1. Bối cảnh phát triển của xã hội internet Việt Nam
Tốc độ tăng trưởng internet của châu Á những năm gần đây là nhanh nhất thế giới, khoảng hơn 300% mỗi năm. Tại thời điểm 1995, thế giới có khoảng 50 triệu người dùng internet, trong đó châu Á, châu lục có đến 50% dân số thế giới, lại chỉ có 10% số người dùng (khoảng 5 triệu người). Nhưng đến nay con số tương quan đó đã thay đổi nhiều. Theo internetworldstats.com, tính đến tháng 9-2007, riêng châu Á (56,5% dân số thế giới) có gần 460 triệu người dùng internet, tỷ lệ thâm nhập trên % dân số là 12,4%, chiếm 36,9% cư dân mạng của thế giới, tốc độ tăng trưởng internet ở châu Á giai đoạn 2000-2007 là 302%.
Sự bùng nổ của internet băng thông rộng vào những năm đầu TK XXI ở Việt Nam đã tạo cơ hội cho nhiều người dân, trong đó đặc biệt là giới trẻ, học sinh sinh viên và trí thức có cơ hội tiếp cận với mạng internet nhiều hơn. Tiếp tục sự phát triển từ những năm trước, trong hai năm 2005 và 2006, tốc độ phát triển của internet Việt Nam hết sức ấn tượng. Năm 2005, số kết nối internet băng rộng ADSL tăng gần 300% đạt con số 227.000 thuê bao. Đến giữa năm 2006, Việt Nam có 3.541.000 thuê bao internet (tăng 86%) và 12.912.000 người sử dụng internet (tăng 80%).
Thống kê của Internet World Stats cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 6 ở châu Á, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) về số người kết nối internet.
Theo dự đoán của Business Monitor International (Anh), Việt Nam sẽ đạt 31,5 triệu người kết nối mạng internet vào năm 2011. Yahoo cũng cho rằng Việt Nam có 30 triệu người dùng internet vào năm 2010.
Thực tế này khiến cho mạng internet trở nên có tác động sâu sắc hơn vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội người Việt. Các hoạt động của con người trên inernet ngày càng đa dạng: kinh doanh, học tập, giảng dạy, nghiên cứu, hội họp, du lịch, triển lãm, quảng cáo, xuất bản, sáng tác nghệ thuật, viết nhật ký,… Nhiều tập quán và quy tắc xã hội đã hình thành trên internet một cách rõ ràng. Điều đáng nói hơn là, số cư dân internet của Việt Nam ngày càng đông, đặc biệt là các thế hệ cư dân trẻ. Xã hội internet Việt Nam đã thật sự hình thành.
Từ chỗ là một không gian kỹ thuật để con người triển khai các kênh thông tin liên lạc bằng máy tính, internet đã trở thành một không gian xã hội, nơi mà con người triển khai các hoạt động xã hội và sinh tồn, không khác gì không xã hội thực. Và trên không gian xã hội mới này, các giá trị xã hội dần dần hình thành và trở nên ổn định. Điều này làm cho internet không chỉ là một không gian xã hội mà còn là một không gian văn hóa.
Internet là một môi trường mới mà ở đó, có thể nói, đã hình thành các quốc gia số, với thành phần cơ bản là các công dân ảo. Đây là hai khái niệm được Jon Katz (1997) bàn đến. Tầng lớp công dân ảo chính là linh hồn hình thành các quốc gia số trên internet.
Ở Việt Nam, các công dân ảo đại đa số là những người thuộc giới trẻ, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là học sinh sinh viên. Lý do chính để số công dân ảo học sinh sinh viên gia tăng đáng kể là do chính sách internet học đường cộng với sự đầu tư ưu tiên của phụ huynh cho con em họ trong việc sử dụng máy tính và học ngoại ngữ như là một yếu tố mấu chốt của giáo dục gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành phố.
2. Tương phản văn hóa giữa truyền thống văn hóa làng xã với xã hội internet
Internet đã rõ ràng là một không gian xã hội, nơi mà con người đã thật sự thể nghiệm được nhiều hoạt động sống giống như trong xã hội thực. Ba đặc tính chính của không gian internet được nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa internet chỉ ra là: toàn cầu hóa (globalization), phi tập trung hóa (decentralization) và cá nhân hóa (personalization).
Không khó để hình dung về đặc tính toàn cầu hóa, không biên giới của không gian internet. Thật ra, tnternet không phải là một mạng máy tính cụ thể nào cả, mà nó là một môi trường kết nối các máy tính với nhau thông qua các phương tiện hữu tuyến, vô tuyến khác nhau, miễn là cùng tuân thủ một số giao thức chung. Thực tế này khiến cho con người có thể thực hiện các giao tiếp toàn cầu một cách dễ dàng. Giao tiếp và làm việc với nhau xuyên lục địa không còn là một viễn cảnh, mà là một thực tế hiện hữu, được khái quát khá thú vị trong Thế giới phẳng.
Khả năng kết nối các máy tính với nhau một cách dễ dàng thông qua các giao thức của internet khiến cho kích thước của internet đang nở ra rất nhanh. Và không chỉ thế, internet dường như đang trở thành một thực tế không dễ kiểm soát. Internet trở thành một thứ xã hội mà bất kỳ ai cũng có thể điều khiển và cũng có thể không điều khiển được. Không có kiểm soát của chính phủ internet, ngoại trừ những cam kết tự nguyện của các công dân ảo. Không có kiểm soát tập trung trên tnternet, hay nói chính xác là những tham vọng kiểm soát tập trung đối với người dùng internet đều bất khả thi. Sự hỗn độn phi tập trung hóa của internet là một thực tế không thể chối cãi. Một máy tính ở nước ngoài không cần đến bất cứ một thứ thủ tục nhập cảnh nào để được giao tiếp với các máy tính nội địa. Nếu có một biện pháp ngăn chặn hoặc cản trở kết nối nào đưa ra, kiểu như biện pháp dùng firewall, thì trên thực tế cũng sẽ có thể có gấp hàng chục lần những cách thức để vượt qua sự ngăn chặn đó. Người dùng internet cũng hầu như không phải đối mặt với những kiểm soát của các tầng lớp chính phủ như trong đời thực. Hầu như cái gì trong xã hội internet cũng đều là từ dưới lên và không dựa trên sự chỉ huy, chỉ dựa trên đồng thuận. Và đó là những đặc trưng điển hình của phi tập trung.
Internet hậu thuẫn để con người cá nhân bộc lộ và hành động. Lịch sử phát triển dịch vụ internet cho thấy rõ điều đó. Dịch vụ quan trọng nhất của internet, dịch vụ web, ban đầu phục vụ cho các đơn vị, cơ quan là chính, giờ lại phục vụ cho cá nhân là chính. Bản chất sự khác biệt giữa web 1.0 và web 2.0 xét cho cùng cũng liên quan đến khía cạnh này. Web 1.0 thường hướng đến phục vụ một chủ thể đơn vị, cơ quan cụ thể nào đó, trong khi đó triết lý của web 2.0 là hướng đến các cá nhân người dùng.
Cả ba đặc tính vừa nêu trên của xã hội internet đều có sự tương phản rõ rệt với đặc trưng truyền thống của văn hóa làng xã Việt Nam. Và sự tương phản đó là một vấn đề lý luận văn hóa đáng quan tâm.
Tương phản thứ nhất: tính cộng đồng của văn hóa Việt Nam hình thành trong bối cảnh của văn hóa làng xã có tính tự trị. Khi Việt Nam gia nhập xã hội internet, một xã hội toàn cầu hóa, những tập tính văn hóa làng xã sẽ va chạm với các quan điểm toàn cầu hóa và biến đổi. Va chạm dễ thấy nhất là thái độ e ngại và từ chối gia nhập internet. Thoạt nhìn, có vẻ đó là một sự e ngại và từ chối về chính trị và an ninh, nhưng xét cho cùng, đó là sự e ngại và từ chối do tương phản văn hóa. Tâm tính tự trị làng xã có thể gây ra cảm giác bất an khi đối mặt với một xã hội internet toàn cầu, không khác gì người quen tắm trên một khúc sông, có thể tự tin bơi từ bờ này sang bờ kia, đến khi phải bơi giữa lòng biển cả, cảm thấy lo sợ vì không biết đâu là bờ. Ranh giới tự trị lũy tre làng có thể trở nên vô nghĩa khi người Việt nhận ra trên internet thậm chí biên giới quốc gia còn chẳng có ý nghĩa gì huống là ranh giới lũy tre làng. Vì thế mà không quá khó để giải thích vì sao Việt Nam có xu hướng cấm cản, hạn chế chính sách liên thông internet với quốc tế trong thời gian đầu.
Tương phản thứ hai: làng xã Việt Nam có tổ chức chặt chẽ, có tính tự trị rất cao và phản ánh xu hướng tập quyền trong làng rõ rệt. Làng xã Việt Nam có một cơ cấu vi chính phủ vững chãi và ổn định, đến mức các triều đại phong kiến tập quyền Việt Nam cũng phải thừa nhận phép vua thua lệ làng. Sự phân chia ngôi thứ trong làng xã, trong cộng đồng trở thành một thứ tâm tính văn hóa của người Việt, đến mức xưng hô mỗi ngày cũng đều dựa trên tôn ti quan hệ. Phép tắc lễ nghi được xem là nền nếp gia phong, nền nếp xã hội. Biểu hiện tập quyền không chỉ có trong thể chế quốc gia mà còn trong sinh hoạt gia đình kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Trong khi đó, xã hội internet lại có đặc tính phi tập trung hóa đến mức cực đoan, thậm chí đến mức vô chính phủ. Sự tương phản này chắc chắn sẽ là nguyên nhân dẫn đến những biến đổi văn hóa quan trọng khi xã hội Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn vào đời sống internet. Liên quan đến tương phản này phải kể đến những nỗ lực có phần vô vọng của các bên liên quan trong việc kiểm soát internet và những gì thuộc về internet. Chẳng hạn chuyện muốn kiểm soát blog. Tâm tính tập quyền muốn kiểm soát được mọi thứ, hệt như nhiều bậc cha mẹ Việt Nam có nhu cầu đọc nhật ký của con cái mình, không hẳn vì tò mò, mà vì muốn có thông tin để kiểm soát, và nếu có lúc nào đó cảm thấy áy náy vì chuyện xâm phạm bí mật riêng tư của con cái, thì cũng sẽ tự bào chữa rằng làm như thế là để có cách hướng con cái mình đi đúng đường lối giáo dục. Nhưng thực tế về kiểm soát blog không đơn giản như kiểm soát mấy cuốn nhật ký viết tay. Sau lưng blog là thế giới internet vốn không thiết lập một thể chế tập quyền nào để chỉ huy và ra lệnh cho các công dân ảo.
Tương phản thứ ba: tính cộng đồng trong văn hóa làng xã Việt Nam nhấn mạnh đến sự đồng nhất, chú trọng các mối quan hệ tập thể như đồng tộc, đồng niên, đồng nghiệp, đồng môn, đồng hương, đồng bào,… nên ý thức về con người cá nhân bị thủ tiêu (1). Trong khi đó, internet lại là môi trường mà cá nhân có điều kiện để được tự do gần như tuyệt đối trong việc thể hiện cá tính, bản ngã. Vốn có đặc tính phi tập trung hóa, xã hội internet không thật sự tồn tại một thứ chủ nghĩa nào, kể cả chủ nghĩa cá nhân. Nhưng Internet lại là nơi mà con người cá nhân có thể ẩn náu sau những công cụ ẩn danh, vô danh để bộc lộ cá nhân một cách thoải mái, vượt qua khỏi các hàng rào của đạo đức, phép tắc, nghi thức và tâm lý. Điểm tương phản này giữa xã hội internet vốn hậu thuẫn cho xu hướng cá nhân hóa với văn hóa làng xã vốn hậu thuẫn cho chủ nghĩa tập thể liệu có gây ra những biến đổi văn hóa gì trong lòng xã hội Việt Nam đương đại? Tương phản này cũng đang dẫn các công dân internet Việt Nam đến biểu hiện đa nhân cách: có thể là ngoan ngoãn, hiền lành, dễ bảo trong đời sống thực, nhưng lại ngỗ ngáo, ngang tàng, thậm chí là hỗn láo trong đời sống ảo. Mức độ của những biểu hiện đa nhân cách ấy có thể là rất đa dạng, từ chỗ chỉ cố nói ngược, làm ngược đến chỗ nổi loạn. Người làm nghiên cứu văn hóa khó lòng có thể bỏ qua một thực tế tương phản như: những cô cậu thí sinh đến ngày đi thi tuyển sinh đại học bố mẹ phải khăn gói đi cùng để lo lắng, chăm chút cho từng bữa ăn, chỗ trọ; nhưng cũng chính những cô cậu ấy lại luôn không cần có ai bên cạnh cả để mà tự khám phá hành trình sống đầy phức tạp trên internet. Tâm tính văn hóa truyền thống của những cô cậu trẻ tuổi ấy và tâm tính văn hóa internet của chính họ có thể sẽ hoàn toàn trái ngược nhau. Thậm chí, người lớn tuổi không thể chịu nổi cái kiểu viết ngôn ngữ @ làm rối loạn các quy tắc chính tả lâu đời thì giới trẻ của xã hội internet lại tự hào gọi đó là sáng tạo riêng của thế hệ họ, là ngôn ngữ teen.
Những tương phản văn hóa vừa nêu giữa văn hóa làng xã truyền thống với văn hóa internet, ở thời điểm này, cũng chính là sự tương phản thế hệ già – trẻ, tương phản văn hóa truyền thống – văn hóa đương đại. Có nghĩa là, trong cái nhìn có tính dự báo văn hóa, những tương phản văn hóa này chỉ tồn tại trong một giai đoạn ngắn nữa thôi. Lý do, thứ nhất là, chỉ một thời gian ngắn nữa, sự thay thế thế hệ sẽ đưa thế hệ lớn tuổi đứng ngoài xã hội internet rời đi, sẽ chỉ còn lại những thế hệ mà dù già hay trẻ cũng đều biết rõ về internet và thuộc về internet; thứ hai là, cũng chỉ cần một thời gian ngắn nữa thôi, internet như một áp lực văn hóa đương đại sẽ làm biến đổi văn hóa truyền thống, hay nói cách khác, nhiều giá trị văn hóa truyền thống sẽ chuyển dịch giá trị vào xã hội internet và trở nên hài hòa với nhau, khi đó sẽ không còn tương phản văn hóa giữa xã hội internet với xã hội truyền thống nữa. Những dấu hiệu của sự chuyển dịch giá trị văn hóa truyền thống và xã hội internet ở Việt Nam đã có những ví dụ rõ ràng.
3. Chuyển dịch giá trị văn hóa truyền thống vào xã hội internet: trường hợp tính cộng đồng
Tính cộng đồng được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thừa nhận là một đặc trưng văn hóa Việt Nam, và hầu như không có nhiều tranh luận về sự xác thực của nhận định này. Điều đó cho thấy sự tiêu biểu và nhất quán của giá trị văn hóa này trong cộng đồng người Việt.
Tính cộng đồng của người Việt hình thành trong bối cảnh của làng xã Việt Nam, nơi mà các cư dân Việt sống với nghề trồng lúa nước đã liên kết với nhau chặt chẽ để ứng phó với những thách thức của môi trường sinh sống. Theo Trần Ngọc Thêm: “Thứ nhất, để đáp ứng nhu cầu đối phó với môi trường tự nhiên, nhu cầu của nghề trồng lứa nước mang tính thời vụ cần đông người, người dân Việt Nam truyền thống không chỉ cần đẻ nhiều mà còn cần liên kết chặt chẽ với nhau (làm đổi công). Thứ hai, để đối phó với môi trường xã hội (nạn trộm cướp…), cả làng phải hợp sức mới có hiệu quả” (2). Kiến giải này đã chỉ ra được nguyên nhân hình thành tính cộng đồng của người Việt trong bối cảnh đời sống nông thôn. Nếu cần phải bổ sung những kiến giải liên quan đến vấn đề duy trì và phát triển tính cộng đồng trong các bối cảnh sống phi nông thôn của người Việt, chẳng hạn trong đời sống đô thị, thì cũng không khó để tìm luận điểm từ hệ thống lý thuyết của Trần Ngọc Thêm, tuy có thể tác giả không hiển ngôn điều này. Liên kết cộng đồng, ban đầu được hiểu là một tập quán ứng xử của cư dân nông nghiệp lúa nước, lâu dần ổn định thành tâm tính văn hóa, có thể di truyền từ đời này sang đời khác thông qua môi trường văn hóa làng xã. Các xã hội phi nông thôn của Việt Nam, chẳng hạn đô thị, xét cho cùng, đều có liên hệ chặt chẽ với xã hội nông thôn, vì thế duy trì các tâm tính văn hóa cố hữu của nông thôn cũng là đương nhiên.
Trần Ngọc Thêm đã phát hiện hai trục chuyển dịch văn hóa từ làng (village) đến nước (country) khi phân tích so sánh chức năng của làng với nước (3) và từ nông thôn (rural) đến đô thị (urban) khi phân tích quan hệ giữa đô thị Việt Nam với làng xã (4). Đó là một phát hiện quan trọng, cho phép nhận diện và giải thích sự nhất quán về đặc trưng văn hóa Việt Nam ở những cấp độ tổ chức xã hội khác nhau. Về cơ bản, tính cộng đồng là một đặc trưng văn hóa Việt Nam không chỉ được hình thành và tồn tại trong môi trường văn hóa nông thôn làng xã mà còn được duy trì, biến đổi và phát triển ở môi trường quốc gia (nước) và môi trường đô thị.
Áp dụng phương pháp làm việc của Trần Ngọc Thêm để quan sát các chuyển dịch văn hóa Việt Nam từ xã hội thực vào xã hội internet, chúng tôi nhận diện một số biểu hiện cụ thể của tính cộng đồng thể hiện trong các sinh hoạt của người Việt trên môi trường internet.
Tính cộng đồng thường biểu hiện qua những tập tính văn hóa chính của người Việt như: thích tụ tập, giao tiếp, thích tham gia hội đoàn, thích hội hè đình đám, thích liên hệ với nhau thông qua các dấu hiệu gần gũi như đồng họ, đồng hương, đồng môn,… Trên sinh hoạt internet, các biểu hiện tính cộng đồng của người Việt cũng thể hiện khá rõ nét.
Dễ thấy nhất là việc lập các website họ tộc. Cũng có trang web tổ chức theo gia phả, trong đó cho thấy có rất nhiều các sinh hoạt họ tộc được thể hiện qua các cây gia phả do các trang web này hỗ trợ lưu trữ.
Trên thực tế, các website luôn hướng đến một nhóm người dùng có liên hệ với nhau, nhưng thường thấy vẫn là những liên hệ kiểu như liên hệ hành chính, liên hệ thương mại, liên hệ học thuật,… Kiểu triển khai xây dựng website dựa trên mối liên hệ về họ tộc phản ánh tâm tính văn hóa lâu đời của người dùng internet liên quan đến tính cộng đồng và là một đặc trưng thú vị của đời sống internet Việt Nam. Và đó cũng là một dấu hiệu cho thấy xu hướng dịch chuyển các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt vào đời sống internet. Sự phát triển website ở Việt Nam thời gian qua còn cho thấy, không chỉ có hiện tượng thành lập các website theo dòng họ, mà còn theo nhóm tuổi tác, theo giới tính, theo làng…
Các đặc trưng gốc của một nền văn hóa mang bản sắc nông nghiệp lúa nước điển hình như Việt Nam chắc chắn sẽ tương phản rõ rệt với những đặc tính của xã hội internet mới hình thành. Nhận diện những biến đổi văn hóa Việt Nam đương đại dưới tác động của xã hội internet là công việc đòi hỏi phải quan sát và thu thập các dữ liệu văn hóa internet trên một bình diện rộng. Bài viết này chọn phân tích mẫu một trường hợp cụ thể liên quan đến đặc trưng tính cộng đồng của văn hóa Việt Nam để trả lời cho câu hỏi: các giá trị văn hóa truyền thống chuyển dịch như thế nào vào xã hội internet và sẽ có xu hướng biến đổi ra sao?. Kết quả quan sát sơ bộ cho thấy, đang có một xu thế chuyển dịch giá trị văn hóa tính cộng đồng của người Việt vào xã hội internet khá rõ ràng, nhưng lại diễn ra theo đúng đặc tính phi tập trung của internet, nghĩa là hoàn toàn tự phát và ngẫu hứng. Điều này cho thấy, Việt Nam thật sự chưa có một chương trình hành động văn hóa thích hợp để chuẩn bị ứng phó hiệu quả với những biến đổi văn hóa được dự báo: những biến đổi văn hóa do những tương phản văn hóa giữa văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại nói chung, giữa văn hóa của xã hội thực với văn hóa của xã hội internet nói riêng.
______________
1, 2, 3, 4. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP.HCM, 2001, tr. 195, 183, 202, 229.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 340, tháng 10-2012
Tác giả : Phạm Thị Thúy Nguyệt
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai