Đại dịch Covid-19 càn quét trên toàn cầu không chỉ khiến ngành công nghiệp điện ảnh chao đảo mà còn khiến cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và giải trí của khán giả thay đổi. Tháng 11/2019, Tờ New York TimE đã đăng tải một bài viết dự đoán về sự trỗi dậy của dịch vụ truyền hình và xem phim trực tuyến trong một tương lại không xa. Đại dịch bùng phát ngay sau đó đã khiến cho sự trỗi dậy này trở nên mạnh mẽ hơn. Đại địch đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta thưởng thức nghệ thuật.
Không cần ra rạp cũng được xem phim mới
Ðại dịch COVID-19 đã lam thay đổi hoàn toàn phương thức phát hành phim trên thế giới. Nó không chỉ khiến các kế hoạch ra mắt phim bị đảo lộn hoàn toàn mà còn làm thay đổi hành vi, thói quen của khán giả khi đến rạp. Vì sự lây lan của dịch COVID-19, ngoài những ràng buộc phải thực hiện các quy định về giãn cách, về khẩu trang, khử khuẩn… nhiều khán giả cũng ngần ngại phải đến những nơi đông người. Thay vì rời khỏi nhà và thưởng thức điện ảnh trên các hàng ghế trước màn ảnh rộng nhiều người đã bỏ thói quen đi xem rạp. 2020 là một năm thất bát của điện ảnh thế giới, nhất là Hollywood.
Những đợt giãn cách xã hội kéo dài khiến rạp chiếu đóng cửa, các phim lớn nhỏ đều phải lùi lịch chiếu từ vài tháng đến hai năm. Tháng 3/2020 đã đánh dấu “làn sóng” các nhà phát hành chọn cách đưa phim lên các nền tảng mạng. Việc phát hành phim đã chuyển từ màn ảnh rộng sang các màn hình tivi, điện thoại, máy tính… được nhiều nhà phát hành điện ảnh lựa chọn để tồn tại.
Warner Bros tiên phong khi chọn cách phát hành phim siêu anh hùng Wonder Woman 1984 đồng thời cả ngoài rạp và trên kênh HBO Max. Ngay sau đó, Disney cũng chọn cách phát hành bom tấn Black Widow ngoài rạp và cả trên kênh truyền hình trực tuyến Disney Plus. Mặc dù Black Widow bị thua lỗ nhưng Hãng Disney thông báo bộ phim này đã thu về hơn 60 triệu USD khi chiếu trực tuyến trên toàn cầu, góp phần bù lỗ cho nhà sản xuất.
Hãng Warner Bros thông báo sẽ phát hành toàn bộ các bộ phim dự định công chiếu trong năm 2021 trên nền tảng trực tuyến HBO Max, song song với việc công chiếu tại rạp. Mặc dù chiến lược này ban đầu chỉ nhằm ứng phó với dịch COVID-19 nhưng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, phương thức này hiện vẫn là giải pháp “cứu cánh”. Giờ đây, khán giả không cần bước chân ra khỏi nhà vẫn có thể xem được các bộ phim điện ảnh mới nhất. Ðiều chưa từng xảy ra trong một thế kỷ qua.
Dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn nền điện ảnh và hệ thống rạp chiếu khắp thế giới. Không còn là giải pháp đem lại nguồn thu cho các nhà sản xuất phim mà việc Netflix có tới 42 đề cử Quả cầu vàng 2021 trong cả mảng điện ảnh lẫn truyền hình cho thấy vị thế của phim kỹ thuật số đã thực sự thay đổi. Trong khoảng ba năm trở lại đây, Netflix còn đầu tư sản xuất phim điện ảnh. Và trong năm 2020, trong khi các hệ thống rạp chiếu toàn cầu gần như ngưng hoạt động thì Netflix vẫn tung ra loạt phim xuất sắc: I’m Thinking of Ending Things, Da 5 Bloods, The Life Ahead, The Trial Of The Chicago 7, Mank không những thu hút được lượng thuê bao ngày càng tăng mà còn đoạt nhiều giải thưởng tại giải Oscar lần thứ 93.
Dù “chậm chân” hơn nhưng Disney Plus cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Lợi thế của Disney Plus chính là những series ăn theo Vũ trụ viễn tưởng Star Wars. Nhưng từ năm 2021, Disney Plus còn tung ra thêm những series “ăn theo” Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) kéo dài cả năm. Không thể ra rạp nhưng khán giả vẫn có thể được chứng kiến các siêu anh hùng quen thuộc trên màn ảnh nhỏ, trong những câu chuyện mới, đối đầu những kẻ thù mới sau cái kết quá hoành tráng của hai tập Avengers. Nhờ loạt phim khai thác từ MCU mà chỉ sau hơn một năm ra mắt, kênh truyền hình trực tuyến này đã có 94 triệu thuê bao (trong khi Netflix hiện có 204 triệu thuê bao).
Ðiện ảnh Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn từ COVID-19, các nhà sản xuất và nhà phát hành đều đã kịp thời nắm bắt xu hướng và bắt đầu tham gia phát hành phim trên nền tảng số. Một số bộ phim Việt đã được phát hành trên nền tảng Netflix nhưng hầu hết đều là phim đã chiếu rạp. Ngày 10/6/2021, bộ phim Ðiên tối là phim điện ảnh Việt đầu tiên được công chiếu và phát hành hoàn toàn theo hình thức online, thậm chí miễn phí trên YouTube và một số ứng dụng cung cấp nội dung OTT thuần Việt.
Nở rộ dịch vụ trực tuyến
Vài năm trở lại đây, điện ảnh đã vấp phải sự cạnh tranh đáng kể của dịch vụ truyền hình trực tuyến như Netflix, HBO Max, Hulu, FX, AMC, TNT, TBS, Showtime, Syfy… Gần đây lại thêm Disney Plus và “con cưng” của các đại gia công nghệ như YouTube, Red, Amazon Prime, Apple TV Plus. Với lợi thế sẵn có là băng thông rộng, nền tảng kỹ thuật vượt trội, sẵn sàng chi tiền để làm những series truyền hình (TV Series) có chất lượng cao, những kênh truyền hình này ngày càng thu hút được đông đảo người đăng ký và giữ chân họ lại trước màn hình TV bằng nhiều sản phẩm giải trí đa dạng khiến cảm giác “thèm” ra rạp xem phim càng lúc càng phai nhạt. Và khi dịch bệnh ập tới, việc giải trí tại gia bỗng trở thành xu hướng.
Cũng như lĩnh vực nhạc số trực tuyến chất lượng cao, truyền hình trực tuyến đang có quá nhiều lợi thế nhờ mạng lưới Internet băng thộng rộng. Ngay cả những bộ phim với độ phân giải 4K cũng có thể xem online mượt mà, trơn tru. Một lợi thế nữa so với việc xem phim ở rạp là mức phí rất hợp lý. Ví dụ như thuê bao Netflix ở Việt Nam đang trả mức phí 260.000 đồng/ tháng (khoảng 13 USD), có thể chạy cùng lúc trên 4 thiết bị. Các nhà đài khác sắp sửa có mặt tại Việt Nam cũng đang đặt ra những mức giá tương đương, khoảng 8-19 USD/tháng, chỉ bằng tiền của vài chiếc vé xem phim ngoài rạp (dao động từ 50.000 đến 120.000 đồng/vé).
Ngoài món chính là các series truyền hình đủ chủng loại, nhà đài nào cũng có hẳn một kho phim điện ảnh đa dạng thường xuyên được cập nhật để giữ chân khán giả. Netflix với độ phủ sóng rộng nhất hiện nay thậm chí còn hợp tác với nhiều nhà làm phim ở các quốc gia khác nhau từ Ðức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha đến Nhật Bản, Hàn Quốc… để cho ra đời những bộ phim sát với thị hiếu chuyên biệt của từng khu vực. Ðó là lý do vì sao Netflix Việt Nam lại tràn ngập phim Hàn Quốc.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (tháng 11/2020), Việt Nam hiện có khoảng 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trực tuyến, với 14 triệu thuê bao và tổng doanh thu đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Thị trường phim trực tuyến trong nước cũng phát triển nhanh chóng, ngoài Netflix còn có những nền tảng chiếu phim trực tuyến lớn như FPT Play, Galaxy Play, VieON… đang trên đà tăng trưởng.
Thị trường âm nhạc trực tuyến
Cùng với việc ti vi màn hình lớn và thiết bị âm thanh ngày càng hiện đại, giá thành rẻ, tiện dụng, giải trí tại gia đang ngày càng trở nên dễ dàng và phổ biến hơn. Giờ đây, việc thưởng thức âm nhạc trực tuyến cũng trở nên phổ biến. Không chỉ trở thành một xu hướng tất yếu trên thế giới, ở Việt Nam cũng ngày càng xuất hiện nhiều liveshow online được đầu tư khá bài bản, công phu. Music Home của truyền hình FPT là một ví dụ điển hình. Không chỉ quy tụ được các ca sĩ nổi nhất thị trường hiện nay, Music Home còn đảm bảo được chất lượng âm thanh chuẩn chỉnh như trong phòng thu và cho phép khán giả được tương tác với nghệ sĩ ngay trong lúc show đang diễn ra. Ngoài ra còn có thể kể đến Moonsoon Festival From Home (Lễ hội âm nhạc Gió mùa) của nhạc sĩ Quốc Trung, Phòng trà Online của Top Group hay các chương trình riêng của các nghệ sĩ. Khán giả có thể được thưởng thức âm nhạc chất lượng cao ngay tại nhà, qua một thiết bị âm thanh loại tốt (loa bluetooth, dàn âm thanh, tai nghe…).
Với mức phí quá rẻ cho cả một kho nội dung hấp dẫn trên mỗi dịch vụ trực tuyến, giải trí tại gia đang ngày càng khẳng định lợi thế và sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai.
Tác giả: Lương Minh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Sự trở lại của các Bond Girl
Giá trị phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy
Tom Hardy: Chiến thắng chính mình