Rú Chá thuộc thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) có diện tích 6 ha. Đây là khu rừng ngập mặn duy nhất còn lại trên phá Tam Giang rộng lớn, là nơi hội tụ nhiều loại động thực vật quý hiếm.
Từ trung tâm thành phố Huế theo QL49 đi về hướng biển Thuận An (TP Huế) tầm 9 km sẽ có bảng chỉ dẫn: đi thẳng là về biển Thuận An, rẽ trái là qua cầu Tam Giang. Các bạn chọn rẽ trái theo hướng đi cầu Tam Giang, đi tầm 4 km sẽ đến Rú Chá. Cách đây vài năm, muốn vào Rú Chá, du khách phải để xe ở ngoài bìa, rồi cuốc bộ, có khi phải lội nước, đi đò, đường đất thì lầy lội chân tay lấm bùn không khác một nông dân thứ thiệt. Song, mấy năm trở lại đây, đường vào Rú Chá đã được đổ bê tông, rất thuận tiện.
Ít nhất, chúng tôi đã một lần lỡ hẹn với Rú Chá trong mùa mưa này. Đó là một ngày cuối tháng 11/2020 đường vào Rú Chá ngập sâu nên phải quay về. Giờ đây, đoạn đê ngăn mặn phá Tam Giang kết hợp với giao thông, nối từ đường dẫn lên cầu Ca Cút đến xóm Rú đã hoàn thành, rất thuận lợi trên hành trình vào Rú Chá.
Nhìn từ xa, Rú Chá như một cù lao xanh, nổi lên giữa phá Tam Giang dào dạt sóng. Càng đến gần, Rú Chá càng hữu tình, với màu xanh bất tận trong tầm mắt, la đà bên những dòng kênh nước trong xanh. Mặc dầu đã biết nhiều về Rú Chá, song những câu chuyện mà ông Nguyễn Ngọc Đáp, người gần cả cuộc đời gắn bó với Rú Chá kể lại vẫn cứ hấp dẫn chúng tôi.
Trên Rú thờ “trước miếu sau đình” – ngôi miếu còn khá nguyên vẹn, thờ bài vị Đức Thánh Mẫu. Tương truyền, hơn 100 năm trước, có một trận lụt lớn, bài vị của Đức Thánh Mẫu ở điện Hòn Chén trôi về đây. Dân làng đón nhận, lập miếu thờ. Từ đó đến nay, cứ ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, dân làng lại tổ chức đám giỗ Đức Thánh Mẫu tại miếu. Sau miếu là khu đình đã thành phế tích. Dưới đình có hầm bí mật, một thời nuôi giấu cán bộ cách mạng. Gần bên đình là khu lăng mộ của gia đình ông Nguyễn Văn Cứ, cũng là nhà cách mạng. Ngày mẹ ông chết, ông đào hầm bí mật sống bên mẹ 10 năm. Nghe nói, tài liệu hoạt động vẫn còn cất dấu ở dưới…
Biết Rú Chá là nơi trú ẩn của cách mạng nhưng giặc Pháp không thể làm gì được. Các làng xung quanh đều bị chúng đốt sạch, “cháy không còn một que củi” vậy mà Rú Chá vẫn trường tồn. Giai đoạn khoảng năm 1976, do không nhìn nhận được giá trị của Rú Chá, chính quyền thôn Thuận Hòa đã chia cho các hộ dân chặt cây Chá về làm củi, Rú Chá lâm vào cảnh bị tàn phá nặng nề. Nhưng vài năm sau, gốc Chá lại đâm chồi nảy lộc. Ông Đáp cho hay: “Ngày ông mới ra dựng lều trên Rú Chá, cây Chá chỉ ngang đầu…”.
Giờ đây, cây Chá đã cao ngất, ngửa mặt mới thấy hết phần ngọn. Thân cây to, có cây ôm cả vòng tay không hết. Cũng từ khi được bảo vệ, Rú Chá còn có thêm nhiều loài cây có giá trị khác như: tra, lim, quao, bộp bộp… đến “định cư”. Điều kỳ diệu là sống cùng với cây Chá có cây mốp. Nếu ai bị dị ứng với mủ cây Chá (phù mặt những khi bị vướng phải) thì lấy lá mốp xoa lên sẽ hết ngay. Cây mốp còn là loài rau, đọt non luộc chấm nước mắm gừng ăn rất ngon, một trong những đặc sản của Rú Chá. Ngoài ra, còn có rau đắng, rau chân vịt, rau địa hoàng… nấu canh cá rất hợp. Cùng với thực vật, động vật nơi đây cũng rất phong phú. Cứ mỗi buổi chiều, cò về đậu trắng Rú. Các loài chim khác như: vạc, chuốt, triết, vịt trời… đến trú ẩn ngày một nhiều. Điều kỳ diệu nữa là cây Chá không thích nghi với loài rắn độc. Du khách có thể đi lại thoải mái mà không sợ rắn cắn. Rú Chá có nhiều đường kênh thông với phá Tam Giang nên cá tôm đặc sản cũng rất nhiều…
Nhiều tổ chức hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy giá trị của Rú Chá. Với phương châm dựa vào chính cộng đồng, dự án SI DA đã hỗ trợ xây dựng vườn ươm, thành lập nhóm tuần tra, tuyên truyền bảo vệ Rú Chá. Đặc biệt, trong năm qua, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế và Đại học Huế đã tiến hành nghiên cứu về khả năng tái tạo Rú Chá, với những kết quả bước đầu về đa dạng sinh học, đồng thời, hoạch định công tác quản lý và quy hoạch Rú Chá trong tương lai. Theo đó, Rú Chá sẽ được mở rộng ra hơn 19 ha, nối Rú Trên, Rú Giữa, Rú Dưới và vùng biên bằng những hành lang xanh….
Ông Nguyễn Văn Chức, Bí thư Đảng ủy xã Hương Phong cho biết, giá trị của Rú Chá là rất lớn. Chính quyền địa phương và người dân đã nhận thức được điều này, cùng chung tay bảo vệ; đồng thời, sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các cá nhân, tổ chức tâm huyết với Rú Chá đến nghiên cứu, bảo tồn và phát triển. Địa phương cũng có chủ trương xây dựng thêm một số tuyến đê ngăn mặn bọc ngoài khu vực Rú Chá để phát triển du lịch.
Đến Rú Chá, du khách có thể dạo quanh con đường bê tông nhỏ với vài nhánh rẽ ngắn, hoặc men theo những con đường đất chiêm ngưỡng những bộ rễ Chá ma mị, những cành Chá hai bên uốn cong đan xen vào nhau như thánh đường khiến rất nhiều cặp đôi tìm đến đây để lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ trong đời. Nhìn cây soi bóng xuống mặt nước yên ả, thanh bình, chắc chắn bạn sẽ muốn ở lại Rú Chá cả ngày.
Chia tay Rú Chá, chúng tôi hẹn trở lại trong một ngày đẹp trời và sẽ nán lại chiều hoàng hôn để ngắm nhìn đàn cò trắng về trú ẩn, để nghe tiếng chim chiều náo nhiệt trên khu rừng ngập mặn hiếm hoi còn lại của phá Tam Giang nổi tiếng này.
Tác giả: Xuân Trường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ