Sự phát triển của văn hóa – nghệ
thuật (VHNT) ở Việt Nam chịu sự tác
động của nhiều nhân tố khác nhau như
văn hóa truyền thống, bối cảnh của đất
nước ta hiện nay như phát triển kinh tế
thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ
nghĩa, hội nhập quốc tế và toàn cầu
hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, những
định hướng chính trị của Đảng và Nhà
nước ta… Trong đó, KTTT đang tác
động mạnh mẽ đến sự phát triển VHNT
ở nước ta cả theo hướng tích cực và tiêu
cực. Vì vậy, việc nhận thức rõ những
tác động này là cần thiết để chúng ta
có những định hướng, giải pháp cụ thể
phát triển VHNT Việt Nam.
1. Những tác động tích cực của KTTT đến phát triển VHNT
KTTT là nhân tố thúc đẩy sự phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ VHNT
Khi không có thị trường, nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật, bài hát, tác phẩm văn học để thỏa mãn những nhu cầu tinh thần của cá nhân. Do đó, việc sáng tác đôi khi chưa hướng tới đối tượng thưởng thức là quần chúng, độc giả, khán thính giả…Tuy nhiên, trong điều kiện KTTT, việc sản xuất sản phẩm văn hóa như sách báo, video không chỉ mang ý nghĩa là sản phẩm truyền bá tư tưởng mà còn là một loại vật hóa, hàng hóa mà người sản xuất có thể bán trên thị trường mang lại những lợi ích kinh tế cho tác giả. Thông qua thị trường, nghệ sĩ cần nắm bắt được nhu cầu của công chúng để điều chỉnh những sáng tạo VHNT cho phù hợp với nhu cầu. Không có thị trường về văn hóa thì người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa khó mà nắm bắt nhu cầu đa dạng của công chúng. Hơn nữa, chỉ khi nào nghệ sĩ sáng tạo VHNT đáp ứng được nhu cầu của công chúng, thì công chúng mới tiêu thụ các sản phẩm và khi đó mới có lợi ích kinh tế. Tất cả những điều này đã thúc đẩy VHNT phát triển hướng về người thưởng thức. Thị trường tạo điều kiện, cơ hội huy động nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa xã hội. Thị trường góp phần phân bổ nguồn lực, kích thích và đa dạng hóa tài năng trong sáng tạo, sản xuất, truyền bá, đánh giá các sản phẩm văn hóa. Chính động lực thị trường đã thúc đẩy các hoạt động văn hóa diễn ra sôi động, mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng văn hóa của công chúng. Thông qua thị trường, công chúng tự tìm đến các sản phẩm văn hóa, khả năng tiếp cận với nhiều sản phẩm văn hóa của quần chúng được phát triển tối đa. Thị trường còn tạo điều kiện, cơ hội huy động nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa, đồng thời góp phần phân bổ nguồn lực, kích thích và đa dạng hóa tài năng trong sáng tạo, sản xuất truyền bá, đánh giá, tiếp nhận các sản phẩm văn hóa. Trong nền kinh tế trước kia, nguồn lực để phát triển VHNT chỉ lấy từ ngân sách, đối tượng tham gia sáng tạo VHNT là những nhà hoạt động văn hóa chuyên nghiệp được Nhà nước trả lương. Còn trong KTTT, tất cả nguồn lực của xã hội được huy động để sáng tạo VHNT. Nhiều hãng phim tư nhân, bảo tàng tư nhân, các công ty tư nhân biểu diễn nghệ thuật, tổ chức sự kiện văn hóa… ra đời, thậm chí hiện nay từng người dân cũng có thể tham gia sáng tạo VHNT. Ví dụ như một cá nhân có thể sáng tác một bài hát và thể hiện ca khúc đó, quay video đưa lên YouTube. Sáng tác của họ được công chúng đón nhận, có nhiều lượt xem họ sẽ nhận được thù lao từ nhà mạng. Họ tích cực tham gia sáng tạo VHNT bởi nếu những sáng tạo đó được công chúng chấp nhận, họ sẽ được hưởng lợi ích vật chất nhất định. Điều này không chỉ giúp huy động các nguồn lực phát triển văn hóa mà còn kích thích các tài năng văn hóa phát triển.
Có thể nói, dưới tác động của KTTT, đã hình thành và phát triển ở nước ta một thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đáp ứng ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn nhu cầu thưởng thức rất đa dạng của người dân hiện nay. Thị trường truyền thông đại chúng phát triển mạnh mẽ với nhiều đài phát thanh, truyền hình, năm 2018, cả nước có 191 kênh truyền hình trong nước, 87 kênh truyền hình nước ngoài, doanh thu của lĩnh vực truyền hình trả tiền năm 2018 ước đạt 8.000 tỷ đồng (1). Người dân có thể xem phát thanh, truyền hình ở mọi lúc, mọi nơi với những chương trình đa dạng. Về thị trường xuất bản phẩm, chưa bao giờ thị trường sách lại phong phú và đa dạng về chủ loại như hiện nay. Hình thức trình bày của sách ngày càng đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng bạn đọc trong xã hội. Thị trường các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất băng đĩa nhạc, thị trường điện ảnh, thị trường nghệ thuật tạo hình và nhiếp ảnh, dịch vụ tổ chức biểu diễn nghệ thuật, sự kiện văn hóa, thi đấu thể thao, dựng biển thương hiệu quảng cáo… phát triển rất mạnh, đã cung cấp các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, kiểu dáng. Có thể nói, thị trường làm cho các hoạt động sáng tạo, sản xuất, tiếp nhận, thưởng thức VHNT diễn ra sôi động chưa từng có, với tốc độ phát triển chóng mặt, sản phẩm văn hóa tăng lên liên tục để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Phát triển KTTT, nâng cao đời sống vật chất của người dân cũng góp phần thúc đẩy phát triển VHNT
Trong điều kiện KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, mọi người dân đều có quyền tự do sản xuất, kinh doanh, tự do làm giàu chính đáng, hợp pháp. Nguồn lực trong nhân dân được huy động tối đa vào phát triển kinh tế, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng lên. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam là gần 2.800 USD (nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì trên 3.000 USD)/ năm (2). Đời sống vật chất nâng lên, nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân cũng tăng lên, từ đó tạo ra những động lực để phát triển các hoạt động VHNT, nhất là những hoạt động văn hóa truyền thống đã ngày càng bị mai một. Trong thời kỳ đổi mới, phát triển KTTT ở Việt Nam, nhiều lễ hội truyền thống đã được phục dựng lại, qua đó góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Bởi lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến, là bảo tàng sống của văn hóa truyền thống, bao gồm trang phục, món ăn, nghệ thuật diễn xướng truyền thống, quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan. Cùng với việc phát triển kinh tế, nhiều di tích văn hóa, lịch sử của dân tộc cũng được trùng tu, tôn tạo.
KTTT thúc đẩy việc đưa các nguồn lực văn hóa vào phát triển kinh tế
Cùng với tư duy phát triển KTTT, người ta ngày càng chú ý đến việc khai thác các nguồn lực văn hóa vào phát triển kinh tế. Khi các giá trị và các di sản văn hóa được đưa vào phát triển kinh tế thì sẽ có nguồn lực tài chính để bảo tồn và phát huy các giá trị và di sản văn hóa đó. Nhiều di sản văn hóa đưa vào khai thác du lịch thì tiền thu được từ bán vé quay trở lại để bảo tồn, phục hồi các di sản văn hóa đó góp phần phát triển VHNT. Năm 2017, doanh thu từ vé tham quan di tích cố đô Huế đạt 317 tỷ đồng, gấp bốn lần so với năm 2011 (3), năm 2018 tăng lên 381,7 tỷ đồng (4). 35% tiền doanh thu từ bán vé tham quan này sẽ được trích cho ban quản lý di tích để phục vụ cho công tác trung tu, tôn tạo. Năm 2018, doanh thu từ bán vé tham quan phố cổ Hội An đạt hơn 266 tỷ đồng, 50% số tiền này dành để trùng tu, tôn tạo, phát huy di sản (5). Khi các di sản văn hóa được đưa vào phát triển kinh tế, người dân cũng như chính quyền sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn những giá trị đặc sắc của di sản. Như vậy, việc đưa các nguồn lực văn hóa vào phát triển kinh tế cũng góp phần phát triển văn hóa đất nước.
KTTT góp phần tạo nên sự thay đổi về tư duy, lối sống của con người, thang giá trị văn hóa, đã hình thành một số giá trị mới.
Sự phát triển văn hóa được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau, nhưng thể hiện tập trung nhất ở hệ giá trị phát triển. Đây cũng là bộ phận cốt lõi của “phần mềm” trong phát triển văn hóa. Mỗi quốc gia đều có hệ giá trị chung do tất cả các chủ thể, tạo nên đặc trưng của nền văn hóa quốc gia, dân tộc. Việc chuyển đổi sang phát triển KTTT đã tác động đến hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. KTTT đưa con người từ phục tùng chuyển sang tự chủ, tự lập, từ hòa tan vào cộng đồng chuyển sang tôn trọng cá nhân và bản sắc, bản lĩnh cá nhân. Quyết định theo số đông không phải là giải pháp tối ưu để có thể tồn tại trong KTTT. Do đó cá nhân, các chủ thể kinh tế phải độc lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, tự quyết định và chịu trách nhiệm. Để cạnh tranh được trong nền KTTT, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức và đơn vị, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm kiếm cái mới, không được bảo thủ, trì trệ, bằng lòng với cái sẵn có. Nền kinh tế ở nước ta là nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý bằng pháp luật của Nhà nước. Pháp luật điều chỉnh mọi mối quan hệ kinh tế trên thị trường đảm bảo quyền bình đẳng của các chủ thể, sự cạnh tranh lành mạnh cũng như đặt ra giới hạn, những yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ cho cộng đồng và mục tiêu chung (được sản xuất cái gì và không được sản xuất cái gì). Nền kinh tế này đỏi hỏi mọi cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… đều tôn trọng, tuân thủ pháp luật, các hợp đồng, điều khoản kinh tế, nếu không muốn bị đặt ngoài vòng pháp luật và bị phá sản, dần hình thành lối sống “sống và làm việc theo pháp luật”, từ đó sẽ hạn chế dần tâm lý coi thường pháp luật trong văn hóa truyền thống. Như vậy, KTTT giúp thay đổi tư duy, lối sống của con người Việt Nam, những tư duy, lối sống đã lỗi thời trong văn hóa truyền thống được thay thế bằng những tư duy, lối sống hiện đại, phù hợp hơn qua đó góp phần vào việc phát triển văn hóa Việt Nam.
2. Những tác động tiêu cực của KTTT đến phát triển VHNT
Bên cạnh những tác động tích cực thì KTTT cũng có những tác động tiêu cực đến sự phát triển VHNT ở Việt Nam, thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Xuất hiện xu hướng thương mại hóa trong hoạt động VHNT
Khi các sản phẩm văn hóa được đưa vào thị trường, người nghệ sĩ sáng tạo ra các sản phẩm đó phải có sự hài hòa giữa thực hiện thiên chức của mình là lan tỏa những giá trị nhân văn, định hướng con người phát triển theo hướng tốt đẹp với mục tiêu lợi nhuận mà mình thu được. Nếu coi các giá trị VHNT như những hàng hóa thông thường, người sáng tạo, phổ biến các giá trị đó chỉ nhằm vào mục tiêu lợi nhuận thì có nghĩa là xuất hiện xu hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa. Xu hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa do tác động tiêu cực của KTTT sẽ làm hủy hoại cả một nền văn hóa. Xu hướng này làm cho văn hóa đứng trước nguy cơ mất đi tính cao quý, thiêng liêng để trở thành những hiện tượng và hoạt động thuần túy trần tục. Chức năng, thiên chức cao quý của văn hóa chính là làm cho con người ngày càng sống có ích hơn, đẹp hơn, giúp con người hướng tới các giá trị chân – thiện – mỹ để phát triển con người một cách toàn diện như Đảng ta khẳng định: “Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (6). Tuy nhiên dưới tác động tiêu cực của KTTT chạy theo lợi nhuận mà đã xuất hiện tình trạng hoạt động văn hóa lãng quên chức năng thiêng liêng của mình. Điều này cũng đã được Đảng ta cảnh báo từ sớm khi chúng ta bước vào KTTT: “Xu hướng thương mại hóa, chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật bị suy giảm” (7). Trong hoạt động báo chí, đã xuất hiện tình trạng chạy theo lợi nhuận, dẫn tới khai thác những chủ đề vụn vặt, những mặt tối của xã hội, giật gân để câu khách, không làm tốt vai trò định hướng dư luận, tư tưởng con người theo hướng tiến bộ, thậm chí còn mở đường cho người ta làm theo cái xấu. Xuất hiện một bộ phận công chúng có tiền đang chi phối, định hướng cho sáng tác và truyền bá tác phẩm. Đã xuất hiện một số tác phẩm trần trụi, dung tục, đi sâu khai thác những thèm khát xác thịt, những mảng tối tăm, nổi loạn của cái tôi cá nhân. Loại sản phẩm ăn khách chạy theo thị hiếu thấp kém xuất hiện ngày càng nhiều như truyện sex, trinh thám, vụ án thơ tình ủy mị, phim truyện với những cảnh hở hang, gợi dục, tranh ảnh khỏa thân thấp kém, kiến trúc thị dân phô trương, lố lăng, sân khấu hài gây cười, thô tục… đang ảnh hưởng xấu đến sự phát triển VHNT của Việt Nam.
Thậm chí, dưới tác động tiêu cực của nhân tố thị trường, các hoạt động văn hóa bị các thành phần kinh tế, người tổ chức và quản lý văn hóa lợi dụng để thu lợi kinh tế chứ không nhằm mục đích nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Lễ hội ra đời là từ nhu cầu tinh thần của người dân nhằm tưởng nhớ các bậc tiên nhân có công, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, khích lệ sáng tạo, vui chơi giải trí, vươn tới chân – thiện – mỹ nhưng hiện nay ở một số nơi đang bị lợi dụng, thương mại hóa. Ví dụ như nơi thờ tự bày nhiều hòm công đức để thu tiền của người đi dự lễ hội. Ở nhiều nơi, chính quyền cho đấu thầu, bán khoán nơi dịch vụ, tận thu cho ngân sách. Một số hoạt động văn hóa tinh thần bị lợi dụng, biến tướng để trục lợi như tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ thu lợi, các dịch vụ bói toán, bốc quẻ, phán, khấn thuê với phí thu rất cao… Một số nơi xây dựng thêm chùa mới nhằm mục đích thu lợi cá nhân, như việc hơn 40 chùa giả, động rởm được dựng lên trái phép trong khu vực di tích chùa Hương từng bị xử lý…
Chạy theo mục đích kinh tế đơn thuần trong hoạt động văn hóa
Ở một số nơi, vì muốn thu hút du khách đến tham quan và lợi ích kinh tế trước mắt, một số hoạt động VHNT truyền thống đã đánh mất mình bằng việc chiều theo thị hiếu khán giả. Trong sân khấu truyền thống, có đạo diễn đưa nhiều tình tiết bạo lực, ngang trái, đề cao tính giải trí vào trong các loại hình sân khấu truyền thống như chèo, cải lương. Tác giả đạo diễn một số vở chèo đã bỏ lối cấu trúc tích truyện để đi theo kiểu kịch nói phương Tây, ngôn ngữ chủ yếu dùng văn xuôi để đối thoại, làm sai lạc phương pháp và đặc trưng ngôn ngữ chèo, diễn viên không sử dụng động tác theo lối khoa trương cách điệu của chèo, hát chèo như hát ca khúc mới, lược bỏ nguyên tắc của làn điệu chèo. Một số lễ hội đã thay đổi cải biên, biến dạng cái vốn có của lễ hội truyền thống, làm mất đi tính nguyên gốc, nguyên dạng của lễ hội. Có nơi để thu hút du khách, một số vở chèo đã khai thác thái quá những cái mới, cái lạ của lễ hội mà bỏ qua những ý nghĩa nhân văn nguyên bản. Ví dụ như tục chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh là nghi thức của cư dân nông nghiệp, tổ chức nghi lễ riêng biệt, kín đáo nhưng gần đây được làm quá lên với lưỡi dao thật to, máu me be bét khiến một số tổ chức bảo vệ động vật quốc tế phải lên tiếng phản đối…
Đảo lộn hệ giá trị của văn hóa, con người Việt Nam
Giá trị tư tưởng, đạo đức, lối sống là bộ phận quan trọng nhất của văn hóa. Tuy nhiên, mặt trái của KTTT đang tác động tiêu cực đến hệ giá trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam. Điều này đã được Đảng ta sớm nhận thức trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng: “KTTT với sức mạnh tự phát ghê gớm của nó đã khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chỉ coi trọng giá trị vật chất mà coi nhẹ giá trị tinh thần, chỉ chú ý lợi ích cá nhân mà coi nhẹ lợi ích cộng đồng, chỉ chú ý lợi ích trước mắt mà coi nhẹ lợi ích cơ bản lâu dài… Những điều đó tác động tiêu cực đến đời sống con người, là nguyên nhân của những tiêu cực trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống”(8). KTTT kích thích chủ nghĩa cá nhân thực dụng, đề cao những giá trị vật chất đã tác động đến sự chuyển đổi thang gia trị ở Việt Nam từ chỗ coi trọng các giá trị chính trị xã hội chạy sang giá trị kinh tế, vật chất, từ chỗ lấy con người xã hội tập thể làm mẫu sang con người cá nhân, thậm chí cá nhân chủ nghĩa, từ chỗ coi trọng lối sống lành mạnh, giản dị đến chỗ xa hoa, lãng phí, phô trường, thậm chí là đồi trụy ở một số người. Từ việc nhấn mạnh, đề cao thái quá những giá trị vật chất, cá nhân đã dẫn đến những hành vi phi đạo đức, phản văn hóa, phản nhân văn, xuống cấp đạo đức xã hội, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống như Đảng ta khẳng định có những biểu hiện ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn. Lối sống cá nhân có dịp phát triển, sống vì mình quên người, vì lợi bỏ nghĩa có nguy cơ lan rộng. Vì tiền, vì cá nhân mà người ta sẵn sàng làm những việc phi nhân tính chà đạp lên hạnh phúc con người như hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, tham nhũng, vơ vét tài sản thậm chí cả trong chính sách xã hội vì người nghèo. Vì lợi ích cá nhân, một số doanh nghiệp quên đi lợi ích cộng đồng trốn thuế, gian lận thuế, xả thải ra môi trường không đúng quy chuẩn, bóc lột sức lao động của người lao động. Vì lợi ích cá nhân mà người ta sẵn sàng lừa thày, phản bạn. Quan hệ giữa người với người bị chi phối bởi lợi ích vật chất, chứ không phải xuất phát từ tình cảm chân thật, thậm chí ngay cả quan hệ trong gia đình. Đây có lẽ là tác động tiêu cực nhất của KTTT đến sự phát triển văn hóa Việt Nam bởi mục đích cao cả của văn hóa là tác động đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức, lối sống của con người theo hướng chân – thiện – mỹ.
3. Những định hướng phát triển VHNT Việt Nam trong bối cảnh KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa
Để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực của KTTT đến sự phát triển VHNT của nước ta thì cần chú ý một số định hướng sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt chính sách kinh tế trong văn hóa. KTTT có những tác động tích cực đến phát triển VHNT cần phát huy tác động tích cực đó bằng thực hiện có hiệu quả các chính sách kinh tế trong văn hóa. Nhà nước cần đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế trong văn hóa để giải phóng, huy động mọi nguồn lực, sức sáng tạo của toàn xã hội, người dân vào phát triển văn hóa; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa, khai thác các nguồn lực văn hóa vào phát triển kinh tế để hình thành một thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú.
Thứ hai, để tránh những tác động tiêu cực, giúp VHNT phát triển lành mạnh, chúng ta phải chống lại xu hướng thương mại hóa các hoạt động VHNT, đó thực chất là sự trả về cho VHNT những giá trị đích thực của nó, để sự sáng tạo, phổ biến các giá trị không bị biến dạng thành hoạt động làm tiền. Muốn vậy, phải đảm bảo cho văn nghệ sĩ có đời sống vật chất đầy đủ, yên tâm cống hiến. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, giúp họ ý thức hơn về thiên chức, trách nhiệm của mình để những sáng tác của họ thực hiện đúng chức năng xây dựng, bồi dưỡng con người Việt Nam đẹp về trí tuệ, tâm hồn, nhân cách.
Thứ ba, để chống xu hướng thương mại hóa, đầu cơ trục lợi văn hóa, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động quản lý đặc biệt là thanh, kiểm tra để những biểu hiện này trên thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, Nhà nước cũng cần quản lý tốt các hoạt động văn hóa truyền thống để không làm biến dạng các hoạt động này.
Thứ tư, trong bối cảnh KTTT, nghệ sĩ sáng tạo VHNT theo nhu cầu thị trường. Bởi vậy, nhu cầu, thị hiếu của người dân lành mạnh thì sẽ định hướng tốt cho sự phát triển của VHNT. Vì vậy, cần đẩy mạnh giáo dục thị hiếu văn hóa lành mạnh cho người dân. Để chống lại tác động tiêu cực của KTTT đến tư tưởng, đạo đức, lối sống cần xây dựng lối sống vừa kế thừa mặt tích cực của truyền thống, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại như tôn trọng cộng đồng trên cơ sở khẳng định cá nhân, lối sống tình nghĩa trên nền tảng pháp lý, pháp luật…
KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. KTTT là một tất yếu và có cả tác động tích cực, tiêu cực. Thực tế VHNT Việt Nam có sự phát triển như hôm nay là do chúng ta đã cởi trói được cơ chế, phát triển mạnh KTTT. Chúng ta đã lường trước những tác động tiêu cực nhưng chưa có cơ chế hữu hiệu để ngăn chặn đòi hỏi càng đi sâu vào KTTT, càng cần phải tìm kiếm các giải pháp đột phá, hiệu quả.
_______________
1. Năm 2018, doanh thu truyền hình trả tiền đạt 8.000 tỷ đồng, ictnews.vietnamnet.vn, 20-1-2019.
2. Đức Tuân, Kinh tế-xã hội Việt Nam 2019, nhiều “nghịch lý” đã thay đổi, baochinhphu.vn, 30-12-2019.
3. Đại Dương, Doanh thu từ bán vé tham quan di tích Huế tăng gấp 4 lần trong 7 năm, dantri.com.vn, 1-1-2018.
4. Thùy An, Nguồn thu từ vé tham quan di sản Huế đạt hơn 381 tỉ đồng, baovanhoa.vn, 2-1-2019.
5. Trần Thường – Minh Chiến, Nguồn tiền bán vé tham quan di sản, di tích: Tỉnh muốn giữ lại, bộ bảo phải nộp!, nld.com.vn, 15-10-2019.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr.114.
7. Đảng Cộng sản Viện Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1988, tr.48.
8. Đảng Cộng sản Viện Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1988, tr.40.
Tài liệu thảm khảo:
1. Nguyễn Văn Bính, Thương mại hóa và văn hóa, Tạp chí Lý luận chính trị, số tháng 10-2013.
2. Dương Phú Hiệp, Nguyễn Huy Dũng, Những thay đổi về văn hóa, xã hội trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường ở một số nước châu Á, Nxb Khoa học Xã hội, 1998
3. Phùng Hữu Phú (chủ biên), Phát triển văn hóa – sức mạnh nội sinh của dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
Tác giả: Nguyễn Tiến Thư
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng