1. Những tiền đề của tư duy nghệ thuật trong thơ 1975 – 1985
Cuộc Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. Cùng với sự kiện lịch sử ấy, một nền thơ mới cũng ra đời. Ngay sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, cả nước lại bước vào cuộc trường chinh khốc liệt. Cả nước lên đường ra trận. Trong đội ngũ điệp trùng ấy có những nhà văn, nhà thơ. Họ đánh giặc bằng cây súng và bằng cả ngòi bút của mình. Một thế hệ nhà thơ – chiến sĩ đã ra đời, tràn đầy sức sống, sức sáng tạo. Trong những ngày tháng khốc liệt này, thơ phải có nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của thời đại, thức tỉnh con người, kêu gọi lòng yêu nước căm thù giặc ở mỗi người Việt
Việc đáp ứng yêu cầu bức thiết của thời đại có nghĩa là trả lời câu hỏi “Tổ quốc hay là chết”(1). và cái giá của sự lựa chọn này là máu, là sinh mạng, nhưng trách nhiệm của nhà thơ là phải trả lời. Trong tâm hồn của các nhà thơ – chiến sĩ, “cái giá trị thiêng liêng và cuối cùng vẫn thuộc về tổ quốc”.
Với tất cả nhận thức về giá trị thơ ca đối với cuộc sống, về vai trò của người cầm bút đối với thời đại, thơ giai đoạn này đã được nuôi dưỡng, tiếp sức và gắn bó mật thiết với những bước đi của cách mạng, với vận mệnh của dân tộc và đời sống của nhân dân, phản ánh hầu như mọi mặt của cuộc sống, cuộc chiến đấu dũng cảm của nhân dân, đất nước. Thơ “đã thể hiện được con người và thời đại một cách cao đẹp”(2).
Thế hệ nhà thơ chống Mỹ xuất hiện đầu những năm 60 TK XX, đem lại cho thơ sức sáng tạo mới, trẻ trung, trong sáng, gợi cảm, mà trong đó không ít tài năng đã sớm được khẳng định: Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Lê Anh Xuân… Trong đội ngũ đông đảo hàng vạn thanh niên cầm súng đi vào các chiến trường miền Nam, đã nảy nở nhiều tài năng thơ như một nhu cầu tự ý thức và tự biểu hiện của thế hệ trẻ. Họ đã nhận thức sâu sắc sứ mạng lịch sử lớn lao của dân tộc, chọn một con đường đi cho mình trong nhịp sống cuồn cuộn của dân tộc thời đánh Mỹ. Thế hệ nhà thơ này nhận thức một cách đúng đắn con đường mình đã chọn. Vừa cầm súng, vừa cầm bút, họ đã viết về thế hệ mình một cách trân trọng, tự hào: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh).
Làm thơ và đánh giặc là hai hành động đồng thời, có liên quan với nhau như một phản ứng dây chuyền, hành động này thúc đẩy hành động kia và ngược lại hành động kia tạo đà cho hành động này thể hiện. Bởi lẽ họ ý thức một cách sâu sắc rằng:
Bởi vì Việt Nam hôm nay
Là Việt Nam đánh Mỹ
Chúng tôi gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ
Để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa tự do
(Nguyễn Khoa Điềm)
Với ý thức đó, họ viết một cách chân thực về chiến tranh cứu nước. Một hiện thực vừa dữ dội vừa nên thơ đã bước vào thơ một cách tự nhiên. Có hiện thực phải nén xuống nhờ cảm xúc. Chính nhận thức đó giúp họ biết phải nói và viết như thế nào để không làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của nhân dân trong cuộc trường chinh thần thánh. Ngay khi nói đến sự hy sinh, thơ của họ vẫn không làm giảm ý chí, sức mạnh, niềm tin của người chiến sĩ mà ngược lại chính sự hy sinh ấy làm nên một Dáng đứng Việt Nam để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân). Hơn ai hết, những nhà thơ chống Mỹ đã nhận thức được trách nhiệm nặng nề của một thế hệ được lịch sử chọn làm điểm tựa. Không chỉ cầm vũ khí giết giặc, họ còn thấm thía hơn cả sức mạnh của thơ ca. Chính vì thế, lớp nhà thơ trẻ đã lựa chọn cho mình một cách sống, một chỗ đứng khi đã thấm nhuần sâu sắc mục đích của cuộc chiến đấu. Từ đó, họ tự tin bước vào cuộc chiến đấu với kẻ thù với khí thế quyết chiến, quyết thắng. Phải có một tinh thần quyết chiến, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, Phạm Tiến Duật mới có được câu thơ mang một vẻ đẹp lãng mạn, kiêu hùng: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Không cao giọng, lên gân, hô khẩu hiệu, họ thể hiện quyết tâm sẵn sàng vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để thống nhất tổ quốc như lời tâm sự của Thanh Thảo:
Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi còn chi Tổ quốc.
Có mặt trên khắp các trận địa, vừa cầm súng, vừa cầm bút, các nhà thơ đã mang đến những nét tươi mới cho thế hệ mình, làm cho thơ ca thêm đậm đà tính cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam. Một cái tôi trữ tình trẻ trung, quyết liệt tràn đầy yêu thương và niềm lạc quan, tin tưởng của một thế hệ nhà thơ đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Chiến tranh kết thúc, lịch sử dân tộc mở sang trang mới, thơ có điều kiện phát huy sức mạnh tiềm tàng của chủ nghĩa hiện thực. Các nhà thơ bước ra từ cuộc chiến đã có độ lùi để hoàn thành tác phẩm với dung lượng lớn về chiến tranh với những xúc động chân thực nhất, trong đó có những sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm.
Có thể thấy rằng, trước năm 1975 và nhất là trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thơ ca chủ yếu phục vụ cho cách mạng, ca ngợi cách mạng… Vì thế những góc khuất đằng sau hào khí ngợi ca những chiến thắng vẻ vang ít khi được nhắc đến trong thơ. Đó cũng chính là tiền đề cho sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật thơ sau 1975 với những thay đổi đáng kể trong quan niệm nghệ thuật, chức năng, nhiệm vụ và phương pháp sáng tác. Thơ đã phản ánh tất cả các mặt phong phú của đời sống và mở ra nhiều chiều kích tư duy nghệ thuật, từ hướng ngoại bắt đầu chú ý đến hướng nội, không còn những kiểu dàn trải của dòng tâm tình mà bắt đầu đi vào những khúc gấp của tâm trạng, mạch thơ xoay chiều theo tư duy phức hợp của con người.
Xuất phát từ tư duy đổi mới văn học nghệ thuật, thơ đang có sự vận động cân bằng trở lại trong các mối quan hệ của đời sống, ưu tiên thể hiện con người cá thể mang nặng tâm tình về đời tư, thế sự và những suy tư mang tính triết lý, không né tránh những vấn đề cá nhân, những băn khoăn về thân phận con người. Tuy nhiên, giai đoạn 1975-1985, sự chuyển đổi này vẫn còn mờ nhạt, chưa thật sự rõ nét bởi đâu đó vẫn còn vang vọng âm hưởng sử thi, thể hiện hào khí của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
2. Sự tiếp nối cảm hứng sử thi như một quán tính nghệ thuật
Ngược về những năm trước 1975, thơ Việt
Sau năm 1975, điều kiện lịch sử xã hội mới đã đem lại những thuận lợi cho sự trỗi dậy của ý thức cá nhân. Cái tôi nghệ sĩ từ lâu bị đặt ở vị trí thứ yếu nay được giải phóng, cá tính sáng tạo trở thành giá trị thẩm mỹ nổi bật. Thế giới nội cảm của nhà thơ đã trở thành đối tượng nhận thức của thơ. Hiện thực xã hội không phải được nhìn nhận qua cái tôi đại diện mà được nhìn qua cái tôi cá thể, vừa trở về với ý thức bản ngã, vừa gắn kết với dòng đời rộng mở được đan dệt bởi muôn vàn số phận, tâm trạng, cảnh ngộ, cảm xúc mới mẻ.
Chiến tranh đi qua, cuộc sống thời hậu chiến có nhiều điểm khác biệt so với cuộc sống thời chiến tranh. Các nhà thơ phải thay đổi tư duy sao cho thích hợp với hoàn cảnh lịch sử mới. Từ đó, cái nhìn sử thi đã dần phai nhạt và thay vào đó là cái nhìn hiện thực. Đây là yếu tố hết sức quan trọng khiến cho nghệ thuật giai đoạn này thể hiện tinh thần dân chủ hóa sâu sắc. Cảm hứng nhân bản và sự thức tỉnh ý thức cá nhân đã trở thành nền tảng và cảm hứng chủ đạo của thơ ca Việt
3. Chiến tranh và âm hưởng sử thi trong thơ thời kỳ hậu chiến (1975 – 1985)
Văn học mang tính sử thi là nền văn học phản ánh những sự kiện có ý nghĩa lịch sử mang tính cộng đồng, nhân dân, dân tộc, hướng tới tương lai với niềm tin và lòng lạc quan bất diệt.
Những tác phẩm đầu tiên viết về chiến tranh sau chiến tranh: Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (Huy Cận), Toàn thắng về ta (Tố Hữu) Hoa trước lăng người (Chế Lan Viên), Bài thơ mới về con sông xưa (Tế Hanh), Như đi trong mơ (Hoàng Trung Thông), trường ca Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Trường ca sư đoàn, Con đường rừng không quên (Nguyễn Đức Mậu)… đâu đó vẫn còn vang vọng âm hưởng sử thi của giai đoạn thơ ca trước đó.
Cũng viết về cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng sau năm 1975, các nhà thơ đã hướng tới những số phận, khắc họa những nỗi đau mất mát thấm thía và lay động lòng người hơn trước. Đọc thơ họ, chúng ta có cảm giác vừa đi qua một cánh rừng rậm đặc, trong bóng đêm ẩm ướt của những câu thơ đang tuôn trào như một sự hối thúc ám ảnh. Thơ của họ như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng, cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm. Những day dứt của đời thường để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào thơ đến tức ngực, làm thơ bừng tỉnh. Ta như được tham dự vào những nỗi khổ đau và hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận.
Các nhà thơ này đã mang lại những phát hiện mới, khắc họa bằng ngôn ngữ thơ nỗi đau của những phận người, cái mà chỉ ít năm trước đây, không ít người làm thơ còn né tránh. Họ đã chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim. Sự dồn nén, bức xúc của tâm trạng bật dậy trong họ những câu thơ không chịu bằng phẳng một hình thể mới, một nhịp vận động riêng trong cách tổ chức câu chữ và những bài thơ đổi mới của họ ra đời.
4. Chiến tranh và cảm hứng nhân đạo
Thơ thời kỳ hậu chiến (1975 – 1985) với sự chú ý con người cá nhân đã thể hiện rõ nét cảm hứng nhân đạo ở sự quan tâm đến những bất hạnh trong chiến tranh và những vấn đề dân tộc, cá nhân đặt ra sau cuộc chiến.
Dù chiến tranh trôi qua không bao lâu nhưng các nhà thơ đã có một độ lùi cần thiết để nhìn về cuộc chiến bằng cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn. Trước đây, hiện thực hiện lên trong tác phẩm thường rất cụ thể thì trong thơ sau 1975, chiến tranh chủ yếu hiện lên được cảm nhận từ trong ký ức của những người trong cuộc, từng chứng kiến những khốc liệt của chiến tranh. Với sự sâu sắc ấy, chiến tranh không chỉ được nhìn từ mặt được mà còn từ những mất mát, đau thương với bao nỗi đau trĩu nặng, nhức nhối khôn nguôi. Từ điểm nhìn hiện tại, các nhà thơ phóng chiếu cái nhìn sâu, xa về lịch sử đất nước – một lịch sử oai hùng nhưng cũng không ít đau thương và bất hạnh. Ý thức nói nhiều hơn về bi kịch khiến cho các tập thơ này không rơi vào giọng điệu tụng ca dễ dãi mà thể hiện chiều sâu ngẫm ngợi về thế thái nhân tình trong sự chuyển động không ngừng của lịch sử. Sau năm 1975, bên cạnh những cây bút thành danh ở thể loại trường ca như Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu …là sự xuất hiện của Trần Anh Thái với Đổ bóng xuống mặt trời, Hoàng Trần Cương với Trầm tích…, góp phần làm cho thơ ca giai đoạn này có được những khúc ca giàu tính nghệ thuật về số phận đất nước, nhân dân.
Những người cầm bút đã thực sự trở về với cái tôi cá nhân, chính thức nhìn nhận vào những âu lo của đời sống thường nhật. Ở những năm cuối của thập kỷ 70 TK XX, xu hướng viết về những vấn đề cuộc sống đời thường vẫn còn mờ nhạt, âm hưởng sử thi vẫn ẩn hiện trong thơ ca giai đoạn này. Đến những năm đầu thập kỷ 80 TK XX thơ ở giai đoạn chuyển giọng: nhà thơ nói nhiều hơn về nỗi buồn nhân sinh, về những cảm nhận của cái tôi trước một thực tại khắc nghiệt. Nhiều nhà thơ công khai bày tỏ nỗi buồn vì cuộc sống mưu sinh làm cho con người chỉ chú ý chuyện tồn tại mà “xa dần truyện bớt dần thơ” (Nguyễn Duy); những trắc ẩn về riêng tư, đôi lứa: Em chết trong nỗi buồn – Chết như từng giọt sương – Rơi không thành tiếng (Lâm Thị Mỹ Dạ). Chất giọng tự thú, tự bạch trở nên phổ biến trong thơ ca giai đoạn này.
Khi đất nước đã lặng im tiếng súng, những người lính làm thơ bắt đầu nhìn nhận lại rất nhiều vấn đề của cuộc đời. Hạnh phúc, khổ đau, cái còn, cái mất… tất cả được lắng đọng trong những suy tư, trăn trở của một thế hệ vừa đi qua chiến tranh. Cái được lớn lao của cuộc chiến vừa đi qua là bảo vệ nền độc lập tự do của tổ quốc. Bên cạnh cái được lớn lao ấy, chiến tranh đã mang đến bao tang tóc đau thương. Biết bao người lính đã ngã xuống trên chiến trường. Biết bao người mẹ đợi con, người vợ chờ chồng nhưng tất cả đều vô vọng khi những đứa con, những người chồng đã mãi mãi không về:
Em có thể mất anh bất cứ lúc nào
Em có thể bơ vơ khi em còn rất trẻ
Anh có thể chẳng bao giờ còn đánh được gốc tre
Phơi nỏ sẵn dành sưởi đêm cho mẹ
(Đường tới thành phố – Hữu Thỉnh).
Các nhà thơ đã thực sự cảm thông với nỗi đau của người phụ nữ và qua thân phận của họ, chiến tranh đã hiện ra cụ thể và khắc nghiệt hơn trong đời sống thời bình:
Chiến tranh đã tắt từ lâu
Cau vàng trái rụng, giàn trầu héo hon
Nửa đêm gió lạnh, trăng mòn
Có người nghe tiếng ru con… khóc thầm
(Người ấy – Nguyễn Đức Mậu)
Những người lính trở về từ chiến trường, trong tâm tư họ có rất nhiều nỗi niềm. Trước cuộc sống nảy sinh nhiều ngang trái, đôi khi họ muốn không bận lòng về những gì đã qua để hòa nhập với hiện tại cho thanh thản, nhưng rồi họ lại bất lực:
Dù cho vết sẹo ngày xưa
Đã chai lì với nắng mưa dãi dầu
Vẫn không chai được nỗi đau
Khi qua ngõ chợ, gầm cầu, bánh xe
Khi trên bàn tiệc hả hê
Người ta uống cả lời thề chiến tranh
(Vẫn còn mảnh đạn – Phạm Doanh)
Chiến tranh, một tiếng bom rơi là đánh đổi biết bao sự hy sinh của người dân vô tội. Mọi người đều trông đợi cuộc sống hòa bình. Thế nhưng bước vào cuộc sống hòa bình, những nhà thơ đã trải qua những ngày tháng kháng chiến chống Mỹ lại rơi vào tâm trạng suy tư, trăn trở. Họ nhìn nhận lại tất cả giá trị của cuộc sống. Họ đều cho rằng trong chiến tranh, muốn làm người anh hùng là việc không khó, nhưng trong cuộc sống hòa bình muốn trở thành người anh hùng không phải là việc dễ.
Các nhà thơ tìm về, lắng nghe những rung động sâu thẳm trong tâm hồn và chiêm nghiệm suy tư về cuộc đời với những điều bình dị thiêng liêng. Trong chiến tranh, con người phải tạm gác lại và quên đi những nhu cầu cá nhân vì mục đích cao cả độc lập tự do cho dân tộc. Hòa bình trở lại, những nhu cầu cá nhân chính đáng trỗi dậy, đòi hỏi được giải phóng. Thơ hướng tới việc thể hiện chân thật những vấn đề bức thiết của nhân sinh thế sự, những suy tư sâu kín trong thế giới nội tâm của con người. Vì thế càng về sau, các sáng tác của các nhà thơ gần gũi với thực tế cuộc sống hơn. “Tuy nhiên cũng xuất hiện không ít nỗi đau giả, những tiếng khóc vờ vì cảm xúc hời hợt và thói triết lý vặt trong thơ. Thậm chí, việc nói quá nhiều đến nỗi buồn, kể lể dài dòng về chúng một cách nông cạn đã khiến cho không ít tác phẩm rơi vào tình trạng phản cảm… Thơ ca sau 1975 tuy viết nhiều về nỗi buồn nhưng dường như vẫn còn hiếm những nỗi buồn cao cả được thể hiện một cách sâu sắc và ám ảnh”(4).
5. Cảm hứng nhân bản và sự thức tỉnh ý thức cá nhân
Giai đoạn 1975 – 1985 xuất hiện hàng loạt trường ca có ý nghĩa tổng kết cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc với cái nhìn nghệ thuật có sự thay đổi so với thơ ca thời chống Mỹ. Tuy vẫn mang chủ âm hào hùng, nhưng các nhà thơ đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến bi kịch của con người, số phận của cá nhân, số phận của đất nước được lồng vào nỗi đau của cá nhân:
Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền
(Đường tới thành phố – Hữu Thỉnh)
Những năm cuối thập kỷ 70 và đầu những năm 80 của TK XX xuất hiện nhiều bài thơ gần gũi với cuộc sống đời thường. Chiến tranh kết thúc, nhiều bi kịch của cuộc sống đời thường hiện ra trong xã hội, thậm chí dẫn đến cảm giác bế tắc, bi quan, chán nản trong tâm trạng của con người đã:
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật chẳng dễ dàng chi
(Tản mạn thời tôi sống – Nguyễn Trọng Tạo)
Thật vậy, đến với cuộc sống thời bình với biết bao điều ngổn ngang, bề bộn, tốc độ sống nhanh hơn, các quan hệ sống cũng trở nên trần tục hơn. Điều đó buộc các nhà thơ phải chuyển đổi cách tư duy. Thơ cần đến một sự tỉnh táo hơn:
Tôi xoay những ô vuông
Có nhà thơ than rằng đời bây giờ tỉnh táo quá
Tôi, ngược lại, tôi thích: tỉnh táo, tỉnh khô, tỉnh bơ, tỉnh như sáo
Vì tôi biết cái tỉnh đó chỉ là phía nhìn được của đam mê
(Khối vuông ru bích – Thanh Thảo)
Rất nhiều nhà thơ như Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ cũng cay đắng nghẹn ngào khi nghĩ về tổ quốc. Các hình tượng sử thi không còn xuất hiện rõ nét trong giai đoạn này nữa mà nó chỉ là phương tiện để khơi dậy những bi kịch, những mặt trái, các giá trị đạo đức xã hội của cuộc sống đời thường. Cái nhìn nghệ thuật trong thơ sau 1975 là cái nhìn thực tế, không mang màu sắc lý tưởng hóa. Những tổn thất hy sinh được khai thác đến tận cùng, không né tránh. Hiện thực chiến tranh được nhìn từ nhiều phía: ánh sáng và bóng tối, cao cả và thấp hèn.
Sự chuyển đổi tư duy trong thơ đã mang đến cho thơ giai đoạn này một sự sáng tạo. Dù đó chỉ là bước đầu của sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật trong thơ nhưng các nhà thơ đã thoát khỏi lối viết ngợi ca, hùng tráng sáo mòn, trở về với cái tôi, nói thực những cảm xúc cá nhân. Đó là biểu hiện của tinh thần dân chủ trong giai đoạn mới.
_______________
1. Lời của Chủ tịch
2. Sóng Hồng
3, 4. Nguyễn Đăng Điệp, Thơ Việt Nam sau 1975 – từ cái nhìn toàn cảnh.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014
Tác giả : Nguyễn Thiên Lan
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài