thư viện số http://thuvienso.ndun.edu.vn, toàn bộ tài liệu nội sinh đã được số hóa toàn văn, được cập nhật thường xuyên giúp người dùng tin dễ dàng tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, những tài liệu này thuộc quyền sở hữu của nhà trường, có thể tổ chức phổ biến và khai thác theo chính sách của nhà trường, được bảo hộ về quyền tác giả đối với tài liệu nên người dùng tin chỉ dừng lại ở việc đọc toàn văn trực tuyến. Người dùng tin truy cập vào trang thư viện số có thể đọc toàn văn khoảng 1.000 tài liệu nội sinh (luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, chuyên khoa I, khóa luận tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo nghiên cứu khoa học…). Các tài liệu này được cập nhập bổ sung mới hằng năm; tra cứu tài liệu của gần 100 thư viện các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc; đọc và tải về khoảng 1,4 triệu tài liệu của trang tailieu.vn.

Số hóa tài liệu nội sinh toàn văn hỗ trợ tạo lập và phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ thông tin mới

Số hóa tài liệu giúp cho việc tạo lập và phát triển các loại sản phẩm dịch vụ thông tin mới trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, các thông tin được tổ chức dưới dạng các bộ sưu tập những tài liệu số hóa, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đều có tính cơ động rất cao, dễ dàng sao chép. Trong kho tài liệu số hóa, khi thay đổi tiêu chí tùy chọn là có các bộ sưu tập tài liệu mới theo yêu cầu, đồng thời có thể in ấn, hay gửi qua thư điện tử cho người dùng tin.

Bên cạnh các sản phẩm thông tin được tạo lập theo yêu cầu của người dùng tin, thư viện chủ động hướng tới người dùng tin với một hệ thống các sản phẩm thông tin khác dựa trên nguồn tài liệu nội sinh số hóa: biên mục thư mục số hóa để giới thiệu tài liệu theo chủ đề tài liệu mới. Hiện nay, Thư viện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã tiến hành xây dựng những bộ sưu tập số phục vụ toàn văn qua internet như: bộ sưu tập luận án, bộ sưu tập luận văn, bộ sưu tập chuyên khoa I, bộ sưu tập khóa luận tốt nghiệp, bộ sưu tập đề tài nghiên cứu khoa học, bộ sưu tập bài báo nghiên cứu khoa học. Người dùng tin có thể tra cứu dễ dàng qua mạng, tìm kiếm thông tin theo từ khóa, chủ đề (3).

Thư viện đã triển khai dịch vụ tra cứu số còn được hiểu là dịch vụ hỏi đáp qua internet, liên kết với thư viện các trường đại học, cao đẳng khác trên toàn quốc và thế giới như: Thư viện Trung tâm – Đại học quốc gia TP.HCM, http://repository.vnu.edu.vn/, https://www.un-
ilibrary.org/, https://www.itu-ilibrary.org/, https://www.thuvienykhoa.edu.vn/
. Dịch vụ tra cứu số sử dụng người trung gian để trả lời câu hỏi hoặc cung cấp thông tin cho người dùng qua internet. Quá trình hỏi – đáp khi tiến hành dịch vụ này cũng tương tự như quá trình hỏi – đáp thông tin trực tiếp tại bàn tư vấn thông tin. Nghĩa là kết nối nhu cầu tin với nguồn tin có thể đáp ứng nhu cầu đó, hoặc cung cấp thông tin trợ giúp cho họ trong quá trình sử dụng thư viện.

Số hóa tài liệu nội sinh toàn văn góp phần đẩy mạnh việc chia sẻ nguồn lực thông tin

Số hóa toàn văn nguồn tài liệu nội sinh giúp mở rộng việc chia sẻ thông tin giữa các nhóm người dùng tin và hệ thống thông tin. Khả năng sao chép và truyền tải nhanh chóng của tài liệu nội sinh số hóa là yếu tố quan trọng trong việc chia sẻ thông tin. Những người hoạt động trong lĩnh vực thông tin và người dùng tin có thể có các thông tin cần thiết trong thời gian ngắn nhất với chi phí hợp lý.

Đối với tài liệu nội sinh số, các giảng viên có thêm điều kiện trau dồi kiến thức với nguồn thông tin chất lượng. Đồng thời, khi tiếp xúc với môi trường thông tin năng động, họ có thể nhanh chóng được chia sẻ, cập nhật các kiến thức chuyên ngành, hướng dẫn sinh viên đọc tài liệu tham khảo, chỉ nguồn, chia sẻ thông tin cũng đơn giản hơn khi giảng viên và sinh viên cùng có quyền truy cập và khai thác tài liệu nội sinh số hóa. Điều này cũng góp phần vào đổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích khả năng tự học của sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Cả giảng viên và sinh viên khi tra cứu tài liệu nội sinh số hóa toàn văn sẽ tránh được việc trùng lặp ý tưởng nghiên cứu, giúp khắc phục lãng phí thời gian và công sức nghiên cứu. Đây cũng là công cụ để giảng viên đánh giá khả năng trung thực, sáng tạo của sinh viên. Với các ý tưởng đã được nghiên cứu trước đó, người thực hiện đề tài mới sẽ nhanh chóng tiếp cận được nguồn tài liệu tham khảo có giá trị, toàn diện hơn về vấn đề mình đang nghiên cứu. Ở Thư viện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, sinh viên được cấp quyền khai thác tài liệu nội sinh số hóa toàn văn, hưởng lợi ích như giảng viên, người nghiên cứu trong việc tiếp cận và chia sẻ tri thức mới, quan trọng hơn. Trong thời gian học tập chuyên ngành ở trường, sinh viên có thể sử dụng tài liệu nội sinh số được chia sẻ trên mạng để tự trang bị kiến thức và kỹ năng mềm nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Quá trình tham khảo tài liệu, nếu người dùng tin thấy tài liệu nào hay, cần tham khảo thêm nhiều lần thì có thể tạo một bộ sưu tập cho riêng mình, cho phép người dùng tin dễ dàng quản lý tài liệu yêu thích theo chủ đề một cách có hệ thống, chia sẻ những tài liệu yêu thích đến với bạn bè.

Thời gian gần đây, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ, việc sử dụng các tài liệu nội sinh số hóa để chia sẻ thông tin giữa các giảng viên và sinh viên trong trường và các giảng viên, sinh viên khác là một tất yếu. Đây là một phương thức làm việc, học tập mới, tiện ích phát huy tối đa khả năng làm việc nhóm song song với kỹ năng làm việc độc lập để tự đánh giá thông tin hữu ích và học tập thói quen sử dụng mạng trong học tập và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, tài liệu nội sinh số hóa giúp cho Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định hòa nhập với cộng đồng khoa học quốc tế, mở rộng phạm vi liên kết đào tạo và làm giàu kho thông tin. Thư viện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định được biết đến nhiều hơn bởi cộng đồng học giả trong và ngoài nước.

Trong những năm vừa qua, Thư viện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã được Bộ Y tế, nhà trường quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị hiện đại từng bước xây dựng và phát triển nguồn tài liệu nội sinh số hóa toàn văn làm hạt nhân cho việc khai thác và sử dụng thư viện số. Thư viện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã nỗ lực xây dựng và phát triển các bộ sưu tập tài liệu lớn, quan trọng, đa dạng phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy của nhà trường. Chất lượng của nguồn tài liệu nội sinh số hóa toàn văn được khẳng định bằng sự ghi nhận của người dùng tin với số lượt truy cập ngày càng tăng, sự trao đổi có hiệu quả với các thư viện liên kết khác.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Đại học Quốc gia Hà Nội, Xây dựng và phát triển Thư viện số Việt Nam quá khứ-hiện tại-tương lai: Sách chuyên khảo, Hà Nội, 2017.

2. Phạm Thị Thu Hoài, Quản lý và khai thác nguồn tài liệu nội sinh tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Luận văn thạc sĩ khoa học thông tin – thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2016.

3. Nguyễn Hoàng Nam, Công tác xây dựng bộ sưu tập số tài liệu nội sinh tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Lê Vũ Hùng, Trường Đại học Đồng Tháp, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2019, số 3, tr.52.

Tác giả: Cồ Thị Toan – Cù Thị Thu Hà – Nguyễn Thị Minh Tú

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *