Dẫn nhập
Lương Khải Siêu (1873-1927), nhà hoạt động chính trị, nhà văn Trung Quốc thời cận đại, là người mà chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) đã từng kết giao và chịu nhiều ảnh hưởng trên bước đường hoạt động xã hội, văn học của mình. Trong quan niệm văn học, Lương Khải Siêu đặc biệt chú ý đến vai trò của tiểu thuyết trong đời sống xã hội. Ông nhấn mạnh: “Muốn đổi mới dân của một nước, không thể không trước hết đổi mới tiểu thuyết của nước đó” (1). Lỗ Tấn (1881-1936), trong thời kỳ đầu sáng tác, cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng quan điểm trên của Lương Khải Siêu, ông viết: “Ngày nay muốn khắc phục khuyết điểm của giới dịch thuật, làm nhân dân Trung Quốc tiến lên, thì phải bắt đầu bằng tiểu thuyết khoa học” (2). Cũng chính Lỗ Tấn, đã đặt vấn đề: “Nền tiểu thuyết Trung Quốc đến nay không có sử, có chăng thì trước tiên là thấy trong văn học sử nước ngoài làm, rồi sau thì người Trung Quốc làm cũng có thấy, song đều rất ít, không đến một phần mười cuốn sách. Do đó mà về tiểu thuyết vẫn không rõ ràng” (3). Theo các bậc tiền bối, rõ ràng tiểu thuyết không đơn thuần chỉ là một thể loại văn học, hơn thế, nó có vai trò quan trọng và tác động lớn đến đời sống xã hội, xét về phương diện văn hóa.
Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp. Lựa chọn trong số gần 200 tác phẩm dự thi, Ban giám khảo đã công phu và công tâm chọn được 21 tác phẩm ứng viên cho các giải (từ Nhất, Nhì, Ba, Tư đến Tặng thưởng). Phát biểu tại lễ trao giải, nhà thơ Hữu Thỉnh – Trưởng Ban giám khảo – nhận xét lạc quan: “Tiểu thuyết Việt Nam được mùa khúc xạ qua cuộc thi lần này”. Không phải không có ý kiến phản biện nhưng đó là lẽ thường tình trong cảm thụ và bình giá nghệ thuật. Những người ủng hộ với thái độ công bằng và khách quan thì lý lẽ thuyết phục: “Không thành công cũng thành nhân”.
Từ không đến có…
Tiểu mục đầu tiên chúng tôi đặt theo sự gợi hứng từ bài thơ Quả sấu non trên cao (1967) của Xuân Diệu: “Ôi! Từ không đến có/ Xảy ra như thế nào?”. Nói như thế không có nghĩa là trước cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 1 (1998-2000) của Hội Nhà văn Việt Nam, tiểu thuyết bị lép vế trên văn đàn đương đại. Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại và nhấn mạnh một ý: trước đó, chỉ có các cuộc thi thơ, truyện ngắn, ký,… do các tổ chức văn học có uy tín phát động (như báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, một số nhà xuất bản ở miền Bắc trước 1975 và trong cả nước sau hòa bình, đất nước thống nhất). Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 1, như đã nói, là một sáng kiến văn học, một phát pháo lệnh, kích hoạt thi thố tài năng, phát hiện các “hạt giống” dự trữ cho tương lai văn học nước nhà. Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 1 có thể coi là một đột phá khẩu, đóng vai trò xung kích, kích thích sáng tác. Trong vòng 21 năm (1998-2019), Hội Nhà văn Việt Nam trở nên giàu có, thực tiễn hơn trong tổ chức và phát động sáng tác văn học thông qua năm cuộc thi tiểu thuyết. Đó là một động hướng sáng tác chưa có tiền lệ, kết quả thu được sản phẩm văn học tăng cả về lượng, cả về chất. Chưa có một thống kê đầy đủ và chính xác, nhưng ước tính qua năm cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã có khoảng 1.000 tác phẩm ứng thi (dưới dạng đã in thành sách, hoặc bản thảo, với tỷ lệ 60/40 phần trăm, tỷ lệ này giữ vững ở cuộc thi thứ 5).
Các cuộc thi chứng minh, trước hết là sự tin tưởng vững chắc “Tiểu thuyết là một sinh ngữ”, “Tiểu thuyết là kẻ đang biến đổi” (M. Bakhtin). Hơn thế, nó là thước đo “sức khỏe” của một nền văn học thực sự phát triển ở tầm cao, chiều sâu, thể hiện trữ lượng sáng tác của nhà văn. Mặt khác, tiểu thuyết là thể loại có thể nói duy nhất được đón đọc, ngưỡng mộ trong đại gia đình các thể loại văn học, nhất là thời kỳ hiện đại. Tiểu thuyết, hơn bất kỳ thể loại văn học nào, là nơi có khả năng cao nhất lưu giữ hình ảnh lịch sử, sự biến thiên cuộc đời, của nhân tình thế thái, của thăng trầm số phận con người, không khí sáng tác văn học, kỹ thuật viết văn mỗi thời đại. Nó là nơi bảo tồn vững chắc ký ức (nhân loại, dân tộc, thời đại, thế hệ, mỗi con người). Sở dĩ V. Lênin đánh giá cao đại văn hào Nga TK XIX L.Tolstoy vì ông là “Tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”. Tiểu thuyết của O.Balzac được các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác đánh giá cao hơn những bộ bách khoa thư tốt nhất trong nghiên cứu xã hội toàn diện. Văn học Trung Quốc, ngoài di sản thơ Đường, còn nổi tiếng nhờ vào tiểu thuyết (cực thịnh thời Minh – Thanh). Vì vậy, mới có chuyện văn sĩ Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt (1948) của Nam Cao, chỉ mê mỗi “món” tiểu thuyết Tàu, trong đó lại chỉ mê Tam quốc diễn nghĩa, đến mức trước khi đi ngủ đều đọc lại và luôn nức nở khen: “Tài đến thế là cùng! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo!”.
Sẽ có ai đó đặt câu hỏi, người tiền nhiệm – nhà thơ Hữu Thỉnh – đã có công lớn trong sáng kiến phát động cuộc thi tiểu thuyết từ lần thứ 1 đến 5, liệu tân chủ tịch Hội Nhà văn việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025) – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – có phát huy sáng kiến tiếp tục phất cao ngọn cờ suy tôn tiểu thuyết? Muốn đi ra biển lớn (hòa nhập nhân loại), văn học Việt Nam (được coi là bộ phận tinh tế nhất của văn hóa) nói chung, tiểu thuyết nói riêng, cần và phải vượt thoát như thế nào? Ai cũng biết, tình trạng “nhập siêu”, trong đó có văn học, đang được cải tiến từng bước, nhưng còn rất khiêm tốn. Cao vọng của những người có tâm, có tầm trong văn giới là tiến đến một bước mới, lúc chúng ta “xuất khẩu” văn học, trong đó có tiểu thuyết, mang nhãn hiệu Made in Vietnam. Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989), được suy tôn là “người mở đường tài hoa và tinh anh” trong công cuộc đổi mới văn chương nước nhà thời hậu chiến (sau 1975), đã từng trăn trở: “Và cái hành trình đào sâu vào vẻ đẹp cũng như những giá trị tinh thần của dân tộc mình cũng là hành trình để nền văn xuôi của chúng ta đi đến giao tiếp với thế giới. Tôi trộm nghĩ rằng đấy là con đường để nền văn xuôi của chúng ta đạt tới tính hiện đại, và về điều này, ngòi bút văn xuôi đến bây giờ vẫn còn mới mẻ – Nam Cao đã chứng minh được ít nhiều” (4).
Sự trở lại của đề tài truyền thống
Chúng tôi đã công bố hai tiểu luận Sự trở lại của đề tài chiến tranh trên văn đàn và Đề tài lịch sử phục hưng trên văn đàn (đăng trên Tạp chí Lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Hội đồng LLPBVHNT.TƯ). Vì sao có sự trở lại ngoạn mục này? Trước hết, có thể giải thích hiện trạng này bằng những lý do ngoài văn chương (suy cho cùng, văn học không ra ngoài “phên giậu” của chính trị – lịch sử – xã hội, nên sự tuyệt đối hóa, coi nó là một thứ “bá quyền”, dễ rơi vào ảo tưởng). Chưa bao giờ lịch sử đất nước đứng trước những thử thách nhạy cảm về chủ quyền lãnh thổ như bây giờ, chưa bao giờ đáng báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức – văn hóa như ngày hôm nay, cơ chế thị trường với hai mặt đối nghịch đang thách thức, chạm đến mỗi tế bào xã hội trong trạng thái biến nguy thành cơ, đòi hỏi chúng ta cần xiết chặt đội ngũ hơn nữa khi tinh thần đoàn kết nhất trí đang bị xâm thực,… Tất cả những vấn đề căn cốt trên trở nên bức thiết trong việc tìm cái chìa khóa tinh thần để trả lời những yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Cái chìa khóa tinh thần ấy, thiết nghĩ, chỉ có thể tìm trong quá khứ, trong truyền thống văn hiến – văn hóa của một dân tộc “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi – Đại cáo bình Ngô). Vì thế, “ôn cố tri tân” là một động hướng tinh thần quan trọng cần nắm bắt kịp thời cho công cuộc bảo vệ chủ quyền và kiến thiết đất nước hiện nay.
Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm nghệ thuật quý giá gì? Nổi bật là thành công ở đề tài truyền thống (lịch sử xa và gần, cách mạng và chiến tranh chính nghĩa), nếu có thể nói, đã tạo nên “mặt tiền” của cuộc thi nói riêng, văn học đương thời nói chung. Các tác phẩm được giải đã chứng minh thuyết phục nhận định trên: Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, Mệnh đế vương của Trương Thị Thanh Hiền, Thị Lộ chính danh của Võ Khắc Nghiêm, Chim bằng và nghé hoa của Bùi Việt Sỹ, Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, Hùng binh của Đặng Ngọc Hưng, Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường, Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân,…Ai đó ngây thơ (cố tình) nghĩ rằng, viết về đề tài truyền thống hiện giờ dễ bị coi là “xưa rồi Diễm ơi” (?!). Lối nghĩ cấp tiến coi lịch sử là một thứ “bóng đè” đã bị phản biện, không tìm được đồng minh và luật sư bào chữa. Một dân tộc/thế hệ, nếu đánh mất ký ức, liệu có bị “mù lòa” trước lịch sử? Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, tác giả bộ tiểu thuyết Đất trắng, đã chia sẻ: “Nói về quá khứ một cách nghiêm túc và trung thực thì không sợ không có điều gì để nói với hôm nay” (5).
Nhìn sang văn học Nga hiện đại, sẽ thấy, dù cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại (1941-1945) đã lùi xa 75 năm, nhưng tiên đoán của nhà văn A. Tolstoy hoàn toàn chính xác: “Chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng, đề tài lớn thu hút sự quan tâm của các nhà văn trong 100 năm tới” (nếu chúng ta biết nhận định này được đưa ra vào tháng 5-1945, khi nhà văn đứng giữa thành phố Berlin, Đức, vừa được Hồng quân Liên – Xô giải phóng). Trong số quà tặng của Tổng thống Liên bang Nga V.Putin, nhân chuyến thăm chính thức cấp nhà nước Việt Nam (2011), có cuốn tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua của nhà văn Kanta Ibragimov (thuộc Cộng hòa tự trị Chechnya – Ingushetia, Liên bang Nga), nhận Giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga về VHNT, năm 2003. Tháng 12-2019, tại Hội chợ sách Quốc tế Habana (Cuba), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đăng đàn diễn thuyết về cuốn tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn Trần Mai Hạnh (tác phẩm nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2014; Giải thưởng văn học ASEAN, 2015; đã tái bản nhiều lần, có phiên bản tiếng Anh). Cùng với Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, tiểu thuyết của Trần Mai Hạnh đã khiến độc giả nước ngoài đang rất quan tâm đến cái họ gọi là “chiến tranh Việt Nam” (chúng ta gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước). Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã theo đuổi đề tài lịch sử Việt Nam trong vòng 400 năm, đã xuất bản những bộ tiểu thuyết quy mô như Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần,… Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã xuất bản (và tái bản nhiều lần) tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly. Tất cả những ví dụ nêu trên có sức thuyết phục, kể cả những người đọc khó tính nhất, khi họ cầm trên tay một cuốn sách viết về những chuyện thuộc về quá khứ nhưng còn nóng hổi tính thời sự, nhân văn.
Nhà văn Chu Lai đã hào hứng tuyên bố: “Chiến tranh là một siêu đề tài. Người lính là một siêu nhân vật”. Những nhà văn trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X vẫn say mê viết về lịch sử. Vì sao? Câu trả lời không quá khó khăn với ai yêu quý, trân trọng những trang sử vàng của dân tộc có truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Đời sống đương đại chưa đậm nét trong tiểu thuyết?
Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 tuy đã gặt hái được nhiều thành công đáng khả quan nhưng vẫn còn để lại “cơn khát” với độc giả muốn thưởng thức những tác phẩm nóng rẫy thời sự, hơi thở đời sống xã hội đương đại đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, phong phú hơn, nhiều bất trắc, bất ngờ hơn bao giờ hết. Các mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, nhiều tình huống điển hình hơn. Đặc biệt, con người thời hiện đại càng ngày càng trở nên như một ẩn số khó giải mã một lần, một cách thức, nếu chúng ta đơn giản hóa, nhìn một chiều tô hồng hay bôi đen nó. Nghĩa là tầm đón đợi của độc giả dường như lớn hơn, xa hơn, sâu hơn người sáng tác tiểu thuyết hiện nay. Tất nhiên, nếu theo sát cuộc thi nói riêng, tiểu thuyết nói chung, sẽ dễ dàng nhận ra nhà văn đã rất cố gắng song le đôi lúc rơi vào tình trạng lực bất tòng tâm. Gạn lọc ra, qua cuộc thi, có thể tạm thời bằng lòng với một số tác phẩm thành công ở mặt này hay mặt khác. Nếu tiểu thuyết về đề tài truyền thống, như đã nói ở trên, đã tạo ra “mặt tiền” của cuộc thi, thì những tác phẩm viết về đề tài đương đại (đời tư – thế sự, những vấn đề kinh tế – văn hóa – đạo đức, hòa giải – hòa hợp nóng hổi và bức thiết) dường như còn bị lép vế. Tất nhiên, một số tác phẩm dự thi và được giải đã phần nào đáp ứng được mong mỏi của độc giả. Đó là Vỡ vụn, Cuộc vuông tròn của Nguyễn Bắc Sơn, Vùng xoáy của Vũ Ngọc Khánh, Thật giả cũ mới của Trần Văn Tuấn, Sông Luộc ở phương Nam của Khôi Vũ, Quay đầu lại là bờ của Hữu Phương, Hạc hồng của Lê Hoài Nam, Lạc lối của Thùy Dương, Đông trùng hạ thảo của Mai Tiến Nghị, Trong vô tận của Vĩnh Quyền, Và khép rồi lại mở của Vũ Từ Trang, Bụi đời thục nữ của Nguyễn Trí, Miền sáng tối của Dương Thanh Biểu, Rễ người của Đoàn Hữu Nam, Kiến gió của Y Ban, Hành trình khổ ải của Anh Chi,…
Vì sao một hiện thực đời sống (xã hội, tự nhiên) ngồn ngộn chất liệu, đầy hấp lực mời gọi như thế nhưng chưa có cánh cửa nào mở ra ngõ hầu đi thẳng vào tiểu thuyết. Nếu so sánh với văn học 15 năm đầu sau đổi mới (1986), sẽ thấy thời kỳ đó, truyện ngắn làm chủ văn đàn với sự đóng góp không thể không ghi nhận của Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Y Ban, Hồ Anh Thái,… Ngày nay, hiện thực dường như ưu đãi, ưu ái nhà văn, dọn sẵn các cốt tuyện, tình huống, sự kiện, nhân vật,… tiêu biểu. Có vẻ như chỉ cần nhà văn “chạm” đúng là tất cả bung nở, bộc lộ bản chất đến tận cùng. Nhưng có vẻ như nhà văn hiện đang bị phân thân? Liệu có tâm thế an toàn, tránh xa vùng nhạy cảm khi viết của nhà văn? Hay nhà văn chưa đủ sức (tâm và tầm) để xông thẳng vào các tâm bão đời sống, chưa đủ sức lặn sâu vào cõi người vốn bể dâu? Tác phẩm đôi khi chỉ mới như là đường viền của bức tranh đời sống. Trọng lực, trọng tâm của bức tranh xem ra còn mờ nhạt? Đâu đó có tiếng nói về sự bó buộc nhà văn khi đối diện với sự thật đời sống. Nhưng có lẽ, cái chúng ta thiếu thực sự là tài năng. Lâu nay, người ta hay trích dẫn câu thơ của Trần Dần: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời” (Thơ mini). Lịch sử văn học cổ kim Đông Tây đã chứng minh những tài năng văn chương đích thực thường tự tạo ra những chân trời sáng tạo của mình. Đặc điểm của tư duy tiểu thuyết, theo M. Bakhtin, là hướng tới “cái chưa hoàn tất” (đang vận động, phát triển). Nhà văn của chúng ta quen nhìn, cảm và thể hiện cái ổn định nên đứng trước một “kẻ đang biến đổi” (hiện thực) trở nên lúng túng. Trong tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm, Nguyễn Khải viết: “Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy rẫy những bất ngờ”. Tâm thế của nhà văn khi viết, nhìn chung đều muốn “nhúng bút vào sự thật”. Nhưng vấn đề nhận chân sự thật lại không hề giản đơn (không phải là thấy gì viết nấy). Sự thật nào cần được phản ánh, sự thật đó có lợi cho ai, nói ra sự thật trong văn cảnh nào,… là những vấn đề cần đến căn cốt văn hóa của nhà văn. Hiện thực thì vạm vỡ, sức lực của nhà văn chúng ta hiện nay thì chưa cân sức cân tài. Đấy chính là nguyên nhân căn bản khiến cho bộ phận văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng viết về “cái hôm nay” còn chưa thật sự cao, sâu nghệ thuật.
Thi pháp tiểu thuyết đương đại có gì mới?
Đang có một “cơn sốt nhẹ” khi các ism – chủ nghĩa (Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Phân tâm học, Cấu trúc, Phi lý, Sinh thái, Nữ quyền,…) đổ bộ vào Việt Nam, được giới nghiên cứu (chủ yếu) và giới sáng tác quan tâm. Tuy nhiên, quan sát kỹ lưỡng sẽ thấy tinh thần tiếp biến văn hóa đang có vấn đề – khi cũ người mới ta, tiếp thu vội vã, thiếu chọn lọc, vận dụng thiếu linh hoạt, thậm chí chệch choạc (chưa kể đôi khi, có người đề cao quá mức một lý thuyết nào đó, coi nó là “kim chỉ nam”). Đại thi hào Đức Goethe từng viết, lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi, là có lý có tình. Theo sát năm cuộc thi tiểu thuyết, sẽ thấy những tác giả, tác phẩm thành công (được giải thưởng các hạng) đều nương theo thi pháp truyền thống, từ Nguyễn Xuân Khánh (Hồ Quý Ly), Trung Trung Đỉnh (Lạc rừng), Nguyễn Quang Thân (Hội thề), Nguyễn Bắc Sơn (Vỡ vụn), Đào Thắng (Dòng sông mía), Trần Văn Tuấn (Rừng thiêng nước trong), Võ Khắc Ngiêm (Thị Lộ chính danh), Bùi Việt Sỹ (Chim ưng và chàng đan sọt), Vĩnh Quyền (Mảnh vỡ của mảnh vỡ), Trần Thùy Mai (Từ Dụ thái hậu), Hữu Phương (Quay đầu lại là bờ), Thiên Sơn (Gió bụi đầy trời), Vũ Quốc Khánh (Vùng xoáy), Võ Bá Cường (Gió Thượng Phùng), Nguyễn Thế Quang (Đường về Thăng Long), Mai Tiến Nghị (Đông trùng hạ thảo), Khôi Vũ (Sông Luộc ở phương nam), Thùy Dương (Lạc lối), Đặng Ngọc Hưng (Hùng binh),…
Chưa thấy tác phẩm nào viết theo các chủ nghĩa như đã nêu trên, đứng vào bảng xếp hạng các giải thưởng qua năm cuộc thi tiểu thuyết. Vì sao? Chúng ta lâu nay đinh ninh rằng, hiện đại hóa là do du nhập phương Tây, ít quan tâm tới sự phối thuộc hài hòa giữa dân tộc và thế giới. Thậm chí, đôi khi, chúng ta quên rằng “đến hiện đại từ truyền thống” (nhan đề tác phẩm nổi tiếng của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu); hơn thế “đi hết dân tộc sẽ gặp nhân loại” như ý tưởng sáng tác của Nguyễn Minh Châu – người mở đường tài hoa và tinh anh trong công cuộc đổi mới văn học Việt Nam thời hậu chiến (sau 1975). Các nhà tiểu thuyết hiện nay không cần đi đâu xa, hãy học cụ Nguyễn Tiên Điền khi viết kiệt tác Truyện Kiều với ý nghĩa là một tiểu thuyết bằng thơ (từ cấu tứ, cốt truyện, tình huống, nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu). Thêm một ví dụ về sự vận dụng truyền thống khi hiện nay, một số nhà văn vẫn tổ chức kết cấu tiểu thuyết theo lối chương hồi (Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai là một ví dụ tiêu biểu). Những đồng hiện, dán ghép, dòng ý thức, phân rã cốt truyện, liên văn bản,… tạo nên “mê lộ” trong tổ chức một tiểu thuyết được coi là hiện đại tỏ ra như một thứ xa xỉ phẩm, đôi khi chỉ hợp với thị hiếu của một số rất ít độc giả tỏ ra tinh hoa (!?). Nhà văn phải xác định rõ mình viết cho ai, cho một trăm hay một triệu và hơn thế, người đọc vốn có chung lý tưởng xã hội, thẩm mỹ, cùng tâm thức cộng đồng suốt chiều dài lịch sử? Tinh hoa và phổ cập, dĩ nhiên cần cả hai nhân tố trong một tác phẩm thành công.
Lớp trẻ viết văn hiện nay thường đôi khi có thái độ phản kháng với truyền thống, không chịu khó học hỏi các bậc tiền nhiệm, thậm chí bạo gan đòi “chôn Thơ mới”(?!). Đúng là chuyện vác đá vá trời, hoang đường. Đang có tư trào đổi mới văn học nhưng thực tế là bước chệch sang cái “lạ”, cái “khác”. Ở đây cần nhấn mạnh lại một lần nữa có tính nguyên tắc: trong cái mới có thể có cái lạ, nhưng cái lạ thì có thể không đến được cái mới. Sự ngộ nhận này, theo chúng tôi, khá phổ biến, có thể do ngây thơ một cách cố ý, hay cố ý một cách ngây thơ (?!).
Phía trước của tiểu thuyết (thay kết luận)
Tiểu thuyết không chết như tâm trạng lo âu thiếu căn cứ của ai đó. Tiểu thuyết là rường cột của một nền văn học lớn. Nobel văn học thường chỉ trao cho tiểu thuyết (hoặc thơ). Trong năm nhà văn Nga hiện đại nhận Nobel văn học thì có đến ba nhà tiểu thuyết (M. Solokhov, B. Paxternac, A. Xonjenhitxin). Trong số hơn 1.000 nhà văn Việt Nam hiện nay, đội ngũ sáng tác văn xuôi chiếm hơn 50%, trong đó có khoảng 1/10 chuyên tâm viết tiểu thuyết. Chúng ta có thể kể tên một số cây bút tiểu thuyết hiện được đón đọc như Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn, Dương Hướng, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương,… Có nhà văn mới xuất hiện khi tuổi đã cao nhưng tỏ rõ là cây tiểu thuyết triển vọng như Nguyễn Thế Quang. Có nhà văn thế hệ 9X (sinh 1991) nhưng có thành tựu tiểu thuyết (đã in 5 cuốn) như Meggie Phạm. Có nhà văn thành danh nhờ truyện ngắn nhưng bứt phá sang tiểu thuyết đã thành công như Trần Thùy Mai với Từ Dụ thái hậu (giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5, 2016-2019, của Hội Nhà văn Việt Nam). Thế hệ 7X (tiêu biểu như Đỗ Tiến Thụy, Phùng Văn Khai, Uông Triều, Nguyễn Thế Hùng, Phong Điệp, Dili, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đình Tú, Thiên Sơn, Vũ Đình Giang, Dương Thụy,…) đang là chủ lực quân trên văn đàn, đồng thời cũng là một “giàn” cây bút tiểu thuyết có nhiều triển vọng. Với tất cả những nền tảng trên, chúng ta có cơ sở để hy vọng về một phía trước nhiều hứa hẹn của thể loại tiểu thuyết.
________________
1. Dẫn theo sách Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb Chính trị quốc gia, 1996.
2, 3. Lỗ Tấn, Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, Nxb Văn hóa, 1966.
4. Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009, tr. 328.
5. Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2020
Tác giả: Bùi Việt Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn