Xã hội ngày càng phát triển thì sự ra đời của các đô thị ngày càng nhiều. Việc đô thị dần dần thay thế nông thôn, ảnh hưởng, tác động tới các vùng ven đô, vùng núi, vùng sâu, vùng xa… có thể coi là một xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. Nhưng sự tác động của đô thị hóa đến văn hóa các tộc người hiện nay đang là một vấn đề cần quan tâm đặc biệt. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới sự tác động của đô thị hóa đến nhà dài – một thiết chế văn hóa truyền thống của tộc người Ê đê ở Đắc Lắc hiện nay.
Đô thị hóa được các nhà khoa học nhiều chuyên ngành nghiên cứu như xã hội học, kinh tế học, chính trị học… Tác giả Nguyễn Đình Hương cho rằng: “Đô thị là một vùng lãnh thổ nhất định, có mật độ dân số cao hơn so với các khu vực khác, là nơi có những ưu thế cho phép tập trung mật độ hoạt động kinh tế, là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế – xã hội của một địa phương, một vùng hoặc của một quốc gia”(1). Theo Từ điển tiếng Việt: “Đô thị hóa là quá trình tập trung dân cư ngày càng đông vào các vùng đô thị và làm nâng cao vai trò của thành thị đối với sự phát triển của xã hội”(2).
Tác giả Nguyễn Duy Thắng dưới góc độ xã hội học nhận định: “Về mặt xã hội, đô thị hóa được hiểu là quá trình tổ chức lại môi trường cư trú của con người. Đô thị hóa không chỉ thay đổi sự phân bố của dân cư và những yếu tố vật chất, mà còn là chuyển hóa những khuôn mẫu của đời sống xã hội, phổ biến lối sống đô thị tới các vùng nông thôn và toàn xã hội”(3).
Như vậy, đô thị hóa sẽ phổ biến lối sống đô thị tới các vùng kém phát triển, có thể làm thay đổi văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân. Bên cạnh những mặt tích cực của đô thị hóa, cũng không thể phủ nhận những mặt còn hạn chế. Điều này được minh chứng qua sự tác động của đô thị hóa đến nhà dài – một thiết chế văn hóa truyền thống của tộc người Ê đê ở Đắc Lắc hiện nay.
1. Khái quát về văn hóa của tộc người Ê đê ở Đắc Lắc
Người Ê đê là một trong những tộc người tồn tại lâu đời ở miền trung Tây Nguyên. Dấu vết về nguồn gốc của dân tộc Ê đê được phản ánh qua đời sống văn hóa vật chất và tinh thần như: sử thi, kiến trúc, tín ngưỡng, nghệ thuật tạo hình dân gian… Cho đến nay, ở Đắc Lắc cộng đồng Ê đê vẫn còn là một xã hội tồn tại những truyền thống đậm nét mẫu hệ. Dân tộc Ê đê (thuộc nhóm Adham) là tộc người thiểu số có số người đông nhất ở tỉnh Đắc Lắc, khoảng 91.082 người. Địa bàn cư trú tập trung chủ yếu ở các huyện như: huyện Krông Buk, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng, huyện CưM’gar và một số sống rải rác ở huyện Krông Păc, thành phố Buôn Ma Thuột.
Đặc trưng văn hóa truyền thống nổi bật nhất của người Ê đê là mang tính mẫu hệ. Tục lệ này đến nay vẫn được duy trì. Người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong gia đình, trong buôn làng. Hầu hết các biểu tượng văn hóa đều tượng trưng cho quyền lực của người phụ nữ như: bến nước, nhà dài, trống hgơr… Trong các nghi lễ người phụ nữ được mời rượu trước. Con gái đến tuổi lấy chồng thì tự đi tìm chồng và chàng trai khi cưới hỏi xong về ở bên nhà vợ. Người con gái út trong gia đình được hưởng quyền thừa kế khi mẹ hoặc bà mất đi.
Những biểu tượng văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Ê đê làcồng chiêng, sử thi và nhà dài. Cồng chiêng không chỉ là di sản văn hóa quý báu của các dân tộc Tây Nguyên mà còn của cả nhân loại. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Dàn chiêng của tộc người Ê đê có 10 ching Knah gắn với một trống H’gơr và bộ ching Kram gồm 7 thanh được làm bằng tre, chế tác dài ngắn khác nhau được sử dụng trong các nghi lễ.
Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Ê đê không thể thiếu sử thi hay klei khan (hoặc khan, ghan, akhan), một thể loại văn chương dân gian đặc biệt của các dân tộc Tây Nguyên trong đó có người Ê đê. Sử thi là một hình thức kể chuyện theo lối hát kể. Vào những đêm trăng sáng, già làng cùng các con cháu tập trung bên bếp lửa hồng của nhà dài nghe hát kể thâu đêm. Bằng lối kể chuyện như hát, truyền từ đời này sang đời khác, tiếp nối truyền thống tổ tiên giáo dục con cháu ý thức đoàn kết cộng đồng, uống nước nhớ nguồn, yêu thương, đùm bọc nhau…Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Hiện nay, trong các buôn làng của người Ê đê vẫn còn lưu truyền các sử thi: Dăm San, Dăm Ji, Sing Nhã, Khing Jú, Dăm Tiông, Dăm Trao-Dăm Rao, M’drông Dăm, Dăm Bhu-Dăm Bha…
Bên cạnh biểu tượng cồng chiêng, sử thi thì nhà dài (một thiết chế văn hóa truyền thống) cũng là một trong những biểu tượng văn hóa kết tinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tộc người Ê đê. Mỗi ngôi nhà dài của người Ê đê là nơi sinh sống của nhiều gia đình, nhiều thế hệ theo dòng họ mẹ. Ngoài chức năng là không gian sinh tồn, nhà dài còn có chức năng văn hóa, giáo dục. Nhiều hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, nghi lễ… cũng diễn ra ở nhà dài vào các dịp lễ quan trọng. Chính vì vậy, bảo tồn những giá trị văn hóa của nhà dài dưới tác động của đô thị hóa hiện nay là một vấn đề cần thiết.
2. Sự tác động của đô thị hóa đến nhà dài của người Ê đê
Đô thị hóa tác động tới tất cả các thành tố văn hóa của người Ê đê nhưng mức độ tác động là khác nhau. Nhà dài là một thiết chế văn hóa sống động, vừa là di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể nên sự tác động của đô thị hóa diễn ra toàn diện hơn, rõ ràng hơn. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, xã hội, ảnh hưởng của công nghệ thông tin, ngôi nhà dài của người Ê đê đã có nhiều đổi thay. Hiện nay, khi đến Đắc Lắc khó có thể tìm thấy một ngôi nhà dài theo đúng chất của người Ê đê. Hay nói cách khác, những tinh hoa của tổ tiên người Ê đê thể hiện ở ngôi nhà dài đã bị hòa tan vào văn hóa hiện đại.
Trước hết, đề cập tới sự tác động của đô thị hóa đến giá trị văn hóa vật thể của nhà dài người Ê đê, bao gồm: vật liệu xây dựng, kiến trúc, trang trí, công năng sử dụng,…
Về vật liệu xây dựng: nhà dài truyền thống của người Ê đê có độ dài trung bình từ 80 mét trở lên. Độ dài ngắn của ngôi nhà còn phụ thuộc vào số lượng gia đình và các thành viên trong gia đình. Mỗi nhà như vậy có từ 10 đến 15 gia đình. Kiến trúc nhà dài được xây dựng theo kiểu nhà sàn và sử dụng vật liệu có sẵn trong thiên nhiên như: gỗ, tre, nứa, cỏ tranh, lạt buộc… Ngày nay, do nạn phá rừng nên những cây gỗ to, lớn không còn, nếu có cũng phải có nhiều tiền mới mua được. Vì vậy, vật liệu làm nhà dài cũng đã thay đổi. Các cột nhà trước đây bằng gỗ thì nay bằng bê tông. Sàn nhà thường làm bằng thân cây gỗ tròn, bằng tre thì nay được thay thế bằng ván xẻ. Mái nhà được lợp bằng tôn, bằng ngói thay bằng cỏ tranh được phơi khô… Do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu nguyên liệu, đặc biệt là gỗ làm nhà đồng thời ảnh hưởng tập quán làm nhà của người Kinh, nên nhiều gia đình Ê đê đang ở nhà dài nhưng đã bị cũ nát, sẵn sàng chuyển xuống ở nhà trệt.
Về kiến trúc: việc người Kinh ở miền xuôi lên làm kinh tế mới đã làm tăng nhanh dân số, thu hẹp không gian sinh tồn của người Ê đê. Môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa đều bị ảnh hưởng nặng nề… Do vậy, cách chọn vị trí xây dựng nhà dài theo cách truyền thống của dân tộc là không thể. Theo quan niệm xưa, nhà dài thường quay về đường chính của buôn làng. Ngày nay, do người đông, nhà nhiều nên nhà phải xây theo ô, kiểu bàn cờ. Chiều dài chỉ khoảng 20m – 30m, thậm chí chỉ còn 10m. Một phần do đất đai bị thu hẹp, mặt khác các gia đình sinh sống chỉ từ 1 đến 2 hoặc 3 thế hệ, 2 đến 3 gia đình. Nếu quá đông lại tách ra thành nhà khác nên nhà dài không thực sự dài như xưa.
Về trang trí: trước đây, nhà dài là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ. Nhà dài còn thể hiện quyền uy, vị trí trong xã hội của mỗi người Ê đê. Nhà càng dài, bên trong càng được trang trí tinh xảo, nhiều hoa văn… thì càng thể hiện sự giàu có của gia chủ. Mỗi chi tiết của nhà dài đều có ý nghĩa riêng, thậm chí từng sợi lạt buộc ở nhà dài truyền thống của người Ê đê đều gắn liền với những truyền thuyết. Trên các cột, kèo của nhà dài được các nghệ nhân chạm khắchình các con vật gần gũi với người Ê đê như voi, rùa, kỳ đà…; kẻ, vẽ các hoa văn mặt nạ, bức tranh, phù điêu; các hình đơn giản như: hình tròn, hình vuông, hình tam giác… Những hình ảnh đó đều gắn với tín ngưỡng của họ. Do đó, phải mất hàng tháng những nghệ nhânmới có thể trang trí xong một ngôi nhà dài. Trong nhà thì được gia chủ đặt các vật dụng quý như: chiêng, trống, nồi đồng, ghế con, ghế chủ, k’pan…
Ngày nay, do ảnh hưởng cách sống của người Kinh, do tác động của đô thị hiện đại, nên các đồ dùng sinh hoạt, cách trang trí trong nhà dài có sự thay đổi khá lớn. Sự thay đổi này cũng có mặt tích cực, giúp đồng bào có không gian sống sạch sẽ, tiện nghi hơn, song mặt khác cũng nảy sinh sự xung đột giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại. Những đồ dùng truyền thống do người Ê đê tự tạo ra lại không được coi trọng bằng những đồ dùng hiện đại. Từ đó, đồng bào đã bán hết đi các di sản văn hóa quý báu trong nhà dài như: cồng chiêng, ché, ghế k’pan… để lấy tiền mua giường, tủ, tivi, tủ lạnh, cầu thang inox… Đặc biệt, bếp lửa là nơi sum họp hàng ngày, là nơi tập trung nghe kể sử thi mỗi đêm trăng sáng, bàn tính chuyện làm ăn, dựng vợ cưới chồng cho con cái, gia đình; là nơi quây quần chia sẻ những buồn, vui thì nay được thay thế bằng bếp ga, bếp điện tiện dụng và hiện đại hơn…
Đô thị hóa tác động đến văn hóa nhà dài qua việc xây dựng, kiến trúc, trang trí… là những giá trị văn hóa vật thể dễ nhận biết trong một thời gian ngắn. Song sự tác động của đô thị hóa đến những giá trị văn hóa phi vật thể của nhà dài là một quá trình lâu dài, diễn ra ở bên trong mỗi cá nhân, mỗi tập thể. Vì vậy, đòi hỏi có sự quan sát thật tỉ mỉ mới có thể nhận ra. Văn hóa phi vật thể của nhà dài là những sinh hoạt văn hóa như: tín ngưỡng, phong tục tập quán, tri thức của cộng đồng…
Nhà dài vừa là không gian sinh tồn, vừa là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của cả buôn làng. Nhưng gần đây, nhà sinh hoạt cộng đồng của người Ê đê được nhà nước đầu tư lại xây dựng bằng bê tông, cốt thép, mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà sàn dài nhằm tạo không gian văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống, hội họp buôn làng. Đối với đồng bào Ê đê, khi đến nhà dài để sinh hoạt văn hóa cộng đồng là để được sống trong không gian núi rừng Tây Nguyên, có mùi thơm của gỗ, tranh tre, lứa… được nhìn thấy những con thú quen thuộc trên các cột, kèo… Vì thế, nhiều đồng bào, đặc biệt là các già làng tỏ ra không hài lòng, không muốn đến sinh hoạt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng này. Điều này làm mất đi thói quen sinh hoạt cộng đồng thường xuyên của người Ê đê.
Các nghi lễ như tang ma, cưới hỏi, lễ tết, lễ hội… vốn diễn ra ở nhà dài thì nay hầu hết ở các buôn đều bị bỏ quên. Khi tổ chức đám cưới thì dựng rạp ở ngoài sân như người Kinh. Mặt khác, một số đồng bào cảm thấy lễ hội văn hóa dân gian trong nhà dài không còn phù hợp với cuộc sống thực tại nên vai trò của chiêng, trống cũng không còn. Vì vậy, họ đã chủ động mang bán đi những bộ chiêng, ché, ghế k’pan của ông cha để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Trước đây, nhà dài là niềm tự hào, là vinh dự của mỗi cá nhân sống trong buôn làng của người Ê đê. Tình yêu dành cho nhà dài thể hiện qua ý thức, trách nhiệm của mỗi người Ê đê trong việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa tốt đẹp của tộc người mình. Thật đáng tiếc, nhiều người Ê đê trẻ hiện nay đã không còn tự hào về văn hóa nhà dài của tộc người mình, lại còn có tư tưởng sính ngoại, vận động các gia đình từ bỏ ở nhà dài xuống ở nhà trệt. Do hạn chế về nhận thức, một số người coi văn hóa truyền thống của đồng bào Ê đê là sự thấp kém, lạc hậu, hủ tục nặng nề… đề cao văn hóa mới, lấy văn hóa của người Kinh làm mẫu. Dù không phải là phổ biến nhưng vẫn ít nhiều tác hại đến văn hóa nhà dài, làm cho văn hóa nhà dài bị “hòa tan” với văn hóa của tộc người khác, khiến cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà dài của dân tộc Ê đê lại càng khó khăn.
Kết luận
Quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra mạnh mẽ từ khi hội nhập kinh tế thế giới dẫn đến sự thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội của các tộc người ngày càng nhiều. Tộc người Ê đê ở Đắc Lắc cũng không nằm ngoài qui luật đó.
Nhìn lại, sự tác động của đô thị hóa tới nhà dài dẫn đến những thay đổi, thậm chí làm mất đi những nét văn hóa tốt đẹp trong văn hóa ở, sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng của người Ê đê. Đó cũng là mặt trái trong quá trình thích nghi môi trường sống mới của tộc người Ê đê. Nguyên nhân của những biến đổi trên là do đời sống của đồng bào Ê đê còn quá khó khăn. Tỷ lệ đói nghèo cao, tình trạng sản xuất tự cung, tự cấp còn phổ biến, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhiều nơi còn ở tình trạng du canh, du cư. Do đó, họ không có khái niệm hoặc không quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà dài.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự phân bố dân cư trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có nhiều thay đổi. Xu hướng người Kinh từ miền xuôi lên và các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc như Dao, Mán, Tày, Thái… đến làm kinh tế và định cư ngày càng nhiều. Làn sóng di cư này đã có tác động nhiều mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội tới văn hóa, nếp sống. Quá trình di dân đã tạo ra sự tranh chấp giữa dân cư mới đến với dân cư bản địa về không gian sinh tồn, không gian văn hóa. Bên cạnh đó, còn dẫn đến sự xung đột văn hóa, tàn phá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Ê đê nói chung và giá trị văn hóa nhà dài nói riêng.
Như vậy, dưới tác động của đô thị hóa, nhà dài – từ một thiết chế văn hóa sống động, riêng biệt thì nay nhà dài trở thành một vật thể văn hóa khô cứng và nhạt nhòa. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nhà dài trong bối cảnh hiện nay cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ban ngành với cộng đồng tộc người Ê đê ở Đắc Lắc nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
_______________
1. Nguyễn Đình Hương (chủ biên), Đô thị và quản lý kinh tế đô thị ở Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.9.
2. Ủy ban KHXH Việt Nam – Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988, tr.354.
3. Nguyễn Duy Thắng, Tạp chí Xã hội học, số 1- 2009, tr.82.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn