Suy nghĩ về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực văn hóa


          1. Trong những năm qua, dưới ánh sáng của Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như luật giáo dục do Chính phủ ban hành, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã đạt được một số thành tựu nhất định, khẳng định sự chuyển biến về lượng và chất.

Tính đến tháng 2-2009, quy mô đào tạo của trường là 7.057 người, trong đó, hệ đào tạo tập trung: 3.797 sinh viên; hệ đào tạo vừa làm vừa học: 3.000 học viên và hệ đào tạo sau đại học: 260 học viên.

Trường đã thực hiện 90 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 41 công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 49 công trình nghiên cứu khoa học cấp Trường.

Trường đã biên soạn và cho xuất bản 45 cuốn (từ 2000- 2008), đồng thời trường đã tổ chức được 14 hội thảo khoa học, trong đó có 4 hội thảo quốc tế, thu hút được đông đảo các nhà quản lý văn hóa thông tin, các nhà khoa học tham gia.

Đạt được các kết quả trên là do nhà trường đã từng bước đưa phương châm đổi mới giáo dục đại học vào đời sống dạy và học của nhà trường. Điều đó không chỉ khẳng định sự phát triển về quy mô, tốc độ, mà còn thể hiện sự chuyển đổi về mặt chất lượng khá sâu sắc. Các công trình nghiên cứu khoa học, các giáo trình đã phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên và sinh viên; đồng thời các công trình này được ứng dụng từng phần vào hoạt động xã hội (xây dựng chính sách, chiến lược quản lý hoạt động văn hóa; hoạt động thư viện thông tin phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa…); các cuộc hội thảo nghiên cứu khoa học đã đem lại những giải pháp tích cực cho việc đổi mới mục tiêu chương trình đào tạo, tìm ra phương pháp giảng dạy mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Tóm lại, trong giai đoạn từ 2000 đến nay, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã phấn đấu không ngừng để trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực văn hóa có uy tín trong cả nước trên mọi phương diện quản lý đào tạo nói chung, quản lý chất lượng dạy và học nói riêng. Chính vì vậy, trong những năm qua Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL), của Nhà nước trao tặng. Các phần thưởng này không chỉ là sự ghi nhận những công lao đóng góp của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong 50 năm đào tạo nguồn nhân lực văn hóa cho cả nước mà còn là nguồn cổ vũ động viên tập thể cán bộ, giảng viên của nhà trường vững bước đi lên, thực hiện thắng lợi sự nghiệp trồng người trên lĩnh vực văn hóa.

Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác đào tạo còn bộc lộ một số tồn tại:

Chưa có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của giảng viên và sinh viên về kỷ cương nề nếp dạy và học. Vẫn còn những hiện

tượng giảng viên và sinh viên chưa thực hiện tốt các nội quy, quy chế dạy và học do Bộ GD&ĐT cũng như của nhà trường ban hành.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy chưa được tiếp nhận một cách tự giác từ cả hai phía người dạy và người học. Điều này thể hiện rõ nét ở một số nguyên nhân cơ bản sau: Hầu hết các giảng viên lớn tuổi ngại giảng dạy theo phương pháp mới, hiện đại, nhất là sử dụng các phương tiện kỹ thuật; Các giảng viên trẻ thiếu kinh nghiệm giảng dạy; Sinh viên mang nặng thói quen thụ động một chiều chỉ nghe và ghi từ các cấp học phổ thông…

Tính ứng dụng của các công trình nghiên cứu khoa học còn bị hạn chế bởi phần lớn các công trình nghiên cứu khoa học của các cán bộ nghiên cứu và giảng viên là tự đề xuất và chưa thực sự xuất phát từ yêu cầu thực tế, thiếu các công trình nghiên cứu khoa học được các đơn vị ngoài trường đặt nghiên cứu.

Đội ngũ giảng viên chưa thực sự mạnh về trình độ chuyên môn; thiếu nhiều giảng viên có học hàm, học vị.

Cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu dạy và học.

Những tồn tại trên có lẽ cũng là nhược điểm của nhiều trường văn hóa nghệ thuật nói riêng và các trường trong cả nước nói chung. Vì vậy, để góp phần khắc phục những tồn tại này, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, đổi mới nhận thức về kỷ cương, nề nếp dạy và học. Chủ thể của quá trình dạy và học là giảng viên và sinh viên. Do đó, muốn dạy tốt và học tốt không thể không thực hiện tốt kỷ cương nề nếp học đường. Chính vì vậy, về phía giảng viên đòi hỏi phải đảm bảo dạy đủ số giờ được giao trên lớp, soạn giáo án cẩn thận và có phương pháp giảng dạy tích cực; về phía sinh viên là sự thực hiện nghiêm chỉnh giờ lên lớp, giờ tự học, tiếp thu bài giảng một cách tích cực, chủ động và sáng tạo.

Để đảm bảo được kỷ cương nề nếp trong nhà trường, chúng tôi cho rằng, bên cạnh việc kết hợp nhiều hình thức quản lý đào tạo như giáo dục, khen thưởng, kỷ luật ở các cấp độ khác nhau tác động đến người dạy và người học còn cần những cuộc sinh hoạt, trao đổi, mạn đàm mang tính tự nguyện xoay quanh các chủ đề về nội quy, quy chế dạy và học để làm sao cho việc thực hiện vấn đề này thấm vào từng giảng viên, sinh viên và trở thành lẽ sống, sự cần thiết phải làm của họ mà không phải là sự bó buộc, thúc ép. Có như vậy, nhà trường mới thực sự có được sự thống nhất về kỷ cương, tình thương và trách nhiệm.

Thứ hai, đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc “thay đổi phương pháp giáo dục truyền thống từ chỗ truyền đạt tri thức thụ động thầy giảng, trò ghi sang hướng dẫn người học chủ động tư duy hóa trong quá trình tiếp cận tri thức; dạy cho người học phương pháp tự học, tự thu nhận thông tin một cách có hệ thống và khả năng phân tích tổng hợp; phát triển được năng lực của mỗi cá nhân”(1).

Thứ ba, tích cực triển khai nghiên cứu các đề tài mang tính ứng dụng phù hợp với yêu cầu thực tế, bằng cách thực hiện tốt mối liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất. Mối liên kết này thể hiện trong môi trường văn hóa thông tin là sự gắn kết nhà trường với các đơn vị văn hóa thông tin cơ sở, đào tạo đội ngũ cán bộ có khả năng đáp ứng nhu cầu của họ. Ngược lại, các đơn vị văn hóa thông tin cơ sở cung cấp cho nhà trường những thông tin cần thiết về yêu cầu đào tạo cũng như tạo điều kiện cho người dạy và người học tiếp xúc với thực tế, thực tập, thực hành nhằm nâng cao tay nghề, nội dung lý thuyết vào thực tế.

Thứ tư, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; Có chế độ, chính sách ưu tiên thu hút các cán bộ có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc tại các cơ quan quản lý, các cơ quan văn hóa thông tin tham gia vào công tác đào tạo. Đồng thời có chính sách hợp lý trong việc sử dụng lao động của đội ngũ cán bộ, giảng viên đã nghỉ hưu. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo khắc phục được sự thiếu hụt về số lượng chuyên gia đầu đàn.

Thứ năm, triển khai nghị định 10/CP của Chính phủ về tự chủ tài chính trong các trường đại học, chú ý tăng cường nguồn tài chính, cơ sở vật chất cho dạy và học từ nhiều nguồn khác nhau như: Tận thu học phí một cách hợp lý, liên kết đào tạo, hợp tác giữa trường với các đơn vị văn hóa nghệ thuật, huy động sự đóng góp của các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước.

2. Xuất phát từ thực trạng và các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại nói trên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nói riêng và các trường văn hóa nghệ thuật trong cả nước nói chung cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực. Chiến lược đó sẽ không nằm ngoài chiến lược chung về phát triển giáo dục Việt Nam từ 2008- 2020. Nói cách khác, các trường văn hóa nghệ thuật phải căn cứ vào chiến lược phát triển giáo dục của đất nước để xây dựng cho trường mình kế hoạch chiến lược đào tạo sao cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Trong kế hoạch chiến lược đào tạo nhất thiết phải xác định đúng đắn mục tiêu và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa thể thao và du lịch toàn quốc:

Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đáp ứng yêu cầu về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đào tạo nguồn nhân lực có năng lực thích ứng với việc làm trong xã hội, năng lực tự tạo việc làm cho mình và cho người khác cũng như năng lực cạnh tranh và hợp tác bình đẳng trong quan hệ hội nhập quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu nêu ra cần tiến hành đồng bộ hệ thống giải pháp:

Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp với mục tiêu đào tạo, sao cho nguồn nhân lực được đào tạo có đủ khả năng làm việc trong các cơ quan văn hóa thể thao và du lịch ở cả khu vực nhà nước và tư nhân, ở cả trung ương và địa phương.

Phát triển và nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, đảm bảo đủ về số lượng và chuẩn về chất lượng, đặc biệt là các chuyên gia đầu đàn. Điều đó đòi hỏi: Tăng số lượng giảng viên (ký kết hợp đồng mời các chuyên gia đang công tác tại các trường, cơ quan văn hóa thể thao và du lịch tham gia giảng dạy; mời các giảng viên là chuyên gia nước ngoài; mời tham gia giảng dạy đối với các giảng viên có trình độ cao đã nghỉ hưu); Đào tạo, bồi dưỡng các giảng viên tập trung theo ba nội dung chủ yếu (nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm xã hội).

Đặc biệt đổi mới phương pháp giảng dạy là phải coi trọng vai trò chủ động của người học , phát huy năng lực sáng tạo trong cách tiếp thu và vận dụng tri thức vào cuốc sống, trang bị cho người học năng lực tự học, tự nghiên cứu, đánh giá và khả năng lập nghiệp.

Đa dạng hóa các hình thức đào tạo như đại học chính quy, tại chức, đào tạo văn bằng hai, đào tạo từ xa, vừa học vừa làm, đào tạo ngắn hạn… nhằm đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực văn hóa, du lịch cho cả nước. Đặc biệt là đào tạo đội ngũ giảng viên cho các trường văn hóa nghệ thuật và du lịch ở địa phương.

Tăng cường phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, làm sao cho sản phẩm là các công trình nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn được đưa vào sử dụng, giảng dạy trong nhà trường, còn các giảng viên thì phối kết hợp với các viện nghiên cứu, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, du lịch ngoài trường nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nhằm mở rộng các loại hình đào tạo như: Đào tạo theo địa chỉ, mở các trường dân lập, trường bán công… nhằm thu hút các nguồn tài chính từ các cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, từ các nguồn tài trợ của các trường đại học nước ngoài, các tổ chức tài trợ quốc tế như: UNESCO, Quỹ Ford, quỹ Siđa, quỹ Toyota Nhật Bản…

Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ các nguồn lực bên ngoài, góp phần khắc phục một phần những khó khăn về nguồn lực và tăng cường cơ sở vật chất cho đào tạo. Ví dụ: Liên kết đào tạo với nước ngoài, cử các cán bộ, giảng viên ra nước ngoài để nghiên cứu, để học tập…

Như vậy, khi các nội dung chủ yếu của chiến lược đào tạo bao gồm: Mục tiêu và giải pháp đào tạo đã được xác định thì vấn đề tiếp theo chỉ còn là tổ chức thực hiện chiến lược trong từng giai đoạn cụ thể.

Giai đoạn một có thể tập trung vào các vấn đề: Đổi mới chương trình, xây dựng chương trình khung và chương trình chi tiết; biên soạn một hệ thống giáo trình và tài liệu tham khảo; đào tạo và bồi dưỡng giảng viên, nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao trách nhiệm xã hội.

Giai đoạn hai có thể sẽ tập trung vào các vấn đề: Tăng cường đội ngũ chuyên gia đầu đàn; mở thêm một số ngành đào tạo; triển khai một số loại hình đào tạo: Đào tạo từ xa, liên kết đào tạo với các trường nước ngoài…

Tóm lại, kế hoạch chiến lược của từng trường văn hóa nghệ thuật và du lịch sẽ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của các trường đó trong từng thời kỳ nhất định. Do đó, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng trường mà xây dựng kế hoạch chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Với kế hoạch chiến lược này, các trường sẽ bước những bước đi vững chắc trong việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa thông tin cho toàn quốc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đặc biệt là xây dựng và phát triển được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

_______________

1. Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.30.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009

Tác giả : Nguyễn Thị Lan Thanh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *