Nhiều nghiên cứu về văn hóa khẳng định, Việt Nam là cái nôi của cây chè. Cây chè có lịch sử lâu đời gắn với tập quán sản xuất, canh tác nông nghiệp. Theo đó, thói quen uống trà của người Việt cũng có “bề dày lịch sử”. Đây là thú vui tao nhã, thể hiện nét văn hóa, phong tục của người Việt, nhất là trong những ngày đón Tết cổ truyền.
Vài nét về chén trà đầu Xuân
Người Việt gắn bó bao đời với nông nghiệp, bên cạnh các loại cây lương thực, người Việt còn trồng các loại cây công nghiệp, các loại cây ăn quả, trong đó, cây chè gắn bó lâu đời và bền chặt nhất.
Trước khi trở thành hàng hóa xuất khẩu đi các quốc gia, mỗi năm thu về hàng chục tỷ USD, người nông dân trồng chè đơn thuần để làm thức uống hàng ngày trong mỗi gia đình. Do đó, chè xanh giữ vị trí đặc biệt từ xa xưa và cho đến tận bây giờ. Bên bát nước chè xanh, người dân quây quần nói chuyện xóm giềng, chuyện mùa màng, cấy hái… tình làng nghĩa xóm nhờ đó thắt chặt bền lâu.
Chẳng biết tự bao giờ, thói quen uống trà trở thành một tập quán, tập tục của người Việt, từ hình thức uống đơn giản cho đến thực hiện nghi thức cúng tế đều có sự góp mặt của trà. Trà gắn liền với đời sống con người Á Đông, nhất là người Việt Nam. Trà có mặt trong đời sống của con người từ khi sinh ra cho đến khi mất (người chết thường được liệm bằng trà), trà như là một phần tất yếu của đời sống.
Đặc biệt, vào ngày Xuân mà thiếu chén trà thơm nóng là xem như thiếu hương vị đậm đà của Xuân, của Tết. Người xưa coi trà như lẽ sống, người đời nay cũng lấy trà làm bạn tri âm. Một người bạn hiền, một không gian yên tĩnh, nâng chén trà thơm ngon, cho nhau một chút tình đời ý đạo, còn gì thú vị hơn !
Uống trà làm cho con người thấy an lạc, thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc, căng thẳng. Uống trà để lấy lại thăng bằng tâm lý, trạng thái thoải mái, ung dung, tự tại… Uống trà để đàm đạo, sẻ chia, tâm sự với người tâm giao…Bởi vậy mới có câu “Trà ngon phải có bạn hiền”.
Uống trà là thú vui, thói quen phổ biến từ già đến trẻ, từ người giàu cho đến kẻ nghèo, từ thành thị đến nông thôn, từ trí thức cho đến nông dân…Dù cuộc sống phát triển đến đâu, thói quen uống trà của người Việt vẫn không thay đổi. Có thay đổi là cầu kỳ hơn ở kỹ thuật pha trà, “khó tính” hơn trong cung cách thưởng thức trà mà thôi.
Một nhà nghiên cứu cho rằng ở Việt Nam chỉ có tập quán uống, mời trà như một nghi thức giao tiếp mà chưa có trà đạo như một tôn giáo theo đúng nghĩa trà đạo Nhật Bản. Trà đạo Nhật Bản có hẳn giáo chủ, giáo lý và thánh đường. Trung Quốc có Trà kinh của Lục Vũ (đời nhà Đường) như một bách khoa toàn thư về trà…
Ngày nay, việc uống trà của một số người cầu kỳ và phức tạp, có cả nghi thức uống trà, có hẳn lý thuyết về trà, một nghi thức uống trà gọi là trà đạo. Có kinh, có đạo đó là tính chất tôn giáo của trà. Song, với người Việt, chén trà dâng cúng tổ tiên, chén trà để mọi người xích lại gần nhau; hiểu nhau hơn, sẻ chia mọi điều buồn, vui trong cuộc sống…Những cảnh ồn ào, gây gỗ, đánh nhau, thậm chí văng tục có thể xảy ra ở các quán nhậu, chứ ít thấy ở quán trà. Uống trà làm người ta tịnh tâm, nghĩ đến những điều thiện, việc thiện…ấy là đạo trong trà Việt!
Nhàn đàm bên chén trà đầu xuân, tiện lời “điểm” vài nét về lịch sử cây chè và thói quen uống trà của người Việt xưa – nay, biết đâu có điều suy ngẫm…
Lâm Đồng “vựa” trà lớn nhất nước
Trước nay, Việt Nam có nhiều vùng trồng trà nổi tiếng như: Vùng Tây Bắc (Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu…) với cây trà shan tuyết rất quý; Thái Nguyên với thương hiệu trà Tân Cương; Hà Nội với trà sen phủ Tây Hồ có từ xa xưa…Đặc biệt, Lâm Đồng là vùng trồng trà (chè) lớn nhất nước.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 26.000 ha chè các loại, sản lượng đạt từ 20-25 tấn/ha, hằng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 200.000 tấn. Cây chè ở Lâm Đồng chiếm tỷ lệ 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của cả nước. Trong đó, trập trung chủ yếu các địa phương: TP.Bảo Lộc với hơn 7.000 ha các loại chè cao cấp như: Trà Trung du và Shan, LĐ 97, TB 11, TB 14, Tứ Quý, Thúy Ngọc…sản lượng đạt khoảng 32.000 tấn; huyện Bảo Lâm có 7.200 ha chè, trong đó có hơn 1.000 ha chè Ôlong; Di Linh có 468,7 ha chè, sản lượng đạt 4.394 tấn/năm; các xã Xuân Trường, Trạm Hành – TP.Đà Lạt có khoảng 220 ha chè Ôlong các loại…
Ngoài sản xuất, chế biến các loại trà đen, trà xanh truyền thống, những năm qua, nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở, hộ gia đình trồng, chế biến trà ở Lâm Đồng đã liên kết, sản xuất các loại trà Ôlong có nguồn gốc nước ngoài như: Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc, Thanh Tâm….
Trên địa bàn Lâm Đồng hiện có trên 250 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến trà, tập trung nhất là TP.Bảo Lộc với 195 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trà (85 doanh nghiệp và 110 cơ sở); sản lượng hằng năm khoảng 23-25.000 tấn (trà đen xuất khẩu 1.460 tấn, trà Ôlong xuất khẩu khoảng 345 tấn, trà ướp hương trên 3.000 tấn…). TP.Đà Lạt có 26 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh các loại (trà xanh, trà đen, trà Ôlong, trà atiso…); huyện Bảo Lâm có 21 doanh nghiệp, cơ sở. Lâm Hà có 4 doanh nghiệp, cơ sở; Di Linh: 5 doanh nghiệp, cơ sở; Đức Trọng: 3 doanh nghiệp, Đạ Huoai: 1 doanh nghiệp.
Trong 34 tỉnh, thành cả nước hiện sản xuất và kinh doanh cây chè thì Lâm Đồng là địa phương có lịch sử về trồng và có ngành công nghiệp chè sớm nhất với sự ra đời của Nhà máy chè Cầu Đất (xã Trạm Hành) từ năm 1927, do người Pháp xây dựng và cả vùng Cầu Đất được người Pháp cho trồng chè phủ kín các vùng đồi quanh Nhà máy. Ngày nay, nhà máy chè này vẫn hoạt động và đã được chứng nhận Kỷ lục “Nhà máy chè cổ xưa nhất Việt Nam còn hoạt động”.
Tại xã Xuân Trường, Trạm Hành (Đà Lạt) có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, khai thác vùng nguyên liệu chè nổi tiếng như: Công ty CP Chè Cầu Đất, Công ty TNHH Hà Linh, Công ty TNHH FuSheng, Công ty TNHH HaiYih…
TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm trước nay đã định danh là vựa trà nổi tiếng với hàng chục thương hiệu, danh trà vang lừng tiếng tăm, mê hoặc khách mộ điệu với thức uống thanh tao, mạch nguồn văn hóa Việt! Những Đỗ Phủ, Thiên Thành, Kim Thành, Thiên Hương, Tâm Châu, Bảo Tín, Quốc Thái, Rồng Vàng, Trâm Anh… làm nên thương hiệu “Trà B’lao” đã được Bộ KH-CN công nhận năm 2009 .
Có thể thấy, trồng, chế biến, kinh doanh và uống trà của người Việt có lịch sử rất lâu đời. Cây chè gắn bó thủy chung với người Việt từ thuở hồng hoang cho đến thời hiện đại. Mời trà, uống trà rất tự nhiên trở thành nghi thức giao tiếp, trong nghi lễ cúng tổ tiên, trời Phật, nhất là trong những ngày đón Tết cổ truyền của dân tộc. Uống trà là tập quán, thú vui tao nhã, là mạch nguồn văn hóa Việt trong dòng chảy bất tận .
Tác giả: Thanh Dương Hồng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)