Svetlana alexievitch – một tấm lòng sâu thẳm

Năm 2015, có 300 cây bút trên toàn cầu được đề cử giải Nobel văn học. Cuộc chạy đua tới đích diễn ra trong gần một năm, vẫn căng thẳng, kịch tính như các năm trước. Nhiều tên tuổi lớn vẫn xuất hiện trong cuộc đua năm nay. Như mọi cuộc đua đường trường, các ứng viên giải Nobel văn học, dù không cố ý, ở chặng đua cuối, vẫn tách thành nhiều nhóm nhỏ. Các nhà văn Mỹ chạy ở nhóm mười chọi một. Cây bút Nhật Bản lẫy lừng Murakami Haruki nằm ở tốp thứ hai, sáu chọi một. Tốp dẫn đầu, năm chọi một. Cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về nữ nhà văn kiêm nhà báo người Belarus Svetlana Alexievitch, sinh năm 1948.

Trong thông báo giải thưởng, Viện Hàn lâm Thụy Điển nêu rõ lý do trao tặng Nobel văn chương 2015 cho Svetlana Alexievitch vì “tác phẩm của bà đa giọng điệu, là tượng đài của sự thống khổ, lòng dũng cảm của thời đại”. Hàng loạt nhà văn khắp nơi hoan nghênh quyết định này của cơ quan bình xét giải Nobel. Có ý kiến xuất hiện trên mạng toàn cầu chỉ mươi phút, sau khi tin vui dành cho S. Alexievitch được loan đi từ Thụy Điển. Sớm nhất có lẽ là lời chúc mừng của nhà văn Pháp Emmenuel Carrère tới các đồng nghiệp, công chúng văn chương trên toàn thế giới. Ông chia sẻ: “Hai tác phẩm: Van nài, Sự cáo chung của người đỏ là hai công trình văn học chủ chốt cuối cùng của thế kỷ qua”. Về S. Alexievitch, ông viết: “Đây là một nhà văn vĩ đại, người đã phát minh ra một hình thức tự sự mới đáng khâm phục. Các trước tác của bà bộc lộ một lòng quả cảm, một sức mạnh phi thường. Tôi thật sự mãn nguyện trước việc bà được tặng Nobel văn học”. Một cây bút Pháp khác, Pierre Assouline lưu ý với các bạn đồng nghiệp lẫn độc giả về nghệ thuật bảo tồn hồi ức, từng được nhấn mạnh trong thành tựu của Patrick Modiano, người đã đoạt giải Nobel năm ngoái. Nghệ thuật này càng trở nên độc đáo một cách khác lạ trong sự nghiệp của nữ nhà văn đầu tiên viết bằng tiếng Nga đoạt giải thưởng danh giá này. Ông trầm tĩnh đề cập đến nét đặc sắc không dễ đạt được của S. Alexievitch: “Bà tình nguyện làm một nhà ghi chép ký ức về những tình cảm, trải nghiệm, kinh nghiệm về các đồng bào. Qua từng cuốn sách, hết cuốn này đến cuốn khác, bà xây dựng bộ lưu trữ ngầm về tổ quốc Liên Xô cũ và Belarus. Bộ lưu trữ về những gì đen tối nhất của đất nước, quê hương. Trong bộ lưu trữ đồ sộ đó, bà đặc biệt làm nổi bật tính hai mặt của người Xô viết. Con người muốn sống lý tưởng, nhưng bị thực tế kìm hãm vì thể chế một thời”. Nhà văn Nga Vladimir Fedorovski cũng vô cùng hài lòng về vinh quang to lớn mà Viện Hàn lâm Thụy Điển, công chúng văn học thế giới dành cho nữ công dân của đất nước Belarus nhỏ bé. Vladimir Fedorovski nhấn mạnh tính chính trị khách quan trong sự nghiệp của S. Alexievitch. Bà đã đề cập trực tiếp đến những vấn đề nóng bỏng của chính trị xã hội đương thời. Giải Nobel thuộc về S. Alexievitch là một Nobel văn chương đậm chất chính trị siêu đẳng.

Phản ứng của S. Alexievitch đối với tin mừng về giải Nobel cho thấy phần nào tầm vóc nhân cách nghệ sỹ, giá trị sáng tác của bà. Không giống một số chủ nhân Nobel văn chương khác, bà tỏ rõ bản lĩnh thấu hiểu cuộc sống loài người, vững tin vào chính kiến của mình, vào lương tri nhân loại. Bà tin vào giá trị, tác động muôn mặt của Nobel văn chương không những trong vũ trụ nghệ thuật ngôn từ mà cả trong chính trị xã hội của không ít cộng đồng trên thế giới. S. Alexievitch bình tĩnh tuyên bố rằng bà vui sướng tột độ khi được đội vương miện Nobel văn học. Phần thưởng cao quý này không chỉ dành cho bà, mà còn cho nền văn hóa của đất nước Belarus, luôn sống trong áp lực như những gọng kìm khủng khiếp. Bà xin dâng phần thưởng ấy cho tổ quốc thân yêu. Trong một cuộc họp báo ở Minsk, bà thổ lộ mình yêu thế giới tiếng Nga, thế giới của âm nhạc và ba lê, thế giới mà bất cứ ai trên hành tinh cũng cúi đầu bái phục. Nhưng bà không thích thế giới Nga ngữ chơi trội, muốn áp đảo đồng loại. Đối với bà, vũ lực là chìa khóa vạn năng cho mọi rắc rối của thế giới hiện tại. Bà không che giấu niềm xúc động khi tin rằng với giải thưởng vừa được nhận, tác phẩm của bà sẽ đến được nhiều hơn, nhanh hơn, gần hơn tới độc giả. Đó là các bác sĩ, thầy thuốc, giáo viên, tầng lớp tri thức, giới nghiên cứu. S. Alexievitch không ngần ngại chỉ rõ giá trung bình một cuốn sách của bà bằng một phần mười lương trung bình của một giảng viên ở Belarus. Với bà, đây là một cản trở làm hạn chế tác phẩm của bà đến với công chúng. Nobel văn học được trao dù sao cũng tạo điều kiện cho đứa con tinh thần của bà được tôn trọng, lắng nghe hơn. Được biết, trong ba mươi năm cống hiến cho văn học, bà đã cho ra đời sáu cuốn sách. Tất cả nhanh chóng được dịch ra khoảng hai mươi thứ tiếng trên thế giới. Hai trong sáu công trình đó là: Những quan tài thép (1990), kể về chuyện quân đội Liên Xô can thiệp vào Afghanistan, Van nài (1995) kể về thảm họa hạt nhân Tchernobyl, cho đến nay vẫn bị cấm ở Belarus. Giờ đây, Nobel văn học sẽ góp phần giúp công chúng được tôn trọng hơn, những thông điệp S. Alexievitch muốn nhắn gửi không còn bị ngăn trở hay bỏ đấy.

S. Alexievitch sinh năm 1948, ở Stanislav, miền tây Ukraina, một bãi chiến trường tàn khốc của chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cha bà là người Nga. Sau khi kết hôn với mẹ bà (một thiếu nữ Ukraina), ông đã ở lại vĩnh viễn xứ sở này. Cha của S. Alexievitch vốn là một nhà báo có tài năng đặc biệt. Nếu cứ làm báo, ông chắc chắn vươn lên hàng những cán bộ tuyên truyền cao cấp nhất của đảng và nhà nước Ukraina. Nhưng số phận run rủi, ông vui vẻ nhận một chân dạy lịch sử và tiếng Đức cho một ngôi trường ở làng quê heo hút, bé nhỏ. Ông tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa cộng sản. Khi Liên Xô sụp đổ, ông thực sự đau buồn, liên tục bị dằn vặt về sự phi lý quá sức chịu đựng đó. Đến năm 2009 thì ông mất. S. Alexievitch luôn kính phục cha và thường thở dài khi nhớ tới ông.

Bà cũng bị sốc về một chuyện khác của gia đình. Ấy là bà cô cùng cha khác mẹ với cha của mình, sau đại chiến II, bị bắt vì có quan hệ với một người Đức trong chiến tranh. Khi tiếng súng ngừng hẳn ở Liên Xô và toàn thế giới, người cô vẫn liên hệ với người Đức này. Sau đó, cô bị trừng phạt vì tội gian díu với kẻ thù dân tộc, rồi phải đi đày biệt xứ. Những nỗi buồn đó của gia đình kích thích S. Alexievitch tìm hiểu muôn mặt cuộc sống để khám phá, giải mã cho được những bí ẩn của cõi phàm trần. Bà được cha mẹ cho theo nghiệp báo. Song thực tế, đời sống lại hướng bà vào văn học, mau chóng nhận thấy nghề báo quá chật hẹp, không cho phép rung cảm, suy tư của mình tung cánh hết cỡ trong vũ trụ sáng tạo, vì niềm vui và hạnh phục của những con người bé nhỏ, thấp cổ bé họng. Bà tự thấy không muốn đi theo lối mòn của các bậc nghệ sỹ ngôn từ ở Nga, Belarus. Thế giới nhân vật của bà là những người dân bình dị, lam lũ, khiêm nhường. Thế giới này từng được mổ xẻ với ấn tượng mạnh mẽ trong không ít truyện ngắn, tiểu thuyết của văn hào Maxim Gorki. Bà không muốn hư cấu những cốt truyện như vậy nữa. S. Alexievitch chọn kiểu truyện diễn ngôn, các nhân vật tự kể chuyện mình bằng lời lẽ của mình. Do đó, tiểu thuyết của bà giống như những tâm sự gan ruột, súc tích về câu chữ, phong phú về âm điệu. Bà phải tự tin lắm mới phiêu lưu vào một kiểu tự sự gần như chưa có ai khai phá, kiểu tự sự chưa chắc được bạn đọc hồ hởi đón chào, chấp nhận.

S. Alexievitch đã dành không biết bao thời gian, đi không biết bao chặng đường, qua không biết bao xóm làng, ngõ phố, để gặp gỡ hàng nghìn người, hỏi chuyện họ, cẩn thận ghi chép, ghi âm lại. Sau đó, bà nghiền ngẫm từ những núi tư liệu ấy, chọn lọc những ý, những người cần cho truyện. Trung bình, bà lấy nửa trang trong sáu mươi trang ghi chép. Mỗi tác phẩm là kết quả của các cuộc phỏng vấn vài trăm người, mỗi người trong vài giờ. Những con số đó đã nói lên rất nhiều về lao động nhà văn nghiêm túc, vất vả. Căn cốt là tấm lòng, nhiệt huyết khác thường của bà. S. Alexievitch có khả năng tạo sự thiện cảm, gây dựng niềm tin trong giao tiếp khiến nhiều người vui lòng thổ lộ những chuyện sâu kín. Những tâm sự như vậy, thường là sống để bụng, chết mang đi bởi người dân lao động thường thích giữ cho riêng mình. Cuộc trao đổi nào với mỗi người dân cũng phải xé lẻ thành nhiều khúc, sau đó mới được khớp lại. Bà cứ vậy, âm thầm, bền bỉ, qua nhiều bộ ký ức cá nhân, viết nên bộ ký ức xã hội, lịch sử của cả thời đại.

Bộ sử của bà không giống bộ sử của các nhà viết sử. Thứ nhất, bộ sử chính thống chỉ có sự kiện và sự kiện, bộ sử của bà chỉ toàn những cảm xúc và cảm xúc. Với bà, cảm xúc là cốt tử. Thứ hai, bộ sử chính thống không thể có được vô vàn chi tiết vụn vặt, nếu không được ghi lại, sẽ mất đi vĩnh viễn theo thời gian, những chi tiết như màu sắc không thể trộn lẫn của một địa điểm, một xứ sở. Thật kỳ diệu, công việc của bà hôm nay phảng phất công việc của đại văn hào Pháp Honoré de Balzac. Công việc đó là một khoa học đòi hỏi sự kỹ lưỡng, nghiêm ngặt, tỉnh táo cao độ. Có điều, hôm nay, có lẽ công chúng khó có đủ thời gian, kiên nhẫn, để theo dõi một hơi tám mươi bảy cuốn tiểu thuyết của bộ Tấn trò đời. Có lẽ do nhận thức được điều này, S. Alexievitch không dám ôm trùm toàn bộ đời sống xã hội, qua nhiều mảng đề đề tài, như: Những cảnh đời tư, Những cảnh đời tỉnh lẻ, Những cảnh đời Paris, Những cảnh đời thôn dã… mà Balzac trước kia đã ôm trùm, phân tích cặn kẽ. Bà đã lựa chọn những đề tài quan trọng nhất nói lên đúng đắn nhất bản chất của xã hội và thời đại đương thời.

S. Alexievitch tập trung vào những chủ đề chính như: chiến tranh, thảm họa và cái ác, quan trọng nhất là người dân biết sống vững vàng qua khó khăn, chết chóc. Những chủ đề ấy được thể hiện qua sáu tác phẩm: Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ (1985), Những quan tài thép (1990), Bị cái chết bỏ bùa (1995), Van nài (1997), Những nhân chứng cuối cùng (2005), Sự cáo chung của người đỏ (2013). Đại chiến II đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới muôn mặt đời sống của Liên Xô. Mất mát, tổn thương lớn nhất là khoảng 26 triệu người đã bị giết trong đại chiến thế giới II, kéo theo bao hệ lụy dai dẳng về mặt tâm lý, đời sống tinh thần, tạo nên những khoảng trống ám ảnh. Riêng ở Belarus, cứ bốn người thì một người bị bom đạn sát hại. Chiến tranh ám lấy tâm hồn S. Alexievitch từ thuở ấu thơ. Bà chọn viết về đề tài này để phản ánh chân thật sự phi lý, tàn bạo của chiến tranh. S. Alexievitch đã chọn tiếng nói của người phụ nữ. Những phụ nữ trực tiếp lăn lộn ở chiến trường vì cái gọi là chủ nghĩa anh hùng thời chiến đã bị lạm dụng quá mức. Sâu xa trong tiềm thức, các bà các chị, các mẹ từng tham gia chiến tranh vẫn lưu giữ nguyên vẹn những cảm giác chiến đấu có vẻ lạ lùng, nhưng chân thực. Hầu như ai ở thời hiện tại cũng đều chia sẻ, bái phục chất nhân bản cố hữu của những cô gái Liên Xô oai hùng trong khói lửa ngút trời. Trong hàng vạn phụ nữ tham gia chiến đấu, S. Alexievitch đã chọn lựa, đưa vào tiểu thuyết một số người với những tâm tư, kỷ niệm tiêu biểu. Điểm chung nhất của các nữ chiến sỹ hồng quân là dù bắn hạ những tên lính Đức vừa đốt cháy, chém chết người thân, bao giờ họ cũng cảm thấy mình phạm tội giết người. Một nữ y tá thời ấy ngậm ngùi kể rằng trong khi sơ cứu cho các thương binh trên trận địa, lúc nào cũng thấy xót thương các chàng trai, dù đó là người Nga hay người Đức. Rất nhiều những chi tiết thật hơn sự thật ấy đã làm nên sức quyến rũ của tác phẩm đạt giải Nobel văn học 2015. Quân đội Liên Xô bấy giờ tìm mọi cách để không cho chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ chào đời. Song dư luận chung của xã hội lại hoan nghênh tác phẩm. Nhiều cuộc bàn cãi, đả kích, thậm chí đòi trừng phạt nữ nhà văn đã không đạt kết quả mong muốn vì ý kiến phản đối của đông đảo công chúng. Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô lúc đó, ông Gorbachyov có nhắc đến cuốn sách, hàm ý ủng hộ, nên tác phẩm đã thoát hiểm, tiêu thụ ngay ở Liên Xô với hai triệu bản. Bốn mươi kịch bản sân khấu chuyển thể từ tác phẩm được liên tiếp trình diễn, kể cả ở nhà hát thủ đô Taganka lẫy lừng.

Bị cái chết bỏ bùa đưa ra những chuyện giật gân khó tin nổi. Khi Liên Xô sụp đổ, hàng loạt người cộng sản, công dân Xô viết tự sát. Họ đã tìm đến cái chết đủ kiểu, bắn vào đầu, treo cổ, uống thuốc ngủ, chết trong công sở, trong nhà riêng, trên cánh đồng… Chết vì quá đau khổ, quá bất ngờ, quá sức chịu đựng. Chết vì không thể tin rằng một điều tốt đẹp như thế, tưởng tồn tại vĩnh viễn, lại có thể vỡ ra từng mảng, biến thành tro bụi. Trong Van nài, lúc nhà máy hạt nhân Tchernobyl đang nổ, các nhà khoa học bình thản thức suốt đêm cùng con cái trên ban công. Cha mẹ thì quan sát để tìm hiểu tác hại của bức xạ, các con thì bị trận nổ kinh hoàng hấp dẫn không cưỡng nổi. Dĩ nhiên cả nhà được bố trí ở nơi an toàn nhất, được bảo vệ nghiêm ngặt. Những sự thật chưa từng thấy tiếp tục được ghi lại trong các sáng tác của S. Alexievitch. Khi perestroika (sự cải tổ) được tiến hành, các học giả tên tuổi trước còn xếp hàng trắng đêm để được nhận một tập thơ của nữ thi hào Akhmatova, giờ sướng phát điên khi được sở hữu một chiếc máy xay ca phê của tư bản giãy chết. Những người lên án chủ nghĩa tư bản được mời dự khai trương cửa hàng MacDonald đầu tiên ở Nga, họ nâng niu mang về, giữ gìn như báu vật những khăn ăn bằng giấy, những hộp carton tư bản… Ấy là chưa kể tháng lương tư bản thứ nhất được trả bằng lốp xe đạp, dầu gội hay xà phòng…

Những tình tiết tủn mủn chân thực như vậy làm nên tầm vóc của tư tưởng, tình cảm, tầm vóc của ngòi bút, một tấm lòng nhân hậu S. Alexievitch… Với những tình tiết ấy, S. Alexievitch đã tạo nên những tác phẩm làm rung động nhân loại, xúc động lòng người. Sự chân thực bắt nguồn từ trái tim nhân hậu sâu sắc của S. Alexievitch, xuyên suốt trong những trang viết của bà. Quá trình lao động nghiêm túc, sáng tạo, hết lòng vì quyền lợi con người của nữ nhà văn Belarus như một tấm gương về bản lĩnh nhân cách của người cầm bút trong thế giới đầy biến động ngày nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016

Tác giả : LẠI QUỲNH QUYÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *