Không gian thư viện tác động qua lại đến phương pháp giảng dạy của cơ sở giáo dục đại học. Các thư viện đại học tổ chức lại không gian thư viện hoặc xây dựng thư viện mới phải dựa trên yêu cầu của hoạt động giảng dạy và phương pháp học tập của sinh viên theo từng giai đoạn cụ thể. Cùng với việc khan hiếm thông tin rồi bùng nổ thông tin đã thúc đẩy việc hình thành và chuyển đổi các mô hình thiết kế không gian thư viện trong lịch sử. Trong mỗi giai đoạn người làm thư viện cần xác định lại các tòa nhà và không gian của thư viện đại học để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người sử dụng (NSD).
Trong nhiều thập kỷ, qua khái niệm không gian thư viện chỉ được hiểu là một vấn đề kiến trúc và thực tiễn trong khoa học thông tin – thư viện (TTTV). Nhận thức về không gian thư viện gắn liền với sự thay đổi nhận thức về vai trò của thư viện, vào TK XIX, thư viện được coi là một nơi chứa sách, không gian để đọc, tư vấn tài liệu tham khảo, các khu vực dịch vụ cho mượn tài liệu và văn phòng làm việc cho nhân viên. Những thay đổi về xã hội và công nghệ thông tin đã khiến nhân viên thư viện và các nhà nghiên cứu bắt đầu nghĩ về vai trò tương lai của thư viện. Quá trình này không chỉ thay đổi nhận thức về các chức năng của không gian thư viện mà còn là cách tiếp cận mới về vai trò của không gian thư viện trong cộng đồng và cho từng cá nhân. Điều này quan trọng không chỉ đối với vai trò của các thư viện liên quan đến quyền công dân, mà còn cho sự sống còn của chính các thư viện (1). Cùng với đó, ở mỗi thời điểm khác nhau, khi sự quan tâm của người làm thư viện tập trung vào sách, vào tòa nhà hay vào chính đối tượng NSD mà họ hướng tới phục vụ đã ảnh hưởng tới cách họ thiết kế, bố trí không gian thư viện và tạo nên các xu hướng tổ chức không gian trong lịch sử cho đến ngày nay.
1. Tầm quan trọng của không gian thư viện đại học
Cách tiếp cận hiện tại đang được coi là chuẩn mực về không gian thư viện. Đó là có một sự tập trung đặc biệt vào khái niệm Library as third place -“nơi thứ ba” ngoài nhà ở và nơi làm việc hoặc học tập và thư viện trường đại học như một không gian học tập, trải nghiệm.
Đối với sinh viên
Không gian đóng một vai trò quan trọng giúp thư viện thực hiện nhiệm vụ lấy NSD làm trung tâm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thư viện trong khuôn viên trường là một nơi thứ ba, là một tổ chức ở giữa và chuyển tiếp giữa ký túc xá và nơi học tập hay làm việc. Sinh viên trong lớp học hay ký túc xá thường bị gò bó trong một khuôn khổ không gian nhất định. Vì vậy, thư viện trở thành nơi định hình hành vi học tập và trợ giúp sinh viên để họ đạt được mục tiêu học tập của mình. Việc định hình, tổ chức và thiết kế có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc, năng suất làm việc và ý thức cộng đồng. Không gian cần được thiết kế phù hợp với sự đa dạng các hoạt động mà NSD muốn tham gia trong môi trường học tập thư viện thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng, sử dụng truyền thông xã hội và áp dụng nhiều phương pháp học tập khác nhau.
Sinh viên ngày nay có thể chọn một loạt các hoạt động để thiết lập cuộc sống hằng ngày cho phù hợp với nhu cầu và sở thích của họ, từ những hoạt động độc lập, theo nhóm đến tham gia vào các sự kiện lớn của cộng đồng. Để hỗ trợ công việc học tập và khám phá kiến thức của sinh viên, thư viện cần là một phần của các hoạt động này bằng cách cung cấp các dịch vụ, hoạt động và chương trình, tạo hiệu quả không gian thư viện nơi những điều này có thể thực hiện và nơi sinh viên gặt hái được nhiều lợi ích nhất là mục tiêu quan trọng của thư viện (2).
Tác giả Geoffrey T. Freeman, người có nhiều nghiên cứu và sản phẩm khoa học liên quan đến không gian thư viện, ông nhận định rằng: “Thư viện là nơi duy nhất tập trung thông tin mới và công nghệ có thể được kết hợp với kiến thức truyền thống tài nguyên tập trung vào người dùng, môi trường giàu dịch vụ hỗ trợ xã hội ngày nay và mô hình giáo dục học tập, giảng dạy và nghiên cứu” và “Hiện nay giảng viên mong đợi sinh viên của họ sử dụng thời gian của mình trong thư viện suy nghĩ phân tích, thay vì chỉ đơn giản là tìm kiếm thông tin” (3).
Với một bộ phận không nhỏ sinh viên, bên cạnh việc đến thư viện để tìm kiếm thông tin còn có nhu cầu được hòa nhập với môi trường nghiên cứu, khoa học và hòa nhập với cộng đồng, môi trường và cộng đồng đó, có thể sẽ là yếu tố để hình thành và bồi đắp những bản năng, nhân cách tích cực. Để đáp ứng được nhu cầu đó, không gian trong thư viện đại học phải mang tính mới mẻ, phong cách năng động và có bản sắc riêng, biến thư viện trở thành môi trường sư phạm mới, đem đến cho sinh viên khả năng tương tác và hợp tác cao trong nghiên cứu và học tập. Việc giải quyết vấn đề không gian trong thư viện hiện đại cần có giải pháp hài hòa giữa công nghệ thông tin và tri thức truyền thống. Làm sao để không gian trong thư viện vừa mang tính hiện đại, vừa tôn trọng và gìn giữ những giá trị truyền thống. Sinh viên đến với thư viện với mong muốn được hưởng lợi từ các phát minh công nghệ cao và từ các tri thức tổng hợp của nhân loại (4).
Không gian Thư viện đại học là điểm kết nối giữa nguồn thông tin của xã hội và nhu cầu thông tin của sinh viên. Sinh viên trong các trường đại học hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức mang tính thời đại. Xã hội thông tin đang sản xuất ra một khối lượng thông tin lớn với một tốc độ rất nhanh. Mặt khác, sinh viên trong xã hội thông tin rất cần thông tin phục vụ cho nhiệm vụ học tập, nghiên cứu của mình. Yêu cầu về khối lượng, phạm vi và chất lượng thông tin của sinh viên cũng gia tăng nhanh chóng. Các thư viện đại học phải trở cầu nối giữa nguồn thông tin và nhu cầu thông tin của sinh viên.
Đối với người làm thư viện
Không gian thư viện là nơi nhân viên thư viện làm việc với nguồn thông tin, nơi họ giao tiếp, hướng dẫn, phục vụ NSD. Không gian thư viện với những trang thiết bị, nội thất được xem là cầu nối giữa nhân viên thư viện với nguồn tài nguyên, là phương tiện, công cụ hỗ trợ giúp họ giải quyết nhanh chóng các khâu công tác trong chu trình xử lý nghiệp vụ tài liệu thư viện. Không gian thư viện đúng tiêu chuẩn, quy cách, thuận tiện cho nhân viên trong việc vận chuyển tài liệu, đơn giản hóa chu trình hoạt động, phục vụ NSD được nhanh chóng, hiệu quả nhất. Kết cấu sàn, nhà, trọng tải sàn, diện tích, ảnh hưởng lớn tới quá trình làm việc, năng suất lao động của nhân viên. Ngược lại, những không gian không đạt tiêu chuẩn sẽ gây khó khăn cho nhân viên thư viện trong việc bố trí khu vực làm việc và tổ chức không gian để phục vụ.
Môi trường làm việc bên trong thư viện có đủ ánh sáng, thoáng mát, sạch sẽ, đẹp mắt giúp nhân viên tập trung, sáng tạo, lao động đạt năng suất, chất lượng. Ngược lại, môi trường thư viện không đảm bảo như thiếu ánh sáng, lưu thông không khí ít, ồn ào, ô nhiễm khiến cho nhân viên có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, phân tán suy nghĩ, giảm hiệu suất lao động.
Bố trí khu vực ngồi làm việc nhân viên tại những vị trí thuận lợi, cung cấp trang thiết bị phù hợp, đúng kích cỡ, đúng tiêu chuẩn chất lượng tạo điều kiện cho nhân viên thư viện tiến hành công việc dễ dàng, nhanh chóng, làm việc đạt năng suất, chất lượng.
Không gian thư viện góp phần cải tiến nội dung chương trình giảng dạy
Sách giáo khoa và giáo trình chỉ là các khung cơ bản của nội dung chương trình đào tạo, tài liệu phong phú đa dạng trong thư viện mới thật sự đóng góp cho những tư duy, tri thức được đặt thành vấn đề để đem ra nghiên cứu thảo luận, so sánh, phê bình, đánh giá; mang đến nhận định riêng cho người học. Như vậy, thư viện đại học đã làm thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập ở trường đại học. Thay vì thầy lên lớp thuyết trình kiến thức, học trò lắng nghe, ghi chép, cố nhớ, lập lại và chứng tỏ cái nhớ, hiểu của mình qua các kỳ thi, thì ở đây người thầy trong lớp học chỉ nêu vấn đề mà học trò cần tìm hiểu và chỉ ra những nguồn tài liệu mà sinh viên có thể dùng để nghiên cứu tham khảo. Sinh viên phải tự đến thư viện tìm tài liệu liên quan đến vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận. Thư viện có đầy đủ sách, báo, tài liệu điện tử về mọi lĩnh vực tri thức trong chương trình đào tạo của nhà trường. Những điều sinh viên phát kiến, tìm tòi được sẽ khắc sâu vào tâm trí, vì đó là những điều họ tự tìm ra chứ không phải là những điều mà họ phải cố nhớ. Qua đó, sinh viên sẽ tự rèn luyện cho mình một phương pháp học tập, khảo sát vấn đề. Đó là hình ảnh sống động của lớp học theo tín chỉ mà sự đóng góp của thư viện đại học cho lớp học này là không thể chối bỏ được (5).
Không gian thư viện tạo “thương hiệu” của thư viện trường đại học
Không gian thư viện đại học không chỉ mang lại cho sinh viên một môi trường học tập lý tưởng mà không ít thư viện với thiết kế không gian độc đáo, với những kiến trúc tạo điểm nhấn tạo nên “thương hiệu” của thư viện trường đại học đó khi người ta nhìn thấy hoặc nhắc đến kiểu thiết kế kiến trúc của nó.
Các chuyên gia thiết kế, nhân viên thư viện đã rất thấu cảm trong cách nắm bắt xu hướng kiến trúc hiện đại kết hợp với tính cách của NSD để biến một nơi vốn khô khan như thư viện thành một không gian giàu cảm hứng, nhiệt huyết và có cả “chất thơ” khi bất kỳ góc nhỏ nào trong thư viện cũng trở thành một nơi để NSD hòa mình vào dòng chảy kiến thức hay đắm mình vào những không gian thư giãn. Thư viện không chỉ là nơi học tập, nghiên cứu, thư giãn, còn là nơi tạo nên những bức hình có giá trị marketing lớn cho trường đại học.
2. Xu hướng mô hình không gian thư viện đại học
Trong thập kỷ qua, “học tập” đã chiếm một vị trí nổi bật trong các cuộc thảo luận về thư viện đại học. Tuy nhiên, nó chỉ trở nên thông dụng vào cuối những năm 80 TK trước vì trước đây học tập không phải là mối quan tâm chính của người làm thư viện. Các tài liệu cung cấp các thuật ngữ như trung tâm học tập, không gian học tập, thông tin chung, học tập chung và không gian hợp tác. Tuy nhiên, chúng có giống nhau không? Nếu không, sự khác biệt chính của chúng là gì và làm thế nào để những khái niệm này có thể ảnh hưởng đến quy hoạch không gian. Các nhà nghiên cứu đã đi sâu nghiên cứu lịch sử của các tòa nhà thư viện, cụ thể hơn là vai trò của cấu trúc và không gian thư viện.
Mô hình kệ sách
Những năm 50 của TK XX, tính chất cố định của các tòa nhà thư viện đại học đã chiếm ưu thế trong khuôn viên trường đại học. Trước Thế chiến thứ hai, các tòa nhà này được xây dựng để mang các bộ sưu tập sách trong nhiều kệ sách. Điều này tạo ra sự tách biệt giữa các khu vực ngồi đọc và khu vực kệ sách. Tuy nhiên, vào đầu những năm 60, không hài lòng với vẻ ngoài đơn giản và nhàm chán của kệ sách đã có, những người làm thư viện bắt đầu áp dụng phong cách kiến trúc mềm dẻo hơn. NSD không còn bị giới hạn trong các phòng đọc đồ sộ với cấu trúc sàn không thể đỡ được trọng lượng của sách họ muốn tham khảo. NSD bây giờ đã có quyền truy cập trực tiếp vào sách trên kệ mở. Trong ít nhất hai thập kỷ nữa, mô hình này sẽ phục vụ cho các bộ sưu tập in ấn. Chức năng cố định và xây dựng thư viện đại học được thiết kế theo mô-đun vào đầu những năm 80, đã lên kế hoạch cho không gian của thư viện theo kích thước của bộ sưu tập thu thập và dự kiến mua hằng năm trong tương lai. Khi các bộ sưu tập in phát triển, các kệ sách đã thay thế ngẫu nhiên không gian NSD, ẩn các dịch vụ chính phía sau giá sách khiến cho việc sắp xếp thư viện không hợp lý. Có rất ít không gian làm việc cho NSD, không triệt để tích hợp công nghệ vào tòa nhà và không có không gian lớp học điện tử.
Trong suốt TK XX, không gian làm việc của nhân viên, nơi trưng bày, lưu lượng giao thông, kho lưu trữ bộ sưu tập và truy cập là mối quan tâm chính của thư viện trong lập kế hoạch và thiết kế không gian thư viện đại học. Trong nhiều thập kỷ, nhân viên thư viện đại học coi các tòa nhà thư viện như là nơi truy cập thông tin chính. Điều này đã thúc đẩy người làm thư viện và kiến trúc sư thiết kế thư viện chỉ để lưu trữ hiệu quả bộ sưu tập thay vì tập trung phục vụ nhu cầu của sinh viên. Do sự phát triển của công nghệ, mô hình hiện tại đang được thay thế bởi một mô hình tập trung vào học tập. Trong đó, NSD thư viện vẫn giữ vị trí quan trọng, thư viện đã chuyển sự chú ý của mình tới NSD và nhu cầu của họ.
Mô hình mới, thường được gọi là thông tin chung, có 4 tính năng cơ bản: công nghệ trong nhiều hình thức của nó; không gian cho công việc nhóm; phương tiện kỹ thuật số và bộ sưu tập trực tuyến; khả năng truy cập của cá nhân viên thư viện và chuyên gia công nghệ (6).
Không gian thông tin chung
Mục lục tra cứu thủ công đã được thay thế bởi các trạm máy tính trong những năm 80. Năm 1990, world wide web được giới thiệu với thế giới bởi một nhà khoa học máy tính người Anh tên Berners-Lee và một cuộc cách mạng trong các thư viện đã bắt đầu. Người dùng có thể truy cập tài nguyên thư viện từ mọi nơi: nhà ở, văn phòng làm việc hay ký túc xá đại học. Điều này đã thay đổi hệ sinh thái thông tin của NSD. Nhiều người còn tiên tri sự kết thúc của các thư viện đại học. Hickerson, người có hiểu biết sâu sắc đã tuyên bố rằng, vào thời điểm khủng hoảng qua đi, không gian thông tin chung đã được tổ chức tốt (7). Năm 1992, Trường Đại học Iowa tích hợp công nghệ vào một thư viện đại học để sinh viên có thể làm việc tích cực hơn trong truy cập, thu thập, tổ chức, phân tích, quản lý, tạo, ghi và truyền thông tin. Năm 1994, Đại học Nam California đã xây dựng một không gian thông tin chung hoạt động 24 giờ. Sau đó các thư viện trường đại học khác cũng nhanh chóng làm theo mô hình này. Không gian công nghệ cao, chất lượng cao được hỗ trợ bởi chuyên gia kỹ thuật và trí tuệ với một chất lượng dịch vụ tốt. Các thư viện đại học chuyển sang một không gian thông tin chung tiếp cận các dịch vụ tham khảo thư viện.
Kể từ khi hình thành, khái niệm thông tin chung đã bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của world wide web, những tiến bộ trong công nghệ máy tính, sự phổ biến của phương tiện truyền thông xã hội, thay đổi phương pháp sư phạm và phương pháp triết lý.
Không có điểm chung về định nghĩa thông tin chung giữa những người làm thư viện trong các cơ quan TTTV khác nhau. Theo tác giả Donald Beagle, một trong những tác giả đề cập đến khái niệm này đầu tiên thì không gian thông tin là “một cụm các điểm truy cập mạng và những công cụ công nghệ thông tin đi kèm cùng với các nguồn tài nguyên vật lý, kỹ thuật số, nhân lực và xã hội được tổ chức để hỗ trợ việc học tập” (8). Mac Whinne nhấn mạnh nó là một nơi trong thư viện kết hợp công nghệ và dịch vụ tham khảo. Bennett đồng quan điểm với MacWhinnne nhấn mạnh sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số kết hợp tài nguyên thông tin lại với nhau (9). Theo Roberts, thông tin chung đơn giản là một cổng thông tin trực tuyến cho NSD thư viện tìm hiểu về kiến thức thông tin hoặc dịch vụ thư viện giống như trang web. Nó cũng có thể là một cụm các máy tính trong thư viện có quyền truy cập vào danh mục trực tuyến của các cơ sở dữ liệu điện tử (10). Có thể nói rằng, trong môi trường thông tin chung, tài nguyên của nó được tổ chức để hỗ trợ cho việc học tập và đó là một trung tâm đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng đại học.
Quy mô của các dịch vụ được cung cấp bởi không gian thông tin chung rất rộng. Các thư viện cung cấp một số lượng lớn các dịch vụ khác nhau, những dịch vụ phổ biến nhất: phần mềm quản lý thông tin, phần mềm đa phương tiện, studio đa phương tiện mở rộng sự hỗ trợ, tư vấn nghiên cứu, chuẩn bị bài thuyết trình, máy quét, in màu, môi trường số, không gian học tập hợp tác, các buổi học cá nhân cho không gian học tập mở hợp tác (với giảng viên), các lớp học, hội thảo, không gian giảng dạy, khu vực học tập yên tĩnh, quầy cà phê… (11).
Các sản phẩm và dịch vụ này được cung cấp với mục đích cấp quyền cho NSD truy cập vào bộ dữ liệu phong phú của tài nguyên thông tin nhất có thể và cho phép sinh viên không chỉ tìm thông tin, tích hợp thông tin một cách trí tuệ bằng công nghệ cho công việc riêng của họ.
Không gian học tập
Các thư viện đại học của TK XXI đang thiết lập lại để đáp ứng với yêu cầu về kỹ thuật số và những thay đổi trong học tập, giảng dạy. Trong những năm gần đây, đã có sự thay đổi nhận thức rằng trọng tâm các thư viện phải tập trung hướng tới là con người – cách họ học, cách họ sử dụng thông tin và cách họ tham gia vào môi trường của một cộng đồng học tập. Chúng ta đang bắt đầu thiết kế các thư viện, tìm cách khôi phục các phần vai trò lịch sử của thư viện như là một tổ chức học tập, văn hóa và cộng đồng trí thức.
Theo Edwards, chất lượng kiến trúc và cấu trúc vật lý của thư viện là một sự phản ánh về cách các trường đại học hiểu mình là một tổ chức giáo dục đại học. Các ưu tiên và giá trị của tổ chức liên quan đến các chức năng chính của nó, chẳng hạn như học tập, nghiên cứu và giảng dạy, có thể được đánh giá bằng chất lượng và phân bổ không gian vật lý của thư viện (12).
Trong khi Internet có xu hướng cô lập con người, thư viện, như một nơi vật chất, đã làm điều ngược lại. Thư viện như một nguồn tài nguyên học tập năng động, mạnh mẽ, có thể trở thành trung tâm cộng đồng trí thức và doanh nghiệp học thuật. Bilandzic và Foth đã khẳng định rằng các thư viện học thuật đã bị thách thức, định hình lại kế hoạch không gian của họ để đáp ứng nhu cầu thay đổi của học viên và trở thành người hỗ trợ thực sự cho giáo dục và học tập (13).
Khái niệm này đưa ra quan niệm rằng các không gian thư viện học thuật cần cung cấp hỗ trợ phù hợp với phát triển và thực hành sư phạm như học tập kết hợp, học tập kinh nghiệm và hợp tác; nơi sinh viên có thể học độc lập và trở thành người sáng tạo tri thức, dẫn đến môi trường học tập cá nhân đa dạng khác nhau, kết quả học tập được yêu cầu và xây dựng do sự hiểu biết của riêng họ.
Không gian học tập chung
Không gian học tập chung là kết quả của sự kết hợp giữa thư viện và công nghệ trong không gian thư viện, gồm không gian vật lý như cơ sở vật chất, trang thiết bị của thư viện và không gian công nghệ. Không gian học tập chung góp phần thiết lập và phát triển các mối tương tác trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên, mối tương tác trong quá trình học tập của sinh viên với sự hỗ trợ của công cụ, công nghệ và thông tin. Các mối quan hệ thường là giữa sinh viên – sinh viên, sinh viên – giảng viên, sinh viên – viên chức, sinh viên – trang thiết bị, sinh viên – thông tin.
Trong hoạt động thư viện, không gian học tập chung được hiểu là loại hình dịch vụ tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin và thư viện (lưu hành, tham khảo, hỗ trợ máy tính và khu vực học tập, kể cả nghe nhìn), cung cấp những dịch vụ cải tiến, cho phép NSD có thể nhận được sự hỗ trợ của nơi cung cấp để đạt được kỹ năng kiến thức thông tin, kỹ năng kiến thức kỹ thuật, hay kỹ năng kiến thức điện tử (14).
Có một sự khác biệt trong việc sử dụng các thuật ngữ không gian thông tin và không gian học tập chung. Đôi khi, chúng thậm chí được sử dụng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, Roberts đã khẳng định rằng chúng khác biệt và học tập chung đại diện một sự tiến bộ tự nhiên từ không gian thông tin (15).
Khái niệm “không gian học tập chung” được định nghĩa như là một không gian giáo dục, là sự kết hợp của thư viện và các lớp học. Trong đó, các không gian và hạ tầng thiết bi ̣phục vụ đầy đủ các nhu cầu của NSD như: tra cứu và sử dụng tài liệu, nghiên cứu, tự học, làm việc nhóm, sáng tạo, gặp gỡ, giải trí… Đây là một không gian học tập năng động với hạ tầng kiến trúc, trang thiết bị công nghệ và cách thức tổ chức quản lý với phương châm hoạt động chính là lấy người dùng làm trung tâm. Việc xây dựng thư viện trở thành một “không gian học tập chung” giúp NSD đến với thư viện có thể hoàn toàn chủ động tiếp cận tài liệu và sử dụng những trang thiết bị hiện đại mà không cần sự can thiệp của người làm thư viện, trên cơ sở đó tạo không gian học tập và nghiên cứu mở, kích thích sự sáng tạo của NSD. Không gian thư viện sẽ phát huy tối đa tính chủ động của NSD trong viêc tiếp cận tài liệu, tự học, đem lại cho họ cảm giác thoải mái, tiện nghi nhất, cùng với hiệu quả học tập, nghiên cứu tốt nhất. Đây là một định nghĩa mang tính khái quát cao, thể hiện được tính đặc trưng, mục đích cũng như các thành phần của mô hình không gian học tập chung.
Kết luận
Ngày nay, khi thư viện đã khẳng định được vị trí của mình trong cơ sở giáo dục đại học và được coi là trái tim của mỗi nhà trường, thư viện đại học có sức mạnh truyền cảm hứng nghiên cứu và khai phá năng lực tiềm ẩn trong mỗi giảng viên, sinh viên. Để thực hiện được điều đó, người làm thư viện luôn cần chú trọng tới việc nắm bắt xu hướng phát triển của không gian thư viện trên thế giới và Việt Nam, hướng người học làm trung tâm, tổ chức một không gian thư viện hiện đại với đầy đủ các loại hình không gian, trang thiết bị nội thất hiện đại, dịch vụ đa dạng để tạo ra môi trường học tập lý tưởng ngay trong chính thư viện.
_______________
1, 6. Seal, R. A. Library spaces in the 21st century: meeting the challenges of user needs for information technology, and expertise (Không gian thư viện trong TK XXI: Đáp ứng những nhu cầu thử thách của người sử dụng về thông tin, công nghệ và chuyên môn), Tạp chí Quản lý Thư viện, 2016, số 36, tr.558-569.
2. Choy, F. C. & Goh, S. N, A framework for planning academic library spaces (Khung lập kế hoạch không gian thư viện đại học), Quản lý Thư viện, 2016, số 37, tr.13-28.
3. Geoffrey T. Freeman, Library as Place: Rethinking Roles, Rethinking Space (Thư viện như một nơi: nghĩ lại vai trò, nghĩ lại không gian), Hội đồng Thư viện và Tài nguyên Thông tin, 2005, 81 trang.
4. Phạm Thanh Mai, Đỗ Lê Anh, Tổ chức không gian trong thư viện đại học, Kỷ yếu hội thảo: Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
5. Vũ Bích Ngân, Hướng đến một mô hình thư viện đại học hiện đại phục vụ chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2015, tr.13-18.
7. Hickerson, T, Designing 21st century spaces for 21st century roles (Thiết kế không gian TK XXI cho vai trò trong TK XXI), Feliceter, 2014, số 60, tr.15-18.
8. Beagle, D, Conceptualizing an information commons (Khái niệm hóa thông tin chung), Tạp chí Quản lý thư viện học thuật, 1999, số 25, tr.82-89.
9. Bennett, S, Libraries designed for learning (Các thư viện được thiết kế dành cho học tập), Hội đồng Thư viện và Tài nguyên Thông tin, Washington, D.C.: Retrieved, 2003.
10, 15. Roberts, R. L, The evolving landscape of the learning commons (Bối cảnh phát triển của không gian học tập chung), Đánh giá Thư viện, 2007, số 56, tr. 803-810.
11. Silas M. Oliveira, Trends in Academic Library Space: From book boxes to learning commons (Xu hướng trong không gian thư viện đại học: Từ hộp sách đến không gian học tập chung), Khoa học thông tin mở, 2018.
12. Edwards, B, University Architecture (Kiến trúc đại học), London: Spon Press, 2000.
13. Bilandzic, M., and Foth, M, Libraries as co-working spaces: Understanding user motivations and perceived barriers to social learning (Thư viện như không gian học tập chung: Hiểu động cơ của người sử dụng và những rào cản đối với xã hội học tập), Thư viện Hi Tech, 2013, số 31, tr.254-273.
14. Lippincott, Joan and Greenwell, Stacey, 7 things you should know about the modern learning commons (7 điều bạn nên biết về không gian học tập chung hiện đại), Các ấn phẩm của giảng viên và nhân viên thư viện, 2011, tr. 262.
Tác giả: Dương Thị Vân – Đồng Thị Thanh Thoan
Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020
Tác giả: Dương Thị Vân – Đồng Thị Thanh Thoan
Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%