Âm thanh là một phần không thể thiếu trong phim điện ảnh. Đồng bộ với hình ảnh, âm thanh đóng vai trò quan trọng trong nhận thức, sự cảm nhận và hưởng thụ của khán giả về bộ phim và các nhân vật phim. Ngoài lời thoại, tiếng động nhạc nền… âm nhạc phim mang lại cho người xem sự đồng cảm và thấu cảm với các nhân vật phim, tạo nên nhiều trạng thái tình cảm tâm lý khác nhau, gợi lên cảm xúc ngọt ngào hay cay đắng, vui vẻ hay buồn bã, tức giận hay thờ ơ… Âm nhạc là một trong những phương tiện hiệu quả nhất mở ra thế giới nội tâm của các nhân vật phim, khơi gợi cảm xúc bên trong của người xem, thuyết phục người xem tin tưởng và đồng hành cùng bộ phim.
Tác giả Katrryn Kalinak đã nhận xét rằng: “Âm nhạc… tạo cảm giác chiều sâu cho người xem và qua sự truyền đạt hay sự nhanh chậm của âm nhạc, chiều sâu ấy được truyền tới bề mạt phẳng của hình ảnh”. Tác giả cũng cho rằng “âm nhạc như một thủ pháp tạo cảm giác cho người xem về sự liên tục của không gian và thời gian… mời người xem tin vào thế giới hư cấu trên màn ảnh và đồng hành cùng nó”(1).
Disney được coi là hãng hàng đầu trong việc sử dụng âm nhạc và bài hát tạo nên sức quyến rũ và lôi cuốn khán giả đến với các bộ phim truyện hoạt hình của hãng. Các bài hát đó còn được các ca sĩ biểu diễn riêng trong các chương trình ca nhạc và trở nên phổ biến. Một loạt các bài hát trong phim đã từng nhận các giải Grammy cho bài hát hay nhất viết cho điện ảnh và truyền hình (2) như: Dưới đáy biển – Under the sea (Phim Nàng tiên cá – The Little Mermaid, 1991), Người đẹp và quái thú – Beauty and the Beast (1992) trong phim cùng tên, Em có thấy tình yêu đêm nay – Can you feel the love to night (phim Vua sư tử – Lion King, 1994), Cả một thế giới mới – A whole new World (phim Aladin, 1994), Màu của gió – Color of the Wind (Phim Pocahontas, 1995)… Âm nhạc và bài hát đóng vai trò hàng đầu trong các bộ phim truyện hoạt hình Disney và là yếu tố khiến khán giả yêu thích các bộ phim này, thậm chí xem đi xem lại nhiều lần. Dưới đây là ba mục tiêu cơ bản trong cách sử dụng âm nhạc và bài hát trong các bộ phim truyện hoạt hình của Disney.
Sử dụng âm nhạc dẫn dắt câu chuyện
Có thể nói Disney là một thiên tài trong sử dụng nhạc phim cho các bộ phim truyện hoạt hình và đó là một trong những bí quyết để ông tạo ra dấu ấn cho bộ phim mà ông sản xuất. Ông là người đầu tiên sử dụng âm nhạc thay cho lời thoại phim hoạt hình, dùng bài hát kể lại câu chuyện phim, sử dụng âm nhạc liên kết khán giả xung quanh bộ phim (3). Nhiều bộ phim của Disney sử dụng bài hát thay lời thoại, thể hiện ý nguyện, mong muốn, động cơ của nhân vật hay là cách nhân vật giới thiệu về bản thân hoặc để các nhân vật phản diện biểu lộ kế hoạch của mình. Dùng âm nhạc gốc tuyệt vời thay lời các nhân vật là cách điển hình mà phiên bản điện ảnh Disney thể hiện sự riêng tư. Cách dùng âm nhạc kiểu này khiến khán giả nhận dạng rất nhanh các nhân vật, kéo khán giả lại gần nhân vật hơn, tạo sự đồng tình của khán giả với nhân vật và làm khán giả nhớ về nhân vật rất lâu. Các chú lùn trong phim Bạch tuyết được khán giả trẻ em rất yêu thích không chỉ bởi hình dáng, tính cách mà còn bởi bài hát Heigh ho họ hát khi đào đá quý và trên đường về nhà. Hoặc khi nhớ về bài hát Dưới đáy biển, ta không thể quên nhân vật nhạc trưởng Sebastien và sự hài hước cũng như tính cách hai mặt của ông ta . Bài hát Một phần thế giới trên kia trong phim Nàng tiên cá cho ta biết ước muốn trở thành người của Ariel. Bài hát Belle đầu phim Người đẹp và quái thú mở ra thế giới nội tâm và tính cách của Belle, những khung cảnh ngôi làng nơi cô sống, những người xung quanh cô, ước mơ muốn đi xa của cô, để ta biết về nhân vật Gaston hống hách và kiêu ngạo, nhìn mọi người bằng nửa con mắt. Cách dùng âm nhạc như thủ pháp tu từ học trần thuật này thể hiện tâm tư nguyện vọng của nhân vật, tạo mối liên kết vô hình nhưng chắc chắn giữa khán giả và nhân vật tạo nên sự đồng cảm với nhân vật: người xem dường như hiểu rõ hơn mong muốn của các nhân vật chính, khám phá ra những bí mật trong thế giới nội tâm của mỗi nhân vật và mong muốn họ đạt được ước nguyện, đồng hành cùng với các nhân vật. Cách sử dụng âm nhạc như vậy dễ thuyết phục và lôi cuốn người xem. Disney sử dụng cách này trong hầu hết các bộ phim của ông: bài hát Màu của gió trong phim Pocahontas đã nói lên tình yêu thiên nhiên và quê hương của Pocahontas; Hình bóng trong gương – Reflection trong phim Mulan thể hiện nỗi băn khoăn của người con gái thời đại phong kiến và mong muốn là chính mình của cô; Trong phim Vua sư tử bài hát Tôi chỉ muốn trở thành vua ngay – I just cant’s wait be a King của Simba thể hiện mong muốn ngây thơ ngay lập tức thành vua của cậu, còn bài hát mà nhân vật phản diện là sư tử em Scar thể hiện: Hãy sẵn sàng – Be Prepared chứa đựng tham vọng giết anh trai chiếm đoạt ngôi vua của hắn…
Sử dụng âm nhạc tạo nên những quãng đệm trước cao trào
Disney có biệt tài trong việc sử dụng âm nhạc cung cấp sự liên tục phim tạo nên nhịp điệu phim, sự kết nối mềm mại và linh hoạt giữa các trường đoạn phim, chuyển cảnh phim, làm đầy những khoảng trống. Trong phim Nàng tiên cá, các bài hát được đan xen sau nhiều tình huống căng thẳng, giống như tác giả phim muốn tạo những quãng đệm sau các xung đột và từ đó chuẩn bị cho một xung đột cao hơn. Ngay sau màn cứu hoàng tử Eric trong trận bão khá căng thẳng, thấy Ariel mong ước được trở thành người, nhạc trưởng Sebastien đưa cô về thủy cung và cố gắng tìm cách thuyết phục cô hãy yên tâm với cuộc sống huy hoàng của biển sâu. Bài hát Dưới đáy biển cùng màn trình diễn ấn tượng của các vũ công nhạc công thủy ngư được đưa vào rất đúng lúc và tạo một không khí vui nhộn giải tỏa căng thẳng vừa qua (trận bão và vụ cứu sống hoàng tử), tạo quãng đệm cho màn đấu khẩu cha con ngay tiếp theo với kết quả là vua cha phá tung kho đồ bí mật của con gái, đẩy cô đến bờ vực thẳm, đến với mụ phù thủy Ursula. Cách sử dụng âm nhạc giải tỏa căng thẳng và tạo tiền đề cho căng thẳng tiếp theo này rất hiệu quả. Nó làm khán giả chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác theo một nhịp điệu lên xuống liên tục, liên kết các trường đoạn phim, lôi cuốn và thu hút người xem. Bài hát Dưới đáy biển màu sắc rực rỡ và âm nhạc sôi động, vui vẻ, náo nhiệt giống với các vũ hội đường phố Mỹ La tinh, tuy không thuyết phục được Ariel từ bỏ giấc mơ, nhưng lại làm người xem muốn ở lại nơi này.
Tương tự, bài hát Chuyện cổ tích xưa như thời gian – Tale as old as time do bà Potts hát dường như kể cho câu con trai nghe trong căn phòng khách rộng lớn ở lâu đài quái thú, khi Belle và quái thú khiêu vũ cùng nhau tạo cho khán giả một quãng nghỉ thật lãng mạn, ngọt ngào, lung linh sắc màu, tràn đầy cảm xúc, để ngay sau đó là trường đoạn Belle bị Gaston tới nhà đe dọa, nhốt cô vào nhà và kéo dân làng đi giết quái thú. Cảm xúc người xem liên tục thay đổi tạo nên sự gay cấn của tình huống lại càng thêm gay cấn. Những cung bậc tình cảm của khán giả thay đổi theo cách dẫn dắt câu chuyện bằng mọi thủ pháp mà trong đó âm nhạc là một khía cạnh đã tạo nên sự quyến rũ của hoạt hình Disney.
Sử dụng âm nhạc tạo không gian phù hợp tâm trạng và cảm xúc nhân vật
Một đặc điểm nổi bật thứ ba trong cách sử dụng âm nhạc của Disney là dùng âm nhạc nhấn mạnh cảm xúc thiết lập nên tâm trạng các nhân vật và tạo nên không gian phù hợp với cảm xúc, tâm trạng nhân vật. Thí dụ bài hát Hãy hôn cô gái – Kiss the girl trong bộ phim Nàng tiên cá, là trường đoạn có tính kết nối các sự kiện, tạo quãng đệm nhưng cũng là trường đoạn khá quan trọng đối với cốt truyện, tạo nút thắt cần gỡ: đã qua hai ngày nhưng Belle vẫn chưa làm hoàng tử Eric hôn mình vì thế cô có thể trở thành nô lệ của mụ Ursula. Cuộc đi thuyền trên hồ buổi tối là nút thắt giải quyết sự thắng hay bại của cô. Khung cảnh phim thực sự gợi tình: mặt hồ, liễu rủ, trăng mờ, sự bẽn lẽn của cô gái và sự ngập ngừng của chàng trai “tình trong đã tỏ mặt ngoài còn e”. Disney đã tạo ra một khung cảnh huyền ảo, nên thơ và đưa bài hát cùng nhạc trưởng nhân vật chú cua Sebastien vào cuộc. Bài hát mô tả nỗi lòng của hai người yêu nhau mà chưa dám ngỏ lời: tâm trạng cô gái ngây thơ trong trắng vừa lo sợ, vừa mong đợi nụ hôn đầu, tâm trạng của chàng trai rất ngại ngần muốn hôn nhưng lại sợ không hiểu nàng sẽ phản ứng thế nào? Nhân vật nhạc trưởng Sebastien trở thành kẻ điều khiển, xúi giục, tạo không khí, đẩy hai người yêu nhau lại gần nhau hơn, với mục tiêu là giúp Ariel chiến thắng mụ phù thủy Ursula. Nếu không có lời dẫn dụ của Sebastien thể hiện qua bài hát Hãy hôn cô gái, trường đoạn phim này hiển nhiên mất hẳn sự thuyết phục cũng như sức hấp dẫn đối với người xem, bởi thực ra Sebastien không chỉ làm kẻ xúi giục hai nhân vật trong phim, lời ông hát cũng thể hiện mong muốn của người xem: đẩy cho Ariel và hoàng tử hôn nhau, giải tỏa mối lo lắng cận kề. Hãy hôn cô gái tạo không gian lãng mạn, huyền bí, êm đềm cho đôi tình nhân đang yêu mà không dám nói. Cùng với bài hát Dưới đáy biển, bài hát này là một trong yếu tố tạo nên thành công của phim.
Trường đoạn phim với bài hát Chuyện cổ tích xưa như thời gian – Tale as old as time trong bộ phim Người đẹp và quái thú cũng là trường đoạn âm nhạc được sử dụng để tạo nên không gian phù hợp tâm trạng nhân vật. “Từ góc nhìn của quái thú đó là thời khắc anh nhận ra anh muốn nói với Belle về tình yêu của mình với cô và quyết định sẽ ngỏ lời. Trong khi đó Belle bắt đầu nhận ra mình đang yêu kẻ giam giữ cô”(4).
Bài hát tạo ra một không khí lãng mạn và êm đềm, lung linh, huyền ảo cho hai nhân vật Belle và quái thú. Nó khớp với biểu cảm vừa bẽn lẽn vừa chủ động của Belle và sự hồi hộp, ngượng ngùng, ngạc nhiên, do dự của quái thú. Sự tinh tế trong âm nhạc, sự giản dị và dễ hiểu của lời bài hát tạo nên một không gian sống động, giàu cảm xúc, lột tả nội tâm của cả hai: một bên thực sự bị lưới tình vây bủa (quái thú), một bên hình như nhận ra mình bắt đầu yêu (Belle). Hành động sau đó của quái thú đồng ý để Belle về gặp cha chính là minh chứng rõ ràng cho tình yêu anh dành cho nữ chính: mặc dù biết mình có thể vĩnh viễn không lấy lại diện mạo ngày xưa nếu Belle không quay lại, anh vẫn chấp nhận để cô ra đi. Giải thích về vai trò bài hát trong phim, đạo diễn Kirk Wise mô tả khung cảnh này là “đỉnh điểm của mối quan hệ giữa hai nhân vật trong khi nhà sản xuất Don Hahn khẳng định đó là “thời điểm gắn kết bộ phim để hai nhân vật cuối cùng sẽ sống bên nhau” (5).
Những phân tích trên cho thấy âm nhạc là một thành phần quan trọng trong phim truyện hoạt hình Disney, được sử dụng như thủ pháp để mô tả nội tâm các nhân vật trong phim, để tạo các quãng đệm trước các cao trào, để tạo không gian và môi trường lột tả nội tâm nhân vật, làm người xem nhận dạng các nhân vật rõ ràng, nhanh chóng hiểu rõ mạch phim và hành động nhân vật, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhân vật và khán giả, khơi gợi cảm xúc, tạo sự đồng cảm của người xem với nhân vật, đồng hành cùng nhân vật.
____________
1. Kathryn Kalinak, Settling the Score: Music and the Classical Hollywood Film (Ghi âm : âm nhạc và các phim kinh điển Hollywood), Madison,Wisconsin: University of Wisconsin Press, 1992, 44.
2. The Disney Wiki, Grammy Adward Winning Songs disney.fandom.com/wiki/Category:Grammy Award winning songs?from=A.
3. TraceyMollet, With a smile and a song …: Waltz Disney and the birth of American Faire Tale (Với nụ cười và bài ca…: Waltz Disney và sự ra đời các câu chuyện cổ tích Mỹ) Marvels and Tale, Volume 27, number 1, 2013, tr.121.
4, 5. Beauty and the Beast (Disney song) en.wikipedia.org/wiki/Beauty and the Beast (Disney – song), truy cập ngày 24-3-2019.
Tác giả: Phạm Hoàng Mai
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn