Thế giới nhân vật trẻ thơ trong phim Mẹ vắng nhà


Bộ phim Mẹ vắng nhà của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư ra đời năm 1979, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Thi, là một trong những bộ phim thiếu nhi được yêu thích nhất của điện ảnh Việt Nam. Bộ phim là một câu chuyện đẹp, đầy chất thơ giữa bối cảnh chiến tranh Việt Nam đang khốc liệt, mà ở đó, thế giới nhân vật trẻ thơ được khắc họa một cách sống động, sắc nét.

    Thế giới nhân vật trẻ thơ trong phim Mẹ vắng nhà

    Những nhân vật trẻ thơ sống đúng “lứa tuổi” của mình

    Phim kể về cuộc sống của năm chị em: Bé, Thanh, Anh, Hiển và Hùng, trong đó bé Hùng còn ở tuổi nằm nôi. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ở ác liệt ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ba của các bé đi chiến đấu, má là du kích cũng thường xuyên vắng nhà. Ở thế giới trẻ thơ ấy, ta vừa bắt gặp những nét chung đặc trưng cho tâm hồn của lứa tuổi thiếu nhi, đồng thời cũng nhìn thấy những nét riêng của cuộc sống, tâm lý trẻ thơ mà những năm tháng chiến tranh ác liệt đã đẩy chúng vào hoàn cảnh đặc biệt.

    Trong năm nhân vật, Bé là chị cả, độ tuổi đi học nhưng do trường bị đánh bom, cô giáo đi chiến đấu, lại phải chăm em nên việc học bị hoãn lại. Bé đảm đang tháo vát, thương mẹ, và chăm lo cho các em. Thanh là em gái kế của Bé, hiền dịu hơn, giúp chị cùng săn sóc em. Anh và Hiển là hai đứa kế tiếp. Anh còn nhỏ nên chưa biết nhường nhịn em. Hiển, Anh suốt ngày trêu chọc, tranh nhau đủ thứ. Năm đứa nhỏ trong bộ phim làm nên một thế giới trẻ thơ sống động, mỗi đứa một cá tính riêng.

    Cả bộ phim là vô số những trò chơi của hai đứa trẻ Hiển và Anh. Đó là trò đánh trận giả của mấy chị em hòa cũng lời của Bé khi trèo trên cây cao tường thuật lại má đánh giặc thế nào… Theo lời của nhân vật “nội” trong bộ phim: “Từ đây tới đó đi cả ngày đường”, thì việc leo lên một cây cao mà nhìn được chi tiết từng ánh mắt, hành động của má, các cô là điều không tưởng. Nhưng đối với những đứa trẻ, với khả năng tưởng tượng phong phú, cùng lòng tin, tình yêu dành cho má, cuộc chiến hiển hiện trước mắt được nó nói một cách say mê nhiệt tình: “đó, đó, các cô chạy theo má đó… Đó, má đang rượt tụi nó đó. Í má cầm cờ nữa. Hoan hô! Tụi nó tiêu rồi” khiến cho không chỉ các em của Bé, mà ngay cả “nội” đã rất già, giàu kinh nghiệm, hiểu biết về cuộc sống cũng bị nghi hoặc, hỏi lại Bé: “Nhìn thấy thiệt hả?”.

    Khao khát học tập của nhân vật trẻ thơ được hiện thực hóa bằng trò chơi học tập, mà Bé đóng vai cô giáo, các em là học sinh… Khao khát ấy đi vào những tưởng tượng của nhân vật Bé: mơ mấy chị em được mặc áo đẹp, được cô đón, được cầm hoa, những chữ cái bay lượn đẹp đẽ trong không trung và hóa thành đôi cánh trắng tựa thiên thần. Với tất cả sự thật thà, ngây thơ, những đứa trẻ vừa gặp mẹ trở về đã khoe được học bài mới. Mẹ của chúng liền hứa sẽ cho các con đi học. Bé bê nồi cơm chuẩn bị nấu cũng chạy ra dặn mẹ cho mình đi học.

    Những nhân vật trẻ thơ đã vượt qua giới hạn đặc trưng lứa tuổi của mình

    Nghiên cứu khoa học khẳng định “người ta chỉ có thể phát triển đầy đủ ở một giai đoạn nào đó về phương diện tình cảm, tâm lý, xã hội, nếu giai đoạn trước đó không bị gián đoạn” (1). Như vậy, vai trò “bắt buộc” cha mẹ phải ở bên con cái gần như được đề cao tuyệt đối. Tuy nhiên, đối với hoàn cảnh trong phim Mẹ vắng nhà, cha mẹ đi đánh giặc, năm đứa con đã đi qua nhiều đặc điểm của tuổi mình.

    Cả bộ phim là một hành trình xa mẹ: mở đầu phim là cảnh sinh hoạt bình thường của một gia đình nhiều trẻ nhỏ, mẹ đang tắm cho hai đứa nhỏ; hai đứa con gái lớn vừa tắm, vừa dạy nhau bơi. Ở đây, đạo diễn chú ý những hình ảnh mang tính biểu trưng, đó là cảnh con ong đang làm mật, cảnh con thằn lằn, cảnh vịt mẹ dẫn bầy con bơi… Âm thanh chủ yếu là tiếng cười của người mẹ với các con và tiếng nô đùa giữa chúng. Tất cả thể hiện cuộc sống gia đình vui vẻ, bình yên và tràn đầy ấm áp… Tiếng súng là âm thanh xé toang không khí bộ phim và cũng là một sự khởi đầu. Tác giả chú trọng đến khuôn mặt và ánh mắt lặng đi nhưng đang tính toán, cũng đầy âu lo, buồn bã của người mẹ. Những đứa trẻ, tùy theo độ tuổi và sự hiểu biết mà có cách ứng xử khác nhau. Hai đứa lớn buồn bã nhưng không mè nheo mẹ, hai đứa kế thì ôm mẹ, khóc lóc, không đồng ý cho mẹ đi, đứa út chưa biết nói khi rời vòng tay mẹ thì khóc… Phần lớn dung lượng của bộ phim là nói về cuộc sống xa mẹ của năm đứa trẻ, theo đúng nguyên tắc: đứa lớn chăm đứa bé, biết thương nhau và quan tâm lẫn nhau… Cuối phim là cảnh người mẹ về thăm các con. Thời gian diễn ra đủ cho những hoạt động: mẹ chia quà cho các con, cho con bú, mẹ cùng các con ra vườn… Và tiếng súng khi mẹ đang ở nhà lại lần nữa vang lên. Cảnh đầu phim lặp lại, đứa lớn thì ngẩn ngơ, đứa nhỏ lại khóc lóc, và người mẹ lại đi xa.

    Như vậy, đúng như tên bộ phim Mẹ vắng nhà, năm đứa nhỏ trong phim còn ở lứa tuổi nhi đồng đã luôn phải xa cha mẹ – người mà chúng cần và yêu thương nhất, người không những cho chúng nguồn sống (từ miếng sữa đến miếng cơm) mà còn cho chúng tình yêu thương, sự chăm bẵm, dạy dỗ.

    Những đứa trẻ chăm lo và bảo vệ cho nhau: chúng chăm lo cho nhau trong sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ hằng ngày. Đứa lớn chăm sóc, lo miếng ăn, giấc ngủ cho đứa bé. Ngược lại, những đứa nhỏ lại rất yêu chị, nghe lời chị. Đặc biệt, ở nhân vật Bé tập trung cao độ những nỗ lực để thay mẹ quản lý gia đình… Đám trẻ còn động viên nhau ở những cảnh Bé trèo lên cây cao nói lại lời má nói: “Hiển ơi, Hiển à, má biểu em không được lội sông nghen. Má biểu con Thanh quậy bột cho em ăn rồi lát má về…” . Chúng dạy dỗ nhau. Đứa lớn dạy đứa bé học bơi, dạy đánh vần (dù chính mình cũng chưa biết chữ), dạy nhau phải biết nhường nhịn và đe nẹt em hư: “Đứa nào không ngoan má không thèm về”, “tụi bay giành nhau như vậy tao nói má không cho đứa nào đi học hết”…

    Những đứa trẻ từ tấm bé đã có ý thức về việc đánh Mỹ: Bé và Thanh vì đã hiểu chuyện nên khi mẹ xa nhà, thì điềm tĩnh dù vẻ mặt không giấu được nỗi buồn và sự hụt hẫng. Hai đứa nhỏ thì khóc lóc mè nheo nhưng khi chị lôi ra thì cũng đành thôi. Trò chơi của tụi nhỏ ở nhà thường liên quan đến mẹ và chủ đề đánh Mỹ. Thậm chí chúng còn đòi mẹ cho mình đi đánh Mỹ cùng.

    Như vậy, so với khung nghiên cứu khoa học tâm sinh lý trẻ nhỏ, những nhân vật trong phim Mẹ vắng nhà bên cạnh những nét chung cơ bản còn có nhiều nét riêng đặc biệt về tâm lý, tính cách, thậm chí giới hạn chịu đựng. Đối với một đứa trẻ thông thường, việc xa mẹ là vấn đề vượt quá giới hạn của nó. Nhưng những đứa trẻ ngoan trong bộ phim Mẹ vắng nhà biết nghe lời và thông cảm cho mẹ, đó là điều mà ngay cả người lớn cũng khó làm được – việc thông cảm cho nhau.

    Sự lý giải và thành công trong xây dựng thế giới nhân vật trẻ thơ trong phim Mẹ vắng nhà

    Sự lý giải

    Bộ phim có bối cảnh chung là vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh là hoàn cảnh sống đặc biệt khiến người ta không thể sống được bình thường. Người mẹ phải xa con, đi đánh giặc, đương đầu với cái chết, dù âu lo vẫn phải xa con để đi. Theo lẽ thông thường, đối với một con người, điều quý giá nhất là gia đình và đối với một người phụ nữ, mối quan tâm hàng đầu là những đứa con. Nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, tất cả vì lợi ích chung của dân tộc, người làm cha mẹ chấp nhận phải xa con, những đứa con dù khóc lóc, vẫn chấp nhận xa cha mẹ. Mọi việc xảy ra quen thuộc đến nỗi, khi mẹ về, chỉ cần nghe thấy tiếng súng là chúng biết điều gì sắp xảy ra, mẹ lại đi xa và đây là khởi đầu cho một hành trình xa mẹ thêm lần nữa.

    Tính cách Việt làm nên nét đặc trưng của bộ phim Mẹ vắng nhà và cũng phần nào là sự lý giải cho bộ phim. Trước hết, những nhân vật trẻ thơ tuy xa bố mẹ nhưng không lẻ loi, cô đơn. Chúng luôn nhận được sự quan tâm của bà cụ hàng xóm mà chúng gọi là “nội”. Nội luộc khoai, để ý đám trẻ, dặn dò chúng chớ có nhắc mẹ nhiều mẹ sốt ruột làm sao chiến đấu: “Đã nói nó đi đánh giặc thì đùng có dòm nó nghe hông? Nghe hông? (…) Nơi trận mạc súng đạn chứ dễ dàng gì. Từ nay, đứa nào còn nhắc còn đòi nữa là tao uýnh đòn chết à nghen”. Ở chợ, khi cho nhà Bé đồ, người ta tươi cười nói: “Má cháu đưa tiền cho thím rồi. Khỏi lo đi. Cứ nói thím Bảy (..) là má biết rồi”… Đó vừa là sự thơm thảo, quan tâm lẫn nhau thuộc phạm trù tình làng nghĩa xóm, nhưng thái độ không suồng sã, đầy khéo léo khi “cho đồ” thể hiện sự tôn trọng đặc biệt đối với trẻ thơ.

    Đặc biệt, tính nữ Việt tràn ngập trong bộ phim. Người mẹ của mấy đứa trẻ trong bộ phim yêu con như bao bà mẹ khác, chăm bẵm, nhìn thấy đứa nhỏ nhất đã vội bế lấy mà hít hà “cục cưng của má ơi” rồi thơm nấy thơm để. Hai tay bế hai đứa nhỏ mà cười lên hạnh phúc. Ánh mắt đầy lo toan của người mẹ ấy là tấm gương để người ta nhìn thấy sự thật về thân phận và nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh… Tính nữ cũng thể hiện ở cả hai nhân vật Bé và Thanh. Tuy còn nhỏ nhưng chúng đã đảm đang, biết nhường nhịn và bảo vệ người khác, mà trước hết là bảo vệ những đứa em của mình.

    Thành công trong xây dựng thế giới nhân vật trẻ thơ trong phim Mẹ vắng nhà

    Trước hết, bộ phim đảm bảo nguyên tắc: tính cách đa dạng, nhân vật thống nhất về mặt cá tính. Mỗi một đứa trẻ là một cá tính. Chính đặc điểm nhận thức, tâm lý tùy theo lứa tuổi của chúng làm nên nét riêng trong thế giới nhân vật trẻ thơ.

    Thứ hai, bộ phim thành công khi xây dựng nhân vật đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt. Những đứa trẻ không bị cuộc sống khó khăn làm xấu xí tâm hồn, vẫn luôn trong sáng, hồn nhiên. Chúng ăn uống, nô nghịch, khóc lóc, chơi với nhau và mọi ý nghĩ đều hướng về mẹ. Dù đang say mê chơi dạy học, nhưng chỉ cần nhắc đến mẹ thì tất cả đều nhao nhao: “em giống má cái mũi con mèo mà… em cũng giống má cái mắt to nha chị Hai…”. Ngay cả nhân vật Bé tỏ ra là người lớn nhất cũng khẳng định: “Tao cũng giống má, heng?”. Khi bị cái Anh nói mình không giống mẹ, Bé cũng lập tức giận ngay: “Mày nói tao không giống, lát má về tao không chia bánh cho mày nữa”. Đó là cái giận hết sức bột phát của trẻ khi chúng luôn muốn giống người mà mình yêu nhất. Đặc biệt, đặc tính của trẻ thơ là luôn khao khát “đóng vai” những người mà chúng thích. Trong bộ phim này, khao khát “vai diễn” của lũ trẻ thể hiện ở chỗ: Bé muốn giống mẹ – lo lắng cho các em, quán xuyến gia đình; đám trẻ muốn giống mẹ, giống các cô khi đi đánh giặc; tất cả đều khao khát được đến trường nên muốn lớn lên làm cô giáo.

    Bên cạnh đó, những đứa trẻ này cũng có những nét khác lạ về cuộc sống, tâm lý đối với nhân vật trẻ thơ thông thường. Đơn giản bởi vì lũ trẻ có hoàn cảnh sống khắc nghiệt và khác biệt so với đứa trẻ thông thường khác. Nhà làm phim đã quán triệt đặc biệt nguyên tắc: tâm lý là sản phẩm của hoàn cảnh sống.

    Bộ phim là sự chuyển thể thành công truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi. Hình ảnh phim dung dị, trong sáng, chú trọng tính biểu tượng và cả những tưởng tượng, mộng mơ của mấy đứa trẻ – vốn là đặc trưng tâm lý trẻ. So với những phim: Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội…, Mẹ vắng nhà không có những cảnh chết chóc, tàn khốc trực diện, nhưng gương mặt chiến tranh được thể hiện bằng thủ pháp gián cách – thể hiện qua sự chia lìa của lũ trẻ với cha mẹ, thể hiện ở nỗi ám ảnh, sự sợ hãi tiếng súng: tiếng súng cắt ngang giấc tưởng tượng đẹp của Bé, cắt lìa giây phút ở bên mẹ…

    Thế giới nhân vật trẻ thơ làm nên nét trong sáng, sức sống lâu bền của bộ phim Mẹ vắng nhà của Nguyễn Khánh Dư. Trong bao nhiêu nốt xốn xang, khắc nghiệt của cuộc chiến, người ta nhìn thấy một nốt thánh thót vang ngân, niềm tin và cả niềm hy vọng về cái kết đẹp cho cuộc chiến chống Mỹ giữ nước. Một dân tộc mà đứa trẻ trong nôi, đứa trẻ đang học nói, đứa trẻ vừa tới tuổi đến trường đã biết hy sinh, đã biết yêu nước, đó là một dân tộc bất diệt.

____________________________

1. Xuanha.net

Tác giả: Ngô Đặng Trà My

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *