Tầm quan trọng của việc xây dựng lối sống cho sinh viên hiện nay

Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thanh niên, sinh viên cũng là lực lượng xã hội quan trọng, một trong những nhân tố quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước. Là một bộ phận tinh túy, quan trọng trong thanh niên Việt Nam, sinh viên là lực lượng kế tục, phát huy nguồn trí tuệ nước nhà, lực lượng tiên phong trong thời đại kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, đóng vai trò then chốt trong phát triển đất nước, là lớp người đang trong quá trình khẳng định tài năng, hoàn thiện nhân cách, lối sống của mình. Vì vậy, xây dựng lối sống, bản lĩnh chính trị cho sinh viên có tầm quan trọng vô cùng to lớn.

Xây dựng lối sống (XDLS) là quá trình tác động của chủ thể đến đối tượng nhằm định hình, hoàn thiện những nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực trong lối sống, phù hợp với yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước. Từ đó, mỗi người có thể tự đánh giá, điều chỉnh hành vi, lối sống của mình, hướng tới quá trình hiện thực của xã hội, để mỗi cá nhân vừa mang tính dân tộc hiện đại, vừa hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Lối sống mà chúng ta mong muốn xây dựng cho sinh viên nói riêng, mỗi người dân Việt Nam nói chung, đó là lối sống có tính dân tộc, hiện đại, nhân văn, gắn liền với quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Lối sống của sinh viên là phương thức hoạt động đặc trưng của sinh viên, thể hiện ở sự lựa chọn các hoạt động, cách thức thực hiện các hoạt động đó. Trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay, lối sống sinh viên bao gồm tất cả các mặt hoạt động của sinh viên, từ học tập đến sinh hoạt cá nhân, từ quan niệm sống, định hướng giá trị đến hành vi ứng xử hàng ngày, trong quan hệ giữa người với người của sinh viên. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, việc XDLS cho sinh viên Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt mang ý nghĩa chiến lược, bởi các lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, lối sống vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, hoàn thiện con người nói chung, sinh viên nói riêng. Nền kinh tế thị trường (KTTT) với những quy luật kinh tế khách quan phức tạp đang tạo ra những hiệu ứng nhất định về đạo đức, xã hội. Hiện nay, các chủ thể kinh tế coi hiệu quả, lợi nhuận là mối quan tâm hàng đầu. Do đó, có thể sẵn sàng gạt bỏ mọi quy phạm đạo đức, chỉ tôn thờ duy nhất một thứ – đồng tiền. KTTT vừa là nguyên nhân, vừa là điều kiện dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội một cách nhanh chóng. Đồng thời, những bất công, bất bình đẳng trong xã hội vì thế có cơ hội, điều kiện sinh sôi, nảy nở. Thực tế đó, có thể dẫn đến kết cục ngoài mong muốn như: sự suy thoái về mọi mặt của đời sống xã hội, không chỉ về đạo đức, lối sống mà cả về kinh tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các hành vi trái đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật. Trong điều kiện ấy, lối sống càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, hoàn thiện con người nói chung, sinh viên nói riêng. Điều đó được thể hiện trên các phương diện sau đây:

Lối sống góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy, định hướng nền kinh tế phát triển lành mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề cho sự phát triển xã hội, hoàn thiện con người nói chung, sinh viên nói riêng. Lối sống chịu sự tác động, ảnh hưởng quyết định của kinh tế, đồng thời, lối sống tác động mạnh mẽ đến kinh tế như một sức mạnh được vật chất hóa.

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế thị trường, XDLS trở thành một giải pháp cơ bản nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lành mạnh của nền kinh tế, khắc phục tình trạng phát triển thuần kinh tế nhưng lệch chuẩn về đạo đức, tăng trưởng về kinh tế nhưng sa sút về đạo đức xã hội như đã nói ở trên. Một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng lối sống là sự thống nhất cao giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng và tiến bộ xã hội, từng bước khắc phục những tác động tiêu cực của KTTT đối với đời sống đạo đức, lối sống xã hội nói chung, sinh viên nói riêng.

Lối sống góp phần hiện thực hóa mục tiêu chính trị của Đảng ta, củng cố, giữ gìn sự ổn định của chế độ chính trị, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển xã hội, hoàn thiện con người. Sự ổn định về chính trị sẽ là điều kiện quan trọng cho sự phát triển vững chắc về kinh tế, văn hóa, xã hội. KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa – cơ sở của một xã hội dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển của cá nhân, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của con người có phát triển vững mạnh và bền chắc hay không, chủ yếu phục thuộc ở việc chúng ta có xây dựng được những con người mới với tư tưởng, lối sống, tác phong xã hội chủ nghĩa hay không.

Thứ hai, XDLS góp phần miễn dịch cho toàn xã hội, đặc biệt là thanh niên, sinh viên trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang là mục tiêu phá hoại của các thế lực thù địch. Thực hiện âm mưu này, chúng chủ trương tiến hành nhiều hoạt động nhằm làm tha hóa chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên. Chúng muốn biến thanh niên, sinh viên thành những kẻ ích kỷ, thực dụng, chạy theo những lợi ích vật chất tầm thường, phai nhạt dần lý tưởng cách mạng, quay lưng với truyền thống, mất gốc, lai căng… Vì vậy, bên cạnh việc phát triển kinh tế, chúng ta phải quan tâm đến công tác tư tưởng, văn hóa, tạo môi trường xã hội lành mạnh, XDLS, con người mới, trong đó XDLS cho sinh viên mang ý nghĩa đặc biệt.

Thứ ba, XDLS xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của chính sinh viên trong giai đoạn hiện nay. Thanh niên, sinh viên là lực lượng đặc biệt của xã hội, là tương lai của đất nước. Sự nghiệp xây dựng CNXH có thành công hay không, phần lớn do lực lượng này quyết định. Hiểu được tầm quan trọng đó, C.Mác và Ph.Ăngghen luôn gắn thanh niên, sinh viên với giai cấp công nhân và Đảng cộng sản, C.Mác cho rằng tương lai của cả loài người hoàn toàn tùy thuộc vào việc giáo dục thế hệ công nhân đang lớn. Còn V.I.Lênin thì coi thanh niên là nguồn sinh lực chiến đấu của cách mạng, muốn xã hội loài người tiến lên cao hơn, thoát khỏi áp bức bóc lột thì phải có thế hệ thanh niên là những người đã bắt đầu trở thành những người giác ngộ, trong một hoàn cảnh đấu tranh có kỷ luật và quyết liệt chống lại giai cấp tư sản.

Trên cơ sở kế thừa tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã phát triển đầy sáng tạo, đánh giá một cách toàn diện, đúng đắn về thanh niên. Ngay từ thời kỳ đầu cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã thấy rõ vị trí, vai trò của lực lượng này đối với vận mệnh dân tộc, với việc thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người cho rằng, muốn thức tỉnh dân tộc trước hết phải thức tỉnh thanh niên. Bởi Bác hiểu rõ, tương lai, tiền đồ của dân tộc, sự thắng lợi của cách mạng phần lớn tùy thuộc vào việc tin thanh niên, hiểu thanh niên, bồi dưỡng giáo dục, dìu dắt họ, đặc biệt dám trao cho họ những trách nhiệm xứng đáng. Đánh giá cao vai trò và tiềm năng to lớn của thanh niên, Hồ Chí Minh khẳng định: thanh niên là bộ phận quan trọng, tốt đẹp nhất, to lớn nhất và hy vọng nhất của dân tộc. Đồng thời, chỉ rõ, thanh niên ta có vinh dự to lớn thì phải có trách nhiệm lớn. Thanh niên phải là lớp người chịu trách nhiệm tiếp sức cách mạng cho thế hệ cha anh và là người phụ trách, dìu dắt thiếu niên nhi đồng. Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà. Muốn làm được điều đó, thanh niên phải học tập hăng say, rèn luyện mọi mặt, lao động sáng tạo và siêng năng làm việc. Người luôn luôn theo dõi, nhắc nhở thế hệ trẻ phải kiên quyết đấu tranh, khắc phục những nhược điểm như thiếu thực tế, chủ quan, chuộng hình thức… làm việc gì cũng phải thiết thực, nói được làm được, lời nói đi đôi với việc làm, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ dễ đến khó…

Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt thanh niên, trong đó có sinh viên vào vị trí quan trọng hàng đầu. Điều này đã được Đảng ta nhấn mạnh tại Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008 BCHTW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ mới: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng CNXH. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước” (1).

Cùng với sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, thanh niên, sinh viên đang tích cực tham gia hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là các chính sách về giáo dục, đào tạo, chính sách kinh tế. Họ trở thành những người tiên phong, mũi nhọn đột phá ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mới đầy khó khăn, thử thách. Với sự nỗ lực hết mình, thanh niên đã gặt hái được nhiều thành công về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội… đóng góp không nhỏ vào thành quả chung của nhân dân cả nước, tạo nên những thắng lợi bước đầu to lớn của sự nghiệp đổi mới đất nước. Rất nhiều tấm gương sinh viên vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, của cơ chế thị trường vươn lên làm chủ cuộc sống, trở thành những người có trình độ học vấn cao, doanh nhân thành đạt hay nhà quản lý tài năng… Chúng ta có thể nhận thấy sự nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của sinh viên ngày nay hơn thế hệ cha ông họ trước đây rất nhiều, đặc biệt là trong hoạt động kinh tế, kinh doanh hay sáng tạo khoa học… Đánh giá cao trước những biểu hiện tích cực ấy, Đảng ta khẳng định: “Một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước là đã xây dựng được thế hệ thanh niên thời kỳ mới có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN; không ngại khó khăn, gian khổ, tình nguyện với cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú, môi trường sống an toàn…” (2).

Tuy nhiên, vốn mang trong mình những quy tắc sòng phẳng, khắc nghiệt, thậm chí lạnh lùng, tàn bạo, KTTT có thể tạo ra những nghịch lý đáng buồn, nếu không được định hướng, điều chỉnh kịp thời, sáng suốt, có thể làm cho đạo đức, văn hóa, lối sống xã hội suy thoái nghiêm trọng. Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nền KTTT thực sự đã tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu của chúng ta, tạo ra cơ hội đổi đời cho không ít số phận, mang tới cho sinh viên vô vàn những thông tin đa chiều, đa diện, chân thực nhiều, giả dối cũng không ít… đòi hỏi thanh niên phải có thái độ ứng xử, hành động đúng vì lợi ích chung.

Thực tế cho thấy, do nhận thức và định hướng chưa đúng đắn, nhiều bạn trẻ đã có những biểu hiện thật đáng lo ngại. Đó là tình trạng quá coi trọng lợi ích kinh tế, chạy theo đồng tiền, sống vị kỷ, đua đòi, buông thả, hưởng lạc… dẫn đến vi phạm pháp luật và các chuẩn mực, giá trị xã hội. Một bộ phận thanh niên, sinh viên có thái độ trông chờ, ỷ lại, không nỗ lực phấn đấu mà đòi hỏi sự ưu ái của xã hội, hoặc thờ ơ, bàng quan trước đời sống chính trị, ngại tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội. Đó chính là những biểu hiện của sự mất phương hướng, mất niềm tin, sống không có lý tưởng, quay lưng với truyền thống, đi ngược lại con đường mà toàn Đảng, toàn dân ta đã lựa chọn. Vì vậy, việc giáo dục đạo đức trong XDLS cho thanh niên (trong đó có sinh viên) hiện nay là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.

XDLS cho sinh viên vừa là một phương thức nhằm chuyển tải, lưu giữ các giá trị truyền thống dân tộc, vừa kế thừa, bổ sung, phát triển các giá trị ấy trong điều kiện mới của dân tộc, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đổi mới phát triển đất nước. Do đó, XDLS không phải là công việc của một cá nhân, một tổ chức, mà là mục tiêu cả của dân tộc. Chúng ta cần có chiến lược, những giải pháp tích cực, khoa học nhằm thúc đẩy việc XDLS cho sinh viên hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi của xã hội, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và nhu cầu của chính sinh viên. Từ đó sẽ phát huy tối đa sức mạnh của các giá trị truyền thống dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để sinh viên đủ trí tuệ, bản lĩnh tiếp nhận và chuyển hóa các giá trị truyền thống dân tộc cũng như tinh hoa của nhân loại trong XDLS cho bản thân, giúp sinh viên khẳng định được giá trị của bản thân, phấn đấu vì tương lai tươi sáng của đất nước.

_____________

1, 2. www.dangcongsan.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018

Tác giả : TẠ THỊ THANH HÀ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *