Tết đón năm mới của các dân tộc thiểu số – yêu cầu về tôn trọng tính đa dạng tộc người


Tết đón mừng năm mới là một sinh hoạt văn hóa đặc biệt, phản ánh tính đa dạng văn hóa tộc người, thể hiện ở cả thời điểm, không gian tổ chức cũng như các nghi lễ, phong tục, tập quán, ẩm thực, trang phục… Tuy nhiên, tính đa dạng của văn hóa Tết trong xã hội đương đại có những biến đổi theo các xu hướng khác nhau, chứa đựng các yếu tố đan xen, có yếu tố mang tính bản địa, cũng có yếu tố mới du nhập mang tính quốc tế. Với vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, tính đa dạng văn hóa của các tộc người thiểu số cần được tôn trọng và cần có những chính sách phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng.

1. Sự đa dạng văn hóa trong Tết mừng năm mới của các dân tộc thiểu số

Tết đón mừng năm mới là một chuỗi các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa đặc sắc diễn ra vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo lịch pháp của từng tộc người. Tính đa dạng văn hóa được thể hiện ở những thời điểm đón năm mới khác nhau, nghi lễ phong tục đón Tết cũng như các thành tố văn hóa dân gian khác như ẩm thực, trò chơi, diễn xướng…

Thời điểm đón Tết năm mới

Trong 53 dân tộc thiểu số, có 27 dân tộc đón Tết năm mới theo lịch cổ truyền riêng của tộc người. Cũng có trường hợp, một dân tộc nhưng có ngành, địa phương thì đón Tết năm mới theo Tết Nguyên đán (Hà Nhì ở Lào Cai, Khơ Mú ở Yên Bái…), còn một số ngành khác lại đón Tết theo lịch của tộc người.

Quan niệm cũng như thời điểm đón Tết năm mới của mỗi tộc người có sự khác biệt, chủ yếu là do việc canh tác nông nghiệp chịu ảnh hưởng của các tiểu vùng có địa hình, khí hậu khác nhau. Đồng thời, sự giao lưu văn hóa, đặc biệt là ảnh hưởng của các tôn giáo, dẫn đến việc sử dụng lịch và thời điểm đón Tết của các tộc người không giống nhau (1).

Ví dụ như, người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận ăn Tết Rija Nưga, còn người Chăm Bàni ở Ninh Thuận, Bình Thuận và người Chăm Islam ở Nam Bộ lại ăn Tết vào tháng lễ Ramadan. Người Hà Nhì trong sử thi Xa Nhà Ca có một phần hát Tìm năm đủ tháng đầy, căn cứ vào đó, họ sáng tạo ra bộ lịch riêng. Lịch cổ truyền của người Hà Nhì chia một năm làm 3 mùa, mỗi mùa có 4 tháng: mùa đông có các tháng 1 (tháng Hợi), tháng 2 (tháng Tý), tháng 3 (tháng Sửu), tháng 4 (tháng Dần); mùa ấm có các tháng 5 (tháng Thỏ), tháng 6 (tháng Rồng), tháng 7 (tháng Rắn), tháng 8 (tháng Ngựa); mùa nóng có các tháng 9 (tháng Dê), tháng 10 (tháng Khỉ), tháng 11 (tháng Gà), tháng 12 (tháng Chó). Mỗi tháng có 30 ngày, tháng cuối năm cộng thêm 5 ngày, nếu là năm nhuận cộng thêm 6 ngày. Đồng bào ăn Tết vào tháng giêng Hà Nhì, tức tháng 10 âm lịch, họ chọn ngày con hổ để khởi đầu năm mới.

Đối với người Thái, họ coi tháng 7 âm lịch là tháng Giêng (2). Về sau, do ảnh hưởng của người Kinh (người Việt), người Hán nên người Thái chuyển sang ăn Tết Nguyên đán, nhưng Tết Xíp xí của người Thái vẫn in đậm một số nghi lễ, phong tục, trò chơi đón mừng năm mới (trang hoàng mới nhà cửa, làm bánh ít, cho trâu ăn Tết, may quần áo mới cho trẻ em…) (3).

Người Khơ Mú cũng như một số tộc người làm kinh tế nương rẫy thường đón Tết năm mới vào tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch. Tết đón mừng năm mới của họ chính là Tết cơm mới. Sau này, một số nơi ăn Tết Nguyên đán, nhưng Tết cơm mới vẫn quan trọng nhất, có nhiều nghi lễ, đồ cúng mang tính biểu tượng của ngày Tết (4).

Các dân tộc ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên đều ăn Tết vào những tháng mùa khô mà đồng bào gọi là mùa ning nơng. Tuy nhiên, do sự vận động của chính quyền địa phương nên một số tộc người vừa ăn Tết cổ truyền, vừa ăn Tết Nguyên đán. Đây được xem như sự thích nghi của các dân tộc đối với phong tục Tết đón năm mới.

Như vậy, thời điểm đón mừng Tết năm mới của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam rất đa dạng, nhưng tập trung vào: thời điểm Tết Nguyên đán; thời điểm chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa; thời điểm kết thúc mùa gieo trồng, thu hái (tháng 8, 9 âm lịch).

Sự đa dạng về nghi lễ đón Tết

Tết là thời gian sum họp của các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng làng bản. Đồng thời, ngày Tết cũng phản ánh mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Người dân coi thời khắc đón năm mới là thời khắc linh thiêng, ngày đầu năm là một ngày thiêng, mở ra trang mới cho cuộc sống của người dân. Vì vậy, mỗi tộc người đều có các nghi lễ đón mừng thời khắc giao thừa riêng.

Cư dân làm nông nghiệp ruộng nước, gieo trồng lúa nương… đều coi trọng yếu tố nước. Người Tày ở Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) theo chân thày cúng gõ trống, gõ chiêng, thanh la, não bạt, thổi kèn pí lè đi rước nước thiêng ở mỏ nước về. Họ dùng nước thiêng để cúng tổ tiên và các vị thần trong lễ xuống đồng. Đối với người Hà Nhì, ngay đêm giao thừa, họ cũng ra mỏ nước thắp hương xin nước thiêng về nhà dâng cúng trên bàn thờ. Người Dao Làn Tẻn lại trịnh trọng rước nước thiêng về nhà, dùng cân tiểu ly cân xem nước nặng hay nhẹ so với năm trước để dự đoán mùa màng. Trước đây, người Mông khi đi lấy nước còn phải bắn súng, vừa là biểu tượng của tiếng sấm, lại vừa là biểu tượng đánh dấu thời khắc giao thừa…Trong Tết giọt nước (OnĐtrô KnengTea) của người Xơ Đăng ở xã Đăk Hà và xã Tu Mơ Rông (Kon Tum), già làng cắt tiết con dúi, cho máu chảy hòa vào dòng nước trong máng nước của buôn với niềm tin máu con dúi là máu thần nước, mang sức mạnh và may mắn đến cho dân làng.

Một số dân tộc khác không có đơn vị thời gian tính rõ thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới, họ coi tiếng sấm đầu mùa chính là năm mới đến. Vì thế, họ cũng có nhiều phong tục tập quán mang tính đón cơn mưa, đón tiếng sấm. Ở Tây Nguyên, hầu hết tộc người bản địa theo nông lịch. Hằng năm, qua mùa khô hanh, khi có hạt mưa kèm theo những tiếng sấm đầu tiên trong năm báo hiệu mùa mưa (mùa làm rẫy) sắp đến (khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch), họ đều coi đó là thời điểm khởi đầu năm mới. Vào dịp này, mỗi tộc người đều tổ chức Tết đón năm mới mang đậm bản sắc riêng. Người Xơ Đăng làm lễ sửa máng nước và tổ chức Tết giọt nước (On Đtrô KnengTea), người Mnông tổ chức Tết cầu an cho cả buôn làng (Tăm blang m’prang), người Mạ tổ chức Tết cúng thần lúa (Yang Koi), người Brâu tổ chức Tết cúng trỉa lúa (Jamuchuôi), người Ê Đê tổ chức Tết Mnăm thun, người Hrê tổ chức Tết Htend

Tết là ngày sum họp giữa người sống với người đã khuất, giữa thế giới trần tục với thế giới thần linh. Vì vậy, đồng bào các dân tộc có nghi lễ đón thần linh, quan trọng nhất là tổ tiên, trở về ăn Tết cùng con cháu. Đồng bào quan niệm, khi đón tổ tiên trở về, ngôi nhà phải sạch đẹp, con người cũng phải “sạch sẽ”. Do đó, ngay từ chiều 30 Tết, các gia đình trong làng xóm phải làm lễ quét dọn, tống khứ cái xấu, cái xui xẻo ra khỏi gia đình, làng bản. Người Mông lấy cành tre trúc có gai (vật trừ tà) quét sạch nhà cửa. Người Dao đỏ, người Mông đơ ở Sơn La lại lấy cành đào (vật trị ma theo quan niệm dân gian) quét sạch nhà cửa, xua cái xấu, cái ác ra khỏi nhà để đón chào năm. Ở Nam Bộ, những ngày cuối năm theo lịch của mỗi tộc người, các gia đình người Chăm, Hoa, Khmer đều dọn nhà, trang hoàng lại nhà cửa để chào đón Tết cổ truyền.

Ẩm thực của các dân tộc thiểu số đón Tết mừng năm mới vừa mang tính đặc trưng văn hóa tộc người, vừa giàu biểu tượng. Với người Bhnoong (một nhóm địa phương của dân tộc Gié Triêng) ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, Tết mùa – Tết truyền thống không thể thiếu thịt thú rừng. Trước Tết từ 7-10 ngày, toàn bộ thanh niên trai tráng của buôn làng lên rừng săn con chim, con chuột; xuống sông, suối bắt cá, ếch… về ăn Tết. Trên mâm cúng tổ tiên, ngoài bánh ốc, bánh peng, rượu cần, cá chua… còn có thịt chuột rừng. Mâm cúng của người Xá Phó (một ngành của dân tộc Phù Lá) lại có thịt chuột và cá nướng. Trong ngày Tết, mỗi một tộc người có một loại bánh đặc trưng, người Dao Làn Tẻn có bánh chưng gù đen; người Hà Nhì có bánh dày, bánh trôi; người Mông làm bánh dày bằng các loại lương thực cổ (làm từ kê, mạch, ngô, gạo nếp); người Giáy ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai lại làm bánh dày to, có núm vú trâu trắng – dấu ấn của tục thờ trâu (5)… Vào ngày Tết, các thành viên trong cộng đồng sửa soạn những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất, mang nhiều nét đẹp tộc người.

2. Tết đón năm mới các dân tộc thiểu số trong cuộc sống đương đại

Trong cuộc sống đương đại, dưới sự tác động của toàn cầu hóa, đặc biệt là sự bùng nổ của thông tin, làn sóng du lịch đổ về các bản làng nên tính đa dạng văn hóa của ngày Tết cũng biến đổi, cần có cái nhìn khác trước.

Biến đổi về thời gian

Thời gian tổ chức Tết đón năm mới của các dân tộc thiểu số có xu hướng rút ngắn thời gian. Từ đầu thập kỷ 90 TK XX về trước, người Mông tổ chức ăn Tết kéo dài một tháng, nhưng ngày nay họ chỉ ăn Tết từ 5-7 ngày. Tết của người Hà Nhì, người Cống, người Si La, người La Hủ đều tổ chức từ 3-5 ngày. Bên cạnh xu hướng rút ngắn thời gian, còn có xu hướng kéo dài thời gian, nhất là vùng đón nhiều du khách, như Tết của đồng bào Khmer, Chăm…

Biến đổi về không gian tổ chức Tết

Ngày Tết truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng như của người Kinh, chủ yếu là Tết của gia đình, làng bản. Do đó, người dân đón Tết trong không gian ngôi nhà của gia đình và trong phạm vi phum/ sóc/ bản/ mường. Hiện nay, dưới sự tác động của du lịch và mạng xã hội, không gian tổ chức Tết vượt khỏi phạm vi của làng/ bản, mang tính chất xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Các tộc người có họ hàng, gia đình di cư vào Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, nếu ngày Tết không về thăm hỏi chúc mừng các thành viên trực tiếp, thì họ sử dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo) để liên hệ chào đón, đặc biệt các gia đình có con cái xuất khẩu lao động, đi làm ăn ở các quốc gia khác hoặc có mối liên hệ họ hàng thân thích đã di tản sang các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Australia… đều “ăn Tết” qua mạng xã hội. Mạng xã hội trở thành cầu nối giữa những người cùng họ hàng, cùng thôn xóm xưa kia, tạo nên không khí đầm ấm trong gia đình, sự họp mặt hồ hởi, vui vẻ giữa các thành viên dù cách xa nửa vòng trái đất. Như vậy, không gian Tết không chỉ còn trói chặt trong khuôn viên của từng gia đình hay mỗi bản làng mà có xu hướng mở rộng hơn.

Biến đổi về đối tượng tham gia các hoạt động Tết

Trước đây, Tết là thời gian gặp mặt của các thành viên trong gia đình, nơi gặp gỡ của những người con đi xa với cộng đồng, nhưng hiện nay, làn sóng khi du lịch đang đổ bộ mạnh mẽ vào các bản làng thì đối tượng tham gia hoạt động ngày Tết cũng có những biến đổi. Con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học hay đi làm ăn ở các đô thị, các địa phương khác đã mời bạn bè về ăn Tết của dân tộc mình. Ngày Tết trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù với nhiều nét hấp dẫn của sự đa dạng văn hóa, thu hút hàng ngàn lượt du khách. Tết năm Kỷ Hợi (2019), hầu hết các điểm du lịch cộng đồng ở Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình… đều đón khách hết công suất, một số điểm du lịch cộng đồng trở nên quá tải.

Văn hóa đón Tết, đón năm mới cũng biến đổi

Bên cạnh các món ẩm thực truyền thống của người Thái, Dao, Mường, Hà Nhì, Tày… mâm cơm của đồng bào còn xuất hiện bánh chưng, nem rán của người Kinh, bánh mỳ, ca cao, các loại rượu ngoại của nước ngoài. Trang phục đón Tết của các dân tộc cũng nhiều biến đổi, cô gái Mông muốn mặc trang phục của người Lào, Trung Quốc, có nhiều màu sắc, trang trí dây kim tuyến để đón Tết. Trong các lễ hội, nghi lễ cộng đồng còn xuất hiện các bộ trang phục mang tính “hiện đại” của thanh niên đi làm ăn phương xa trở về. Khoảng 15 năm trở về trước, các lễ hội truyền thống đều coi trọng chương trình diễn xướng văn nghệ của cá nhân, cộng đồng. Người Mông vẫn còn các bài hát Chù gầu tào, người Dao với các bài Páo dung và làn điệu Khắp báo sao của người Thái luôn vang lên ở bìa rừng góc hội… Nhưng hiện nay, người dân đến hội không muốn làm người biểu diễn mà chỉ thụ động trở thành các khán giả. Thay cho các bài hát điệu múa truyền thống là các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ. Những năm gần đây, hội Gầu Tào ở Mường Khương đều có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ người Mông ở Lào, Thái Lan, đặc biệt là Trung Quốc. Bên cạnh múa khèn, trong sân hội cũng xuất hiện cảnh thanh niên nhảy múa các điệu hiện đại. Như vậy, tính đa dạng văn hóa đã ngày càng phát triển, có xu hướng như xóa nhòa bản sắc văn hóa tộc người nhưng cũng có yếu tố cố kết tộc người. Hai xu hướng cố kết và phân ly đan xen với nhau.

Điệu khèn vùng cao – Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Như vậy, sự đa dạng văn hóa tộc người có nhiều biến đổi, xuất hiện nhiều yếu tố mới, không gian tổ chức Tết của mỗi làng không chỉ gói gọn trong biên giới làng, trong phạm vi gia đình, dòng họ mà còn mở rộng mang tính xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Ngày Tết của gia đình ở vùng du lịch cũng xuất hiện các thành viên mới của những tộc người khác, quốc tịch khác cùng chung vui. Tính đa tộc người càng bổ sung cho tính đa dạng văn hóa. Tính đa dạng văn hóa được nhìn nhận không chỉ là đa dạng về các yếu tố văn hóa cổ truyền mà cần hiểu là sự cởi mở, đan xen nhiều yếu tố văn hóa hiện đại.

3. Vấn đề ứng xử với tính đa dạng văn hóa

Ứng xử của cộng đồng với sự đa dạng văn hóa

Trong ngày Tết của người Hà Nhì ở bản Choản Thẻn (xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) năm Mậu Tuất (2018), chúng tôi quan sát lễ cúng tổ tiên và thấy một số điểm thú vị. Trong truyền thống dân tộc, người Hà Nhì muốn cúng tổ tiên đều phải mặc trang phục dân tộc, nhưng hôm đó con trai của chủ nhà đi học trường đại học trở về. Cậu ta mặc 1 cây bò, đội mũ levis. Ông anh cởi một tấm áo truyền thống bắt cậu mặc, nhưng cậu ta khăng khăng không mặc. Cuối cùng, người bố phải đưa cái mũ đang đội trên đầu để cậu ta đội khấn tổ tiên với ý niệm đã mặc trang phục dân tộc. Một số du khách người Hàn Quốc cũng muốn trải nghiệm lễ cúng tổ tiên. Họ lại tỏ ra thích thú khi được mặc trang phục truyền thống. Về sau, trong các ngày lễ Tết của người Hà Nhì, con cái muốn khấn tổ tiên cũng chỉ cần đội khăn/ mũ truyền thống, chứ không phải mặc quần áo dân tộc. Như vậy, người dân ở các gia đình, thôn bản đã bước đầu chấp nhận sự khác thường, sự đa dạng văn hóa trong mỗi căn nhà. Tất nhiên, vẫn còn những chuẩn mực thuộc diện linh thiêng như cấm người lạ vào không gian thiêng, người lạ chỉ được ngủ ở khu vực riêng vẫn được tôn trọng nghiêm ngặt. Sự chấp nhận của cộng đồng, của người dân đối với các yếu tố văn hóa của tộc người khác, quốc gia khác trong mỗi căn nhà, bản làng đều đã định hình những chuẩn mực cụ thể. Du khách có thể tham gia lễ hội, ăn uống cộng đồng nhưng không bao giờ được đến không gian thiêng – những nơi dành riêng để cúng lễ các vị thần. Xu hướng này có một vài nơi cũng bị phá vỡ, du khách cũng được tham gia nhưng chỉ là khách, nhìn cư dân hành lễ chứ không được trực tiếp hành lễ. Tôn trọng sự đa dạng văn hóa tộc người đang diễn ra ở nhiều điểm du lịch phản ánh quan hệ ứng xử mới trong ngày Tết.

Ứng xử của chính quyền địa phương

Việc tổ chức Tết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, có dân tộc ở nhiều địa phương công nhận ngày Tết đón năm mới truyền thống, có chính sách cho học sinh, sinh viên, cán bộ người dân tộc thiểu số nghỉ việc đón Tết, nhưng cũng có tộc người (nhất là người Mông, các tộc người nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến ở vùng Tây Bắc) còn bị vận động bỏ Tết cổ truyền, đón Tết Nguyên đán như người Kinh. Nguyên nhân chủ yếu là do Nhà nước chưa có chính sách về việc nghỉ Tết đối với người dân tộc thiểu số; chính quyền địa phương ở một số tỉnh vùng Tây Bắc có quan niệm nghỉ Tết cổ truyền là lạc hậu, lãng phí thời gian lao động sản xuất. Vì vậy, cần gộp Tết cổ truyền của từng dân tộc với Tết Nguyên đán để tiết kiệm…

Tháng 12-2003, tôi được lãnh đạo tỉnh phân công đi xã Hố Mít – một xã có đông người Mông đơ sinh sống ở huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai (nay thuộc tỉnh Lai Châu). Tôi có nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân bỏ ăn Tết cổ truyền chuyển sang ăn Tết Nguyên đán. UBND xã tổ chức Hội nghị các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ của người Mông. Sau lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch UBND xã, tôi tìm đủ lý lẽ để thuyết phục đồng bào “gộp” Tết Mông với Tết Nguyên đán. Đến khi thảo luận, một già làng, cũng là một thày cúng nổi tiếng trong vùng thẳng thắn phát biểu: “Thưa cán bộ! Dạo đầu năm tôi xem truyền hình thấy các vị lãnh đạo đến chúc Tết, tặng quà người Chăm, người Khmer trong ngày Tết truyền thống của đồng bào trong Nam. Thế tại sao chúng tôi có Tết riêng của người Mông mà Nhà nước lại không đồng ý. Thế người Chăm, người Khmer đều là một dân tộc như chúng tôi mà được ưu tiên hơn à?”. Câu hỏi của ông làm tôi rất lúng túng. Sau cuộc họp đó, chúng tôi trở về báo cáo tỉnh và tỉnh Lào Cai cũng không bắt người Mông ăn Tết Nguyên đán. Nhưng hiện nay, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi vẫn dùng nhiều biện pháp yêu cầu người dân nơi đây phải ăn Tết Nguyên đán. Ngày 7-12-2018, 4 xã gồm: Loóng Luông, Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La) và Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) tổ chức Hội nghị Xây dựng quy ước vận động nhân dân bỏ ăn Tết truyền thống, chuyển sang ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Chính quyền các xã coi đây là một cuộc cải tạo phong tục tập quán quan trọng của người Mông. Ở một số xã của tỉnh Lai Châu và Điện Biên, chính quyền cơ sở cũng vận động người dân không ăn Tết truyền thống, thậm chí có nơi còn ra nghị quyết chuyển hẳn sang ăn Tết Nguyên đán. Cuộc vận động này kéo dài hàng mấy chục năm. Đến nay, một số nơi, người dân đã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán nhưng nhiều xã vẫn giữ nguyên việc ăn Tết cổ truyền theo lịch của đồng bào.

Cần xây dựng chính sách tổ chức Tết truyền thống mừng năm mới của đồng bào các dân tộc thiểu số

Lý thuyết Tương đối văn hóa cho rằng, trong văn hóa tộc người, không có nền văn hóa cao và nền văn hóa thấp, không có tộc người văn minh và tộc người lạc hậu. Khi nghiên cứu về tập tục Tết, cần đặt trong môi trường sản sinh thực hành văn hóa. Tết đón năm mới hàm chứa giá trị truyền thống, đồng thời, mang dấu ấn, bản sắc văn hóa phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của các tộc người. Ngày Tết không chỉ được xem xét, đánh giá dưới góc độ kinh tế đơn thuần, mà cần được đánh giá dưới góc độ di sản văn hóa đặc sắc.

Hiện nay, đời sống của người dân các dân tộc thiểu số được nâng cao, việc cố kết cộng đồng, tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành nhu cầu quan trọng. Chính quyền cần tôn trọng cộng đồng các dân tộc trong việc lựa chọn thời gian ăn Tết, không nhất thiết phải ăn Tết Nguyên đán hoặc ăn Tết cổ truyền. Tuy nhiên, cũng cần xây dựng một số chính sách tổ chức Tết của đồng bào dân tộc thiểu số với một số nội dung cụ thể như sau:

Về thời gian nghỉ Tết, các công chức, viên chức, công nhân, học sinh, sinh viên… tùy theo điều kiện cụ thể ở từng địa phương sẽ được nghỉ từ 2-3 ngày. Thời gian nghỉ Tết được Nhà nước trung ương phân cấp cho chính quyền tỉnh hoặc huyện có đồng bào dân tộc thiểu số quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

Về các chính sách khác liên quan đến việc tổ chức Tết như chế độ thăm hỏi, nghi lễ chúc Tết của lãnh đạo, vấn đề hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các vùng khó khăn, về bố trí ngân sách địa phương chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống cộng đồng cần xây dựng cụ thể theo quy định của chính quyền các cấp.

Như vậy, chính sách về Tết là chính sách mang tính chất tổng hợp gồm nhiều bộ phận khác nhau, nhưng đều thống nhất ở sự tôn trọng quyền tổ chức Tết truyền thống của đồng bào dân tộc ít người. Chính sách về tổ chức Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành là sự thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như các điều quy định trong Hiến pháp và Luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tính đa dạng văn hóa đóng vai trò rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước hết, về mặt xã hội, sự đa dạng văn hóa là công cụ thúc đẩy các tộc người hiểu biết lẫn nhau, ngăn chặn các định kiến xã hội (6). Nhờ vậy, đa dạng văn hóa, củng cố khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, chống mọi âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ thù. Đa dạng văn hóa trong làn sóng du lịch phát triển đã góp phần trở thành nguồn lực xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù. Mặt khác, sự đa dạng văn hóa cũng thúc đẩy chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) phát triển rộng khắp ở các thôn bản. Do đó, người dân có điều kiện xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ đặc “đặc sản” văn hóa của mình.

______________

1. Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ, Mùa xuân và phong tục Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1976.

2. Lường Thị Đại và cộng sự, Sách tính lịch của người Thái Đen Điện Biên (Sổ chóng bang), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016.

3. Hoàng Lương, Người Tày – Thái cổ ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr.195-196.

4. Đặng Thị Oanh (chủ biên), Lễ hội dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, tr.90.

5. Trần Hữu Sơn (chủ biên), Lễ hội cổ truyền Lào Cai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999.

6. Hoàng Cầm, Nguyễn Trường Giang, Đa dạng văn hóa – Bài học từ những câu chuyện, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013.

TS TRẦN HỮU SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *