Địa danh Gò Tháp thuộc ấp 1 xã Tân Kiều và ấp 1 xã Mỹ Hòa (Tháp Mười, Đồng Tháp), là trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười xưa. Nơi đây có cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt, có đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều, những người đã có công đánh giặc giữ nước, cứu dân trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp. Để tưởng nhớ công ơn hai vị anh hùng dân tộc này, hàng năm, cứ vào ngày 13 đến rạng sáng ngày 16 – 11 âm lịch, người dân nơi đây làm lễ tưởng niệm hai cụ. Ngày nay, lễ hội tưởng niệm này mang giá trị toàn vùng, có ý nghĩa văn hóa đặc sắc của vùng sông nước.
Vài nét khái quát về khu di tích Gò Tháp, nơi lập đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều
Theo các tài liệu thu thập được, khu di tích Gò Tháp còn có tên gọi là chùa Năm Gian, Tháp Mười, quần thể di tích Gò Tháp, tên gọi theo văn bản hiện nay là Khu di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp, dân gian thường quen gọi là Gò Tháp. Khu di tích Gò Tháp được biết đến từ những năm cuối TK XIX do một số nhà khảo cổ học người Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ đã đến đây khảo sát, khai quật và công bố phát hiện quan trọng về một số dấu tích kiến trúc cổ. Sau năm 1975, tại khu di tích này, các nhà khảo cổ học Việt Nam khai quật được nhiều di vật của nền văn hóa Phù Nam. Các đợt khai quật lần này các nhà khảo cổ học phát hiện khu di tích Gò Tháp gồm 3 loại hình là di chỉ cư trú, di tích kiến trúc và di tích mộ táng. Đến tháng 7 – 2009, các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật Gò Minh Sư. Qua đợt khai quật, Đào Linh Côn đưa ra nhận định: “Đây là phần xây chìm hoàn toàn của loại hình kiến trúc đền tháp mới, lạ nhất ở miền Tây Nam Bộ của thời kỳ Hậu Phù Nam (thuộc văn hóa Óc Eo), có niên đại khoảng TK IX sau CN” (1).
Các đợt khai quật cho thấy, cư dân về Gò Tháp lập nghiệp khi nước biển vừa rút. Họ có nền văn minh công nghiệp và thương mại khá phát triển. Bên cạnh đó, quần thể di tích Gò Tháp còn có các thiết chế tôn giáo và tín ngưỡng như: tháp Cổ Tự, đền thờ Thiên Hộ Dương – Đốc Binh Kiều, miếu Bà Chúa Xứ, mộ Hoàng Cô, nền tháp cổ… mang màu sắc huyền bí, tâm linh.
Với bề dày của các giá trị lịch sử, văn hóa đan xen, quần thể di tích Gò Thápđược Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử khảo cổ theo Quyết định số 1570/QĐ-BVHTT ngày 5- 9 – 1989.
Sự thiêng hóa nhân vật thờ tự
Qua một số tài liệu, công trình sưu tầm và nghiên cứu truyền thuyếtThiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều mà chúng tôi thu thập được như:Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa của Võ Duy Dương,Nam kỳ cố sự, gần đây nhất có công trìnhTruyền thuyết Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều của Nguyễn Hữu Hiếu gồm có 24 truyện, trong đó có tới 12 truyện phản ánh nhân vật Thiên Hộ Dương, 4 truyện phản ánh trực tiếp đến Đốc Binh Kiều và một số truyện liên quan khác. Trong đó, có một số truyền thuyết mà chúng tôi được nghe kể nhiều nhất về hai cụ như sau:
Tương truyền, trước đây, ngày giỗ của Thiên Hộ Dương là ngày 3 tháng giêng âm lịch. Đây không phải là ngày sinh của cụ, cũng không phải là ngày cụ từ trần, mà là ngày nhân dân trong vùng tự đặt ra để tưởng niệm, cúng viếng. Trên thực tế, họ chỉ biết sau khi đại đồn Tháp Mười thất thủ, Thiên Hộ Dương ra miền Trung, rồi mất lúc nào không rõ.
Ngày giỗ của cụ xuất phát từ sự tích sau: do Pháp cấm ngặt, dường như không ai dám làm giỗ cụ Thiên Hộ cả. Có một năm nọ, dân chúng trong vùng Gò Tháp được ăn một cái tết thanh bình và được mùa, có cá kho dưa giá, có bánh tét… Giữa đêm mùng 3 tết, sau khi bánh tét đã chín, anh nọ vớt ra, mang bánh đi biếu người cha trong xóm. Khi đi qua mộ cụ Thiên Hộ (thực ra đây là ngôi mộ của Đốc Binh Kiều), trong ánh đuốc chập chờn, anh thấy một người đứng tuổi, đầu bịt khăn be, mang giày ống như các võ quan ngày xưa, từ chỗ ngôi mộ đi vào miếu thì biến mất.
Họ cho rằng, đó là anh linh của ngài Thiên Hộ Dương về. Với tấm lòng biết ơn người đã dày công chống xâm lăng đi đôi với niềm tôn kính, dân chúng lấy ngày 3 tháng giêng làm ngày giỗ cụ. Tuy nhiên, sau một thời gian, người dân phát hiện ra đây là ngôi mộ của cụ Đốc Binh Kiều nên không làm đám giỗ cụ Thiên Hộ Dương vào ngày này nữa.
Với Thiên Hộ Dương, không chỉ trong truyền thuyết, mà ngay cả trong kho tàng ca dao của người dân Đồng Tháp cũng nhắc nhở nhau rằng:
Ai về Đồng Tháp mà coi
Mồ ông Thiên Hộ trăng soi lạnh lùng
Bà con đùm đậu quanh vùng
Tháng giêng ngày giỗ xin đừng có quên
Thực ra, sau khi giặc Pháp bình định được Nam Kỳ, để tiêu diệt ý chí quật cường, tinh thần dân tộc của nhân dân ta, chúng cấm đoán mọi mặt không cho nhắc nhở, thờ cúng các vị anh hùng lãnh đạo nhân dân đã từng chống lại chúng. Do đó mới có cảnh: Mồ ông Thiên Hộ trăng soi lạnh lùng!
Bên cạnh các truyền thuyết nói đến sự linh thiêng, huyền bí của Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều cũng được dân gian mô tả qua truyền thuyết về lai lịch ngôi mộ của cụ như: sau khi mất, Đốc Binh Kiều được an táng tại Gáo Giồng, Gò Mười Tải (Khu Mười). Vì ở đây đất thấp nên tám tháng sau, đích thân ông Phòng Biểu và một vài nghĩa quân cải táng nơi khác. Đề phòng bọn giặc và tay sai có thể quật mồ, làm điều xấu trên hài cốt người quá cố, ông Phòng Biểu đã bí mật chôn cất và còn làm nhiều ngôi mộ giả đánh lạc hướng bọn giặc. Thế nên cả một thời gian dài, người dân Đồng Tháp không biết mộ Đốc Binh Kiều ở đâu.
Trong dân gian Đồng Tháp Mười cũng xuất hiện nhiều huyền thoại về lai lịch ngôi mộ Đốc Binh Kiều.
Sau khi giặc Pháp bình định được toàn cõi Nam Kỳ một thời gian khá lâu, vào mùa nước lên, nông dân ở Tháp Mười thường lấy Gò Tháp làm nơi cầm trâu. Năm nọ, lúc nước hạ, một chủ trâu đến nhận trâu về làm mùa, thấy trâu mình thiếu một con, liền cùng người cầm trâu mướn đi tìm. Hai người thấy con trâu bị kẹt sừng dưới gốc cây tràm. Có thể là con vật cúi xuống ăn cỏ, lúc ngẩng lên thì sừng bị gài dưới mấy cái rễ cây to tướng, không sao thoát ra được. Chỉ còn cách đào cho rễ cây ló ra một đoạn rồi cưa đi mới cứu được con trâu. Hai người hì hục, kẻ đào, người bới; bỗng gặp một mảnh cây trai bào nhẵn có khắc chữ Hán, rửa sạch bùn đất, tìm người đọc mới biết đây là mộ chí của Đốc Binh Kiều.
Liên quan đến vị trí ngôi mộ cụ Đốc Binh Kiều, có câu chuyện rất ly kỳ và linh ứng như sau: “Tương truyền khi cụ hy sinh, do sợ bị thực dân Pháp làm khó dễ nên người dân trong vùng đắp ba ngôi mộ khác nhau ở ba nơi để che mắt giặc. Vì thế, sau này không biết mộ chính ở đâu” (2). Chuyện đặt lăng mộ cụ ở chỗ hiện nay theo dân gian là do có tín hiệu tâm linh: “Có một gia đình đào huyệt gần mộ cụ để chôn cất người nhà, chưa kịp chôn thì cả gia đình đổ bệnh đau ốm. Cả nhà tìm cách chạy chữa mà không khỏi, cuối cùng có người bảo vì động vào mộ cụ, lấp lại thì sẽ khỏi. Quả nhiên, huyệt lấp xong, cả nhà khỏi bệnh. Từ đó, người ta tin đó là nơi chôn cất cụ Đốc Binh” (3). Thời chống Mỹ, một quả bom của không quân Mỹ ném rơi xuống ngay cạnh mộ cụ. Trong khi tất cả các quả khác đều nổ thì riêng quả bom này không nổ. Điều này càng khẳng định niềm tin của nhân dân, đó đúng là nơi chôn cất cụ.
Quá trình lễ hội
Trước năm 1954, khu di tích Gò Tháp dưới quyền thống trị của thực dân Pháp; để thủ tiêu tinh thần chiến đấu của nhân dân ta, chúng cấm không cho bất cứ ai được thờ cúng các anh hùng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại chúng. Sau năm 1954, để trấn an lòng dân, chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây ngôi mộ bằng xi măng trước khi xây dựng tháp mười tầng. Cũng trong giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975, nhân dân quanh vùng Gò Tháp quyên góp tiền bạc, công sức cùng nhau đứng ra tổ chức làm đám giỗ tưởng niệm cụ Đốc Binh Kiều – người đã có công đánh giặc giữ nước trong những ngày đầu chống Pháp.
Trải qua nhiều lần lễ hội, dần dần trong tiềm thức của nhân dân đã hình thành một hình ảnh thiêng của thời gian mở hội, được dân làng thể hiện khá rõ trong cách chọn giờ để thực hiện những nghi lễ chính. Lễ cầu an: lúc 15 giờ ngày 15 – 11; lễ thỉnh sinh: lúc 1 giờ ngày 16 – 11; lễ cúng thần nông: lúc 3 giờ ngày 16 – 11; lễ chánh tế: lúc 4 giờ ngày 16 – 11. Từ ngày 13, 14, và sáng 15 là thời gian nhân dân tự do lễ bái.
Phần lễ
Từ năm 2009 về trước, lễ hội tưởng niệm hai vị anh hùng Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều không có rước. Từ năm 2010, tổ chức thỉnh sắc từ đền thờ hai cụ đến nhà trưởng ban hội hương để thỉnh hai cái sắc của hai cụ rước về tại đền thờ lúc 8 giờ ngày 14 – 11 âm lịch. Lễ hội tưởng niệm hai cụ dự tính được tổ chức long trọng và có rước vào những năm chẵn, còn năm lẻ thì làm ở mức độ đơn giản hơn.
Lễ cầu an: Lúc 15 giờ ngày 15 – 11 (thời gian diễn ra khoảng 1 giờ)
Trước khi vào cúng cầu an, các lễ vật dâng cúng là đồ chay như chè, xôi, các đồ tương và bông, trà, hoa quả… được dọn lên bàn thờ chính điện. Sau khi các lễ vật đã được chuẩn bị xong, ban tế lễ mời các cấp chính quyền và đông đảo bà con nhân dân ra đứng trước chính điện thành hàng lối rõ ràng (nam một bên, nữ một bên) để chứng kiến ban hội hương cúng tế cầu an.
Trưởng ban và phó ban chịu trách nhiệm chứng tế, các thành viên còn lại phụ trách ban (bàn) chứng tế và tả ban, hữu ban. Đội phụ trách trống, mõ, chiêng và đội phụ trách học trò lễ dâng trà, ăn mặc theo y phục cúng tế. Nữ giới của ban nghi lễ ăn mặc y phục cúng tế, cầm cờ, phướn đứng trang nghiêm ở hai bên. Khi vào lễ chính thức, tương tự như ở lễ chứng tế, nhạc được vang lên, bài văn tế cũng được đọc lên, các học trò lễ lần lượt dâng một tuần hương, ba tuần rượu và cuối cùng là một tuần trà. Sau khi làm lễ xong, ban hội hương mời các cấp chính quyền và nhân dân tự do cúng bái.
Trong các nghi thức tế lễ luôn có bài văn tế do chứng tế đọc. Các lễ nghi phụ họa kèm theo khi đọc bài văn tế như: nhạc lễ, dâng trà, dâng rượu, dâng hương… Văn tế lễ hội có nội dung ca ngợi công đức Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều, cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu…
Lễ thỉnh sinh: Lúc 1 giờ ngày 16 – 11 (kéo dài khoảng hơn 1 giờ)
Khoảng từ 0 giờ 30, ngày 16 – 3 âm lịch, các thành viên trong ban hội hương (là những cá nhân có chức sắc trong làng, được dân làng tín nhiệm bầu ra để hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác tổ chức lễ hội), thịt lợn và các lễ vật khác để chuẩn bị cúng tế. Trước hết, họ thắp hương cầu nguyện, thỉnh sinh, bắt đầu làm các đồ vật cúng tế gồm hai con lợn và các vật phẩm khác… Một con lợn nọc được làm sạch sẽ (cắt tiết, mổ bụng, lấy lòng, vệ sinh sạch sẽ…) và để nguyên cả con (không nấu chín) mang lên cúng tế trong đình; con lợn thứ hai cũng được làm sạch sẽ (cắt tiết, mổ bụng, lấy lòng, vệ sinh sạch sẽ…), cắt lấy phần đầu và nỏng (cổ) để sống mang lên cúng tế thần nông; phần thịt còn lại của con lợn thứ hai được cắt nhỏ nấu, xào… làm thành nhiều món dâng lên cúng tế. Khoảng 1 giờ, bắt đầu thắp hương làm lễ cúng tế từ bàn thờ thần nông trước, sau vào trong đình.
Lễ cúng thần nông: Lúc 3 giờ ngày 16 – 11 (kéo dài khoảng 1 giờ)
Bàn thờ thần nông được đặt ở ngoài sân đình (trước đây gọi là Dinh Ông). Vật phẩm dâng cúng thần nông ngoài đầu lợn còn sống, phải có đầy đủ cả nội tạng của con lợn và một con gà luộc. Sau khi chuẩn bị xong, một trưởng và hai phó ban hội hương chịu trách nhiệm quỳ lạy, cúng (kèm theo nhạc lễ, trống kèn) và tế (đọc bài văn tế). Sau khi ban hội hương làm lễ cúng tế thần nông xong, trưởng ban hội hương mời chính quyền và khách hành hương vào cúng tế.
Lễ chánh tế:Lúc 4 giờ ngày 16 – 11 (kéo dài khoảng 2 giờ)
Trong lúc giải lao (sau khi tế Thần Nông), đồng thời chuẩn bị các vật phẩm cho lễ chánh tế gồm: một con lợn nọc được làm sạch để sống, các món rau thịt khác đã được nấu chín và bông, hoa quả được dọn lên. Sau khi chuẩn bị xong, ban hội hương trân trọng mời các cấp chính quyền địa phương và ban quản lý khu di tích, các đoàn thuộc các đình, miếu ở trong tỉnh và ngoài tỉnh về dự lễ hội có mặt trong đình để chuẩn bị cúng tế (nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên).
Trưởng ban hội hương và hai phó ban phụ trách chứng tế, hai phó ban tiếp khác phụ trách phó tế. Các thành viên còn lại trong ban hội hương chịu trách nhiệm: một đánh mõ, một đánh chiêng, một đánh cổ (trống chầu), số còn lại hầu các ban (các bàn thờ cúng). Trước khi cúng chương trình học trò lễ xướng:ban chứng bái, bồi bái tụ vị; khởi kích thác (đánh mõ); khởi chinh (ba hồi chiêng); khởi cổ (ba hồi trống chầu); nhạc sanh tiệu vị (trống chiến); nhạc tác; nghệ hương án tiền (bốn học trò lễ dâng từ ngoài vào trong chánh điện). Bốn học trò lễ (ăn mặc y phục) dâng ba tuần rượu. Chứng tế đọc và tế xong bốn học trò lễ tiếp tục dâng một tuần trà; tiếp tục dâng sớ, đốt sớ dâng lên bàn thờ. Sau phần ban hội hương tế lễ, trưởng ban mời các cấp chính quyền và khách hành hương vào cúng tế. Xong phần tế lễ, họ mời chính quyền các cấp, các đoàn thể trong và ngoài tỉnh… cùng ăn một bữa cơm thân mật; đến 12 giờ ngày 16 là bế mạc hội lễ.
Phần hội
Ở lễ hội Gò Tháp có nhiều trò diễn dân gian giải trí rất hấp dẫn như múa lân, hát bội, ca nhạc (có tân nhạc và cổ nhạc)… Nổi bật nhất trong các trò diễn phục vụ cho lễ hội là trò múa bóng rỗi; với những đoàn người múa bóng từ nhiều nơi tìm đến để múa hát chung vui cho lễ hội.
Để tăng thêm sự hấp dẫn với các tiết mục múa bóng rỗi còn có tiết mục Ca ra bộ (chỉ diễn vào ban đêm) và một số tiết mục khác.
Song hành với các tiết mục múa bóng rỗi trong đình, miếu, chùa…; ở bên ngoài, các tụ điểm ca nhạc cũng rầm rộ diễn ra.
Lễ hội tưởng niệm cụ Thiên Hộ Dương và cụ Đốc Binh Kiều là một hoạt động sinh hoạt văn hóa tổng hợp bao gồm cả tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật, thiêng liêng và đời thường. Điều đặc biệt, đến với lễ hội này, chúng ta được chiêm ngưỡng không gian tuyệt đẹp của vùng đồng bằng sông nước, thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật mang cả tính dân gian và hiện đại, thưởng thức một bữa cơm chay thân mật do ban hội hương tiếp đón.
Đây là một hoạt động văn hóa mang đặc thù của địa phương, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tích hợp từ các lớp tín ngưỡng tâm linh đến đời thường; từ nền văn hóa cổ đến văn hóa đương đại. Các lớp văn hóa đó đã tạo nên một lễ hội chứa đựng nhiều nền văn hóa đan xen nhau, hấp dẫn, huyền bí. Do vậy, nó cần được bảo tồn, phát huy hơn nữa cho phù hợp với các giá trị văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đề ra.
Nhân vật được thờ cúng là nhân thần, không phải từ xa xưa (cổ truyền) mà xuất hiện trong thời gian tương đối gần so với hiện tại (giai đoan kháng chiến chống Pháp). Phần hội (các hoạt động vui chơi) mang tính hiện đại, khẳng định việc phụng thờ hai cụ thuộc lớp văn hóa muộn của cư dân Việt ở Nam Bộ.
Tuy nhiên, quá trình thiêng hóa trong trường hợp này đã diễn ra khá mạnh mẽ, làm cho những huyền thoại về hai cụ thấm sâu vào ký ức dân gian. Hai cụ trở thành bất tử trong lòng dân. Sự thiêng hóa, ngoài phương diện tâm linh, còn là sự vinh danh cao nhất của người dân địa phương đối với hai cụ, thể hiện niềm ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu sắc của họ.
Lễ hộiThiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều không chỉcủa Đồng Tháp mà lớn hơn là cả khu vực Tây Nam Bộ. Điều này cho thấy sức sống của tín ngưỡng dân gian. Sự phụng thờ hai cụ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều thuộc lớp tín ngưỡng muộn, tuy nhiên, do gắn liền với sự hình thành một vùng đất, có công đánh đuổi giặc giữ nước, đã trở thành những vị tiền hiền khai khẩn của người Việt ở nơi đây. Tín ngưỡng thờ tiền hiền khai khẩn là tín ngưỡng phổ biến của cư dân Việt ở Nam Bộ và các vùng đất mới.
_______________
1. Ngô Văn Bé, Khai quật Gò Minh Sư tại khu di tích lịch sử – khảo cổ Gò Tháp và những phát hiện mới, Văn nghệ Đồng Tháp, số 15 – 2009, tr.8.
2, 3. Lê Hồng Lý, Lễ hội bà chúa xứ ở Gò Tháp, Tạp chí VHNT, số 6, 2005, tr.49.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016
Tác giả : TRẦN VĂN THÀNH
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ