Năm nay, nước Pháp và những người yêu văn chương trên toàn thế giới, trong đó có nhiều thế hệ người sáng tác văn thơ và bạn đọc Việt Nam, cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh một “ông lớn” của văn hóa nhân loại: thi sĩ Pháp Charles Baudelaire (1821-1867), người đứng lại trong lịch sử văn chương thế giới như một tượng đài kỳ vĩ hàng đầu. Với Baudelaire, thi ca (cái đẹp lý tưởng) là giải pháp hữu hiệu tuyệt đỉnh để hóa giải cái xấu và tái lập thiên đường.
Cha của Baudelaire vốn là linh mục có tuyên thệ, nhưng sau chuyển sang làm họa sĩ, rồi Chánh văn phòng Quốc hội. Mẹ của ông là một người nội trợ. Cha mất năm ông 6 tuổi. Chỉ năm, sáu năm được ở bên cha, ông đã kịp nhận được ở cha nhiều thứ quý giá, mà đáng kể là một tình yêu nghệ thuật gần như vô điều kiện. Cho tới cuối đời, dù bận bịu đến mấy, cha vẫn hay đưa ông tới thăm các bảo tàng, trong đó có bảo tàng mỹ thuật. Các bảo tàng khơi gợi trong Baudelaire nhiều chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, đặc biệt là vai trò của văn chương nghệ thuật trong xã hội.
Đọc nhiều sách, báo, ông đã có sự đồng cảm với nỗi khốn khổ của dân lao động. Ông làm nhiều công việc khác nhau nhưng đều liên quan đến văn chương và nghệ thuật như dịch thuật, viết báo, nghiên cứu, tiểu luận để kiếm sống. Tâm điểm của cuộc đời ông luôn là thi ca, ở đó, ông bày tỏ được rất nhiều suy cảm về đời sống xã hội, những tầng lớp lao động mà ông luôn quan tâm.
Những bài thơ “gây choáng” đầu tiên xuất hiện từ khi ông 17 tuổi. Sau nhiều lần đăng tải rải rác đây đó, tác phẩm để đời của ông, tập thơ Les Fleurs du Mal (tạm dịch: Những bông hoa của cái xấu) (1), ra mắt ngày 21-6-1857. Một bài báo liền chỉ trích. Tức thì, tổng kiểm sát trưởng của Đệ nhị đế chế ra lệnh thu hồi tập thơ. Baudelaire nhờ bạn bè lên tiếng bênh vực, song vô ích. Một tháng sau, ông vẫn phải hầu tòa vì tập thơ của ông bị cho là “vi phạm đạo lý chung và thuần phong mỹ tục”. Dù trước đó, ông khẳng định, nếu nhìn nhận tổng thể, tập thơ của ông toát ra giá trị đạo đức lộng lẫy. Ông bị phạt 300 franc (tiền Pháp) và nếu muốn được phát hành, tập thơ phải loại đi 6 bài. Đáng kinh ngạc, dư luận cho bản án đó là một bất công. Từ năm 1929, việc xét lại vụ án được đề xuất. Nhưng ý kiến bảo thủ vẫn chiếm thế áp đảo. Năm 1946, đề nghị đó được nhắc lại. Việc xem xét vẫn chưa ngã ngũ. Những người tâm huyết với Baudelaire và Les Fleurs du Mal không bỏ cuộc. Cho tới ngày 31-5-1949, tập thơ được tuyên án vô tội, Baudelaire được phục hồi danh dự. Nhưng khi ấy, đã là 80 năm kể từ sau ngày ông qua đời…
Baudelaire từng được nhận nhiều danh xưng ấn tượng, ví như nhà thơ bị nguyền rủa, nhà cách tân số một, nhà cổ điển cuối cùng, nhà hiện đại đầu tiên, thi sĩ có ý thức bậc nhất, con người phức tạp cực kỳ. Đọng lại, ông được xếp trong nhóm “người của một cuốn sách” kỳ vĩ nhất… Les Fleurs du Mal được liên tục tái bản, được coi là kinh thánh của thơ ca hiện đại. Là nguồn bất tận của nghiên cứu phê bình, nó liên tục hé lộ những vẻ đẹp mới cho các thế hệ độc giả. Nó tổng hòa nhuần nhuyễn các loại thơ, tự sự và triết luận, miêu tả và chiêm nghiệm… Chung quy, nó đưa ra một cách nhìn nhận cõi đời có lẽ chuẩn xác và dễ được chấp nhận hơn cả. Thoạt đầu, thế giới con người được tạo lập bởi cái đẹp, sức mạnh và sự hài hòa. Rồi mọi thứ cứ xuống cấp liên tục. Ấy là do những tật xấu của con người, như ngu ngốc, nhầm lẫn, keo bẩn, chém giết, dâm loạn, đầu độc nhau, lầm lỗi… Con người bị đày đọa bởi nhiều nỗi khổ, trong đó, chán đời và nghèo đói là đáng sợ tột độ. Dù vậy, con người không thể bó tay. Phương cách hữu hiệu nhất để thoát khỏi ngõ cụt là con người hãy trân trọng và yêu thương nhau thực sự; con người hãy sống vì nhau, chứ không chỉ vì mình… Đã hẳn, kết luận kiểu tư tưởng cuối cùng này, thi sĩ đích thực không mấy khi nói thẳng ra, mà nêu lên tinh tế qua những áng thơ ám ảnh.
Trong Les Fleurs du Mal, chẳng hạn, chùm thơ đề tặng Victor Hugo viết về gái điếm, cái chết phi lý của dân nghèo, người già bất hạnh hoặc sống an nhiên, đáng kính phục. Tổng quát hơn, kết luận ấy lộ ra từ cấu trúc chặt chẽ và khoa học của toàn bộ tập thơ. Cấu trúc đó là thành quả của cảm nhận xã hội và thời cuộc, của quan niệm thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung, của ý chí nhất định đạt tới một tiếng thơ thăm thẳm xứng với phát hiện về sự thật cõi đời và vai trò của thi ca của tác giả, của lao động bền bỉ và đổi mới quyết liệt.
Một đóng góp to lớn khác của Baudelaire cho văn chương Pháp và nhân loại là dịch thuật. Dĩ nhiên, ông chọn dịch tác giả đồng điệu. Ấy là nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe (1809-1849). Ròng rã 17 năm ròng, Baudelaire dịch gần như toàn bộ tác phẩm của E.A. Poe ra tiếng Pháp. “Chất lượng cao của các bản dịch” khiến ông được người Pháp coi là một dịch giả thiên tài. Ông đã xây nên một tượng đài văn học nhân loại: nhờ ông mà E.A. Poe, gần như vô danh ở Mỹ, đã chói lòa từ Pháp ra toàn thế giới như một nhà cổ điển độc đáo bậc nhất.
Quan điểm nghệ thuật của ông cho tới nay vẫn được xem như là chuẩn mực: Nghệ thuật phải vì lợi ích lâu dài của nhân loại, chính là tính nhân bản, chứ không thể vì cái lợi trước mắt, vì thực dụng.
Xin nhắc lại, giữa mọi bề rắc rối của Les Fleurs du Mal như đã nhắc đến bên trên, Baudelaire không chịu đầu hàng. Năm 1861, ông ứng cử vào Viện Hàn lâm Pháp. Nếu trúng cử, ông sẽ được xem là người đáng trọng trong xã hội. Dĩ nhiên, dự định không thành. Năm 1864, ông sang Bỉ, hy vọng giới xuất bản và công chúng nước này sẽ lấy lại giá trị đích thực của sáng tạo tâm huyết nhất của đời ông. Ông mở đầu bằng các buổi diễn thuyết về hội họa. Song, chúng đều thất bại. Các bạn hết lòng giúp đỡ, ông nhất quyết bám trụ. Tuy nhiên, nhiều cú sốc liên tiếp đã quật vào ông. Đầu năm 1866, ông bị ngã khi tới một nhà thờ. Rồi bị liệt toàn thân. Rồi bị bệnh mất ngôn ngữ. Trong nửa năm, ông được bạn bè giúp chạy chữa ở Bỉ. Một nhà xuất bản nước này đã công bố một bộ sách lớn, trong đó Les Fleurs du Mal được in nguyên vẹn. Bệnh tình không giảm, giữa năm 1866, ông được chuyển về Pháp. Cuộc hấp hối của ông kéo dài một năm ròng… Ngày 31-8-1867, ông được giải thoát khỏi “Cõi đời… không chịu nổi”. Mộ ông được đặt bên cạnh mộ cha dượng, người qua đời năm 1857. Một năm sau, Nhà xuất bản Michel Lévy (Paris), vốn nhất quyết từ chối tác phẩm của ông, bắt đầu xuất bản các bản thơ khác của ông cũng như bản bổ sung toàn vẹn Les Fleurs du Mal, tiêu đề Complement aus Fleurs du Mal.
Charles Baudelaire là một tấm gương hiếm có về sự gắn bó máu thịt của nghệ sĩ với đời sống xã hội, đặc biệt là với những người khốn khổ. Gắn bó chủ động và tích cực, góp phần làm cho xã hội lành mạnh và nhân bản. Tâm niệm ấy khiến ông vật lộn căng thẳng để tìm cho được phương thức bộc lộ chính kiến rõ ràng, thuyết phục tối ưu, bằng nghệ thuật, tức bằng thơ. Vật lộn dữ dội tới mức, ông có lúc không chịu nổi và đã quyết định từ giã cõi đời bằng cách tự tử, may mà có người nhìn thấy, cứu kịp. Ông thuộc nhóm rất ít nghệ sĩ sống hết mình với thời đại. Thời đó, chế độ cộng hòa chưa hoàn toàn thắng thế, chế độ quân chủ chưa hoàn toàn thất bại nhưng quyền sống của con người, nhất là tự do cá nhân được khẳng định và mở rộng. Bị gia đình, chủ yếu là cha dượng hạn chế tự do đó, Baudelaire cảm thấy bị xúc phạm. Ông không chống đối ra mặt, nhưng âm thầm tìm hiểu xã hội và tự lý giải bất ổn, rồi tìm giải pháp để hóa giải nó. Từ bức bối cá nhân, ông chuyển dần ra những khúc mắc của toàn xã hội. Hành trình khám phá cuộc sống ấy gian nan và lôi cuốn tới mức, ông từ bỏ ý định theo học ngành luật, và không đi theo con đường ngoại giao như dự định của cha dượng. Hành trình mê mải và căng thẳng ấy diễn ra chủ yếu ở hai lĩnh vực: tiếp nhận văn học hiện tại và nghiền ngẫm cõi thế như một nhà triết học thực thụ. Hai công việc nặng nhọc đó thúc đẩy và bổ sung cho nhau trong tâm trí chàng trai bao giờ cũng như bất lực trước mơ ước đóng góp cho đời “tiếng nói quyết định chưa có bao giờ”. Tiếng nói này thực tế là nhìn nhận thế giới loài người có lẽ không thể chuẩn xác hơn được nữa. Từng chút một, nhà triết học, nhà xã hội học, nghệ sĩ, người dân thường thực thụ… cùng làm việc tận độ trong một con người – Baudelaire – để cuối cùng đạt tới sự thật của mọi sự thật. Sự thật ấy là nhân loại cần lấy lại thiên đường đã mất; chỉ lấy lại được bằng văn hóa, trong đó, văn chương, đặc biệt thơ ca là chủ lực. Văn hóa đây là ứng xử phải lẽ với đồng loại, với các cộng đồng sinh thể cùng tồn tại. Sự phải lẽ ấy được điều hành và kiểm soát bởi ý chí tập thể, qua hai bộ luật: Luật thành văn là Hiến pháp; Luật bất thành văn là đạo lý và thuần phong mỹ tục.
Với Baudelaire, cõi người lưu truyền từ đời này sang đời kia, lưu truyền vĩnh cửu những gì người nhất. Dù muốn dù không, con người vẫn theo đuổi lý tưởng (tái lập thiên đường) và hóa giải cái xấu (tội lỗi và khổ đau). Lẽ sống của mỗi sinh linh là tạo ra cái đẹp cho thế gian này. Tiền đề của mọi tiền đề: cuộc đời chung phải được tổ chức hài hòa, hợp lý, nghĩa là đẹp, như chỉ dành cho nghệ thuật, trong đó đạo đức học phải phục tùng mỹ học. Cuộc đời ấy phải đổi mới không ngừng, mục đích của đổi mới không phải là lạc thú mà là thi ca. Sống tức là sáng tạo. Khoái lạc, một niềm vui trần thế bất tận, được làm ra không phải để nhấm nháp mà để sinh thành và nuôi dưỡng muôn vàn áng thơ bất hủ. Nói cách khác, chỉ văn hóa mới hàn gắn được thế giới liên tục bị tổn thương nhức nhối… Những điều vừa trình bày là đặc điểm chung của văn hóa loài người. Khi được tất cả tôn trọng và giữ gìn, văn hóa thực sự là bảo đảm cho tồn tại và là động lực cho phát triển.
Nhận thức trên khiến Baudelaire háo hức xem văn học Pháp nói chung, thơ ca Pháp nói riêng làm được đến đâu sứ mệnh của mình. Những năm tháng còn đi học, Baudelaire đã miệt mài nghiến ngấu kỹ lưỡng các tác phẩm, đặc biệt những tác phẩm vừa xuất bản, của những thi sĩ lớn đương thời, như T. Gautier, V. Hugo, A. de Lamartine… Ông thấy mỗi người đều có nét riêng, nhưng chưa ai vươn tới tầm mà ông mong đợi. Đến nỗi, ông chán nản với văn chương Pháp đương thời. Ông quyết tâm tìm cho được nghệ thuật thi ca chưa từng có. Tiếng thơ này từ bỏ giọng điệu đao to búa lớn, lối nói dài dòng. Tiếng thơ ấy nôn nóng muốn được lắng nghe, nên như khiêu khích xã hội.
Nói thêm về Les Fleurs du Mal, dường như ông thiếu tự tin trong buổi đầu “lập nghiệp”. Ông thậm chí còn muốn mấy bạn thân nhất cùng viết với mình từng bài thơ. Dự án hiển nhiên bị bỏ. Nhiều năm liền, ông không ký tên thật dưới các bài thơ do ông sáng tác. Tiếp đó, ký một phần tên mình kèm một phần tên bạn. Từ 30 tuổi, ông mới chính thức ký bằng tên mình. Tiêu đề tập thơ cũng “chín dần” đáng kinh ngạc. Mới đầu, Baudelaire định đặt tên là Những đồng tính nữ. Mấy năm sau, ông muốn đổi thành Minh phủ. Tuy nhiên, không chỉ ông thấy tên ấy chưa thật phù hợp. Thực tế, tập thơ, không ngừng dày dặn thêm, bao quát hầu như toàn bộ cõi người, với những chủ đề cốt lõi (Thiên đường đã mất, Đau buồn chất chồng, Khát khao xã hội lý tưởng…), những âm điệu ám ảnh (nhân tình thế thái, đạo đức và thẩm mỹ, đặc biệt vẻ đẹp và sức mạnh siêu phàm của thi ca, tôn giáo và giải tỏa bất an và bất ổn…), những thôi thúc hành động quyết liệt (đồng cảm sâu sắc với dân thường bất hạnh, tái tạo một thế giới hài hòa, sống đẹp trong mọi hoàn cảnh…). Một tình cờ thú vị, nhà văn Hippolyte Babou (1824-1878) đọc được trong tiểu thuyết Beatrix xuất bản năm 1839 của Balzac (1799 -1850) một câu văn lạ: “Vì có hoa của quỷ dữ và hoa của Chúa trời”. Rồi cũng của Balzac, tiểu thuyết Splendeurs et misères des courtisanes (tạm dịch: Vinh và nhục của kỹ nữ, sáng tác trong giai đoạn 1838-1847), xướng lên từ ngữ ấn tượng: “Thơ của cái xấu”. Suy đi tính lại, Babou đề xuất với Baudelaire danh xưng Les Fleurs du Mal cho tác phẩm chắc chắn để đời của bạn. Vâng, tên đó phản ánh đúng những khát vọng đích thực của Baudelaire. Có lẽ chưa có tập thơ nào sinh thành vất vả và lâu dài đến thế. Ấy là vì chưa có ai vắt kiệt tâm trí cho thi ca đến thế. Ấy là vì, với Baudelaire, thi ca và văn học không hề là trò chơi, là tùy hứng hoặc ngọn nguồn của danh lợi, mà là yêu thương tột cùng sâu nặng và tột đỉnh sáng suốt – dành cho đồng loại và cõi đời.
Mãi gần đây, Les Fleurs du Mal mới được cảm nhận đúng với ngụ ý của Baudelaire: “Hoa” ở đây cần được hiểu là “hoa thông thường”, hiện diện khắp nơi và “những biểu hiện”, “những gương mặt”, “những dáng vẻ”… (của xấu xa, tồi tệ…). “Cái xấu” cần được hiểu là tội lỗi, đau khổ. Ngẫm cho cùng, đời sống nhân loại là cuộc chiến trường kỳ của con người với những yếu kém, nhu nhược và đau khổ, bất hạnh của mình, để liên tục vươn lên. Mọi lúc, mọi nơi, cuộc chiến đó phát lộ những vẻ đẹp không ngờ. Ngay cả khi con người phạm tội, thì sâu xa sau tội ác, vẫn vang lên tiếng lên án tội ác đó một cách mạnh mẽ.
__________________
1. Bản dịch tập thơ này đã được xuất bản nhiều lần ở Việt Nam, với nhiều tiêu đề khác nhau: Bông hoa của ác ma, Những bông hoa khổ đau, Những bông hoa ác quỷ, Những bông hoa của điều ác… Thêm một thông tin tham khảo từ blog của dịch giả Cao Việt Dũng: “Phạm Quỳnh chắc hẳn là một trong những người đầu tiên dịch thơ Baudelaire, nếu không muốn nói là người đầu tiên. Đó là tầm năm 1917, những số đầu của Nam Phong. Trong một bài viết về thơ Baudelaire, Phạm Quỳnh chọn dịch ba bài (dịch nghĩa). Cả ba bài đều rút từ tập Les Fleurs du Mal, gọi là Ác hoa. Nguồn: nhilinhblog.blogspot.com.
Dịch giả NGUYỄN VĂN QUẢNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay