LTS: Trong hai tháng 8 và 9-2018, một chuỗi hoạt động giới thiệu cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895 – 1973) (1), được thực hiện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, công bố nhiều tư liệu nghiên cứu có giá trị về cuộc đời, sự nghiệp mỹ thuật của họa sĩ Thang Trần Phềnh, một trong số ít ỏi những họa sĩ ở buổi đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Điều đáng kể, nơi hiếm hoi lưu trữ tác phẩm và một số văn bản tài liệu quan trọng về họa sĩ Thang Trần Phềnh lại chính là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhận được bài viết xác thực lại một số thông tin trong cuốn sách, căn cứ vào nguồn tài liệu từ bảo tàng. Với tiêu chí tôn trọng các trao đổi mang tính chất khoa học trong nghiên cứu, chúng tôi đăng tải bài viết này và hy vọng tiếp tục nhận được những trao đổi khác của tác giả cuốn sách và bạn đọc quan tâm.
Tranh màu nước, 1948
Cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895 – 1973) in khá dày dặn với 90 trang nội dung và hơn 68 trang hình ảnh các sáng tác của họa sĩ, từ ký họa đến bản vẽ minh họa, tranh sơn dầu… Tư liệu và hình ảnh tương đối phong phú cùng lượng thông tin không quá nhiều nên việc đọc sách trở nên khá nhẹ nhàng.
Điều đáng quý là tác giả cuốn sách đã có sự tiếp xúc mật thiết với nhiều người thân trong đại gia đình họa sĩ Thang Trần Phềnh, công phu tra cứu lại nhiều tư liệu thư từ, sách, báo đương thời, biết cách làm nổi bật lên những thông tin vô cùng hữu ích liên quan tới tên gọi và thân thế của họa sĩ. Chiếm thời lượng lớn và gần như tập trung phần nội dung quan trọng nhất của cuốn sách là mục thứ tư, Hoạt động nghệ thuật và tác phẩm. Việc trình bày danh sách tác phẩm và hoạt động nghệ thuật của họa sĩ theo ý niệm thời gian là một cách làm tốt, giúp bạn đọc nắm bắt quá trình này một cách dễ dàng. Nhưng đúng như tác giả cuốn sách đã trải lòng, những thiếu thốn về tư liệu khiến công việc đào bới thông tin trở nên khó khăn và không tránh khỏi những thiếu sót.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (BTMTVN) là nơi lưu trữ khá nhiều tác phẩm và tài liệu ghi chép của cán bộ bảo tàng về họa sĩ Thang Trần Phềnh. Đáng tiếc, trong quá trình cả 10 năm tìm kiếm, nghiên cứu tư liệu liên quan đến họa sĩ Thang Trần Phềnh, tác giả cuốn sách, ông Ngô Kim Khôi, đã không/chưa kịp để tâm đến nguồn lưu trữ này. Từ dữ liệu của BTMTVN, chúng tôi thấy cần phải đính chính lại một số thông tin và cách viết trong cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895 – 1973).
BTMTVN với họa sĩ Thang Trần Phềnh
Năm 1962, Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ, một cơ quan nghiên cứu trực thuộc Vụ Mỹ thuật, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL), được thành lập, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung làm Viện trưởng. Trong quá trình xây dựng chức năng, nhiệm vụ của Viện, ban lãnh đạo Viện đồng thời tiến hành việc xây dựng BTMTVN. Công việc chuẩn bị nội dung, hiện vật trưng bày thường xuyên và cải tạo tòa nhà chính, số 66 – phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, thành BTMTVN (2), được tiến hành trong 4 năm. Ngày 24-6-1966, BTMTVN chính thức mở cửa. Năm 1971, Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ giải thể, được tách thành hai bộ phận: Bảo tàng Mỹ thuật trở thành một đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa; Ban Nghiên cứu Mỹ thuật được sáp nhập về Viện Nghệ thuật, tiền thân của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam hiện nay. Năm 1978, Ban Nghiên cứu Mỹ thuật được chuyển thành Viện Mỹ thuật, trực thuộc Bộ Văn hóa (3). Năm 1995, Viện Mỹ thuật được điều chuyển thành một đơn vị trực thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Ngay từ khi bắt tay vào công việc, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã nhận thức rõ mục đích của việc nghiên cứu mỹ thuật cận hiện đại cũng như tầm quan trọng của việc sưu tầm sáng tác của các nghệ sĩ tạo hình thuộc thế hệ đầu tiên, khi đó hoặc đã qua đời hoặc nhiều tuổi, như Nguyễn Phan Chánh, Thang Trần Phềnh, Nam Sơn, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân… Riêng về họa sĩ Thang Trần Phềnh, ngoài việc lưu trữ gần 70 tác phẩm gồm tranh, ký họa, BTMTVN còn lưu giữ tập tài liệu 19 trang đánh máy ronéo, số ký hiệu Tl.35/hđ, ghi lại nội dung cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến với họa sĩ về các hoạt động mỹ thuật của ông. Cuộc phỏng vấn trực tiếp này được thực hiện ngày 6-8-1964, khi họa sĩ Thang Trần Phềnh 69 tuổi, sức khỏe tốt và tinh thần còn minh mẫn (4). Sau đó, nội dung cuộc phỏng vấn được thuật lại bằng văn bản dưới dạng tự truyện. Ngày 2-6-1972, báo Văn nghệ, số 451, đã dành một trang đưa tin về sự ra đi của họa sĩ Thang Trần Phềnh; phần lớn nội dung bài viết điểm lại hành trạng và thành tựu hoạt động mỹ thuật của người họa sĩ sân khấu tiên phong, nội dung phù hợp với tài liệu lưu tại BTMTVN.
Thông tin cần đính chính trong cuốn sách Thang Trần Phềnh (1875 – 1973)
Về ba bức tranh trong sưu tập của BTMTVN
Trong trang 92 của cuốn sách, có đoạn về bức tranh Chân dung ông Thang Trần Chu: “Khoảng năm 1963, tình trạng tranh còn tốt, để tại tư gia Thang Trần Phềnh. Theo cuộc nói chuyện với gia đình ông ngày 7-7-2017, bức Chân dung ông Thang Trần Chu đã được BTMTVN mua lại cùng một lúc với bức Phạm Ngũ Lão và Chân dung phụ nữ Lào. Hiện nay tranh này không biết nơi đâu?”. Việc đặt câu hỏi bâng quơ như vậy cho thấy một cách làm nghiên cứu “tài tử”, chưa kể tới việc đưa thông tin theo cách này vào sách và phát hành rộng rãi, e rằng, sẽ gây những hiểu nhầm không đáng có cho một bảo tàng cấp quốc gia như BTMTVN. Tranh, tượng (hiện vật) khi đã thuộc sở hữu của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đều là tài sản quốc gia, Bảo tàng có trách nhiệm và nghĩa vụ lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật. Tác giả cuốn sách hoàn toàn có thể liên hệ với Bảo tàng để đặt vấn đề mở rộng tìm hiểu tư liệu, hình ảnh. BTMTVN có một bộ phận phụ trách tư liệu, có trách nhiệm hợp tác cùng với các tác giả trong và ngoài nước chung mục đích nghiên cứu nghiêm túc về mỹ thuật Việt Nam.
Thực tế, tới ngày 28-12-1964, BTMTVN đã hoàn tất thủ tục mua 3 tác phẩm tranh sơn dầu của họa sĩ Thang Trần Phềnh (mua trực tiếp từ tác giả): Phạm Ngũ Lão (tên khác là Trần Hưng Đạo, sơn dầu, 71x95cm, 1923), Chân dung phụ nữ Lào (sơn dầu, 45×38,5cm, 1927), Chân dung ông Chu (sơn dầu, 37x49cm, 1927, chính là bức Chân dung ông Thang Trần Chu được đề cập trong cuốn sách). Những thông tin này, chúng tôi trích lục từ Sổ kiểm kê của Bảo tàng, trong đó còn ghi rõ giá tiền mua, hiện trạng cơ bản của từng bức tranh. Hai bức tranh: Phạm Ngũ Lão và Chân dung phụ nữ Lào hiện được trưng bày tại phòng 9, tầng 2, nhà C của BTMTVN. Riêng bức Chân dung ông Chu hiện được bảo quản tại kho của bảo tàng. Bức tranh Chân dung ông Chu có bố cục trong hình oval, thể hiện một người đàn ông trẻ, có dáng dấp một trí thức Tây học. Mái tóc dày, chỉn chu, vuốt ngược ra sau, gương mặt sáng, khuôn mặt dài, hơi gầy. Sau đôi mắt kính tròn là ánh nhìn cương trực, sống mũi khá cao, thanh, khuôn miệng hài hòa…
Thêm một chi tiết khác, căn cứ vào bản “Báo cáo về tình hình các loại tranh do bảo tàng mua đến 31-12-1966 và được nhập kho bảo tàng”, giá mua bức tranh Chân dung phụ nữ Lào là 50 đồng, chứ không phải là 40 đồng như thông tin trong cuốn sách. Một chi tiết thú vị, bức tranh Chân dung phụ nữ Lào chính là bức vẽ người chị dâu, bà Sao-Păn, vợ của ông Thang Trần Chu (5). Như vậy, hai bức tranh chân dung thể hiện hình ảnh vợ chồng ông Thang Trần Chu, anh trai của họa sĩ Thang Trần Phềnh. Hai bức tranh cùng được vẽ trong năm 1927, thời điểm ông Phềnh đã học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, không phải như khẳng định của ông Ngô Kim Khôi là bức tranh này được vẽ năm 1925, trước khi ông Thang Trần Phềnh vào học trường này (6). Dễ dàng nhận thấy về cấu trúc hình và bút pháp ở hai bức tranh này đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm họa sĩ Thang Trần Phềnh sáng tác bức Phạm Ngũ Lão, bốn năm trước đó, khi ông vẫn là người tự học vẽ.
Về thông tin quanh bức tranh Hoa quả bốn mùa
Ở trang 120 và 121, trong cuốn sách, có đoạn: “Cũng theo cuộc nói chuyện ngày 23-6-2018, chúng tôi còn được biết thêm một bức tranh lụa của Thang Trần Phềnh vẽ các loại hoa quả miền nhiệt đới, với màu sắc nhẹ nhàng. Khoảng thập niên 1970, bức tranh này cho Viện Mỹ thuật mượn để triển lãm, sau đó đã không thấy trở về. Gia đình Thang Trần Phềnh không biết tranh này thất lạc tại nơi đâu?”.
Như đã đề cập ở trên, từ năm 1971, BTMTVN tách khỏi Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ, trở thành một đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa. Đến năm 1978, mới hình thành một cơ quan có tên gọi là Viện Mỹ thuật, cùng trực thuộc Bộ Văn hóa và nay, trực thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Viện Mỹ thuật này thuần túy là một cơ quan nghiên cứu, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo chứ không tổ chức triển lãm. Vì vậy, thông tin trích dẫn nói trên cần được kiểm tra chéo (double-check) và cung cấp tỏ tường cho bạn đọc, tránh những băn khoăn không đáng có cho chính bạn đọc là người hoạt động trong giới mỹ thuật. Về phía BTMTVN, hiện nay, trong danh mục trưng bày và lưu giữ tác phẩm, không có bức tranh lụa nào của họa sĩ Thang Trần Phềnh mang tên gọi Hoa quả bốn mùa, sáng tác khoảng năm 1960.
Một thông tin đáng để tham khảo là tháng 4-1967, BTMTVN đã trực tiếp mua từ họa sĩ Thang Trần Phềnh 64 bức tranh, bao gồm các bức vẽ tĩnh vật và ký họa bằng mực nho, màu nước, với giá 550 đồng. Các bức tranh đều có khuôn khổ xấp xỉ 13x18cm được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1955. Trong số đó có hơn 10 bức tĩnh vật màu nước vẽ các loại hoa quả miền nhiệt đới như: hoa sen, quả dứa, tảng mít, quả thị, quả đu đủ… số còn lại là các ký họa mực nho, màu nước ghi lại những sinh hoạt hằng ngày của đơn vị Sở Thông tin khu 12, gia đình họa sĩ và nhân dân Bắc Giang trong kháng chiến, như: Người tản cư bắt cua rất thạo (13x18cm, 1948, màu nước), Người Hà Nội kháng chiến (13x18cm, 1950, màu nước, vẽ vợ và con gái), Nhân viên Sở Thông tin khu 12 (13x18cm, 1947, mực nho); Thông tin khu 12 ở trong nhà đồng bào thiểu số (13×18 cm, 1947, mực nho).
Một hình ảnh khác về họa sĩ Thang Trần Phềnh qua tài liệu của Bảo tàng Mỹ thuật
Cuốn tài liệu Tl.35/hđ có ghi lại dày đặc các kỷ niệm gắn liền với sự phát triển của công việc trang trí mỹ thuật sân khấu cùng sự ra đời và phát triển của các rạp hát ở Hà Nội giai đoạn đầu TK XX, cho thấy tự trong tâm trí, họa sĩ Thang Trần Phềnh luôn hướng về mỹ thuật sân khấu. Ngoài ra, cuốn tài liệu cũng cho thấy rõ vai trò của ông trong việc thể nghiệm, cách tân nghệ thuật hát kịch ở rạp Sán Nhiên Đài, như việc ông là người dịch một số bài đàn hát Trung Quốc cũ ra tiếng Việt, dạy đàn, dạy múa, dạy hát, thiết kế phục trang… Sau ba, bốn mươi năm, Thang Trần Phềnh dường như vẫn nhớ như in từng sự kiện liên quan tới các rạp Sán Nhiên Đài, Quảng Lạc, Năm Chăn, Thông Sáng… vẫn nhớ tên của các em trai, em gái trong Ban hát Mỹ thuật Đồng Ấu Trần Phềnh.
Cuốn tài liệu cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng về hoạt động mỹ thuật thời kỳ đầu của ông. Theo đó, năm 1911, bức tranh Chùa Trấn Quốc trong buổi hoàng hôn (7), kích thước 30x60cm, vẽ bằng thuốc nước trên giấy của ông được gửi tham dự đấu xảo Hà Nội và được bán cho một vị khách tên Georges Bois. Ông khách này còn hỏi đến tận nhà riêng, đặt mua thêm hai bức khác. Kể từ đó, Thang Trần Phềnh được tiếng vẽ tranh đẹp, rất nhiều người tìm đến mua, phần nhiều là người Pháp, người Đức ở Sở dầu Cầu Đất, hiệu Ogliastro bán vải và phẩm nhuộm, một số nhà binh Pháp.
Cũng chính nhờ mối quan hệ với ông Georges Bois mà năm 1913, Thang Trần Phềnh được vào làm trong Sở Máy đèn Bờ Hồ. Tuy nhiên, vì công việc không thích hợp nên Thang Trần Phềnh chỉ làm một năm rồi nghỉ. Năm 1914, ông vào làm ký họa ở Sở Lục lộ (tương tự như Sở Giao thông ngày nay). Đây cũng là cơ duyên đưa Thang Trần Phềnh đến với việc trình bày phông, cảnh cho rạp Sán Nhiên Đài. Cuối năm 1914, rạp Sán Nhiên Đài ra đời. Ông Trương Ngọc Minh, một thành viên Ban quản trị Sở Lục lộ, hội viên hội Sán Nhiên Đài, nhận thấy ông Phềnh biết vẽ, bèn mời ông vào hội để vẽ phông cảnh. Nhưng trước đó, từ năm 1912, ông Phềnh đã tự tập vẽ tranh theo phong cách phông trang trí sân khấu, bằng sơn dầu trên vải dày. Số là sau khi tận mắt xem đoàn nghệ sĩ Trung Quốc sang diễn tân kịch ở Quảng Đông hội quán, phố Hàng Buồm, Thang Trần Phềnh mê mẩn một trong số các bức họa trang trí trên sân khấu đó. Ông mơ tưởng ngày đêm, mất ăn mất ngủ, nghĩ cách vẽ theo. Ông nhớ lại: “Từ đó trở đi, tìm thầy, tìm bạn hỏi mượn hết tranh này, tranh nọ, mua sơn, mua thuốc, mua vải dày (toile nationale) can hai khổ vải thành bức phông con, rộng 2m40x3m00, để vẽ. Vẽ một con đường đi, một bên có nhà lá, một bên có rào cây thấp, gần có mấy dãy vườn cây thấp, có cây gần, có cây to xa xa, có viễn cảnh” (8). Bức phông ấy sau cho rạp Sán Nhiên Đài mượn treo khi rạp đóng ở phố Tạ Hiện.
Dù mày mò, học vẽ với chất liệu sơn dầu từ năm 1912 nhưng bắt đầu từ 1914, Thang Trần Phềnh mới thực sự có điều kiện thể nghiệm nhiều bức vẽ phông cảnh. Qua lời kể của ông, ta biết thêm về các họa sĩ vẽ phông cảnh thời kỳ đó, như các ông Nguyễn Đức Thục (dạy vẽ, dạy nặn ở trường Bách nghệ), Nguyễn Đình Chi (làm ở Sở Địa dư), một người Pháp lai tên là Lagisquet làm kiến trúc sư ở Sở Đốc lý, các ông Đỗ Văn Y, Nguyễn Ngọc Oánh, làm ký vẽ ở ngành kiến trúc nhà cửa thuộc Sở Lục lộ, cũng tham gia hỗ trợ Lagisquet vẽ phông cảnh.
Từ việc tự học vẽ phông cảnh, Thang Trần Phềnh đã không chỉ thuần thục mà còn sáng tạo ra lối vẽ có thể ngắm nhìn được từ cả bốn phía, mà ông gọi là “tứ cố”, như ông tả lại bức phông cảnh lấy nguyên mẫu từ chùa Cầu Đông, phố Hàng Đường: “…vẽ tại chỗ, vẽ đúng thực. Chùa vẽ trông ở giữa, nhìn sang hai bên hành lang có hai hàng Phật. Chính giữa có tam bảo, hai bên ngoài có hai hàng cột chùa” (9). Bức vẽ chùa Cầu Đông được tán thưởng vì cách vẽ như thực, gây ảo giác về sự chuyển động của cả không gian nền cảnh theo diễn biến của nhân vật trên sân khấu. Những trải nghiệm và tiếng tăm từ tài vẽ phông cảnh sân khấu ở Hà Nội đã đem tới cho ông nhiều công việc thú vị khác. Từ năm 1916 trở đi, trong khoảng 9-10 năm, ông vẽ cho nhiều nơi, như những phông cảnh cho Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát lớn Hải Phòng, nhà Nhạc hội Bờ Hồ, rồi Khách sạn Metropole, rạp chiếu bóng Cinéma Tonkinois, phố Hàng Quạt, rạp chiếu bóng Palace (nay là rạp Công Nhân), phố Tràng Tiền…
Có thể nói, họa sĩ Thang Trần Phềnh, tuy tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vốn theo lẽ thường thời đó là sẽ thành một họa sĩ sáng tác hoặc một giáo sư mỹ thuật, nhưng cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp phát triển mỹ thuật sân khấu. Ngay từ trước khi đi học mỹ thuật một cách bài bản ở trường, ông đã say mê tự học vẽ phông cảnh. Đặc biệt, sau khi ra trường, ông cũng ít tham gia sáng tác tranh. Ông chú tâm vào công việc sân khấu. Mỹ thuật sân khấu là duyên nợ theo ông cho tới cuối đời. Tại buổi ra mắt cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895 – 1973), nhà nghiên cứu mỹ thuật sân khấu Đoàn Thị Tình đã cung cấp một thông tin quý: Viện Sân khấu Điện ảnh, thuộc Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội hiện lưu giữ tập Ký họa sân khấu của họa sĩ Thang Trần Phềnh, vẽ trong giai đoạn 1947-1954…
Ngay từ tiêu đề tên sách và cách chia tiểu mục nội dung, tác giả cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895 – 1973) đã không giấu kỳ vọng giới thiệu về sự nghiệp của một họa sĩ. Song thực ra, phần sự nghiệp lâu dài nhất và nổi bật nhất của ông gắn liền với nửa thế kỷ mỹ thuật sân khấu Việt Nam lại không/chưa được đề cập đến một cách tương ứng. Các bức tranh sơn dầu của Thang Trần Phềnh được công chúng tán thưởng, đặc biệt là những người Pháp yêu thích hương vị phương xa. Tuy nhiên, thông qua cuốn sách này, việc đưa đẩy tên tuổi của ông đi quá xa so với thực tiễn đương thời, như thể ông là một đại danh họa với những tác phẩm mỹ thuật “viễn du xứ người và làm rạng danh nền văn hóa nước nhà”, cũng dễ gây ra cái nhìn thiên lệch của hậu thế về ông.
Trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam cận hiện đại, Lê Huy Miến, Thang Trần Phềnh, Nam Sơn là những nhân vật tiên phong. Họ đã đạt danh tiếng từ trước khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Do thời thế, nhiều phần cuộc đời và sự nghiệp của họ chưa được thông tin đầy đủ đến công chúng. Nhưng nay, trong những điều kiện nghiên cứu cởi mở và thuận tiện, hy vọng rằng sẽ tiếp tục có nhiều hơn nữa những bài viết, cuốn sách đầy đặn, chuẩn mực, đa chiều thông tin về họ và về những tài danh khác của mỹ thuật Việt Nam, giúp cho công chúng và các thế hệ nghệ sĩ tiếp sau nhận diện rõ ràng chân giá trị của nghệ thuật trong dòng chảy vô chừng của lịch sử dân tộc.
_______________
1. Ngô Kim Khôi, Thang Trần Phềnh (1895 – 1973), Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2018. Thực tế, họa sĩ Thang Trần Phềnh qua đời ngày 3-5-1972. Tác giả cuốn sách cũng đã có lời đính chính sai sót này, ngay bên trong nội dung sách và trong bài viết Dư âm Thang Trần Phềnh, đăng tải trên trang web của Tạp chí Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam: tapchimythuat.vn, ngày 20-9-2018. Nhưng tên sách vẫn được giữ nguyên như vậy.
2. Còn gọi là Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khi đó trực thuộc Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ.
3. Lịch sử hình thành và phát triển của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, vicas.org.vn.
4. Tác giả trao đổi với bà Nguyễn Hải Yến, nguyên là cán bộ phòng Nghiên cứu Sưu tầm của BTMTVN, Hà Nội, ngày 30-8-2018. Thông tin thêm: năm 1964, ông Nguyễn Đỗ Cung giao nhiệm vụ cho hai cán bộ nghiên cứu Phạm Đản và Nguyễn Hải Yến đến gặp họa sĩ Thang Trần Phềnh, làm công tác nghiên cứu và sưu tầm tác phẩm của ông. Về sau, BTMTVN tiếp tục giữ mối liên hệ với họa sĩ Thang Trần Phềnh cho tới khi ông qua đời.
5. Nguyễn Hải Yến, Thang Trần Phềnh (1890 – 1972) – duyên nợ dòng máu Việt – Hoa, in trong Hội họa Hà Nội – những ký ức còn lại, Picture Art Foundation, Mỹ, 2010, tr.50. Thông tin thêm: do nhiều xáo trộn nhân sự và điều kiện làm việc trong quá trình lập hồ sơ thông tin tác giả, tác phẩm của BTMTVN, thông tin về năm sinh của họa sĩ Thang Trần Phềnh do bảo tàng cung cấp có sai sót, từ 1895 thành 1890.
6. Ngô Kim Khôi, sđd, tr.92, và trong bài viết Dư âm Thang Trần Phềnh, tapchimythuat.vn.
7. Tài liệu Tl.35/hđ, BTMTVN, tr.1. Còn trong sách Thang Trần Phềnh (1895 – 1973), có ghi tên bức tranh là Chùa Trấn Quốc trước khi mặt trời lặn, tr.76.
8, 9. Tài liệu Tl.35/hđ, BTMTVN, tr.2, tr.8.
Tác giả: Vũ Thị Hằng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn