Xiếc là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, ngôn ngữ gồm những hình tượng nghệ thuật, qua đó, dấu ấn văn hóa cổ truyền dân tộc của các vùng, miền đất nước được thể hiện theo phương pháp dàn dựng hiện đại. Mỗi tiết mục xiếc đưa ra được một nội dung chuyển tải về cuộc sống, xã hội, tình yêu. Để mang được những tiết mục đẹp mắt đến khán giả là cả một chặng đường dài luyện tập, kiên trì, miệt mài của người nghệ sĩ. Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tự hào là cơ sở đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp duy nhất trong nước cũng như khu vực Đông Nam Á. Với bề dày lịch sử 55 năm, Trường đã có rất nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà với những thành tích nổi bật, đoạt được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi, liên hoan xiếc trong nước, quốc tế. Các thế hệ học sinh của trường hầu hết đã trở thành những diễn viên xiếc tài năng, góp phần quan trọng cho sự phát triển nghệ thuật xiếc, nhiều người được phong tặng danh hiệu cao quý NSND, NSƯT, giữ cương vị lãnh đạo cao trong ngành xiếc Đông Nam Á
Từ năm 1961 – 1985
Xuất phát từ nhu cầu đào tạo để bổ sung lực lượng diễn viên, tăng cường thêm cho các tiết mục xiếc mới, ngày 21- 5 -1961 lớp xiếc đầu tiên với gần 40 học sinh tuyển chọn từ các tỉnh thành, được tổ chức luyện tập dưới sự hướng dẫn của ông Hoàng Chấn, chịu sự quản lý của của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đây chính là tiền thân của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam hiện nay.
Từ năm 1961 – 1969, bộ phận đào tạo của đoàn xiếc Nhân dân Trung ương đã đào tạo 3 lớp, trong đó có 21 học sinh được chọn lọc để đi đào tạo dài hạn tại Nga.
Được sự thỏa thuận của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, vào ngày 21-11-1969 Bộ trưởng Bộ Văn hóa ra quyết định số 073/QĐBVH, cho phép đoàn xiếc Nhân dân Trung ương mở lớp trung cấp xiếc chính quy, trực tiếp quản lý mọi mặt. Từ năm 1969 – 1973, lãnh đạo lớp trung cấp xiếc chính quy là ông Nguyễn Hoài, phó trưởng đoàn xiếc Nhân dân Trung ương; từ năm 1973 – 1986 là do ông Nguyễn Văn Trà, phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam phụ trách. Mỗi khóa ra trường lại có thêm những tiết mục mới đóng góp cho Liên đoàn xiếc. Trụ sở của lớp Xiếc chính quy được đặt tại khu văn công Mai Dịch, Hà Nội.
Học viên Campuchia báo cáo tốt nghiệp. Ảnh Hồng Ánh
Đã có những quan điểm chủ quan cho rằng ngày 21 – 11 – 2016 là ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Theo tôi đó là chưa chính xác, mà đó là 55 năm của sự nghiệp đào tạo ngành xiếc chuyên nghiệp. Ngày này đã được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập của sự nghiệp đào tạo của Trường xiếc hiện nay.
Lớp xiếc đầu tiên ra đời năm 1961 tại trụ sở đoàn ở Thanh Xuân, đào tạo theo hình thức kèm cặp nên lớp xiếc thuộc dạng nửa chính quy, đang trên đà thử nghiệm để tiến tới chính quy. Từ năm 1969 trở đi, việc đào tạo của Trường đã theo lối chính quy theo đúng quy chế nhà nước. Tuy vậy, kinh nghiệm mở lớp đào tạo xiếc quá ít; các giáo viên quản lý đào tạo lớp xiếc hầu như là những cán bộ kiêm trách, vừa giảng dạy, vừa phải làm công tác lãnh đạo ở liên đoàn. Cũng do lấy kết quả thực tiễn bổ sung dần cho đào tạo, nên quy mô đào tạo còn nhỏ, các diễn viên vẫn phải ra nước ngoài để học tập, tăng cường thêm các tiết mục mới, chủ yếu là phục vụ cho hoạt động của Liên đoàn xiếc.
Từ năm 1986 – 2006
Quyết định số 129/QĐ-BVH ngày 22 – 5 – 1986 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa cho phép nâng cấp lớp trung cấp Xiếc chính quy trực thuộc Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương thành Trường Nghệ thuật Xiếc Việt Nam, trực thuộc Cục Nghệ thuật sân khấu, Bộ VHTT. Cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: ban giám hiệu (gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), phòng hành chính tổng hợp, phòng giáo vụ, tổ giáo viên khoa xiếc, tổ giáo viên văn hóa.
Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với sự hình thành của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Theo tôi, đây mới được coi là mốc đánh dấu sự thành lập Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Kể từ đó đến nay, đã 30 năm, Trường chính thức là một đơn vị độc lập với những chức năng, nhiệm vụ đào tạo cụ thể.
Ngày 4 – 5 – 1998, Bộ trưởng Bộ VHTT đã ký quyết định số 797/QĐ-BVHTT thay thế cho quyết định số 129/QĐ-BVH về việc đổi tên Trường Nghệ thuật Xiếc Việt Nam thành trường Trung học Xiếc Việt Nam. Cùng với quyết định này, Trường Trung học Xiếc Việt Nam trở thành một cơ sở đào tạo, là một đơn vị sự nghiệp chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ VHTT. Về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, Trường Trung học Xiếc Việt Nam không thay đổi, nếu để trường phát triển quy mô hơn nữa với trình độ nhất định thì bộ máy tổ chức cũng còn phải hoàn thiện thêm.
Sau một chặng đường hình thành, phát triển không ngừng, với những nỗ lực vượt bậc của các thế hệ trước, đặc biệt là của thế hệ trẻ, vào tháng 8 – 2006, hiệu trưởng nhà trường đã trình Bộ trưởng Bộ VHTT tờ trình về việc đề nghị quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trường Trung học Nghệ thuật Xiếc Việt Nam.
Ngày 15 – 11 – 2006, Bộ trưởng Bộ VHTT đã ký quyết định số 5176/QĐ-BVHTT về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trường Trung học Nghệ thuật Xiếc Việt Nam. Cơ cấu tổ chức bộ máy của trường gồm: 3 khoa nghiệp vụ: khoa Xiếc, khoa Tạp kỹ, khoa Văn hóa phổ thông; 3 phòng chức năng: phòng đào tạo và quản lý học sinh, phòng hành chính tổng hợp, phòng khoa học đối ngoại; 2 tổ chức trực thuộc ban giám hiệu: nhà hát thể nghiệm, thư viện trường.
Đây là sự kiện quyết định lần đầu tiên sau 45 năm hình thành, trường đã chính thức được thành lập các khoa, phòng, tổ chức trực thuộc ban giám hiệu.
Từ 2006 – nay
Từ trước năm 2006, Trường hoạt động nhằm mục đích đào tạo nhân lực xiếc cho ngành xiếc nên bộ máy tổ chức chưa có nhiều thay đổi. Sau năm 2006, bộ máy tổ chức của Trường đã được phát triển hoàn chỉnh hơn, đáp ứng yêu cầu không chỉ đào tạo ngành xiếc mà còn các loại hình tạp kỹ khác; nhiều phòng ban, tổ chức trực thuộc được thành lập, đáp ứng các điều kiện của một cơ sở giáo dục đào tạo chuyên nghiệp ở hệ cao đẳng; tổ chức quy hoạch, bố trí lại toàn bộ diện tích nhà tập, phòng học của trường; hoán đổi 2 khu nhà 4 tầng với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ngày 17 – 4 – 2009, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký quyết định số 1468/QĐ BVHTTDL về việc đổi tên Trường Trung học Xiếc Việt Nam thành Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
Ngày 17 – 4 – 2009, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký quyết định số 1468/QĐ-BVHTTDL về việc đổi tên Trường Trung học Xiếc Việt Nam thành trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
Từ đây, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ đào tạo các chuyên ngành mới thuộc lĩnh vực nghệ thuật xiếc; một số chuyên ngành khác gồm: xiếc người, xiếc thú, ảo thuật, hài hước, đào tạo diễn viên đóng thế, dẫn chương trình, diễn thời trang, múa rối… Cũng trong thời gian này, trường lần đầu tiên khởi xướng, tổ chức thành công các cuộc thi như: cuộc thi tài năng xiếc trẻ 3 nước Đông Dương, liên hoan ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Từ đó về sau, những cuộc thi này được tổ chức định kỳ hàng năm, đem tới cho những diễn viên trẻ trong, ngoài nước có cơ hội gặp gỡ, cọ xát, thi đấu để hoàn thiện sự nghiệp của mình.
Trường được phép tổ chức đào tạo các hệ: chính quy dài hạn 2 năm, 3 năm, 5 năm trình độ trung cấp, bồi dưỡng nâng cao 3 tháng, 6 tháng. Lưu lượng học sinh của trường dao động từ 120 đến 150 học sinh/năm. Trong đó học sinh nước ngoài cũng chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng số học sinh toàn trường. Công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, ban giám hiệu đã sâu sát trong từng đợt tuyển sinh để liên tục đưa ra các định hướng, giải pháp cụ thể. Nhờ vậy nên công tác tuyển sinh năm sau tốt hơn năm trước, đặc biệt trong năm học 2013, nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra. Quy trình, kế hoạch, tiến độ đào tạo được xây dựng ổn định theo năm học, cho toàn khóa học. Ngoài ra trường còn cử cán bộ đi học bồi dưỡng nâng cao kiến thức, có chính sách tuyển dụng, ưu đãi nhân tài, tuyển dụng nhân sự có trình độ cao, có chuyên môn vào các vị trí chủ chốt, đưa ra chính sách ưu tiên, hấp dẫn để thu hút những học sinh học giỏi, của các khóa học ở lại trường công tác. Hiện website của nhà trường có thể thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin mới nhất về nghệ thuật xiếc trong nước, quốc tế. Hàng năm trường luôn bổ sung, cấp mới các trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu công tác, học tập của cán bộ, giáo viên, học sinh.
Trường có mối quan hệ hợp tác đối ngoại trên lĩnh vực giao lưu biểu diễn nghệ thuật, đào tạo với các nước: Lào, Campuchia, Triều Tiên, Mông Cổ, Nga, Pháp, Trung Quốc…
Với 55 năm trong sự nghiệp đào tạo của mình, Trường đã đào tạo được hơn 50 khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn với hàng ngàn diễn viên cho các đoàn xiếc Việt Nam, nước ngoài, đặc biệt là Lào, Campuchia. Các học sinh, cựu học sinh của trường đã nhận được hàng trăm giải thưởng tại các liên hoan xiếc chuyên nghiệp trong nước, quốc tế. Trường đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ VHTTDL tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, cờ thi đua xuất sắc.
Trên cơ sở đã có bộ máy tổ chức hoàn chỉnh, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển, Trường đã định hướng sự phát triển cao hơn nữa thành lập Trường Cao Đẳng Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Do vậy, ngay từ những ngày đầu dự án đề ra, Trường đã có những bước chuẩn bị cụ thể: công tác xây dựng đội ngũ, chuẩn hóa cán bộ, giáo viên, đặc biệt là nâng cao trình độ đào tạo cho giáo viên giảng dạy các khoa; cử cán bộ giáo viên đi học các lớp sau đại học; khi tuyển dụng thêm giáo viên, yêu cầu phải có trình độ từ đại học trở lên.
Xây dựng hệ thống chương trình giảng dạy, giáo trình cơ bản cấp bộ như: giáo trình lịch sử xiếc, giáo trình cơ bản thể thao, nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, đang đề nghị Bộ VHTTDL nghiệm thu vào cuối năm 2016.
Đề nghị Bộ GDĐT cho phép mở mã nghành mới: trình diễn thời trang, diễn viên đóng thế, MC… để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trường vừa xây dựng mới khu nhà tập luyện 8 tầng, đạt yêu cầu lên thành trường cao đẳng, 1 khu nhà tập khung thép, 1 tòa nhà hành chính, học Văn hóa phổ thông.
Trình lãnh đạo Bộ VHTTDL, các cơ quan chức năng đề án mở cơ sở đào tạo số 2 tại TP.HCM, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xiếc, tạp kỹ, các ngành khác thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cho các tỉnh từ khu vực Nam Trung Bộ trở vào.
Xây dựng, phát triển Trường đến năm 2020 trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao theo mô hình hiện đại, đa cấp, đa ngành, đa hình thức đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật xiếc, tạp kỹ, nhằm đáp ứng đúng nhu của cầu xã hội, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Là trung tâm sáng tác, dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật mới mang tính thể nghiệm; gìn giữ, khôi phục, dàn dựng lại các tác phẩm nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng giáo dục, định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho cộng đồng.
Cùng với sự cố gắng của tập thể cán bộ giáo viên, học sinh, đặc biệt có đường lối lãnh đạo, xây dựng, phát triển nhà trường của cấp ủy Đảng, ban giám hiệu, nhà trường, đã có cơ cấu tổ chức, bộ máy hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong thời gian sắp tới.
Trải qua chặng đường 55 năm hình thành, phát triển, cho đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ VHTTDL, cùng với sự nỗ lực cố gắng xây dựng, phát triển nhà trường của tập thể ban giám hiệu, Trường đang phấn đấu để nâng cấp trường thành Trường Cao Đẳng Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Trường sẽ tiến tới quy mô vật chất hiện đại hơn, trình độ nghệ thuật đẳng cấp hơn để sánh ngang tầm với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : NGUYỄN HỒNG HẠNH
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói
Kế thừa và biến đổi âm nhạc chèo
Nghệ thuật sân khấu dù kê, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại