Bán đảo Đồ Sơn là một dải đất uốn khúc ra biển theo hướng đông nam, hẹp dần và kết thúc ở điểm cuối cùng là đảo Hòn Dáu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Đồ Sơn là nơi đầu tiên tiếp nhận đạo Phật với những giai thoại về chùa Hang – nơi nhà sư Phật Quang đã cư ngụ và truyền đạo. Những ghi chép trong thư tịch cổ còn cho thấy nơi đây từng tồn tại tháp Asoka, do đoàn truyền giáo Ấn Độ của vua A Dục Vương (Asoka) cùng các phật tử dựng nên để đánh dấu sự có mặt của đạo Phật.
Theo các chứng tích lịch sử, tháp Tường Long do vua Lý Thánh Tông xây dựng trên đỉnh núi Ngọc (thuộc phường Vạn Xuyên, Đồ Sơn, Hải Phòng) để thờ Phật. Đây là ngọn núi đầu tiên trong dãy núi Rồng thuộc bán đảo Đồ Sơn cao khoảng 168m. Có giả thuyết cho rằng tháp Tường Long được xây chính trên nền móng cũ của tháp Asoka.
Sách Đại Việt sử lược ghi lại rằng, năm Mậu Tuất niên hiệu Long Thụy thứ 5 (1058), mùa thu tháng 9, vua ngự ra cửa biển Ba Lộ nhân đó ngự ra nơi xây tháp ở Đồ Sơn. Một năm sau, vua Lý Thánh Tông thấy rồng vàng hiện lên ở điện Trường Xuân, nên ban cho tháp này tên hiệu là Tường Long, ý muốn ghi lại điềm lành.
Tháp Tường Long ngoài ý nghĩa tâm linh, vai trò quân sự, còn mang ý nghĩa rất lớn về phong thủy. Đây là vùng đất tụ sơn, tụ thủy. Nếu không có vị trí đắc địa thì các nhà truyền giáo do vua Asoka cử đến đây truyền đạo đã không chọn nơi này để dựng tháp Asoka.
Đồ Sơn gồm có một núi mẹ và chín núi con. Núi mẹ (mẫu sơn) cao chừng 168m so với mặt biển. Đỉnh núi này chính là nơi bảo tháp Asoka được dựng vào khoảng TK III TCN. Sau này, vào giữa TK XI vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng tháp Tường Long trên nền tháp cổ A Dục Vương. Nếu lấy hướng mặt nhìn ra biển Đông thì tay long của tháp chính là khu vực bán đảo Đồ Sơn, nơi có khu bãi tắm 3 và bến Nghiêng hướng ra đảo Hòn Dáu. Tay Long này uốn khúc, phình ra trên bờ biển, tưởng như kết thúc tại khu vực casino – mỏm cuối của bán đảo nhưng sau một đoạn chui ngầm dưới biển sâu, nó lại cất cao đầu vươn lên, tạo thành đảo Hòn Dáu linh thiêng với bao truyền kỳ huyền bí.
Đảo Dáu vừa là long đầu (đầu rồng), vừa là án sa của tháp Tường Long. Tay long này còn được tiếp thêm sinh lực của nhánh sông Lạch Tray khiến nó có đầy đủ sơn khí, thủy khí, đem đến sự thịnh vượng cả nhân tài lẫn vật lực. Tay hổ của tháp Tường Long chính là con sông Văn Úc đổ ra cửa biển Văn Úc. Trước khi đổ ra cửa biển, sông Văn Úc đã hợp lưu và phân lưu với một số nhánh, tạo ra sự cân bằng cho lưu lượng dòng chảy quanh năm. Tuy nhiên, như một sự trớ trêu của tạo hóa, khi bắt đầu đoạn sông đổ ra cửa biển Đồ Sơn thì tay hổ Văn Úc đang đi vào từ cung tây nam (quẻ Khôn tượng trưng cho đất – mẹ) bỗng đổi hướng rẽ ngoặt xuống hướng tây bắc – cùng cung hướng với tay long, tạo thành một thế rất xấu là phản cung thủy, tạo nên thế long hổ, làm giảm đi đáng kể lượng nước đổ vào khu tiểu vịnh Đồ Sơn, khiến nguồn sinh khí giảm thiểu. Trái lại, tay hổ là sông Văn Úc lại kết hợp với tay hổ là sông Lạch Tray ôm vòng tạo thành một vùng đất khá trù phú bên cạnh Đồ Sơn, đó là huyện Tiên Lãng. Nhược điểm ở chỗ tay hổ lại hơi có tư thế doãi ra, ngoảnh đi làm cho huyệt long bị tán khí. Hiểu rõ điều này nên các vị cao tăng Ấn Độ xưa và vua Lý Thánh Tông sau này đã cho dựng tháp để tụ khí mạch, tạo uy thế cho tay long, áp chế tay hổ, giúp nơi đây thành một huyệt đất quý.
Nền móng của tháp Tường Long được phát hiện tình cờ vào cuối năm 1972 khi bộ đội, dân quân Đồ Sơn đào hào xây dựng trận địa phòng không chống máy bay Mỹ. Khi đó các cán bộ của Bảo tàng Hải Phòng đã đến ghi chép, mang mẫu gạch móng về thẩm định. Cuối tháng 2-1978, Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng tiến hành khai quật tháp Tường Long lần thứ nhất để tìm hiểu về kiến trúc thời Lý ở Hải Phòng. 20 năm sau, tháp được khai quật lại với mục đích giữ chân móng tháp làm bảo tàng ngoài trời, chuẩn bị cho phỏng dựng lại ngôi tháp cổ này ở gần với chân móng ngôi tháp cũ.
Sau hai cuộc khai quật nền tháp, đã thấy phát lộ hai nền móng tháp giống nhau về cơ bản, chỉ khác nhau về kích thước. Phải chăng vào thời Lý người ta không chỉ xây một tháp mà là hai tháp, hoặc là tháp Tường Long được xây gần chân móng tháp Asoka cổ?
Tháp Tường Long ngoài giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và tâm linh còn có giá trị quân sự. Sách Đại Nam nhất thống chí chép lại rằng, tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương cao 100 thước. Vì 1 thước ở thời Nguyễn bằng 0,425m nên tháp Tường Long phải cao hơn 40m. Với chiều cao ấy, lại ở trên đỉnh núi cao 168m, tháp không chỉ là biểu tượng sùng Phật của một vị minh quân triều Lý mà còn trở thành một đài quan sát bờ biển, cảnh báo kẻ thù xâm phạm từ xa.
Tháp Tường Long còn nằm trong hệ thống phong hỏa đài. Ban ngày, người ta có thể dùng khói, ban đêm đốt lửa báo hiệu cho các trạm thông tin kế tiếp truyền báo về kinh đô. Đài quan sát này cũng đồng thời được coi như một vọng gác bảo vệ vùng ven biển Đông Bắc tổ quốc ta thời bấy giờ.
Năm Gia Long thứ 3 (1804), tháp Tường Long bị phá vỡ, lấy gạch xây thành trấn Hải Dương theo chủ trương của ông vua đầu tiên của triều Nguyễn. Việc phá tháp nằm trong mục đích phá thế phong thủy của Đồ Sơn đất nghịch theo chủ trương của các ông vua luôn lo sợ mất ngai vàng.
Theo kiến trúc sư Ngô Huy Giao, tháp Tường Long có 12 tầng. Năm 1288 bị sét đánh đổ ngọn, năm 1322 lại bị sét đánh sạt 2 tầng trên, năm 1426, giặc Minh phá tháp lấy đồng làm vũ khí, năm 1791 triều đình Lê phá tháp lấy gạch tu bổ thành Thăng Long. Đến thời Pháp đô hộ, chính quyền thực dân đã đào xới tháp, lấy đi nhiều bảo vật bằng đá, đồng và chặt đầu tượng Phật Adi Đà mang về Pháp.
Hưởng ứng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 6-6-2008, UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng quần thể di tích lịch sử tháp Tường Long với tổng mức đầu tư lên đến gần 180 tỷ đồng. Với quy mô của dự án, đây sẽ là một công trình kiến trúc Phật giáo lớn nhất vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm trong tuyến du lịch trọng điểm Đồ Sơn – Cát Bà – vịnh Hạ Long. Công trình này không những góp phần tích cực vào việc bảo vệ, lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa dân tộc mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển Hải Phòng nói riêng và đất nước nói chung.
Theo đề án thiết kế, tòa tháp được xây mới theo dạng phỏng dựng cao 36,09m, gồm 13 tầng, bên cạnh nền móng tháp cũ. Chân tháp hình vuông có kích thước 25,86m x 25,86m, có 4 lối lên xuống đăng đối nhau, bên trong là tượng phật ngồi trên tòa sen bằng đá. Cùng với việc phỏng dựng lại tháp Tường Long, dự án còn bao gồm các hạng mục như xây dựng nhà che hố khảo cổ- nơi tìm thấy dấu tích tháp Tường Long, nhà che bia và tôn tạo chùa Tháp. Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2015 và khu di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia này sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014
Tác giả : Phạm Văn Thi
Bài viết cùng chủ đề:
Giá trị lịch sử – văn hóa đình làng vân chàng
Sức hút của công tử bạc liêu qua lịch sử, giai thoại
Khu trưng bày khảo cổ học tầng hầm nhà quốc hội