Thủ pháp ca từ theo lối cổ truyền dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam


Hệ ngôn ngữ đa thanh của người Việt vốn giàu âm điệu và hình tượng, việc sử dụng những thủ pháp ca từ để thích ứng với giai điệu trong âm nhạc lại càng phong phú. Việc khai thác các thủ pháp ca từ mang phong cách cổ truyền dân tộc như dùng từ đệm hay từ điệp cũng biểu hiện ở nhiều ca khúc Việt Nam.

1. Dùng từ đệm

Đó là những từ hoặc âm không có ý nghĩa độc lập mà chỉ biểu lộ tính chất như vui, buồn, tinh nghịch, dí dỏm, mềm mại…, được dùng xen với các từ chính. Có rất nhiều dạng từ đệm cổ truyền được khai thác và sử dụng trong các ca khúc.

Hư từ

Theo Từ điển tiếng Việt, “ là không có thật hay giả”, còn “từ là đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ có ý nghĩa oàn chỉnh dùng để đặt câu” (1). Như vậy, nghĩa của hư từ được hiểu là đơn vị hoàn chỉnh nhỏ nhất của ngôn ngữ và không có nghĩa thực. Nói cách khác, hư từ là những từ không có ý nghĩa xác định. Tuy nhiên, trong hiện tượng đa thanh của tiếng Việt, chúng lại có tác dụng lớn trong việc làm giàu thêm hình tượng văn học và âm điệu của ngôn ngữ. Ngoài ra, chúng có khả năng phụ giúp một cách đắc lực cho việc phát triển giai điệu.

Trong một số ca khúc, hư từ được sử dụng khá đa dạng. Chẳng hạn như: ối a có trong Ở trọ (Trịnh Công Sơn) với câu hát: “em đi qua chuyến đò ối a con sông nằm ngủ”; Chị tôi (Trần Tiến): “Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ cầu đông ối a, chị chưa muốn lấy chồng”… Đây là dạng hư từ phổ biến trong dân ca quan họ Bắc Ninh, như các bài Hoa thơm bướm dạo, Qua cầu gió bay, Ngồi tựa mạn thuyềnÍ a có trong Dệt tầm gai (Ngọc Đại, thơ Vi Thùy Linh): “dệt tầm gai i à, dệt tầm gai í a”, Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến): “ai ví tình yêu như trò nghịch dại í à”… Dạng hư từ này thường có trong dân ca nhiều vùng miền: Thuyền ai róc rách (hát ghẹo, dân ca Phú Thọ), Bây giờ chia rẽ đôi nơi (dân ca quan họ Bắc Ninh), Lý thương nhau, Lý thiên thai (dân ca Quảng Nam), Lý cây bông (dân ca Nam Bộ)…

Tương tự như vậy, các dạng hư từ: ư, hư có trong các ca khúc Hơi thở mùa xuân (Dương Thụ), Chiều phủ Tây Hồ (Phú Quang, thơ Thái Thăng Long), Mái đình làng biển (Nguyễn Cường); hò lơ có trong Bức họa đồng quê (Văn Thụ); ô lêu, ê, hê có trong Chuyện tình trên thảo nguyên (Trần Tiến), Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột (Nguyễn Cường), Chiều cao nguyên (Đức Trịnh)…

Từ phụ

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “phụ có nghĩa là thứ yếu, có vai trò trợ giúp thêm cho cái chính” (2). Vậy từ phụ có thể được hiểu là những từ có thể có nghĩa nhưng là nghĩa không cụ thể, dùng để chêm vào trợ giúp các từ chính khắc họa rõ nét hình tượng, hoặc giúp phù hợp với sự phát triển của giai điệu. Chẳng hạn như, trong bài Cò lả – dân ca đồng bằng Bắc Bộ có đoạn: “ấy cô mình rằng, ấy cô mình ơi rằng có nhớ nhớ tôi chăng”… Các từ phụ ấy, rằng, trong câu hát ru được chêm vào để trợ giúp cho các từ chính “cô mình ơi có nhớ tôi chăng” làm cho câu hát mềm mại uyển chuyển hơn trong một giai điệu có tính chất khoáng đạt của miền đồng bằng Bắc Bộ.

Việc dùng từ phụ rất phổ biến trong các bài dân ca ở cả ba miền, việc ứng dụng chúng trong một số ca khúc cũng mang lại hiệu ứng tích cực. Có thể dẫn ra một số trường hợp: ru hời có trong ca khúc Bài hát ru cho anh (Dương Thụ)…; này là có trong các ca khúc Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến), Hoa cỏ mùa xuân (Bảo Chấn)…

2. Dùng từ điệp

Trong dân ca Việt Nam, thủ pháp điệp từ được sử dụng khá phổ biến. Đó là thủ pháp lặp lại một từ hoặc một số từ nhằm nhấn mạnh nội dung mà lời ca đó mang tải, hoặc tạo động lực cho việc phát triển giai điệu. Chẳng hạn câu hát “Con cò bay la lả bay la: trong bài Cò lả đã sử dụng thủ pháp điệp lại từ cò và lả… Đây cũng là các trường hợp mà ngoài những từ nằm trong câu thơ hoặc ca dao được dùng làm ca từ (thường được gọi là các từ chính), các nhà nghiên cứu dân ca còn hay nhắc tới từ điệp để chỉ loại từ được dùng theo thủ pháp điệp từ nói trên.

Trong một số ca khúc, các nhạc sĩ cũng có sử dụng thủ pháp điệp ở những mức độ khác nhau: điệp từ, điệp cụm từ, điệp câu.

Điệp từ

Đó là sự lặp lại của một từ nhất định trong câu hát. Có hai kiểu điệp từ thường được sử dụng trong ca khúc:

Một là, điệp từ liền mạch. Trong thủ pháp này, việc lặp lại của một từ nhất định trong câu hát sẽ được nối tiếp ngay sau đó mà không bị xen kẽ bởi những từ khác. Kiểu điệp từ này xuất hiện trong một số ca khúc như: “mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi” (Thời hoa đỏ, Nguyễn Đình Bảng), “chỉ còn em còn em im lặng đến tê người” (Im lặng đêm Hà Nội, Phú Quang)… Điệp từ theo kiểu liền mạch thường có trong dân ca nhiều vùng miền, như: Đu đu điềng điềng (dân ca Mường), Duyên rằng (dân ca Việt Trì), Cò lả, Hát ru (dân ca đồng bằng Bắc Bộ), Lý hoài nam (dân ca Quảng Trị – Thừa Thiên), Lý dĩa bánh bò hay Hò Đồng Tháp (dân ca Nam Bộ)…

Ca sĩ Ngọc Khuê với bài hát Bà tôi

Ảnh: internet

Việc dùng điệp từ theo kiểu liền mạch trong một số ca khúc đôi khi được đẩy lên cao hơn bằng việc lặp lại một từ nhiều lần thành từng chuỗi. Đó là trường hợp của ca khúc Ru em (Từ Huy) với câu hát có các từ “ru em” và “yêu em” được điệp lại đến 4 lần: “anh ru em, ru em ru em ru em nồng nàn. Vì anh yêu em, yêu em yêu em yêu em ngập lòng”, hoặc ca khúc Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến) với từ quanh co được điệp lại đến 4 lần: “kìa là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng, làng tôi quanh co quanh co quanh co quanh co”. Có những trường hợp thủ pháp điệp từ sử dụng trong ca khúc được biến hóa theo cách lặp lại từng từ trong một từ kép như trường hợp ca khúc Phù Vân Yên Tử (Phó Đức Phương) qua câu hát: “Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử, Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự”… Kiểu điệp từ này có thể làm cho sự khoáng đạt, thanh tịnh của không gian được đẩy lên cao, gây cảm giác choáng ngợp hơn so với cách điệp truyền thống: mênh mang mênh mang hoặc vi vu vi vu.

Có thể nói, dù được lặp lại bao nhiêu lần, thì điệp từ theo kiểu liền mạch vẫn là sự nhấn mạnh một hình tượng văn học, trong đó sự nhấn mạnh được tập trung vào một thời điểm nhất định, gợi ấn tượng một cách tập trung.

Hai là, điệp từ cách quãng. Cũng là sự lặp lại một từ nhất định trong một câu hát, nhưng trong kiểu điệp từ cách quãng, sự lặp lại được giãn cách cách bởi một vài từ khác xen kẽ ở giữa các lần nhắc lại. Trong ca khúc Vẫn hát lời tình yêu (Dương Thụ) có đoạn: “đừng xa vội xa nhau để mai ta hối tiếc”. Giữa hai lần lặp lại, từ xa ở đây được giãn cách bởi từ vội làm sự nhấn mạnh được phân tán phù hợp với sự phát triển của giai điệu và cảm giác bâng khuâng tiếc nuối. Trong ca khúc Cám ơn mùa thu (Thanh Tùng) cũng sử dụng kiểu điệp từ này: “Trên cao nắng ở trên cao. Trên cao mây ấm ở trên cao”. Giữa hai lần lặp lại các từ trên cao được giãn cách bằng các từ nắng ởmây ấm ở gợi cảm giác khoáng đạt của bầu trời. Những kiểu điệp từ được sử dụng trong những ca khúc trên cũng thường có trong dân ca nhiều vùng miền như Ngồi tựa mạn thuyền (dân ca quan họ Bắc Ninh), Xẩm xoan (chèo), Cái cong (dân ca Hà Nam), Buông áo em ra (dân ca Nghệ An), Lý dĩa bánh bò (dân ca Nam Bộ)…

Kiểu điệp từ cách quãng làm cho hình tượng văn học được nhấn mạnh, tuy nhiên sự nhấn mạnh không tập trung vào một thời điểm mà được trải rộng ra gợi cảm giác bao trùm hơn.

Điệp cụm từ

Đây là sự lặp lại của một cụm từ nào đó trong câu hát. Cũng tương tự như thủ pháp điệp từ, có hai kiểu điệp cụm từ thường được sử dụng trong dân ca cũng như trong ca khúc.

Một là, điệp cụm từ liền mạch. Đây là thủ pháp lặp lại một cụm từ nhất định trong câu hát ngay sau đó mà không bị xen kẽ với các từ khác. Ca khúc Về quê (Phó Đức Phương): “theo nhau ta thì về, theo nhau ta thì về thăm lại miền quê, nơi có một triền đê có dòng sông bên lở bên bồi”. Cụm từ được điệp ngay ở đầu bài hát gợi ấn tượng tập trung, thôi thúc tình cảm trở về với quê hương ngay từ ban đầu. Ca khúc Lời thày cô (Nguyễn Đức Trung) – “Lời thày cô mãi mãi vẫn nhớ, mãi mãi vẫn nhớ ghi trong cuộc đời, những công ơn năm xưa đã cho ta hôm nay, ngày mai”. Cụm từ điệp ở giữa câu nhấn mạnh hơn cảm giác nhớ nhung, khắc ghi. Còn với các ca khúc: Em đi qua tôi (Dương Thụ) dùng điệp cụm từ ở cuối bài: “Có lẽ nào con đường xa thế, có lẽ nào, có lẽ nào”, bài Chiều phủ Tây Hồ (Phú Quang) cũng điệp cụm từ ở cuối bài: “Chiều như chậm rơi ư ư ư, sóng bồng bềnh bồng bềnh, hóa vàng đi em, hóa vàng đi em”… Có lẽ, những cụm từ này được điệp lại gợi cảm giác tăng sự vương vấn về một trạng thái tình cảm.

Kiểu điệp cụm từ liền mạch được sử dụng trong những ca khúc trên cũng thường có trong dân ca nhiều vùng miền như: Lượn cốc, Inh lả ơi (dân ca Nùng), Mùa xuân về (dân ca Dao), Bà dí (dân ca Phú Thọ), Lý cây đa (quan họ Bắc Ninh), Đi cấy (dân ca Thanh Hóa), Sáng trong buôn (dân ca Tây Nguyên), Lý ngựa ô (dân ca Nam Bộ)…

Cũng như tính chất của kiểu điệp từ liền mạch, điệp cụm từ ở đây gây cảm giác sự nhấn mạnh được tập trung vào một thời điểm. Tuy nhiên, hàm lượng về nội dung lớn hơn.

Hai là, điệp cụm từ cách quãng. Kiểu điệp này thực ra là sự lặp lại một cụm từ nhất định trong câu hát, nhưng là sự lặp lại được giãn cách bởi một vài từ hoặc cụm từ khác xen kẽ ở giữa các lần nhắc lại. Trong ca khúc Em về tinh khôi (Quốc Bảo) có câu hát: “Vì biết đâu có đôi lúc em xa vời vợi, biết đâu có đôi lúc con tim nghẹn lời, biết đâu có đôi lúc ta quên chờ đợi”. Những cụm từ này được lặp lại ở những vị trí cách quãng với sự xen kẽ của những từ khác gợi cảm giác “giả thiết” đưa ra được đẩy lên cao với tính chất bao trùm hơn. Trường hợp ca khúc Em và tôi (Thanh Tùng): “em và tôi xa nhau thấy nhớ gần nhau giận hờn, em và tôi những tiếng ca vui, những khúc nhạc buồn”. Cụm từ này được nhắc lại nhiều lần trong bài, thậm chí còn được lấy làm nhan đề. Tuy nhiên, việc nhắc lại cách quãng gợi cảm giác không tập trung vào một điểm nhất định của hình tượng mà dàn trải hơn.

Cụm từ được điệp theo cách này cũng thường có trong dân ca nhiều vùng miền như: Ru ún (dân ca Mường), Đố hoa trong hát xoan (dân ca Phú Thọ), Lý cây đa (dân ca quan họ Bắc Ninh), Hò xuôi theo làn văn (dân ca Thanh Hóa ), Lý hoài nam (dân ca Quảng Trị – Thừa Thiên), Lý cây bông (dân ca Nam Bộ)…

Cũng như điệp từ cách quãng, đặc điểm của điệp cụm từ cách quãng là gợi cảm giác hình tượng được nhấn mạnh cùng với sự trải rộng bao quát. Tuy nhiên, ở đây, hàm lượng về nội dung được chuyển tải sẽ lớn hơn.

Điệp câu

Điệp câu là sự lặp lại của nguyên một câu hát, được sử dụng phổ biến trong dân ca nhiều vùng miền và vẫn đang được phát huy trong những ca khúc mới. Cho tới nay, chúng tôi mới tìm thấy một số ca khúc có sử dụng điệp câu, thông thường chúng xuất hiện ở cuối bài. Có lẽ kiểu điệp này thích hợp để gợi lại sự vương vấn, níu kéo của một trạng thái tình cảm đối với một hình tượng nghệ thuật được tác giả xây dựng nên, hoặc ý đồ của tác giả muốn ổn định trạng thái kết của bài.

Ca khúc Đánh thức tầm xuân (Dương Thụ) điệp lại câu kết: “Một ngày nắng, một ngày xanh nắng”. Ca khúc Hoa sữa (Hồng Đăng): “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm. Có lẽ nào anh lại quên em? Có lẽ nào anh lại quên em?”; Thuyền và biển (Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh) cũng có câu cuối bài được điệp lại: “Nếu từ giã thuyền rồi biển chỉ còn sóng gió. Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố. Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố”…

Có thể nói, ngoài chức năng gần với điệp từ hay điệp cụm từ, thì những trường hợp điệp cả câu trên đây còn biểu hiện khá rõ tính nhắc lại của cấu trúc hình thức, phù hợp với những ca khúc có đề tài phù hợp với tính chất kết mở.

Đôi khi chúng ta cũng bắt gặp thủ pháp điệp câu được thực hiện ở giữa bài. Đó là trường hợp ca khúc Chia tay hoàng hôn (Thuận Yến): “Chia tay em chia tay hoàng hôn, chia tay em chia tay hàng cây/ Anh mang theo về tình yêu và nỗi nhớ…”. Ở đây, có lẽ tác giả muốn thể hiện sự vương vấn của một buổi chia tay nên cao trào được đẩy lên cao ngay từ câu đầu điệp khúc.

Có những trường hợp thủ pháp điệp câu lại được sử dụng dưới hình thức kết hợp, như ca khúc Một thoáng quê hương (Từ Huy và Thanh Tùng) với đoạn cao trào: “Tung bay tà áo tung bay/ Xôn xao một trời nắng đỏ/ Tung bay tà áo tung bay/ Áng mây trắng đầu ngọn gió/ Tung bay tà áo tung bay/ Tím biếc những chiều hoàng hôn/ Tung bay tà áo tung bay/ Xanh xanh đồng cỏ quê hương”. Đoạn điệp khúc này là một sáng tạo khá đặc biệt, trong đó, tác giả đã sử dụng thủ pháp điệp câu kiểu cách quãng giữa các từ trong cùng một câu, cũng như giữa các câu. Tất cả được bố trí rất cân phương cả về chiều dọc và chiều ngang của đoạn thơ 6 chữ.

Nhìn chung, thủ pháp điệp cả câu được sử dụng trong ca khúc cũng rất đa dạng. Chúng được kế thừa từ những thủ pháp điệp phổ biến trong dân ca nhiều vùng miền như: Gà gáy le te (dân ca Cống Khao), Cây trúc xinh (dân ca quan họ Bắc Ninh), Điệu lót (dân ca Khmer Nam Bộ), Lý cây bông (dân ca Nam Bộ)…

Có thể thấy, các nhạc sĩ thường sử dụng thủ pháp điệp với mục đích nhấn mạnh thêm nội dung của ca từ. Ngoài ra, nghệ thuật điệp từ còn mang một ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ vay – trả của ca từ đối với việc phát triển giai điệu. Có thể ví dụ trường hợp trong điệu Xẩm xoan (chèo): “Gió mát trăng thanh cái đêm hôm rằm mà này ơi gió mát cùng là trăng thanh” (3) – Một nghệ thuật đưa cụm từ gió mát trăng thanh lên trước rồi được trả lại ở vế sau.

Trong sự tồn tại đa dạng của văn hóa và âm nhạc cổ truyền, mỗi tộc người, mỗi địa phương lại có nghệ thuật chơi chữ khác nhau tùy thuộc vào ngữ âm cũng như tập quán sinh hoạt của cộng đồng đó. Kho tàng tri thức văn hóa và âm nhạc cổ truyền dân tộc là vô tận, việc ý thức khai thác và sử dụng nhuần nhuyễn những thủ pháp ca từ theo lối cổ truyền sẽ làm giàu thêm sức sống dân tộc cho những ca khúc mới.

_______________

1, 2. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr.491, 876.

3. Bùi Đức Hạnh, 150 làn điệu chèo cổ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006, tr.359.

Tác giả: Trần Bảo Lân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *