Có thể nói, chất chính luận không chỉ là một “đặc sản”của các hãng phim truyền hình như VFC, TFS mà nó còn là một trong những tiêu chí hàng đầu góp phần tăng chất lượng phim truyền hình Việt. Trong năm 2021, những bộ phim của VFC phát sóng trên màn ảnh nhỏ cho thấy nhà sản xuất đã và đang chủ trương tăng chất chính luận để phim truyện truyền hình dài tập hấp dẫn và mới mẻ hơn.
Ngọc Lan trong vai Diễm – một nhân vật vô cùng đa dạng trong tâm lý, có những nước ngoặt khá bất ngờ
Phim truyện truyền hình hiện được chia hai mảng lớn, phim chính luận (gồm các vấn đề xã hội, điều tra phá án, lịch sử, gia đình…) và phim giải trí (gồm các đề tài về tình yêu, đời sống giới trẻ…). Nhìn vào những dự án phim đang được phát sóng cũng như những phim đang sản xuất của Hãng phim truyền hình VFC (Đài Truyền hình Việt Nam) thì dòng phim chính luận hay có “chất” chính luận đang trở lại với những dự án phim truyền hình dài tập có chất lượng về nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Vốn là hãng phim Nhà nước có thế mạnh từ lâu về phim chính luận, VFC liên tục cho ra mắt những dự án phim mang màu sắc chính luận, đề cập đến những vấn đề đang được quan tâm. Từ sau “cơn sốt” của những bộ phim Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ, Về nhà đi con…, phim truyền hình Việt đã thu hút được đông đảo khán giả xem truyền hình, tạo nên một khung giờ vàng phim Việt với sức hấp dẫn rất riêng. Thời gian qua, dòng phim tình cảm gia đình lên ngôi với hàng loạt những bộ phim gây tiếng vang như Hướng dương ngược nắng, Trở về giữa yêu thương, Hãy nói lời yêu, Hương vị tình thân…
Bên cạnh đó, dòng phim hình sự, xã hội cũng là một trong những mảng đề tài được nhiều khán giả truyền hình yêu thích bởi kịch bản thường có nhiều nút thắt, câu chuyện đấu tranh phòng chống tội phạm, chống lại cái xấu với những tình tiết ly kỳ thường tạo nên những chuyển biến, gây tò mò, kích thích người xem. Sau hàng loạt phim như Kẻ giấu mặt, Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Người phán xử, Sinh tử, Mê cung… từng tạo cơn “sốt” trên màn ảnh nhỏ, năm nay VFC tiếp tục sản xuất phim Mặt nạ gương nằm trong series Cảnh sát hình sự.
Hội tụ đầy đủ các yếu tố từ kịch bản chặt chẽ, đạo diễn tâm huyết và một dàn diễn viên nội lực, Mặt nạ gương (dự kiến 26 tập) đan xen giữa các yếu tố điều tra phá án, tâm lý gia đình cùng những thông điệp sâu sắc về hạnh phúc. Phim là câu chuyện về hành trình của Hoa – một nữ nhà văn dòng trinh thám tìm đến bố – một bác sĩ thẩm mỹ có tiếng và Tùng – anh bạn thân, đồng thời là đội trưởng đội trọng án cơ quan điều tra để có thêm chất liệu cho phần tiếp theo của bộ truyện trinh thám của mình. Khi kỳ án ở thẩm mỹ viện của Hoa thành công cũng là lúc cô bước vào hành trình tìm kiếm sự thật về cái chết của mẹ mình. Nhưng càng đi sâu vào tìm hiểu, Hoa càng hoang mang, thậm chí có lúc rơi vào tuyệt vọng khi nghi phạm lớn nhất cho cái chết của mẹ lại chính là bố và 1 âm mưu không thể ngờ tới của người mẹ kế. Càng tới gần sự thật, Hoa càng chịu nhiều tổn thương nhưng trong lúc nguy biến, Hoa lại chính là cầu nối gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Vén màn bí mật đằng sau những chiếc mặt nạ của những người tưởng như là thân thiết, ruột thịt là lúc hàng loạt bí mật lộ ra. Cùng với đó là những tội ác nhằm tranh đoạt tiền bạc, danh vọng, trả thù bị bại lộ.
Mặt nạ gương nằm trong series phim Cảnh sát hình sự
Nằm trong series Cảnh sát hình sự đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả, Mặt nạ gương (đạo diễn Bùi Quốc Việt) bên cạnh chất điều tra phá án đậm đặc còn một hành trình đầy sự giằng co, đấu tranh giữa lý trí và cảm xúc để tìm ra bí mật, kẻ đứng sau mọi chuyện. Câu chuyện tâm lý được kể thông qua hàng loạt các sự kiện, tình huống, chi tiết được cài cắm chặt chẽ, logic, khó đoán tạo nên sự bất ngờ chính là điểm hấp dẫn đặc biệt của bộ phim. Cuối cùng, sau một hành trình dài, có được, có mất, kẻ ác phải trả giá đích đáng, mọi người trong gia đình đều nhận ra: Hạnh phúc chỉ đến khi ta biết đủ và mọi bi kịch đều bắt nguồn từ lòng tham và sự thù hận. Chỉ có sự tin tưởng gắn kết trong gia đình mới có thể cùng nhau vượt qua mọi sóng gió do chính những hệ lụy bởi hành động từ quá khứ mang lại.
Mặt nạ gương quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng, nội lực tạo nên một hệ thống nhân vật vô cùng đa dạng, sinh động, đáng chờ đợi. Đặc biệt là NSƯT Hoàng Hải để lại nhiều ấn tượng với khán giả yêu phim truyền hình Việt qua các vai diễn như ông trùm máu mặt trong thế giới ngầm, hay một chiến sĩ công an cương trực, tận tuỵ. Lần xuất hiện này, NSƯT Hoàng Hải đảm nhận vai bác sĩ Nghị – một người đầy bí ẩn, khó phân định tốt – xấu trong con người ông Nghị, đến người thân cũng không biết có bao nhiêu lớp mặt nạ trên gương mặt người chồng, người cha của mình.
Nói về những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện những bộ phim hình sự, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam cho biết, series phim Cảnh sát hình sự từ lâu vẫn là “món ngon” trên truyền hình. Tuy nhiên, cái khó của việc thực hiện series phim này là sự đầu tư kỹ về kịch bản để tạo sự hồi hộp, khó đoán cho khán giả. Chưa kể, dòng phim này đòi hỏi kinh phí lớn, kỹ xảo và kỹ thuật làm phim công phu cũng như diễn viên phải có sự sáng tạo trong diễn xuất. Bởi vậy, mỗi phần phim đều được đầu tư rất công phu. Mặt nạ gương là sự kết hợp của “cặp bài trùng” có nhiều thế mạnh trong mảng hình sự: đạo diễn Bùi Quốc Việt và DOP Vũ Trung Kiên. Trong khi đạo diễn Bùi Quốc Việt đã được biết đến với nhiều tác phẩm như Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Đầm lầy bạc, Câu hỏi số 5 thì DOP Vũ Trung Kiên cũng được nhiều người biết đến với Người phán xử. Cả hai đều hết sức dụng công Mặt nạ gương với mong muốn mang lại một bộ phim tâm lý, hình sự có cách kể truyện, tổ chức hình ảnh khác biệt, ấn tượng.
HOÀNG ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Sự trở lại của các Bond Girl
Giá trị phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy
Tom Hardy: Chiến thắng chính mình