Sưu tầm cổ vật tư nhân ở Việt Nam – Hai thập niên nhìn lại


Sự ra đời của Luật Di sản văn hóa năm
2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã đem
đến một hơi thở, sức sống mới, làm đổi
thay nhiều khía cạnh trong lĩnh vực di sản
văn hóa nước ta. Trong đó phải nói tới đội
ngũ những người yêu thích cổ ngoạn, họ
được công nhận quyền sở hữu tư nhân,
điều vốn chưa bao giờ được thừa nhận
trong các văn bản pháp quy của Nhà nước,
kể từ thời phong kiến cho đến năm 2001.
Điều luật ấy được giới sưu tầm đón nhận
hồ hởi, phấn khích, sau một thời gian dài
ngột ngạt bởi định kiến xã hội: tàng trữ cổ
vật là phi pháp. Sau 20 năm Luật Di sản
văn hóa đi vào đời sống cộng đồng, tư duy,
nhận thức của xã hội đã có những thay đổi,
tuy nhiên cần nhìn nhận thực tế một số
vấn đề, để sự sửa đổi, bổ sung một lần nữa
đối với bộ luật này được hoàn thiện hơn

1. Những chuyển biến đáng khích lệ

Năm 2000, một năm trước khi Luật Di sản văn hóa ra đời, sự đợi chờ dường như bị dồn nén, để rồi như một chiếc lò xo được bật tung, với sự ra đời của Hội Sưu tầm – Nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long – Hà Nội. Sau Hà Nội là Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình và TP. Hồ Chí Minh, ra đời những tổ chức Hội có tôn chỉ, mục đích tương tự, phản ánh một nhu cầu xã hội, đã từ lâu đợi chờ, nay có cơ hội để đua nở, khoe sắc. Giờ đây, mô hình Hội không tăng thêm, nhưng những chi hội, câu lạc bộ được tổ chức theo địa bàn, sở thích, đối tượng sưu tầm… mọc lên rất nhiều, dưới sự điều dẫn và tổ chức của các Hội, thực sự đã trở thành một cánh tay nối dài của ngành Di sản văn hóa nước nhà.

Cánh tay nối dài ấy đã tích cực tham gia với bảo tàng Trung ương và địa phương, tổ chức nhiều cuộc trưng bày lớn, có ý nghĩa, nhân những ngày kỷ niệm của dân tộc, sự kiện quan trọng của địa phương. Ở đó, toát lên một tinh thần hợp tác tự nguyện công – tư theo định hướng xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, để có một kết quả đón nhận hồ hởi của toàn xã hội, tạo sinh khí mới cho hoạt động trưng bày bảo tàng. Qua những cuộc trưng bày, nhiều tổ chức Hội đã vận động các nhà sưu tầm hiến tặng cổ vật cho bảo tàng. Dẫu công việc này không phổ biến ở tất cả các địa phương và cũng không thường xuyên, liên tục ở các bảo tàng, nhưng đã đem đến một sự động viên, khích lệ lớn đối với những đồng nghiệp trong công tác sưu tầm hiện vật nói chung, cổ vật nói riêng.

Không chỉ hợp tác trưng bày, sưu tầm tư nhân, dưới sự điều dẫn của Hội, đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày độc lập, với những ý tưởng và ngôn ngữ riêng của người chơi, đem đến nhiều sắc màu cho người thưởng lãm, đồng thời giới thiệu nhiều cổ vật có giá trị, mà nhiều khi, trong bảo tàng nhà nước còn thiếu vắng. Cổ vật Việt Nam, 2.000 năm gốm Việt Nam, Gốm hoa nâu Việt Nam... là những ví dụ điển hình đối với công tác khai thác tư liệu từ sưu tầm tư nhân của các nhà nghiên cứu. Nhiều công trình, ấn phẩm có giá trị, như Tiền kim loại Việt Nam, Tiền giấy Việt Nam, Lịch sử hình thành và phát triển đồng tiền Việt Nam do Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Ngân hàng Nhà nước chủ trì. Tư liệu chủ yếu được khai thác từ tư nhân, đôi khi chính họ là lực lượng tham gia nghiên cứu, có tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp của những chuyên gia. Không đơn thuần cung cấp tư liệu, nhiều hội cổ vật tổ chức in tạp chí cổ vật, tạp chí tiền cổ… như một niềm tự hào về những sưu tầm họ đang lưu giữ, một sự khẳng định khả năng, trình độ nghiên cứu của những nhà sưu tầm. Tuy nhiên, hình thức xuất bản nêu trên không phải là tất cả, không phải là thường kỳ và còn nhiều sai sót trong chuyên môn.

Dẫu chưa phổ biến, nhưng đã có biệt lệ, cổ vật tư nhân tham gia với cổ vật bảo tàng Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh, đưa sưu tầm ra nước ngoài trưng bày, qua gợi ý của đối tác, chứng tỏ sự độc, hiếm của cổ vật này đối với phòng trưng bày, đối với nhu cầu thưởng lãm của cộng đồng nước họ và của du khách nước ngoài.

Luật Di sản văn hóa thừa nhận quyền sở hữu tư nhân, hợp pháp hóa quyền mua bán, trao đổi, nhượng biếu, theo đó, qua những cuộc trưng bày hay những dịp Tết đến, Xuân về, nhiều Hội tổ chức giao lưu đấu giá cổ vật với mục đích lấy tiền ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào bão lụt, giúp đỡ những người có công với đất nước, qua đó, tập dượt cho một sàn đấu giá cổ vật tương lai. Mục đích, ý nghĩa xem ra rất tốt và rõ, nhưng kết quả thu được chỉ một phần, phần còn lại không có sự đúc rút kinh nghiệm để tiến tới mục đích cao hơn.

Sưu tầm cổ vật tư nhân phát triển yêu cầu một nguồn cung cấp, đáp ứng cho người chơi, theo đó, ở Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, đã hình thành một đội ngũ săn lùng, tìm kiếm cổ vật khắp nơi trên thế giới, qua đấu giá, khai thác những sưu tầm già nua từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản… Hiện tượng đó là đáng mừng, nhưng bản chất của nó ra sao, cần phải được đánh giá?

Trên đây là đôi nét ghi nhận có thể được coi là nhuận sắc trong hoạt động của sưu tầm cổ vật tư nhân Việt Nam sau 20 Luật Di sản văn hóa đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tác giả cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế, nhằm khắc phục, mong sớm thấy sự chuyển mình ngoạn mục ở lĩnh vực này trong tương lai gần.

2. Những hạn chế cần quan tâm

Sẽ là không khách quan nếu chỉ thấy sự hạn chế tự thân, mà không thấy những tác động ngoại cảnh khiến lĩnh vực này ì ạch, chậm chạp so với sự phát triển chung của đất nước. Ngoại cảnh, đó chính là khâu quản lý. Ở nước ta, chưa địa phương nào có thể thống kê được số lượng nhà sưu tầm, cổ vật mà họ sở hữu. Đó có đúng nghĩa là sưu tầm hay chỉ là những tập hợp cổ vật theo sở thích, theo lối chơi “cổ đồ” truyền thống? Thống kê và phân loại tốt mới có sự định hướng, khuyến khích, phát huy có tính bền vững ở lĩnh vực vô cùng phức tạp và mới mẻ này.

Sưu tập cổ vật của tư nhân tại Festival Huế 2016

Ảnh: huefestival.com

Đăng ký cổ vật dường như còn là việc làm dở dang của hầu hết các địa phương, do sự thiếu mặn mà của những nhà sưu tầm khi họ coi đó như một sự siết chặt quản lý của Nhà nước. Chưa đăng ký hoặc đăng ký dở dang, khiến cho việc quản lý bị buông lỏng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, sưu tầm cổ vật tư nhân Việt Nam ra đời trong bối cảnh của lịch sử để lại, khi đất nước chưa có Luật Di sản văn hóa, cổ vật phơi trên mặt đất từ những công trình xây dựng, khi mà đất nước có chiến tranh, cổ vật được huy động làm chướng ngại vật, khi chiến dịch chống mê tín, dị đoan, hoành phi, câu đối, đem trôi sông… người dân thu gom để lưu giữ, theo đó, luật ra đời chậm phải thừa nhận quyền sở hữu ấy. Thừa nhận đến thời điểm nào, cần phải đăng ký mới có thể phân định được. Sau thời điểm ấy, những cổ vật thuộc đối tượng nêu trên, tàng trữ trong sưu tầm tư nhân là bất hợp pháp. Không đăng ký dứt điểm, cổ vật có nguồn gốc phi pháp vẫn chảy về sưu tầm tư nhân, dẫn đến tình trạng đào phá các di chỉ khảo cổ học, trộm cắp cổ vật ở các di tích vẫn diễn ra mà chế tài xử phạt chưa nghiêm. Đây là vấn đề đã được nêu, qua nhiều tọa đàm, hội thảo, tình hình không hề được cải thiện, do vậy, lịch sử để lại vẫn là vấn đề của lịch sử.

Sưu tầm cổ vật tư nhân ở Việt Nam còn rất lúng túng trong công tác bảo quản. Những sưu tầm dường như không hề được bảo quản thường xuyên, không có bảo quản trị liệu và bảo quản cấp thiết, tự tồn tại và tự phá hủy, nếu không chịu đựng được khí hậu, thời tiết và thời gian. Nhiều đồ gốm bị nhiễm mặn, nhiều đồ đồng bị vi khuẩn xâm hại, nhiều đồ gỗ, giấy, vải bị mọt ruỗng, mủn nát đựng trong các tủ kính đầy hơi nước, đồng nghĩa với tuổi thọ bị giảm sút, thậm chí “khai tử” cho những cổ vật có chất liệu mong manh.

Phục hồi cổ vật cũng là một vấn đề báo động. Cổ vật bị vỡ, không biết rõ hình dáng nguyên ủy, được hàn, vá bằng chất liệu không tương thích làm biến dạng và hủy hoại phần còn lại nguyên gốc, bất chấp mọi thông điệp của người xưa để lại, với rất nhiều ý nghĩa của tín ngưỡng, tâm linh. Rất nhiều cổ vật vỡ, mất mảnh, không phải do thời gian, mà vỡ do tín ngưỡng, khi người sống muốn cắt lìa với thế giới người chết bằng việc đập vỡ đồ tùy táng. Những mảnh vỡ ấy là câu chuyện của phi vật thể, cần được lưu giữ lại như một di sản của tiền nhân. “Râu ông nọ, cắm cằm bà kia” lại là một biến thể khác của công tác phục hồi cổ vật thiếu khoa học. Một lưỡi kiếm thời Chiến quốc, TK IV – III trước CN, được cắm vào một cán dao găm thời Đông Sơn muộn, TK I – II sau CN và rất nhiều chuyện cấy cắm khác, làm mất đi tính chân ngoạn của cổ vật, phản ánh một việc làm ngụy tạo, lừa lọc đối với người chơi mối nhập môn.

Thị trường cổ vật thật, giả lẫn lộn cũng là một mảng tối trên bức tranh sưu tầm cổ vật tư nhân ở nước ta. Thật ra, đó là một hiện tượng không chỉ ở Việt Nam, mà của toàn thế giới, khi một đồng nghiệp Bảo tàng tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc nói với tôi rằng, hàng tỷ nhân dân tệ “cổ vật” đắp chiếu trong các sưu tầm tư nhân tỉnh này làm cho ông thất vọng, bởi số tiền ấy nếu được huy động vận hành cho nền kinh tế địa phương, lợi ích sẽ nhường nào? Ở Việt Nam tình hình không bi quan đến như vậy, nhưng thật sự là một rào cản đối với chủ trương của Nhà nước, mong muốn xã hội hóa lĩnh vực này sâu, rộng hơn, nếu số người sưu tầm được nhân lên. Sưu tầm phải đồ giả, như một món học phí khổng lồ phải trả để ngậm ngùi từ bỏ làng chơi trong lời thề giã biệt, của không ít những người tôi đã từng kiến diện.

Sau 20, thời gian chưa đủ dài để có thể đánh giá, tổng kết đối với lĩnh vực tương đối mới mẻ này. Tuy nhiên, thời gian ấy cũng đủ bộc lộ những hạn chế, khiến chúng ta, cần góp sức, chung tay, đua ra những sáng kiến, những đề xuất, để sưu tầm cổ vật tư nhân ở Việt Nam có được bước chuyển mình, dù rằng, những sáng kiến, đề xuất rất có thể là duy ý chí, bất khả thi.

3. Gợi ý một số đề xuất

Để có được một bước chuyển, cần phải sớm đánh giá và phân loại sưu tầm tư nhân ở mỗi địa phương. Muốn đánh giá và phân loại tốt, cần phải có tiêu chí, để làm sao nhận ra những sưu tầm đích thực. Từ những sưu tầm đích thực ấy, nên chăng, tiến thêm một bước, phân loại được chúng theo bậc cấp, ví như ở Trung Quốc, người ta phân ra: đại gia, trung gia và tiểu gia. Điều này cũng giống như ở họ có nghệ nhân cấp I, cấp II, cấp III, bảo vật quốc gia cấp I, cấp II, cấp III. Thiết nghĩ, bảo tàng, di tích ở nước ta đã được phân loại từ lâu, không lẽ nào việc này không làm được và cần làm, trước hết là quản lý, sau đó để tôn vinh và nhân rộng. Khảo sát bước đầu sưu tầm tư nhân ở nước ta cho thấy, không ít người tập hợp cổ vật theo thị hiếu và sở thích. Những đối tượng như thế không nên phân loại và xếp hạng để quản lý, hoặc nếu có, chỉ là những con số thống kê.

Sau phân loại là xếp hạng, những sưu tầm tư nhân ấy phải có được giấy chứng nhận. Đó là quyền lợi của họ, theo đó, nghĩa vụ của sưu tầm tư nhân, buộc phải đăng ký cổ vật. Đăng ký giúp cho công tác quản lý, định hướng phát triển, công tác bảo vệ, bảo quản, tu sửa, phục hồi có phương pháp khoa học hơn.

Là một bộ phận của ngành Di sản văn hóa nước nhà, sưu tầm tư nhân cũng giống như bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập và di tích, phải có quyền lợi tham gia vào những khóa đào tạo, tập huấn của ngành ở trung ương, cũng như địa phương, với những chương trình hết sức đặc thù. Tôi chỉ lấy một ví dụ rất cụ thể, đó là, hiện tượng “hồi hương” cổ vật xuất hiện gần đây trong giới cổ ngoạn nước ta. Họ “hồi hương” cổ vật nào, cần phải có định hướng, nếu không, sẽ đưa về những cổ vật ngoại lai, thứ cấp, đang là “rác thải” ở những quốc gia phát triển, nhưng, do không có sự bồi dưỡng kiến thức lại trở thành thứ “thời thượng”, mong được sở hữu của nhiều sưu tầm gia mới nổi ở Việt Nam. Đó là một việc làm tự phát của quy luật cung – cầu mà rất cần một định hướng chiến lược, giống như các quốc gia Bắc Á và Đông Bắc Á đã làm thành công. Ngành Di sản văn hóa cần phải có một kế hoạch toàn diện và tổng thể hơn để “hồi hương” cổ vật trở thành một chiến lược quốc gia, với sự tham gia tích cực từ lực lượng tư nhân.

Thị trường cổ vật Việt Nam với những quy định về cửa hàng cổ vật và gần đây, ra đời những loại chợ đồ cũ, chợ ve chai ở Hà Nội và TP.HCM, dường như chưa thành công, sau 20 năm hoạt động. Chưa thành công vì không theo quy định của thông tư hướng dẫn và vì cơ quan quản lý địa phương không đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát, khiến cho chúng sập sệ, phản cảm cả về hình thức cửa hàng và nội dung đồ bán, qua đồ giả – thật lẫn lộn. Thị trường này cần một sự rõ ràng, minh bạch hơn bằng những sàn đấu giá được thực hiện từ những công ty đấu giá chuyên nghiệp. Đây là mong muốn của giới sưu tầm cổ ngoạn và nhiều công ty đấu giá những tác phẩm nghệ thuật, nhưng dường như vẫn chưa thực hiện được. Đấu giá cổ vật là một cách quản lý tốt nhất hiện tượng “chảy máu”, Nhà nước thu được thuế, bảo tàng sưu tầm được những cổ vật quý, hiếm và sự hội nhập của chúng ta với thế giới ngày một sâu, rộng hơn. Đấu giá cũng nâng tầm nhận thức của những nhà sưu tầm, để có được những định hướng tốt hơn trong công tác sưu tầm, bổ sung vào sưu tầm của họ.

Sưu tầm cổ vật tư nhân ra đời được 20 năm, và cũng hơn 10 năm, qua 8 đợt Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, nhưng tư nhân mãi tới năm 2020, duy nhất mới có một trống đồng Đông Sơn được công nhận ở Hà Nội là cổ vật. Khảo sát sơ bộ những cổ vật từ sưu tầm cổ vật tư nhân ở Hà Nội, TP.HCM, nhiều cổ vật độc bản, xứng đáng là Bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, người sưu tầm không mặn mà, khi cổ vật và bảo vật chẳng có quyền lợi gì hơn. Đó cũng là suy nghĩ của nhiều cơ quan, nhiều địa phương sở hữu, mà không coi đó là trách nhiệm của hậu thế đối với tiền nhân, cần phải tôn vinh di sản của cha ông để lại như một niềm tự hào của cộng đồng. Nhưng, ở một mặt khác, cơ quan lý địa phương chưa nhận ra cổ vật ấy là sở hữu tư nhân, nhưng là tài sản quốc gia, tài sản của nhân loại cần phải được suy tôn. Băn khoăn và chưa gặp nhau cũng là một phần, nhưng không ít trường hợp, người sở hữu chưa nhận thấy, cổ vật của mình đứng ở đâu trong bảng xếp hạng Bảo vật quốc gia. Vì lẽ đó, tôi luôn có một mong muốn, bảo vật quốc gia của Nhà nước cũng như tư nhân cần phải được xếp hạng cấp I, cấp II, cấp III. Bảo vật tư nhân và Nhà nước được ứng xử như nhau trong công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy, giống như nhiều quốc gia phát triển đã làm.

Tác giả: Ths Phạm Quốc Quân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *