Sự hình thành, phát triển năng lực
sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu
cấp phân đội trong Quân đội nhân dân
Việt Nam chịu sự quy định của cả điều
kiện khách quan và nhân tố chủ quan.
Trong đó, nhân tố chủ quan xét đến cùng
quyết định đến sự phát triển năng lực
sáng tạo của họ. Vì vậy, tích cực hóa
nhân tố chủ quan được xem là giải pháp
quan trọng hàng đầu, trực tiếp quyết
định chất lượng, hiệu quả quá trình phát
triển năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ
huy tham mưu cấp phân đội hiện nay.
Phát triển năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội là quá trình tác động tích cực, chủ động của các chủ thể nhằm gia tăng và phát triển về chất các mặt, các yếu tố cấu thành năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội, giúp họ có khả năng tìm ra các nội dung, biện pháp mới và giải quyết linh hoạt, hiệu quả các tình huống quân sự nảy sinh, đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và quân đội đặc biệt quan tâm đến đội ngũ này, thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng “Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo đảm cho quân đội đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Hiện nay, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển nhanh chóng của các cuộc chiến tranh công nghệ cao kéo theo sự thay đổi nội dung, phương thức tác chiến của các tổ chức, lực lượng quân sự… đã và đang đòi hỏi sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội phải tiếp tục được bồi dưỡng rèn luyện và tự giác, tích cực nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là năng lực sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do vậy, tích cực hóa nhân tố chủ quan nhằm phát triển năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội không chỉ dựa trên cơ sở phương pháp luận khoa học, với những cơ sở lý luận và thực tiễn xác đáng, mà vấn đề quan trọng là đề xuất các giải pháp phù hợp, thiết thực và khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả quá trình này. Trong hệ thống các giải pháp cơ bản, tích cực hóa vai trò nhân tố chủ quan của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội là chủ thể trực tiếp biến quá trình phát triển thành tự phát triển, quyết định đến chất lượng, hiệu quả phát triển năng lực sáng tạo của họ. Theo đó, mục đích tích cực hóa nhân tố chủ quan trong phát triển năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội là nhằm phát huy cao độ sự nỗ lực, sức mạnh bên trong của mỗi sĩ quan cấp phân đội, bảo đảm cho quá trình phát triển năng lực sáng tạo của họ diễn ra nhanh hơn, đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Tích cực hóa nhân tố chủ quan trong phát triển năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội được thực hiện bởi tổng hợp tác động của nhiều chủ thể khác nhau. Trong đó, trực tiếp là cấp ủy, người chỉ huy các cấp và bản thân sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội cùng sự tham gia của các tổ chức khác như: hội đồng quân nhân, đoàn thanh niên ở đơn vị. Mỗi chủ thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực tế mà giữ những vai trò khác nhau đối với quá trình tích cực hóa này. Sự tác động tổng hợp của các chủ thể sẽ tạo ra xung lực cho tích cực hóa nhân tố chủ quan của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội trong phát triển năng lực sáng tạo của họ đạt mục đích đặt ra, song suy cho cùng, bản thân sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội là chủ thể chủ yếu và trực tiếp quyết định. Bởi quá trình tích cực hóa nhân tố chủ quan của mình, sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội phân đội vừa là khách thể chịu sự tác động của các chủ thể tích cực hóa khác; đồng thời với tư cách là chủ thể đặc biệt – chủ thể tự tích cực hóa, họ tiếp nhận và chuyển hóa những tác động đó vào tự nâng cao nhận thức, xây dựng ý chí, quyết tâm, phát huy tính tích cực, tự giác trong học tập, rèn luyện để thúc đẩy năng lực sáng tạo bản thân phát triển có hiệu quả.
Nội dung, phương thức tích cực hóa nhân tố chủ quan trong phát triển năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội rất đa dạng, phong phú. Trong đó tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm đúng đắn để họ tự chuyển hóa nhận thức thành nhu cầu, động cơ, ý chí, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn và phát huy cao độ tính tích cực, tự giác trong tự học tập, tự rèn luyện để phát triển năng lực sáng tạo của bản thân. Đồng thời, bồi dưỡng, định hướng cho họ biết xây dựng và thực hiện kế hoạch tự học, tự rèn nghiêm túc, hiệu quả. Do vậy, các tổ chức đảng, người chỉ huy các cấp, các lực lượng liên quan và bản thân mỗi sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội cần quán triệt và thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ thể về vai trò tính tích cực chủ quan trong phát triển năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội
Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, xuyên suốt, giữ vai trò định hướng, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các bước, các chủ thể, các lực lượng trong và ngoài đơn vị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tích cực hóa này. Do vậy, cần tiến hành thường xuyên, nghiêm túc các hoạt động học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết các cấp cho các chủ thể, nhất là quan điểm đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong tình mới, Nghị quyết 769-NQ/TW của Quân ủy Trung ương “về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”… Qua đó, làm cho lãnh đạo chỉ huy, các tổ chức, cơ quan có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội, nhất là năng lực sáng tạo của họ. Từ đó, xác định động cơ, thái độ đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy quản lý của các chủ thể, lực lượng. Mặt khác, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo, chỉ huy các cấp về nhận thức, vai trò trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với việc tích cực hóa nhân tố chủ quan của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội trong phát triển năng lực sáng tạo hiện nay.
Hai là, nâng cao chất lượng tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện nhằm phát triển năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội
Tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện là phương thức chủ yếu, việc làm liên tục, không có điểm dừng, là công việc cần có, suốt đời của mỗi sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội. Đó chính là hoạt động tự đào tạo, trực tiếp tự làm biến đổi, phát triển chính bản thân của chủ thể, là biện pháp mang tính thiết thực, thực tế, có khả năng tận dụng tối đa mọi thời gian để giúp cho mỗi người kịp thời khắc phục được những thiếu hụt về kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống của bản thân. Qua đó mở rộng, nâng cao trình độ nhận thức, hoàn thiện các kỹ xảo, kỹ năng hoạt động thực tiễn, làm cho các yếu tố trong cấu trúc năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội ngày càng được hoàn thiện, nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức trách được giao. Trong quá trình tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện, mỗi sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội phải luôn có thái độ nghiêm túc, trách nhiệm cao, tự giác tiếp nhận thông tin, tri thức, kinh nghiệm và rèn luyện tư duy, bản lĩnh… để đạt hiệu quả chuyển hóa cao nhất.
Ba là, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ hướng vào phát triển năng lực sáng tạo của bản thân
Là chủ thể của quá trình tích cực hóa nhân tố chủ quan, cho nên việc phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội trong hoạt động này sẽ góp phần chuyển hóa những yêu cầu khách quan thành động lực bên trong, thôi thúc họ không ngừng vươn lên trau dồi tri thức, rèn luyện phương pháp tư duy, nâng cao phẩm chất, năng lực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo đó, mỗi sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội cần nhận thức và quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân trên mỗi cương vị công tác. Tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết các vấn đề xã hội, quân đội và nhu cầu thực tiễn nảy sinh; biết tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nâng cao khả năng nghiên cứu quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định, nền nếp, chế độ ngày, tuần, góp phần tích lũy cho mình những hiểu biết sâu, rộng về các mặt thực tiễn, hình thành lối tư duy mới, sáng tạo, hiệu quả. Ngoài ra, sĩ quan chỉ huy tham mưu phải biết tự phân tích, đánh giá năng lực sáng tạo của bản thân trên các mặt về trình độ tri thức, kinh nghiệm, phương pháp tư duy, phẩm chất tâm sinh lý, kỹ năng, kỹ xảo… Từ đó, nêu cao ý thức, trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng phong cách, tác phong làm việc khoa học, sáng tạo, hiệu quả. Thường xuyên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, xây dựng môi trường thuận lợi nhằm tạo động lực để tích cực hóa nhân tố chủ quan của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội trong phát triển năng lực sáng tạo
Môi trường làm việc của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội là môi trường đặc thù, vừa mang đặc điểm hoạt động quân sự, vừa tồn tại các mối quan hệ mang tính kỷ luật quân đội, cấp trên cấp dưới, đồng chí đồng đội, thao trường, bãi tập, điều kiện chính trị – kinh tế – xã hội bên ngoài. Xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thuận lợi có tác động lớn đến phát triển năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội. Các đơn vị cần tập trung, tổ chức duy trì có chất lượng các phong trào thi đua, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân có phương pháp tự học, tự rèn tốt và đạt được thành tích cao trong công tác; quan tâm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong đơn vị; mở rộng hình thức dân chủ, duy trì chặt chẽ các chế độ nền nếp, kỷ luật và phát huy truyền thống tốt đẹp của đơn vị nhằm thúc đẩy sự nỗ lực chủ quan của mỗi sĩ quan chỉ huy tham mưu trong phát triển năng lực sáng tạo của họ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong giai đoạn hiện nay, đặc điểm, tính chất nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của quân đội có nhiều bước phát triển mới. Do đó, tích cực hóa nhân tố chủ quan để phát triển năng lực sáng tạo của sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội hiện nay là vấn đề cơ bản, quan trọng, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp cụ thể và cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các biện pháp, đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể nhằm mang lại hiệu quả tác động cao nhất.
Tài liệu tham khảo
1. Trương Văn Bảy, Phát triển năng lực giáo dục nhân cách của sĩ quan chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị, Hà Nội, 2017.
2. Hoàng Hòa Bình, Năng lực và đánh giá theo năng lực, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số 6, 2015, tr.21-30.
3. Nguyễn Đình Đản, Đào tạo tài năng quân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Nhà trường quân đội, số 3, 2018, tr.26-29.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứXIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.
5. Đoàn Văn Tự, Phát triển tư duy sáng tạo của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị, Hà Nội, 2020.
Tác giả: Nguyễn Đức Hùng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng