Thẩm mỹ của người Việt trong không gian ở truyền thống


Trong lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam, sự tích tụ tính thẩm mỹ phần lớn được phản ánh qua lịch sử kiến trúc của dân tộc. Các thế hệ tụ cư trên vùng đất Việt Nam đã nối tiếp nhau lao động, sáng tạo, thích ứng với môi trường tự nhiên, hình thành dấu ấn về bản sắc, thẩm mỹ của mình mà kiến trúc nhà ở truyền thống ba miền Bắc, Trung, Nam là một trong những giá trị đó.

      Mỗi vùng miền đều có những đặc trưng về địa lý, địa hình, khí hậu khác nhau, chi phối việc lựa chọn, tổ chức không gian sống của con người. Nhà ở của người Việt, dù ở Bắc, Trung hay Nam Bộ, đều cho thấy dấu ấn riêng trong kết nối với thiên nhiên, thể hiện triết lý sống về vũ trụ, tự nhiên, khát vọng sinh tồn cũng như bản sắc của con người. “Đó là các dấu ấn tâm hồn, các dấu ấn thẩm mỹ được in rất sâu đậm vào bộ mặt những công trình… rất khác biệt không thể nhầm lẫn” (1).

     Khai thác giá trị thẩm mỹ và tinh thần từ thiên nhiên

     Cùng với giá trị về công năng sử dụng của một đối tượng vật chất, người Việt vốn ưa chuộng và luôn hướng đến cái đẹp, được thể hiện trong không gian cư trú truyền thống. Từ những giá trị về công năng, người Việt, với đôi tay khéo léo, đã biến đổi, nâng cao giá trị thẩm mỹ qua những ngôn ngữ, hình tượng được rèn rũa, chắt lọc từ quá trình chung sống với thiên nhiên.

     Quan niệm về thẩm mỹ, ý thức tạo ra cái đẹp nhiều khi bắt nguồn từ sự khốn khó gắn liền với sự tiện ích, thích dụng nên đã ảnh hưởng đến nhận thức của người xưa về cái đẹp. Cái đẹp thuần phác, mộc mạc, giản dị, khiêm nhường, là những thuộc tính thẩm mỹ của kiến trúc truyền thống. Ngôi nhà có vẻ đẹp từ bề mặt tự nhiên, với màu sắc nền nã tự thân của vật liệu, chủ đạo vẫn là màu nâu non của bùn đất, phù hợp với người dân “chân lấm, tay bùn”. Ngoài ngôi nhà chính, các chi tiết cổng ngõ, bể cạn, bình phong, giàn cây hoa… là sự phối hợp chuyển tiếp giữa nội thất và cảnh trí sân vườn bên ngoài thành một tổng thể hài hòa: “Căn nhà cổ truyền của cha ông là đáp số cho những bài tính được giải khi chưa xuất hiện bộ môn sức bền vật liệu và tĩnh học công trình. Nó là sản phẩm của tư duy thiết thực, tìm và tạo cái đẹp từ những phương tiện hạn chế nhất, hiểu và đề cao cái đẹp, cái quý đích thực trong cái chân, cái mộc” (2).

     Tâm thức gắn bó với thiên nhiên được thể hiện trên những hình tượng, môtip trang trí trên các cấu kiện kiến trúc, đầy tính biểu trưng, chứa đựng những hoài bão, ước vọng ngàn đời của các gia đình, dòng họ, của cộng đồng cư dân nông nghiệp. Chẳng hạn, đề tài Tứ thời tượng trưng cho bốn mùa: xuân (mai, đào), hạ (lan, sen), thu (cúc, liễu), đông (tùng, trúc) khá quen thuộc với người dân Việt. Chiếm chủ đạo trong trang trí Tứ thời ở ngoại thất bằng chất liệu vôi vữa là các bích họa và khảm sành sứ trên nóc mái, đầu hồi, bể cạn. Trong nội thất là chạm khắc trên gỗ và bích họa trên tường, hay tranh rời treo ở các vị trí trang trọng. Các kiểu thức Tứ thời cũng được bố cục trong các ô hộc, đường diềm, gờ mái, các góc trụ cửa, các đầu hồi, nhưng nổi bật nhất là các ô hộc pano lớn ở các cổng chính. Tứ thời phản ánh khá sâu đậm mỹ cảm và khát vọng, mong ước về cuộc sống quý phái, trang nhã, về sự hòa nhập giữa con người với vũ trụ và thiên nhiên. Bộ đề tài tứ thời có nhiều kiểu thức sinh động, với các tên gọi có ý nghĩa tượng trưng khác nhau.

 

Bộ mái nhà ở đồng bằng Bắc Bộ

(Nhà ông Hà Hữu Thế, làng Đường Lâm, Hà Nôi)

     Môtip trang trí kiến trúc luôn gắn với đề tài về thiên nhiên đã được in sâu trong tiềm thức. Các nghệ nhân nắm bắt những thuộc tính, hình dáng, màu sắc… đặc trưng của thiên nhiên để có thể mô phỏng, chuyển tải thành ngôn ngữ trang trí mang tính biểu tượng trong các thành phần kiến trúc nhà ở. Nhiều ý tưởng độc đáo được lấy cảm hứng từ đề tài thiên nhiên. Đó là ước nguyện cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa (biểu tượng rồng – mây); được mùa, cây cối tươi tốt, sinh nhiều con cháu nối dõi tông đường (biểu tượng quả na, quả lựu, nho…); biểu trưng cho tính cách, khí phách, cố gắng vươn lên làm bậc quân tử trong dân gian có các bộ tranh tứ quý (với hình tượng đào, sen, liễu, tùng), vẻ đẹp của thời gian với cảnh tứ thời xuân – hạ – thu – đông (hình tượng mai, lan, cúc, trúc)…

     Việc tiếp cận với thiên nhiên qua cảnh quan núi non, sông suối, hoa cỏ lâu dần thẩm thấu, tích tụ trong tâm thức, hình thành và nâng tầm cảm thụ thẩm mỹ cho con người. Với khả năng tưởng tượng và liên tưởng mang tính triết lý, tính nhân văn đồng thời có tính ước lệ cao, dung dị mà sâu sắc, người Việt xưa đã cân đối các kích thước, tỉ lệ, đem lại cảm nhận về sự hài hòa giữa con người và cảnh vật trong các công trình kiến trúc cổ truyền.

     Khi tạo hình cho cây cỏ, hoa lá, nghệ nhân thường chú ý đến việc kết hợp linh hoạt giữa tả thực và mô phỏng ước lệ, cách điệu, đem lại vẻ sinh động cho từng cành, lá. Bên cạnh đó, người Việt cũng rất chú trọng tạo các tiểu cảnh từ thiên nhiên. Nhóm cây trang trí trong sân vườn được uốn tỉa và nuôi dưỡng như mai, đào hay giống cây cảnh tạo dáng có gốc hoang dã, cổ thụ như tùng, bách, sanh, si, bồ đề… đôi khi trồng phối hợp với đá, rêu, cỏ, nước, địa lan, kết hợp với hòn non bộ để đặt ở sân vườn, sân trong của ngôi nhà. Cây cảnh trong dân gian thường biểu tượng cho những triết lý của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, lấy con người là trung tâm. Cây được sàng lọc, chọn lựa cho phù hợp phong thổ, địa thế, phong cách kiến trúc, màu sắc, tầm vóc… và được quy hoạch có hàng lối quy củ. Mức độ cao hơn là lai ghép, cắt tỉa tạo thế để tô điểm thêm cho ngôi nhà cũng như tạo sự nối tiếp với thiên nhiên.

     Nhiều tích xưa được tái hiện qua tạo dáng, uốn nắn, tạo hình và chăm sóc, tỉa cắt khéo léo của các nghệ nhân cây cảnh. Trong cây cảnh Tuế hàn tam hữu được biểu thị bằng ba cây mai – trúc – tùng là loại cây đầy sức sống, vượt qua được mọi thời tiết khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Người ta tìm thấy trong những điển tích trên ý nghĩa nhân văn quý giá đối với cuộc sống. Cùng với quan điểm trên, người chơi cây cảnh khi đã đạt đến “cảnh giới” thì quan niệm cây cảnh là đồng loại, có hình, có sắc, có thanh, có khí. Ngoài việc thưởng thức vẻ đẹp hương sắc của cây cảnh trang điểm cho không gian ở, tận hưởng thành quả vun trồng thì thú chơi này giúp con người tu tâm dưỡng tính, hoàn thiện bản thân, khai mở những triết lý mới cho cuộc sống. Con người đã vươn tới được những giá trị khác nhau về mặt đạo đức, thỏa mãn nhu cầu tinh thần – tâm linh của mình, qua đó, con người gửi gắm những tâm tư, tình cảm, ước mơ, tìm kiếm những cảm xúc, ký ức với thiên nhiên bằng sự sáng tạo, mô phỏng ngôn ngữ thiên nhiên trong không gian ở.

     Thiên nhiên trong ngôi nhà Việt không hướng đến sự hoành tráng như thiên nhiên trong nhà ở của người Trung Hoa, không quá triết lý trở thành biểu tượng vũ trụ sinh tồn như trong không gian ở của người Nhật, mà thiên nhiên trong không gian với quy mô vừa phải, hình thức khiêm tốn, dung dị, hài hoà, có tính thích dụng cao khi gắn liền với các nhu cầu của cuộc sống, phù hợp với tâm thức và thói quen của người Việt. Yếu tố tự nhiên, thuần phác thể hiện rất rõ trong quan hệ giữa con người với thiên nhiên, làm cho thiên nhiên gần gũi, gắn kết với cuộc sống con người. Sự bình dị, gần gũi là một nét đẹp của kiến trúc truyền thống Việt Nam, trong đó chứa đựng cả phong thái sống, sự khiêm nhường, giản dị, tôn trọng tự nhiên, muốn hòa mình vào tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên, cảnh quan môi trường. Người Việt không lý tưởng hóa thiên nhiên nhưng lại rất muốn thiên nhiên phải là những mẫu mực thẩm mỹ trong đời sống của họ. Vì vậy, mỗi gốc cây, bụi hoa trong ngôi nhà ở cũng được chú ý, chăm chút chu đáo, phù hợp với mỹ cảm và tâm ý của mỗi người.

     Dù là kiến trúc nhà ở hay kiến trúc cung đình, tôn giáo thì các thành phần trang trí cũng luôn được thể hiện trên bề mặt của công trình. Những hình thức trang nhã của nội ngoại thất mỗi ngôi nhà cổ đã tạo nên sự liên hệ, kết nối tinh tế với thiên nhiên, cảnh quan xung quanh, gợi nên những cảm thụ thẩm mỹ từ môi trường sống của con người. Vì vậy, ta có thể thấy chúng thường khá giống nhau trên những cấu trúc nhà và trong không gian, vườn cảnh ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

     Cái đẹp từ thiên nhiên gắn với con người và cảnh quan

     Những quy luật tạo hình và nguyên tắc bố cục hình khối trong kiến trúc luôn tác động đến mỹ cảm của con người và phản ánh được giá trị của các công trình. Kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam thể hiện nhiều nguyên tắc bố cục, vận dụng tỷ lệ hình khối đa dạng. Mỗi hình khối, bố cục trong không gian đều xuất phát từ những yêu cầu về chức năng sử dụng, tổ chức mặt bằng và sự đa năng. Các thành phần kiến trúc đều đảm bảo tính thống nhất, cân xứng, tạo cảm giác bền vững, bố cục phù hợp với nguyên tắc phong thủy và những triết lý nhân sinh.

     Vẻ đẹp của ngôi nhà Việt ẩn chứa trong bộ khung bằng gỗ và tre. Nhà ở miền Bắc có những cột gỗ, xà ngang lớn, nặng chắc, chi tiết trang trí chạm khắc bám vào cấu kiện. Bộ khung nhà miền Trung thanh thoát hơn nhờ bộ cột thanh mảnh, vươn theo chiều cao, chạm khắc mỏng, nhẹ nhàng như dải đăng ten hoa lá trên vì kèo, dui mè… Trang trí làm giảm cảm giác nặng nề, tăng cảm giác bay bổng, tạo cho diện mạo kiến trúc có những nét thanh tao và độc đáo. Nhà ở Nam Bộ ít cầu kỳ, thực tế hơn nhưng không vì thế mà kém phần mỹ thuật. Trong nhiều gia đình khá giả, tất cả cột kèo, rầm ngang, xà dọc, đồ đạc được trạm trổ, trên các bao lam, liễn, hoành phi hay đồ thờ cúng được cẩn xà cừ, sơn son thếp vàng.

     Về bố cục không gian, tính đối xứng tạo nên sự bề thế, vững chãi trong kết cấu, tổ chức không gian trong ngôi nhà. Tuy nhiên, tính đối xứng được biến báo linh hoạt, thể hiện rất rõ qua không gian ở, trong bố cục mặt bằng, cách bài trí nội thất vườn cây, lối đi, sân, cổng tường rào. Tính đối xứng, cân đối trong kiến trúc truyền thống Việt khác với lối bố cục cân xứng một cách chặt chẽ của người Nhật. Nếu người Nhật chú ý tính đối xứng trên tổng thể thì người Việt chú ý ở những điểm nhấn là chi tiết của kiến trúc. Chính vì vậy, sự tĩnh lặng, êm ả của kiến trúc truyền thống Việt khác với tính trầm lắng triết lý của kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản.

     Các nhà nghiên cứu đã nói, mái của ngôi nhà truyền thống luôn có những nét cong không thể nhầm lẫn với bất kỳ quốc gia nào khác bởi độ cong thanh nhã, vừa phải, bởi sự tinh tế của nét cong trong sự hài hòa với thiên nhiên, bởi những nét hoa văn trang trí thật hòa điệu trên mỗi đường lượn gờ mái.

     Không phải ngẫu nhiên mà trong L’Art Vietnammien, Bezacier đã viết: “Người Việt Nam có thể lặp đi lặp lại độc một kiểu nhà mái cong mà ta ngắm mãi vẫn không chán mắt” (3). Có thể nói, những mái cong của kiến trúc dân tộc là sự hòa điệu của kiến trúc truyền thống Việt Nam và những yếu tố thiên nhiên vốn đã trở nên có ý nghĩa quan trọng. Độ cong gờ mái của nhà truyền thống vừa mềm mại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, khác hẳn với kiến trúc mái khá đồ sộ, nhiều tầng cong vút, độ dốc lớn có phần nặng nề với nhiều hoa văn gờ chỉ của Trung Quốc.

     Màu sắc tự thân của vật liệu kiến trúc khi đưa vào công trình đã tạo nên những tổ hợp màu mới lạ mà hài hòa với tự nhiên; vẻ đẹp từ sự mộc mạc, dung dị thể hiện trong mỗi chi tiết, cấu kiện kiến trúc nhà ở truyền thống. Trong bài Tính cách Huế, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lý giải: “Tình yêu thiên nhiên là một tình cảm lớn trong tâm hồn Huế, đến nỗi nó mang màu sắc của một triết học chi phối toàn bộ cuộc sống tinh thần của người Huế. Sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người là nguyên lý căn bản trong tư duy kiến trúc Huế” (4).

     Nhận thức rõ sự hiểu biết của mình còn hữu hạn trước thiên nhiên vô hạn, con người đã ứng xử với thiên nhiên như một thực thể sống, có tình cảm, có linh hồn. Từ đó, họ dần tạo dựng cho mình những không gian cư trú thích ứng, hài hòa với thiên nhiên, gửi gắm trong đó bao ước nguyện, cầu mong cho cuộc sống bình an, tốt đẹp. Người Việt đưa thiên nhiên tham gia vào trang trí kiến trúc một cách linh hoạt, hướng đến sự hài hòa và cân đối, kết hợp với cây xanh bên trong và ngoài nhà một cách sinh động, làm tăng tính thẩm mỹ cho không gian ở. Từ đó, mỗi thế hệ lại tích hợp nhiều tri thức, những bài học, kinh nghiệm quý giá, truyền lại cho thế hệ sau, giúp họ thích ứng tốt hơn với môi trường tự nhiên.

     Di sản văn hóa kiến trúc truyền thống chỉ có thể được lưu giữ bền vững khi nó có dấu ấn riêng, đặc thù hay nói cách khác là bản sắc. Khi đó tự thân chúng sẽ tỏa sáng, hướng con người đến những giá trị chân – thiện – mỹ được hun đúc, tạo dựng trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc phải bắt đầu từ sự kế thừa và phát huy những di sản quý giá từ kiến trúc truyền thống, từ cách sống và khai thác vẻ đẹp của thiên nhiên đặc biệt là trong nếp nhà của ông cha.

______________

1. Nguyễn Trí Thành, Tìm hiểu tính dân tộc trong kiến trúc hiện đại Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc, số 1, 1987, tr.39-46.

2. Hoàng Đạo Kính, Ngõ phố đời người, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008, tr.20.

3. Louis Bezacier, L’Art Vietnamien, E’ditions de l’Union Fransaise, Paris, 1954. Bản dịch của Viện Mỹ thuật – Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tr.66.

4. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Mấy đặc trưng của văn hóa vùng Huế, in trong Sông Hương dòng chảy văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.42.

Tác giả: Võ Thị Thu Thủy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *