Sự vận động của bản chất xã hội trong nghệ thuật


Trong Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 376, tháng 10-2015, chúng tôi đã trình bày nghiên cứu về tính quy luật ra đời của nghệ thuật từ trong lịch sử các quan hệ thẩm mỹ. Nghệ thuật xuất hiện với tư cách là sự sáng tạo cá nhân của một tập thể. Cái cá nhân và cái cá tính là nguồn cội của loại trò chơi nghệ thuật. Cái cá nhân và cái cá tính ấy vận động trong lịch sử phát triển của nghệ thuật như thế nào để thành bản chất xã hội của nghệ thuật. Và bản chất xã hội ấy lại gắn với cái cá nhân trong toàn bộ sự biểu hiện các cương vị xã hội của nghệ thuật như thế nào. Đó là một diễn tiến vô cùng phức tạp.

     Trong khi khảo sát bản chất xã hội của nghệ thuật trong sự thống nhất của cách lý giải phân tích và cách lý giải tổng hợp đối với nguồn gốc và những chức năng của nó, chúng ta hãy đề cập tới cái tổng thể thống nhất về cội nguồn và hoạt động của nghệ thuật với tính cách một hiện tượng xã hội. Từ cách lý giải này, ta thấy rõ các cương vị xã hội của nghệ thuật có sự gắn bó hữu cơ giữa cái xã hội và cái cá nhân trong toàn bộ sự vận động phức tạp của nó.

     Cách lý giải này là phù hợp hoàn toàn với những phương pháp hiện đại của khoa học. Những phương pháp này tiêu biểu ở chỗ từ sự phân tích các yếu tố tạo thành của đối tượng nó chuyển sang việc đạt đến cấu trúc của các yếu tố này, hệ thống liên hệ của chúng với các yếu tố khác và các đối tượng khác. Nghệ thuật có bản chất, nghệ thuật là tài năng cá nhân đã mang lại sự hứng khởi, phấn chấn cho cộng đồng và cộng đồng đã tôn vinh các tài năng đó. Bản chất xã hội của nghệ thuật không phải nhất thành, bất biến. Nghệ thuật ra đời ở thời đồ đá cũ khi những quá trình lịch sử của nguồn gốc con người và nguồn gốc xã hội hình thành trọn vẹn đã đem đến một hình thức mới cho cái hình thức sinh vật học đó là con người thông tuệ. Khởi nguồn của cái thông tuệ cá nhân này là sự khéo léo. Khéo léo làm nhà, khéo léo nuôi trồng, khéo léo ca hát, khéo léo trang trí… đều được cộng đồng tôn vinh. Hiện tượng ấy chứng minh rằng cương vị xã hội của nghệ thuật hoàn toàn không phải được quy định chỉ như là mối quan hệ giữa cái xã hội đã có sẵn và cái nghệ thuật đã có sẵn. Nói cách khác, nghệ thuật bắt nguồn từ những yêu cầu của xã hội rất cổ từ khi con người có mỹ cảm. Nó gắn với lao động và sáng tạo của các cá nhân trong xã hội. Lịch sử phát triển của các nhà sáng tạo thẩm mỹ gắn với bản chất xã hội của nghệ thuật.

     Những căn rễ có tính chất nguồn gốc của nghệ thuật, như đã nhấn mạnh ở trên là ở trong những đặc điểm hình thành năng lực sáng tạo cuộc sống xã hội. Những căn rễ ấy gắn liền với sự ra đời của những quan hệ thẩm mỹ cũng như với sự hình thành trường thẩm mỹ của hoạt động con người. Điều này đã dẫn tới một tình trạng hài hòa phổ quát của môi trường sinh sống và của những quan hệ ở bên trong xã hội, là những quan hệ phục vụ việc thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của thị tộc. Nhưng vì là điều kiện cần thiết của sự ra đời của nghệ thuật, sự chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ vẫn không phải là đầy đủ để làm điều đó. Sự ra đời của nghệ thuật là bị quy định bởi sự cần thiết đã nảy sinh ở trong xã hội của nhận thức, của việc ghi lại, tích lũy, truyền đạt và thể hiện những giá trị xã hội mới hình thành. Nhu cầu này là hậu quả của tình trạng không có những đường kênh tự nhiên để truyền đạt kinh nghiệm xã hội. Do đó, nhân loại cần phải tạo nên được những đường kênh này trên bước đường hình thành và phát triển của mình để củng cố và truyền đạt lại cho các thế hệ sau kinh nghiệm, trình độ phát triển xã hội của mình đã đạt được; cấp lại cho loài người những ưu thế to lớn trong cuộc đấu tranh với tự nhiên và những mâu thuẫn của tình trạng xã hội đời sống. Say mê cải tạo tự nhiên, hoàn thiện xã hội của những con người đầy nhiệt huyết được xã hội tôn vinh là nghệ sĩ.

     Tình trạng không có những đường kênh liên hệ uyển chuyển giữa tổ tiên và con cháu bắt đầu có một tính chất đặc biệt gay gắt khi thế giới tinh thần đã phát triển và kết tinh ở trong sinh hoạt của tập thể. Từ sinh hoạt tập thể nảy sinh những tài năng ca múa, sáng tạo các trò chơi. Thế giới ấy của cá nhân bắt đầu vượt trước những khả năng, ngay cả của những phương tiện truyền đạt kinh nghiệm xã hội cho con cháu so với những phương tiện mà xã hội đã có sẵn. Do tình trạng chưa phát triển của ngôn ngữ, tình trạng thiếu những phương thức gián tiếp để giữ gìn những giá trị văn hóa… cho nên những yêu cầu tinh thần là căn rễ để tạo nên sự say mê sáng tạo. Các nghệ sĩ sáng tạo ra các sản phẩm thẩm mỹ đều được truyền đạt tất cả kinh nghiệm xã hội trong sự giao tiếp và thậm chí được các thế hệ mới chiếm hữu một cách trực tiếp. Người ta gọi đó là sự kế thừa nghệ thuật trong bản chất xã hội của nó. Một thời gian dài trong khi tái hiện trực tiếp những cá nhân theo tiêu chuẩn của thị tộc bằng cách mã hóa hoàn toàn ở từng cá nhân tất cả những gì mà tập thể sử dụng làm thông báo xã hội, xã hội đã thực hiện điều đó một cách tự phát trong quá trình giải quyết cái nhiệm vụ quan trọng nhất này kéo dài hàng nghìn năm. Người ta gọi đó là sự di truyền nghệ thuật thông qua việc kế thừa những tài năng sáng tạo. Đó là bản chất xã hội của tiến trình nghệ thuật.

     Tương tác giữa tài năng sáng tác của cá nhân với môi trường thẩm mỹ của cộng đồng tạo nên sự vận động liên tục không ngừng và có kế thừa của bản chất xã hội trong nghệ thuật. Trong chừng mực va bản thân cá nhân hình thành thì ý thức thẩm mỹ tự giác của con người cũng hình thành và tự ý thức thẩm mỹ của xã hội nói chung. Hoạt động sinh sống của cá nhân là tiêu biểu bởi tính phổ quát. Nếu như ở trong xã hội chẳng hạn một bộ phận của tập thể có thể lo về mặt hoạt động thực tiễn và một bộ phận khác lo về hoạt động nhận thức thì cá nhân trong một trình độ này hay một trình độ khác lại làm tất cả những hình thức hoạt động này, cả hoạt động thực tiễn cũng như hoạt động nhận thức cả hoạt động đánh giá, tìm phương hướng cũng như hoạt động giao tiếp. Do đó, để duy trì, truyền đạt và phát triển kinh nghiệm xã hội có giá trị đầy đủ cần phải có những phương tiện phổ quát như là bản thân sinh hoạt của xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng đối với mỹ cảm. Môi trường thẩm mỹ của xã hội cần tạo ra các xung lực thẩm mỹ cho sự sáng tạo của cá nhân.

     Ngoài ra, cá nhân với tính cách kẻ giữ gìn trực tiếp kinh nghiệm của những thành tựu xã hội, còn có những đặc điểm gây nên bởi cái trình độ phát triển thấp kém của sức sản xuất và bởi việc ghi lại không đầy đủ cái yếu tố xã hội trong đời sống con người. Do đó, nảy sinh mâu thuẫn giữa lòng khao khát muốn thỏa mãn những nhu cầu sinh vật học khác nhau, tính chất có mục đích xã hội và khả năng thỏa mãn những yêu cầu ấy. Tuy nhiệt huyết sáng tạo của cá nhân không phản ánh trực tiếp đời sống kinh tế nhưng trình độ văn hóa xã hội có cảnh hưởng đến sáng tạo cá nhân.

     Cuối cùng, việc gìn giữ kinh nghiệm xã hội ở cấp độ cá nhân là bị hạn chế hữu hạn về mặt sinh vật học bởi sự tồn tại của từng con người. Những tài năng nghệ thuật xuất chúng thông thường vượt qua bản năng sinh vật để đạt tới những giá trị cao quý.

     Tất cả những điều đó đã tạo nên sự tất yếu khách quan phải có một phương tiện truyền đạt siêu cá nhân kinh nghiệm xã hội, trong đó, sinh hoạt xã hội sẽ giữ được cả cái có giá trị một cách cá nhân và đồng thời còn được phản ánh dưới hình thức lý tưởng, nhưng trong thực tế là vĩnh viễn. Đồng thời, sự phản ánh này còn phải có những phẩm chất của bản thân thực hiện, tức là phải tạo cho con người một ấn tượng giống như ấn tượng mà những biến cố, những quan hệ, những hành động thực tế đã gây nên ở họ.

     Địa vị và vai trò của nghệ thuật trong hệ thống hoàn chỉnh của sinh hoạt xã hội với tính cách yếu tố quan trọng nhất tiêu biểu cho cái cương vị xã hội của nghệ thuật là bị quy định bởi mối liên hệ qua lại và bởi tính khuynh hướng của những chức năng xã hội của nó. Như người ta thấy rõ trong số những chức năng này có thể phân xuất: tính xu hướng trực tiếp của nghệ thuật đối với việc xã hội hóa lịch sử cụ thể của các cá nhân và đối với việc đào tạo cho một hình thức nhất định của hoạt động xã hội (chức năng xã hội, giáo dục), việc có được những kiến thức mới và chuyên môn (chức năng nhận thức) và việc phổ biến những kiến thức nói chung (chức năng soi sáng): việc đào tạo và phát triển những khả năng của cá nhân (chức năng phát hiện) vào việc phát triển ở cá nhân những phẩm chất của con người (chức năng gây khoái cảm). Thuộc vào loại này còn có tính khuynh hướng của nó nảy sinh trực tiếp từ những cội nguồn của nghệ thuật tới việc làm cho con người hài hòa với cái môi trường sinh sống và làm cho những quan hệ trong nội bộ xã hội của bản thân những con người được hài hòa (chức năng thẩm mỹ và bù đắp).

     Tất cả những chức năng này đều quy định cương vị xã hội của nghệ thuật, bởi vì nó nêu đặc trưng vai trò của nghệ thuật trong cái hệ thống những quan hệ xã hội. Nhưng nghệ thuật còn có một chức năng nảy sinh trực tiếp từ bản chất của nhu cầu nghệ thuật và vì vậy cần phải chú ý đặc biệt tới nó, nhất là vì cho đến nay người ta chưa nói riêng đến nó. Chức năng này (chức năng giao tiếp xã hội) xuất hiện với tính cách sự hợp nhất của tất cả các chứa năng khác và đảm bảo cho việc nghệ thuật có thể thực hiện trên cơ sở những nguyên nhân xã hội, một mặt là tính thừa kế, về mặt khác là sự phát triển tiến lên của đời sống xã hội, của quá trình xã hội.

     Địa vị của nghệ thuật trong đời sống xã hội với tư cách đặc điểm tiêu biểu của cái cương vị xã hội của nó còn bị quy định bởi tác động qua lại của nó đối với các thể chế xã hội khác, ở các hình thái khác của ý thức xã hội. Trong khi cộng tác với những hình thái này, nghệ thuật còn đóng vai một phương tiện bổ sung đối với khoa học, nhằm đảm bảo việc nhận thức những khía cạnh độc nhất của hiện thực (trước hết, như người ta nói, của lĩnh vực đời sống tinh thần) là những khía cạnh mà các hình thái nhận thức khác không thể đạt đến được. Đồng thời, nghệ thuật còn là một phương tiện để tăng cường tác dụng của các hình thức nhận thức xã hội khác, bởi vì nó đảm bảo cho những ý niệm được các hình thức này tạo nên có được một tác dụng có hiệu lực hơn tới các cá nhân, và xét cho cùng, tăng lên những tài sản tinh thần của xã hội, làm cho những phương tiện giáo dục xã hội thành tích cực.

     Như vậy, việc giải thích cương vị xã hội cho phép ta kết hợp hai tham số nhận thức – giá trị luận, xã hội và tham số văn hóa lịch sử lại làm một. Trong thực tế, nó chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật bằng cách phản ánh hiện thực một cách đáng tin cậy (trình độ sâu xa và trình độ phổ quát của nhận thức) và bằng cách nêu bật mối quan hệ đối với hiện thực (sự đánh giá). Như vậy, tính chất thích hợp và sự đầy đủ của việc phản ánh những khía cạnh đặc biệt phức tạp và đa dạng của thế giới tinh thần con người nhờ việc tạo nên những hệ thống văn cảnh phụ khác nhau, những cách nói bóng gió khác nhau…

     Ở đây, cũng hình thành những cơ chế để thâm nhập vào cái thế giới kín đáo, thâm trầm của con người, những cơ chế cho phép ta tác động tới con người không phải bằng cách cưỡng bức bên ngoài, mà bằng cách thúc đẩy bên trong. Do đó, sự xã hội hóa toàn diện của cá nhân được hình thành: thế giới quan, cảm nghĩ về thế giới, cảm giác đối với thế giới và quan hệ đối với thế giới của cá nhân thay đổi, những cái này được hiểu như là những lĩnh vực đánh giá – tìm xu hướng, thúc đẩy hành động của cá nhân. Khả năng của nghệ thuật có thể thâm nhập vào thế giới thâm trầm của cá nhân, cho phép ta trung hòa, vượt bỏ những đặc điểm tiêu cực, phi xã hội (chủ nghĩa ích kỷ, sự đánh giá quá cao những cảm xúc tiêu cực).

     Nghệ thuật là cái gìn giữ độc đáo kinh nghiệm xã hội, nhờ đó, người ta khắc phục được tính hạn chế động vật học của sự tồn tại của cá nhân bởi vì thông tin này được xã hội hóa trong tác phẩm nghệ thuật làm thế nào mà nó khả năng sống dậy ở trong một số lượng người vô hạn, am hiểu nghệ thuật.

     Tính chất cá nhân của sự giao tiếp nghệ thuật còn dẫn đến chỗ nhu cầu nghệ thuật về bản chất của nó là một nhu cầu xã hội, còn xuất hiện đồng thời với tính cách một nhu cầu cá nhân sâu sắc của con người. Như vậy cái cương vị xã hội của nghệ thuật lại có được một âm hưởng cá nhân, độc đáo, và bản thân nghệ thuật lại trở thành một thuộc tính cần thiết và không thể thay thế của một cuộc sống thực sự con người, nó thâm nhập vào thế giới thâm trầm của con người.

     Song cái cương vị cá nhân độc đáo của sự tồn tại của nghệ thuật vẫn không làm thay đổi cái bản chất xã hội của nó , nghệ thuật vẫn là có tính chất xã hội về bản chất của nó “nó gắn liền với những khía cạnh khác nhau của hoạt động con người và ở trong chừng mực nhất định thâm nhập vào khía cạnh ấy. Nghệ thuật cộng tác với triết học và đạo đức thông qua việc xây dựng những hệ thống đánh giá các giá trị, nó cộng tác với tôn giáo thông qua lĩnh vực bù đắp, nó cộng tác với pháp luật và luân lý thông qua lĩnh vực điều chỉnh xã hội.

     Như chúng ta thấy, khi hoạt động ở trong xã hội, nghệ thuật là gắn liền chặt chẽ với các hình thái khác của ý thức xã hội. Song, điều đó không có ý nghĩa là nghệ thuật không có cái cương vị xã hội loại biệt của mình.

     Tình trạng nghệ thuật thâm nhập phức tạp vào các phương diện khác nhau của đời sống xã hội không được phép che đậy, không cho ta thấy cái chính, cụ thể là nhu cầu nghệ thuật có tính chất xã hội, chỉ được thỏa mãn khi thực hiện kết hợp cùng một lúc ba hành vi gắn liền với nhau một cách hữu cơ và phù hợp chặt chẽ với nhau: việc nhận được một thông tin nghệ thuật có giá trị xã hội, việc truyền đạt thông tin đã nhận được cho những người khác, việc người tiêu thụ chiếm hữu nó và biến đổi nó thành tính tích cực xã hội, thành hoạt động của con người. Nghệ thuật không tồn tại nếu không có công chúng. Tính xã hội và cá nhân thống nhất ở quan hệ này.

     Ở đây còn nảy sinh vấn đề vô cùng quan trọng để giải thích cương vị xã hội của nghệ thuật: thông tin mà nghệ thuật truyền đạt là cái gì, có gì tiêu biểu ở thông tin này? Nói khác đi, nghệ thuật có phản ánh một cái gì đặc thù không? Cho đến nay, giữa những người chuyên môn vẫn chưa có sự thống nhất khi khảo sát những vấn đề này. Có người cho rằng, nói chung tìm một lĩnh vực đặc thù của cuộc sống được phản ánh trong nghệ thuật là không có nghĩa gì hết. Thường thường người ta phân tích bình diện thuần túy nhận thức luận, bằng cách đưa ra với tính cách khách thể (đối tượng) đặc biệt của nghệ thuật. Cách lý giải xã hội học đối với vấn đề này đòi hỏi phải trả lời những câu hỏi nghệ thuật phục vụ ở trong đời sống xã hội những mục đích gì? Như vậy xuất hiện đặc trưng của nghệ thuật với tính cách một phương tiện hoán đổi thế giới bên trong của con người, với tính cách một sự thể hiện bản thân mình kinh nghiệm của những quan hệ con người với hiện thực, với sự tái hiện bản chất của con người. Trong khi thừa nhận tính chất bổ ích về mặt phương pháp luận của việc đưa ra những định nghĩa khác nhau, chúng tôi đồng thời vẫn cho rằng nội dung cụ thể của chúng vẫn chưa bộc lộ đầy đủ chính xác những đặc điểm của hiện tượng mà chúng ta quan tâm.

     Bản chất sinh sống của nghệ thuật mang tính nhân loại sâu sắc. Trong mọi sự vận động của nghệ thuật ở tất cả các cương vị khác nhau đều có sự thống nhất giữa cái xã hội và cái cá nhân mang bản chất sinh sống. Như vậy, với cương vị xã hội của nghệ thuật không phải là một cái gì tuyệt đối là xã hội và đưa ra một lần là vĩnh viễn xong xuôi mà là tác dụng qua lại của những hệ thống con có tính chất cấu trúc chức năng của hoạt động nghệ thuật, tác dụng qua lại này được quy định một cách lịch sử bởi nhu cầu nghệ thuật có tính chất xã hội luôn thay đổi. Ở đây, hoạt động có tham vọng đóng vai nghệ thuật thực hiện mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân.

 

Tác giả: Nguyễn Duy Cường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *