Tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến sự phát triển của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay


Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh, làm thay đổi nhanh chóng nền sản xuất của thế giới. Đây thực chất chính là cuộc cách mạng về lực lượng sản xuất, tác động lên những yếu tố quan trọng nhất của lực lượng sản xuất, yếu tố khoa hoa học – công nghệ. Hiện nay, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những sự thay đổi vượt bậc và tầm ảnh hưởng sâu rộng của khoa học công nghệ đến đời sống con người. Những sự phát triển này đã và đang tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Quan điểm của Triết học Mác về lực lượng sản xuất

 Đối với nền sản xuất xã hội, lực lượng sản xuất là một trong hai yếu tố tạo nên một phương thức sản xuất. Trong đó, lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định, bởi khi lực lượng sản xuất phát triển, nó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế – xã hội. Lực lượng sản xuất chính là sự biểu hiện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong quá trình sản xuất. Triết học Mác coi lực lượng sản xuất là yếu tố năng động nhất trong các yếu tố cấu thành phương thức sản xuất xã hội, quyết định xu hướng, tốc độ, nhịp độ vận động của các quan hệ sản xuất.

C.Mác cho rằng, bản thân con người bắt đầu được phân biệt với động vật là khi con người sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của mình. Ông viết: “Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất” (1). Như vậy, tiền đề đầu tiên cho sự tồn tại của con người là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu. Đó là việc sản xuất ra chính đời sống vật chất của con người. Đồng thời với quá trình đó, con người cũng sáng tạo ra các mặt của đời sống xã hội.

C.Mác viết: “Việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta” (2). Sản xuất vật chất là hoạt động đặc trưng của con người. Đó là hoạt động cơ bản nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người. Trong quá trình sản xuất vật chất, con người vừa xây dựng mối quan hệ với tự nhiên, vừa xây dựng nên mối quan hệ giữa con người với con người.

Không phải mọi quan hệ của con người với tự nhiên đều tạo ra lực lượng sản xuất, chỉ có những quan hệ mà trong đó, sự tác động giữa con người với tự nhiên tạo thành của cải vật chất phục vụ những nhu cầu của họ đồng thời giúp họ cải biến chính bản thân mình mới được gọi là những quan hệ tạo ra lực lượng sản xuất. C.Mác cho rằng, lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người trong quá trình cải biến giới tự nhiên. Khi tiến hành sản xuất vật chất, con người dùng những công cụ lao động để tác động vào giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất, phục vụ những nhu cầu thiết yếu của mình. Từ chỗ con người cải biến tự nhiên, dẫn đến con người cải biến chính bản thân mình.

C.Mác khẳng định: “Lịch sử chẳng qua chỉ là sự tiếp nối của những thế hệ riêng rẽ, trong đó, mỗi thế hệ đều khai thác những vật liệu, những tư bản, những lực lượng sản xuất do tất cả những thế hệ trước để lại; do đó, mỗi thế hệ một mặt tiếp tục cái hoạt động được truyền lại, trong những hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi, và mặt khác, lại biến đổi những hoàn cảnh cũ bằng một hoạt động hoàn toàn thay đổi” (3). Việc tạo ra lực lượng sản xuất cũng chính là tiêu chí cơ bản để đánh dấu sự phát triển hoạt động sản xuất vật chất của con người ở mỗi hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Sản xuất vật chất luôn thay đổi nên lực lượng sản xuất là một yếu tố động, luôn được đổi mới, phát triển không ngừng.

Trên lập trường duy vật về lịch sử, C.Mác khẳng định, lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người trong việc tác động vào giới tự nhiên để tạo ra của cải vật chất, thể hiện sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất nhằm tạo ra một sức sản xuất vật chất nhất định, nhằm cải biến tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của con người và góp phần phát triển xã hội.

Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã khiến cho tri thức khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Những yếu tố cơ bản cấu thành nên lực lượng sản xuất là người lao động và tư liệu sản xuất.

Yếu tố người lao động

Người lao động là những người nào dùng sức mạnh thể chất và tinh thần của mình tham gia vào quá trình sản xuất vật chất.

C. Mác khẳng định, hoạt động sản xuất chính là một dạng hoạt động chỉ có ở con người, nó khác về chất so với hoạt động của con vật. Con người khác với con vật ở chỗ: con người có lao động và ý thức. “Con vật cố nhiên cũng sản xuất. Nó xây dựng tổ, chỗ ở cho nó, như con ong, con hải ly, con kiến… Nhưng con vật chỉ sản xuất cái mà bản thân nó hoặc con nó trực tiếp cần đến, sản xuất một chiều; còn con người thì sản xuất một cách phổ biến, súc vật chỉ sản xuất dưới sự thống trị của nhu cầu vật chất trực tiếp; trong khi đó, con người sản xuất ngay cả khi thoát khỏi nhu cầu vật chất” (4).

Hơn nữa, việc tái sản xuất của con người không chỉ nhằm giải quyết những nhu cầu vật chất mà vì nhu cầu tinh thần. C.Mác viết: “Con vật chỉ nhào nặn vật chất theo thước đo và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo thước đo  của bất cứ giống nào và ở đâu cũng có thể áp       dụng thước đo thích dụng cho đối tượng; do đó con người cũng nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp” (5). Đây là điểm khác biệt của con người so với con vật mà C.Mác chỉ ra.

Yếu tố tư liệu sản xuất

Tư liệu sản xuất là những tư liệu để tiến hành sản xuất, bao gồm tư liệu lao động và đối tượng lao động. Tư liệu lao động bao gồm hai yếu tố là công cụ lao động và phương tiện lao động.

Công cụ lao động là những vật dùng làm trung gian để người lao động tác động vào đối tượng lao động; phương tiện lao động là những điều kiện vật chất cần thiết của quá trình lao động. Trong hai yếu tố trên, công cụ lao động là yếu tố động nhất, cách mạng nhất. Chúng là những vật được con người tạo ra và sử dụng để trực tiếp tác động vào đối tượng lao động nhằm cải biến chúng, tạo ra của cải vật chất. Chúng luôn được cải tiến, đổi mới, nhằm tăng năng suất lao động và thể hiện là thước đo về trình độ cải tạo tự nhiên của con người. Do đó, “những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào” (6).

Ngoài việc bàn đến hai yếu tố cơ bản cấu thành lực lượng sản xuất, C.Mác cũng đề cao, coi trọng vai trò của khoa học đối với sản xuất vật chất nói chung và với sự phát triển của lực lượng sản xuất nói riêng.

Từ việc phân tích các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất là tư liệu sản xuất và người lao động, có thể thấy nổi bật ba điều:

Một là, lực lượng sản xuất là một thể thống nhất bao gồm nhiều yếu tố cấu thành, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định quá trình sản xuất vật chất, còn những yếu tố vật thể là điều kiện của quá trình sản xuất đó.

Hai là, lực lượng sản xuất có tính lịch sử, gắn với một phương thức sản xuất nhất định. Mỗi thời đại kinh tế khác nhau, có những cách thức khác nhau trong việc sản xuất vật chất.

Ba là, lực lượng sản xuất là biểu hiện mối quan hệ giữa người lao động và giới tự nhiên trong quá trình sản xuất vật chất. Và lực lượng sản xuất cũng chính là sự thể hiện năng lực thực tiễn trong việc chinh phục và cải tạo tự nhiên của con người.

Tác động của Cách mạng 4.0 đến lực lượng sản xuất

C. Mác xây dựng học thuyết của mình trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ hai (7), còn ngày nay, loài người đã ở cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ ba với sự ra đời của kỹ thuật số (máy vi tính) và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0), mở ra kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.

Ở nước ta, trong những năm đổi mới, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà yếu tố lực lượng sản xuất phát triển còn chưa phù hợp so với quan hệ sản xuất. Vì thế, lực lượng sản xuất cũng chưa được giải phóng đúng mức. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng nhấn mạnh: vấn đề của lực lượng sản xuất ở nước ta là việc phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học – công nghệ còn chậm, do đó, “khoa học – công nghệ chưa thực sự trở thành yếu tố nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội” (8).

Bản chất của Cách mạng 4.0 chính là sự ứng dụng công nghệ, khoa học dữ liệu và sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ sản xuất và cuộc sống con người. Việt Nam thuộc nhóm nước ở trong giai đoạn quá độ của quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, Cách mạng 4.0 giúp cho quá trình chuyển đổi số, khoa học công nghệ ở Việt Nam phát triển nhanh hơn. Năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng mạnh.

Cách mạng 4.0 đem lại nhiều điều kiện thuận lợi, giúp con người khám phá tri thức mới, nâng cao quy mô và chất lượng nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức song hành, buộc người lao động, các nhà hoạch định chiến lược phải thay đổi cho phù hợp.

Tác động của Cách mạng 4.0 đến yếu tố người lao động

Cách mạng 4.0 làm biến đổi chức năng của con người trong sản xuất: con người dần không còn là yếu tố thao tác trực tiếp trong hệ thống kỹ thuật mà chuyển sang chủ yếu là sáng tạo và điều chỉnh quá trình đó.

Cách mạng 4.0 làm biến đổi nội dung và tính chất của lao động. Về nội dung, lao động đang chuyển dần từ lao động thủ công, lao động cơ khí sang lao động thông tin, lao động trí tuệ. Về tính chất, lao động đang biến đổi theo hướng ngày càng mang tính xã hội hóa sâu sắc. Do đó, trong Cách mạng 4.0, thị trường lao động truyền thống ở nhiều quốc gia đã và đang bị phá vỡ cấu trúc.

Cách mạng 4.0 tác động đến số lượng việc làm, thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề đang diễn ra nhanh chóng, thâm nhập nơi làm việc trên thị trường lao động. Xu hướng việc làm sẽ là sự dịch chuyển từ sản xuất sử dụng nhiều lao động sang sử dụng nhiều tri thức và công nghệ. Việc áp dụng công nghệ số đã và đang giúp tạo công ăn, việc làm cho một số lĩnh vực ngành, nghề mới ở Việt Nam như lái xe công nghệ, kinh doanh trực tuyến…, qua đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng và cải thiện đời sống của một nhóm người lao động.

Cách mạng 4.0 tác động đến chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài yêu cầu về kỹ thuật như trước đây, người lao động còn cần nắm bắt được công nghệ, kỹ thuật cao để điều khiển máy móc, thiết bị. Đồng thời, người lao động cũng cần phải có những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt và những kỹ năng mềm riêng, như: khả năng tư duy sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn và tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tập trung…

Cách mạng 4.0 làm thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động, xóa bỏ biên giới cứng của thị trường lao động giữa các quốc gia trong khu vực, khiến thị trường lao động trong khối sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên.

Cách mạng 4.0 giúp người lao động không chỉ được giải phóng về lao động chân tay mà còn được giải phóng cả về lao động trí óc. Máy móc – công cụ lao động không chỉ nối dài cánh tay của người lao động mà cánh tay đó còn được “thông minh hóa”. Cách mạng 4.0 giúp cho công nghệ tự động hóa phát triển, làm giảm sức lực lao động của con người. Sự giao tiếp giữa người lao động – robot cao cấp – máy móc thông minh… tác động vào nguyên vật liệu, tạo ra sản phẩm theo nhu cầu của con người, thậm chí đáp ứng nhu cầu cá biệt hóa ngày càng tăng của mỗi người tiêu dùng.

Cách mạng 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Nền sản xuất “tự động” hóa sẽ nhanh chóng chuyển sang “thông minh” hóa. Nhân lực chất lượng cao gắn với “sản xuất thông minh”, theo đó nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là yếu tố quyết định cho sự phát triển.

Bên cạnh những tác động tích cực, Cách mạng 4.0 cũng đang thực sự tạo ra những thách thức đối với người lao động.

Việc giảm số người lao động cần thiết dẫn đến nhiều lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, khi máy móc đã và đang thay thế dần con người. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành nghề này qua các ngành nghề khác đã và đang xảy ra do nhiều ngành sản xuất truyền thống biến mất. Cách mạng 4.0 đi sâu vào trong quá trình sản xuất, khiến người lao động liên tục phải đổi mới, sáng tạo, học hỏi. Đồng nghĩa với đó, người lao động cũng ngày càng trở nên phụ thuộc vào máy móc, công nghệ, dễ trở thành nô lệ cho máy móc, công nghệ. Sự phân hóa người lao động ngày càng lớn. Giữa người lao động kỹ thuật cao với người lao động phổ thông có sự chênh lệch lớn về thu nhập. Bất bình đẳng về lao động gia tăng.

Do phải làm việc đầu óc và thích nghi liên tục, nên áp lực công việc, áp lực thích nghi của người lao động cũng tăng lên, góp phần làm giảm sút sức khỏe. Các tội phạm trong lao động, sản xuất tăng lên và ngày càng tinh vi.

Tác động của Cách mạng 4.0 đến yếu tố tư liệu sản xuất

Khoa học công nghệ phát triển vượt bậc đã giúp con người phát hiện ra nhiều thuộc tính mới của tài nguyên thiên nhiên, nhiều vật liệu trước kia tưởng chừng không có ích lại trở thành những vật có ích lớn và nhiều vật tính có ích lại được nhân lên gấp bội với sự xuất hiện của nhiều ngành sản xuất mới, giúp tạo ra đối tượng lao động mới, phong phú và giàu có hơn.

Cách mạng 4.0 tạo ra nhiều công cụ lao động mới và đưa đến sự thay thế từng bước các tư liệu lao động truyền thống bằng các tư liệu lao động hiện đại, dựa trên thành tựu của khoa học công nghệ tập trung ở lĩnh vực công nghệ sinh học, vật liệu mới và công nghệ thông tin. Cách mạng 4.0 tạo ra các công cụ lao động và phương tiện sản xuất mới với những máy móc tiêu hao ít nhiên liệu, năng lượng, giảm lượng phế thải, không gây ô nhiễm môi trường, tạo nên nền sản xuất phát triển bền vững. Những máy móc, công nghệ mới chứa đựng lượng thông tin cực kỳ lớn, cho phép sản xuất với năng suất, chất lượng sản phẩm đặc biệt cao.

Tư liệu sản xuất chính sẽ chuyển từ chủ yếu là vật chất sang phi vật chất, tức là lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và chi phí lao động phổ thông thấp sẽ ngày càng mất ưu thế, sản xuất sẽ có xu hướng dịch chuyển từ các nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang những nước có nhiều lao động chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ. Tư liệu sản xuất thay đổi, nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn và lao động phổ thông dồi dào ở các nước như Việt Nam vốn là lợi thế cạnh tranh sẽ không còn được như trước nữa nếu chúng ta không kịp thời thay đổi tư duy về tư liệu sản xuất để thích nghi.

Những doanh nghiệp biết tận dụng các công nghệ mới với tư liệu sản xuất phi vật chất của Cách mạng 4.0 cũng thu được những thành tựu lớn. Các hình thức là sản phẩm thuần túy của công nghệ như: các tập đoàn bán lẻ trực tuyến; các sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch điện tử; các app công nghệ được áp dụng rộng khắp trong các ngành; ngân hàng điện tử… Cách mạng 4.0 đã làm thay đổi hoàn toàn trong nhiều ngành kinh doanh: kinh doanh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ; kinh doanh truyền thống thay đổi.

Để tận dụng được lợi thế mà Cách mạng 4.0 tạo ra hiện nay đối với Việt Nam, chúng ta phải không ngừng đổi mới, sáng tạo và thích nghi với những biến đổi nhanh chóng về lực lượng sản xuất. Do vậy, vấn đề đảm bảo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong quá trình phát triển cũng cần được chú trọng, để tránh những rào cản không đáng có xảy ra.

Như vậy, sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt đối với lực lượng sản xuất hiện nay. Trước những thời cơ và thách thức mà cuộc Cách mạng này đang tạo ra đối với lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần nhận thức đúng, luôn sáng tạo và không ngừng đổi mới để tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những tiêu cực mà cuộc cách mạng này mang lại. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất, việc nâng cao chất lượng và những kỹ năng mềm cho người lao động là những yếu tố quan trọng để phát triển đất nước trong thời đại toàn cầu.

_____________________

1, 2, 3, 4, 5, 6. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.3, tr.42, T.19, tr.500, T.3, tr.65, tr.137, T.23, tr.269.

7. Cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ nhất đánh dấu bằng sự ra đời của máy hơi nước. Cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ hai đánh dấu bằng sự ra đời của điện năng.

8. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tr.249.

Ths NGUYỄN THỊ HẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *