Sự biến đổi nhận thức về hướng nghiệp trong giáo dục gia đình ở Hòa Phú (Long An)


Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn của
cả nước, nơi có truyền thống nông nghiệp lâu đời. Trước
đây, đối với các tỉnh ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An
nói riêng, nông nghiệp là nghề chính của cư dân. Tuy
nhiên, trong những năm gần đây, dưới tác động của quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các khu vực nông
thôn ở Tây Nam Bộ tuy đa số vẫn làm nông nghiệp nhưng
đã có sự biến đổi về nhận thức và định hướng nghề
nghiệp cho con cái trong gia đình. Thực tiễn nghiên cứu
cho thấy đa số các bậc phụ huynh không còn hướng con
cái theo nghề nông. Trên cơ sở đó, bài viết tập trung
nghiên cứu xu hướng hướng nghiệp của các bậc cha mẹ
trong gia đình người Việt ở nông thôn tỉnh Long An, điển
cứu trường hợp xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long
An để nhìn nhận sự thay đổi và đi tìm nguyên nhân của
sự thay đổi trong nhận thức của người dân về nghề
nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho con cái.

Thực tiễn cho thấy, theo thời gian, xã hội đều có những biến đổi và những biến đổi đó không nhất thời mà mang tính quá trình. Quá trình biến đổi văn hóa được biểu hiện qua sự thay đổi giá trị, chuẩn mực, mô thức ứng xử… Nghiên cứu nông thôn dưới tác động của công nghiệp hóa có thể nhìn rõ quá trình biến đổi đó. Biến đổi được diễn ra trên nhiều khía cạnh và quá trình chuyển biến xã hội vừa mang tính chất nội sinh, vừa mang tính chất ngoại sinh. Với phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi tìm hiểu sự tác động của xã hội hiện đại (nhân tố ngoại sinh) và vai trò chủ động của chủ thể giáo dục và khách thể giáo dục (nhân tố nội sinh) đến nhận thức về hướng nghiệp trong gia đình nông thôn tỉnh Long An.

Nghiên cứu về định hướng nghề nghiệp cho con cái ở khu vực ĐBSCL, các tác giả Hà Thúc Dũng và Nguyễn Ngọc Anh (1) cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến mong muốn nghề nghiệp cho con cái đó là: mong đợi của cha mẹ và điều kiện kinh tế, xã hội. Theo nhóm tác giả, tuy ĐBSCL là vựa lúa lớn của cả nước nhưng người dân lại không muốn con cái làm nông nghiệp (xu hướng ly nông). Trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Tiệp cũng cho thấy xu hướng ly nông này. Theo đó, phần lớn cư dân ĐBSCL sống bằng nghề nông nhưng lại không muốn con làm nghề này vì nghề ít có sự phát triển, không có lợi ích kinh tế cao (2). Như vậy, qua khảo sát của các tác giả, có thể thấy xu hướng ly nông là phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL. Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra xu hướng đó, nhưng chúng tôi sẽ lý giải thông qua sự biến đổi nhận thức về nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong các gia đình ở xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Chúng tôi cho rằng không hướng con cái theo nghề nông cũng thể hiện sự thay đổi trong nhận thức của người dân về nghề nghiệp và giá trị của nghề nghiệp trong bối cảnh hiện đại. Về phương pháp, đề tài, chúng tôi dựa trên dữ liệu nghiên cứu định tính và định lượng, trong đó nghiên cứu định tính là phương pháp chính. Đối với nghiên cứu định tính, chúng tôi thực hiện phỏng vấn sâu 25 cuộc, đối tượng phỏng vấn đa dạng lứa tuổi (từ 22 – 79 tuổi), đa dạng nghề nghiệp (làm ruộng, công nhân, viên chức, kinh doanh, nội trợ, thợ mộc…, trong đó làm ruộng chiếm tỷ lệ cao nhất vì Hòa Phú chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đa dạng trình độ học vấn (từ cấp 1 đến đại học), đa dạng loại hình gia đình (hai hoặc nhiều thế hệ). Đối với nghiên cứu định lượng, chúng tôi thực hiện khảo sát 150 hộ trên 5 ấp ở xã Hòa Phú, với phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống. Các nghiên cứu định tính và định lượng nhằm làm rõ sự chuyển đổi nhận thức về nghề nghiệp, nguyên nhân của sự chuyển đổi và xu hướng hướng nghiệp của người dân hiện nay.

1. Tình hình nghề nghiệp và vai trò của nông nghiệp trong đời sống người dân ở xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An

Long An là tỉnh nằm kề TP.HCM, cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đây là tỉnh có địa hình bằng phẳng, có xu thế thấp dần từ phía Bắc – Đông Bắc xuống Nam – Tây Nam, là tỉnh thuộc Tây Nam Bộ, song, lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong quá trình phát triển vùng đất Nam Bộ, di dân đến Long An khai phá và định cư khoảng TK XVIII, quá trình chuyển cư diễn ra không ào ạt nhưng liên tục, đều đặn và mang tính chất “bán công”, “bán nông”. Đề tài chúng tôi nghiên cứu trường hợp xã Hòa Phú thuộc huyện Châu Thành vì đây là xã liền kề thành phố Tân An, có nhiều thuận lợi trong việc kết nối giao thông và dịch vụ. Đặc biệt, Hòa Phú tuy là xã thuần nông nhưng lại là xã văn hóa – nông thôn mới đang xây dựng mô hình sản xuất thanh long kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chính ngạch. Nông nghiệp ở xã không còn là trồng lúa mà đã chuyển đổi sang thanh long.

Trồng thanh long ở xã Hòa Phú – Ảnh: Lam Hà

Xã Hòa Phú với 95% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, 5% dân số còn lại sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ và các ngành nghề khác (3). Về chăn nuôi, đa số là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có một số ít nuôi theo hình thức trang trại. Về trồng trọt, trước đây, các hộ nông dân trong xã chủ yếu trồng lúa, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, xã Hòa Phú đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng thanh long (theo số liệu thống kê của xã Hòa Phú năm 2019, trong 695,81ha diện tích đất nông nghiệp, diện tích trồng thanh long đạt 540,4ha, chiếm 77,6%). Nghề trồng thanh long đã mang lại bộ mặt mới cho xã Hòa Phú khi nguồn thu nhập của người dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống gia đình được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân xã Hòa Phú là 62.540.000 đồng/ người/ năm, so với trước khi thực hiện chương trình nông thôn mới, xã Hòa Phú thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng hơn 17.000.000 đồng/ người/ năm. Đa số người dân trong xã đều cảm thấy sự khác biệt rõ rệt từ khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng thanh long.

Ngoài ra, bên cạnh nghề trồng thanh long, các hộ dân ở xã còn tham gia làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc làm công thanh long theo giờ. Gần xã Hòa Phú có các khu công nghiệp như khu công nghiệp Tân Hương (Tiền Giang), khu công nghiệp Bến Lức (Long An) hay các nhà máy làm hạt điều đặt ngay tại xã… thu hút nhiều lao động trẻ.

2. Khuynh hướng song song “ly nông” và “giữ đất” trong nhận thức về hướng nghiệp cho con cái trong gia đình

Mặc dù xã Hòa Phú có 95% dân số làm nông nghiệp nhưng qua khảo sát của đề tài, trong ưu tiên định hướng nghề nghiệp cho con, thì định hướng theo nông nghiệp ở các gia đình chỉ chiếm 0,7%, một tỷ lệ rất nhỏ. Điều này cho thấy chỉ có rất ít cha mẹ làm nghề nông muốn con tiếp tục theo nghề. Như vậy, mặc dù có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mức sống được tăng cao, nhưng trên thực tế, các gia đình ở xã Hòa Phú vẫn không cho nghề nông là một nghề ổn định để hướng con cái tiếp tục giữ nghề. Rất nhiều hộ dân trong xã đợt đầu đã “làm giàu” được nhờ cây thanh long, nhưng những năm sau do mất mùa, hoặc rớt giá, dịch bệnh mà kinh tế nhiều hộ gia đình cũng rơi vào tình trạng bấp bênh. Như vậy, nghề nông trong nhận thức của người dân không phải là nghề tối ưu để chọn lựa. Qua khảo sát, yếu tố kinh tế (công việc có thu nhập cao) không phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu để cha mẹ định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho con cái, mà yếu tố ổn định của nghề nghiệp mới là yếu tố quan trọng (74% chọn công việc ổn định, chỉ có 9,3% chọn công việc có thu nhập cao). Kết quả khảo sát cũng cho thấy cả nhóm cha mẹ làm công việc lao động chân tay và lao động trí óc đều lựa chọn cao nhất là nghề nghiệp ổn định.

Điều này cho thấy nhu cầu thực tế cần một nghề nghiệp ổn định là nhu cầu chung. Bởi bản thân nghề nông bấp bênh trong vấn đề đầu ra, nên lựa chọn hướng nông không phải là lựa chọn được cha mẹ ưu tiên. Và đúng như Thạch Phương nhận định (4), Long An là vùng đất “bán công”, “bán nông”, trước đây ngoài làm nông nghiệp, tranh thủ những lúc nông nhàn, họ tìm “nghề tay trái”, kết hợp nghề nông với nghề khác sau ngày mùa như: lên Sài Gòn – Chợ Lớn làm thợ xây, khuân vác. Hiện nay, xu hướng chọn nghề ổn định (nghề chính) song song với nghề nông (nghề phụ) đang được người dân ở xã hướng con cái theo. Như vậy, nghề nông từ “nghề tay phải” đã dần được định hướng chuyển sang “nghề tay trái”. Quá trình này cho thấy ngoài việc hướng con cái theo nghề nghiệp ổn định còn là tâm lý “giữ nghề”, “giữ đất” trong nhận thức của đại đa số người dân.

Có thể thấy, bên cạnh tâm lý “thoát nông” thì trong chiều sâu nhận thức, họ không hẳn muốn thoát ly hoàn toàn. Đối với chính bản thân họ, họ vẫn muốn gắn bó với nghề nông. Ngược lại, đối với con cái, mặc dù không hướng con theo nghề nông, nhưng khi có điều kiện họ vẫn muốn con chọn nghề nông là “nghề tay trái”. Làm thêm nghề không chỉ để có thêm thu nhập, mà lý do còn bởi tâm lý “giữ đất” cho đời sau. Tâm lý này không chỉ ở những người làm nông mà cả ở những người làm ngành nghề khác.

Nhìn chung, có nhiều lý do lý giải việc cha mẹ không chọn nghề nông cho con: nghề không ổn định, không có tương lai (vấn đề tâm lý), không đủ nuôi sống gia đình (vấn đề kinh tế), không có vị thế xã hội (vấn đề xã hội)… Tuy nhiên, các bậc cha mẹ làm nông hiện nay vẫn muốn tiếp tục chọn nghề nông cho bản thân mình và là một nghề tay trái cho con không chỉ bởi sự quản lý đất đai và chính sách khuyến nông của Nhà nước mà còn bởi tâm lý gắn với đất đai và giữ đất cho gia đình.

3. Xu hướng giáo dục nghề nghiệp không mang tính áp đặt

Nếu như trước đây vì không có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp, các gia đình ở nông thôn thường hay giáo dục nghề nghiệp theo hướng “cha truyền con nối” thì nay tình hình đã khác. Với trình độ dân trí và mức thu nhập được nâng cao, các gia đình có nhiều cơ hội để hướng con cái theo nghề nghiệp phù hợp với khả năng bản thân và nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, tinh thần chung vẫn dựa trên quan điểm “nghề của con để con tự chọn”. Qua khảo sát, ngoài một số cha mẹ muốn con làm việc ở công ty tư nhân (38%), kinh doanh, buôn bán (33%), viên chức nhà nước (15%)… thì tỷ lệ cho con chọn nghề nghiệp theo sở thích cũng chiếm khá cao (33,3%). Phỏng vấn sâu các hộ có mong muốn con đi theo nghề kinh doanh, làm việc ở công ty tư nhân hay nhà nước, thì hầu hết các gia đình đều cho rằng mong muốn của cha mẹ chỉ là phụ, điều chính yếu vẫn là sở thích của con và họ cho con hoàn toàn tự quyết chuyện nghề nghiệp. Như vậy, dù có mong muốn nghề nghiệp tương lai cho con hay không, thì trong nhận thức của các gia đình ở xã, việc con làm nghề gì trong tương lai hoàn toàn thuộc về khả năng, sở thích và nguyện vọng của con.

Ngoài việc không định hướng con theo nghề nông, đa số gia đình hiện nay định hướng nghề nghiệp cho con thiên về lao động trí óc hơn là lao động chân tay. Chính điều này cũng đặt ra vấn đề về việc học và nhu cầu cho con cái học lên cao của các gia đình, nhằm đáp ứng đòi hỏi của xã hội trong bối cảnh hiện đại. Số liệu thống kê về tỷ lệ theo học và tốt nghiệp các cấp của học sinh trong xã minh chứng trình độ học vấn của con em trong xã đã được nâng cao. Theo số liệu thống kê phổ cập giáo dục của xã năm 2019, 100% học sinh xã hoàn thành chương trình tiểu học; 95% hoàn thành chương trình THCS; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học lớp 10, THPT, Bổ túc, Trung cấp nghề nghiệp, Cơ sở dạy nghề chiếm 95,89%; tỷ lệ thanh thiếu niên 18-21 tuổi tốt nghiệp THPT, THCN… là 87,22% (5). Mong muốn của đa số cha mẹ hiện nay là con được học lên đại học (54%) hoặc hết cấp 3 (18%). Chúng tôi nhận thấy có tương quan cao giữa nhu cầu cho con đi học với mong muốn nghề nghiệp sau này của con. Kết quả khảo sát cho thấy trong nhận thức của đa số người dân, việc học lên cao sẽ giúp con cái sau này có được một công việc ổn định (74%). Điều này cho thấy giá trị của việc học trong nhận thức của người dân mang lại một kết quả rất thực tế, gắn liền với nghề nghiệp sau này, chứ không phải học cao với tính chất “hư danh”, để “nở mày nở mặt” (chỉ có 8% cho rằng học lên cao để có địa vị, được mọi người kính trọng).

Ngoài việc cho con lựa chọn nghề nghiệp theo nguyện vọng, các gia đình cũng dựa trên khả năng thực tế của con mà hướng nghiệp. Tây Nam Bộ thường được xem là “vùng trũng” giáo dục đào tạo của cả nước… Tuy nhiên, có thể nhận thấy, hiện nay đã có sự chuyển biến khá rõ trong ý thức của người dân về vấn đề học vấn và mối quan hệ giữa học vấn và nghề nghiệp tương lai. Chính sự cạnh tranh nghề nghiệp ngày càng tăng trong xã hội hiện đại mà các gia đình đã đặt ra mục tiêu cao hơn về giáo dục học vấn cho con cái của họ.

Mặc dù đã có ý thức trong vấn đề giáo dục nghề nghiệp, nhưng việc định hướng nghề nghiệp cho con của nhiều gia đình ở xã hiện đang chỉ dừng lại ở quan niệm “nghề của con để con tự chọn” mà chưa làm rõ hơn trách nhiệm của gia đình. Việc hầu hết các gia đình không tác động nhiều đến sự lựa chọn nghề nghiệp của con thể hiện hai nguyên nhân: có thể họ không rõ nghề nào tốt trong xã hội hiện nay để định hướng con cái; họ trao hoàn toàn quyền tự quyết định nghề nghiệp cho con và tôn trọng quyết định của con. Song song đó, họ cũng không đặt yêu cầu quá cao cho con cái và cũng không tạo áp lực cho con cái trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, những người có trình độ học vấn càng cao lại càng có xu hướng định hướng nghề nghiệp đa dạng, họ hiểu biết nhiều hơn những nghề nào xã hội đang cần, thay vì chỉ hướng con cái theo một số nghề truyền thống. Tuy nhiên, tình hình ngược lại đối với những người làm nông, trình độ học vấn thấp, việc định hướng nghề nghiệp tương lai cho con cái chủ yếu vẫn là ở sự chủ động của con. Như vậy, việc định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị cho con đường đi đến nghề nghiệp tương lai cũng là một quá trình mà ở đó sự chủ động lựa chọn nghề nghiệp là chính đứa trẻ. Tuy nhiên, sự chủ động lựa chọn đó phải có sự kết hợp với định hướng của gia đình và nhà trường.

Qua các kết quả nghiên cứu bước đầu, chúng tôi nhận thấy hầu hết các gia đình trong xã Hòa Phú đều có ý thức về định hướng nghề nghiệp cho con cái. Tuy nhiên, ý thức đó chưa được thể hiện rõ qua mục tiêu và cách thức định hướng vì họ vẫn có thiên hướng cho con chủ động lựa chọn nghề nghiệp.

Nghiên cứu ghi nhận định hướng nghề nghiệp của các gia đình ở nông thôn tỉnh Long An, cụ thể là xã Hòa Phú, huyện Châu Thành có một số đặc điểm sau: các gia đình trong xã có xu hướng hướng con cái thoát ly nông nghiệp nhưng không phải là thoát ly hoàn toàn mà vẫn mang tâm lý “giữ đất”, “giữ nghề”; đa số các gia đình định hướng cho con chọn nghề nghiệp mang tính ổn định; nghề nghiệp họ hướng đến thiên về lao động trí óc nên xu hướng cho con học lên cao là phổ biến để đáp ứng nhu cầu xã hội; việc định hướng của họ không mang tính áp đặt, mà để con cái tự quyết vấn đề nghề nghiệp sau này.

Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhìn nhận các gia đình ở xã Hòa Phú đã có ý thức định hướng giáo dục về nghề nghiệp cho con, tuy nhiên, việc định hướng vẫn còn mang tính chung chung chưa cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, vẫn chưa thấy rõ sự kết hợp của gia đình và nhà trường trong quá trình định hướng. Cha mẹ chỉ hiểu được tầm quan trọng của nghề nghiệp trong cuộc sống chứ chưa biết cách hướng dẫn cho con những hướng đi cụ thể trong quá trình định hướng nghề nghiệp. Để thực hiện điều này cần có quá trình và sự kết hợp giữa các thiết chế giáo dục một cách chặt chẽ hơn nữa (6).

_______________

1. Hà Thúc Dũng – Nguyễn Ngọc Anh, Định hướng học tập và nghề nghiệp cho con cái của cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 7, 2012, tr.45-53.

2. Nguyễn Văn Tiệp, Bất bình đẳng giới về giáo dục, việc làm, thu nhậpvà nghèo đói của người Việt ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay, TP.HCM, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2017.

3. Theo Báo cáo Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An năm 2019.

4. Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến (chủ biên), Địa chí Long An, Nxb Khoa học Xã hội, 1989, tr.156.

5. Theo Báo cáo quá trình thực hiện và kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của UBND xã Hòa Phú, năm 2019.

6. Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số T2020-02

Tác giả: Ths Trương Thị Lam Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *