Tiềm năng du lịch thủy nội địa ở châu thổ sông hồng


 

Có thể nói, sông Hồng là dòng sông lớn, quan trọng nhất bồi đắp nên toàn bộ vùng châu thổ và chia châu thổ sông Hồng thành hai vùng tả ngạn và hữu ngạn. Chỉ riêng hệ thống đê chạy dọc sông Hồng cùng các chi lưu cũng đã xứng đáng lập hồ sơ trình UNESCO xếp hạng là Di sản văn hóa vật thể thế giới.

Những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn, các làng nghề, làng buôn bán nổi danh… được sinh ra từ nền văn minh Đại Việt cũng phần nhiều nằm trên bờ những dòng sông lớn, nhỏ này. Ngoài ra, các ngã ba sông dọc, ngang của vùng châu thổ sông Hồng thường là những thị tứ, thị trấn, làng buôn, bến thị cổ sầm uất của đất nước. Vùng non Côi – sông Vị và miền núi Đọi – sông Châu là dải đất được bao bọc bởi lưu vực của các dòng sông lớn: sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, sông Vị Hoàng… là nơi tập trung mật độ dày đặc những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội dân gian.

Châu thổ sông Hồng ở rìa đông bán đảo Đông Dương, trên điểm giao thoa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Với vị trí ấy, từ xa xưa vùng ven biển đã là nơi hội tụ, giao lưu của các luồng văn hóa, thương mại giữa phương Đông – phương Tây, Trung Quốc – Ấn Độ, Đông Nam Á lục địa – Đông Nam Á hải đảo. Các cửa sông thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình tiếp nhận nước từ miền rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc đổ ra biển Đông. Tiềm năng giao thông thủy thuận lợi khiến các tỉnh, thành trong vùng duyên hải Bắc Bộ có ưu thế nổi trội về giao thương quốc tế, nội địa cũng như phát triển ngành du lịch.

Các địa phương ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đều có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, bao quanh thuận tiện cho đi lại, giao thương. Nhưng do các cửa sông thuộc hệ sông Hồng ở khu vực Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình nông, tàu thuyền lớn không qua lại được, nên rất tự nhiên, con đường mở ra biển Đông qua vịnh Bắc Bộ của vùng châu thổ sông Hồng tiện nhất vẫn là ngả thành phố cảng Hải Phòng.

Trên địa bàn Hải Phòng, sông Bạch Đằng là phần hạ lưu của hệ sông Thái Bình, bắt nguồn từ vùng núi đông bắc thành phố. Các sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống sau khi hợp lưu ở gần Phả Lại (cách biển khoảng 90km) thì phân thành 2 nhánh chính là sông Kinh Thày và sông Thái Bình. Sông Thái Bình tiếp tục phân thành hai chi lưu là sông Thái Bình nhánh và sông Văn Úc trước khi đổ ra biển phía tây nam Đồ Sơn. Sông Kinh Thày chảy cách biển chừng 48km, phân thêm nhánh chính là sông Đá Bạc, gần sát biển hai nhánh này lại hợp lưu và rồi lại phân lưu thành sông Chanh đổ ra cửa Lạch Huyện và sông Bạch Đằng đổ ra cửa Nam Triệu, sông Cấm và sông Lạch Tray đổ ra cửa Ba Lạt. Nhờ dòng chảy hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình được kết nối tự nhiên với sông Luộc ở phía bắc huyện Vĩnh Bảo, nên tàu thuyền từ vùng biển Hải Phòng rất dễ dàng thâm nhập vào hệ sông Hồng. Ngược lại, từ sông Hồng, nhiều tàu thuyền cũng không gặp khó khăn khi qua các cửa sông của Hải Phòng để đến với Đồ Sơn – Cát Bà – Hạ Long, và xa hơn có thể đến tận Móng Cái, Bắc Hải (Trung Quốc) hay theo sông Hồng ngược lên phía bắc, thâm nhập vùng Vân Nam (Trung Quốc).

Từ xa xưa các tàu thuyền có trọng tải lớn muốn đi sâu vào trung tâm châu thổ sông Hồng vẫn thường chọn cửa sông Đáy (hay còn gọi là cửa Độc Bộ). Tuy nhiên, đến khoảng TK XVI, XVII cửa Đáy cũng bị bồi lấp nhiều, các tàu thuyền lớn phương Tây hầu như không qua lại, mà chỉ còn một ít thuyền nhỏ của Trung Quốc và Xiêm đôi khi ra vào. Từ đó, việc ra vào trung tâm châu thổ sông Hồng được chuyển sang ngả khác.

Dựa vào tấm bản đồ nổi tiếng sông Đàng Ngoài từ Kẻ Chợ ra biển (Plan of The Tongquin River from Cacho to the Sea) do một thương nhân người Anh vẽ, các nhà nghiên cứu địa lý, lịch sử cho rằng, sông Đàng Ngoài được coi là động mạch chủ của toàn bộ hệ thống sông ngòi phía bắc nước ta TK XVII chắc chắn không đổ ra khu vực biển thuộc những tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình hiện nay. Giới nghiên cứu khẳng định sông Đàng Ngoài là đoạn sông Hồng chảy từ Hà Nội cho đến ngã ba Hải Triều, toàn bộ dòng sông Luộc đến ngã ba Quý Cao và đoạn tiếp theo là hạ lưu và cửa sông Thái Bình. Theo đó, khoảng TK XVII – XVIII, thuyền buôn phương Tây thường men đường biển phía Đồ Sơn vào cửa sông Văn Úc đổi nước ngọt, thực phẩm rồi mới theo hệ thống sông Thái Bình để ngược lên Phố Hiến (Hưng Yên) và Kẻ Chợ (kinh kỳ Thăng Long), nếu không, phải vào cửa sông Cấm, Bạch Đằng hoặc sông Hóa để thâm nhập vào hệ thống sông Hồng…

Có lẽ vì vậy mà địa danh Dome, hay Domea mà người phương Tây phiên âm từ Đò Mè (tên một bến sông chi lưu của hệ thống sông Thái Bình ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) xưa kia từng là một cảng thị tấp nập cảnh trao đổi hàng hóa, buôn bán giữa người Anh, Hà Lan với người bản xứ. Con sông này đã bị lấp từ lâu và chôn vùi với nó là các tàn tích của một Dome nổi tiếng TK XVII – XVIII.

Các tour, tuyến du lịch đường thủy của vùng châu thổ sông Hồng được đánh giá là giàu tiềm năng và lợi thế để khai thác phát triển. Theo đó, trên đôi bờ sông Hồng, có thành Đại La (TK VI – VIII), Kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội; xuôi xuống trấn Sơn Nam, từ TK XVI – XVIII có thượng chí Tam Đằng (Xích Đằng, Man Đằng, Châu Đằng), hạ chí Tam Hoa (Hoa Dương, Hoa Cái, Hoa Điền), cũng tức là Vạn Lai Triều – Phố Hiến với bên kia (hữu ngạn) là Bến Lảnh (Yên Lệnh), bên này (tả ngạn) Đền Mây (Xích Đằng, chợ Vạn). Vùng phủ Khoái Châu xưa với dày đặc những làng buôn, bến chợ ở đôi bờ, suốt từ Mễ Sở, Phú Thị… xuôi xuống tận Hưng Yên – Phố Hiến; rồi bãi Tự Nhiên, đền Nhất Dạ – Dạ Trạch gắn với huyền tích Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa…

Có lẽ hấp dẫn nhất đối với khách du lịch quốc tế khi tham gia tour du lịch đường sông là được chiêm ngưỡng phong cảnh làng quê Việt Nam đẹp đẽ và thanh bình, tham gia trải nghiệm cuộc sống của cư dân bản địa, hay hòa mình trong không khí hội hè, khám phá về phong tục, tập quán, thói quen, hoặc thú ẩm thực dân dã… Và chắc chắn họ sẽ rất thích thú khi được sống, tham gia sản xuất thủ công với những người thợ tài hoa ở các làng nghề làm gốm: Bát Tràng, Chu Đậu, Hợp Lễ, Luy Lâu, tạc tượng Đồng Minh… thưởng thức nhiều tiết mục hát chèo, ca trù, quan họ… do nghệ nhân biểu diễn.

Đối với khách người Việt, việc thăm những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng hay vãn cảnh chùa, đình, miếu mạo, di tích lịch sử kết hợp lễ bái trong hoạt động du lịch văn hóa, tâm linh tại các điểm du lịch ven sông, biển ngày càng trở thành nhu cầu tự nhiên. Nếu được tạo thuận lợi, được tuyên truyền, hướng dẫn tận tình, chắc chắn ngành du lịch sẽ có thêm một lượng khách hàng tiềm năng.

 Trên cơ sở ý tưởng về nghiên cứu phát triển các tour, tuyến du lịch đường sông ở vùng châu thổ sông Hồng, ông Nguyễn Anh Tuân, nguyên Phó giám đốc sở VHTTDL Hải Phòng đã có một phát hiện thú vị. Đó là biến con đường thủy chở than: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (trước đây) thành các tuyến du lịch hấp dẫn, an toàn. Từ Hà Nội (cảng Phà Đen) theo sông Đuống vào hệ thống sông Thái Bình, rẽ qua sông Kinh Môn vào sông Chanh, tiến thẳng ra vịnh Hạ Long, Bái Tử Long… và ngược lại. Với mớm nước của những dòng sông này, hiện các loại tàu có trọng tải 200 tấn có thể đi lại dễ dàng trong cả hai mùa nước cao và cạn nhất. Ngoài ra, còn có thể sử dụng tuyến đường thủy từ bến Phà Đen (Hà Nội) xuôi sông Hồng vào sông Luộc, rẽ qua sông Cấm ra Cát Bà, vịnh Hạ Long và ngược lại. Tuyến này cũng cho phép tàu trọng tải 200 tấn đi lại dễ dàng trong mọi thời tiết.

Ý tưởng này không có gì là phi hiện thực nếu biết rằng cách đây hơn 30 năm, Hải Phòng đã từng có những chuyến tàu chở khách theo tuyến sông Cấm, Kinh Thày… vào sông Thương qua đền Kiếp Bạc, du khách thỏa sức ngắm nhìn cảnh quan hùng vĩ của bãi Kiếm, núi Nam Tào, Bắc Đẩu, ngát xanh bãi mía, nương ngô, rồi vào hệ sông Cầu đến tận thị xã Bắc Giang thơ mộng…

Để hiện thực hóa ý tưởng phát triển mạng lưới tour, tuyến du lịch đường thủy, ông Nguyễn Anh Tuân cho rằng vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc đầu tư và nạo vét các dòng sông để đảm bảo an toàn cho hoạt động của tàu thuyền. Đặc biệt là các điểm đến du lịch ven sông ở vùng châu thổ sông Hồng hầu hết chưa có hệ thống cầu tàu, bến bãi, vũng quay tàu… đủ tiêu chuẩn neo đậu đón trả khách cho phương tiện thủy. Những năm vừa qua ngành du lịch Hải Phòng đã tổ chức khai thác thử nghiệm tour du lịch đường thủy Đồ Sơn – khu suối nước khoáng nóng Tiên Lãng với sông Văn Úc, nhưng không thành công do thiếu bến neo tàu đón trả khách và nhiều đoạn luồng bị cạn…

Có lẽ, để khai thác hết tiềm năng du lịch thủy nội địa ở các tỉnh châu thổ sông Hồng cần sự đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhiều tuyến, điểm được quy hoạch, thiết kế dựa trên những danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề, lễ hội nổi tiếng tại địa phương trong vùng. Không những vậy, các tỉnh, thành phố cần liên kết tổ chức nhiều tuyến, tour du lịch cho khách tham quan nhằm tận dụng hết tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Bên cạnh việc tạo sự tiện lợi cho du khách, cần nâng cao nghiệp vụ nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành du lịch, quan tâm đầu tư tôn tạo, nâng cấp, bảo vệ các danh thắng, di tích văn hóa vật thể và phi vật thể và tăng cường giáo dục ý thức người dân trong việc kế thừa, giữ gìn, bảo vệ vốn quý của địa phương.

Việc phát huy giá trị, khai thác tiềm năng du lịch thủy nội địa vùng châu thổ sông Hồng cần một giải pháp tổng thể nhằm gắn kết sự quan tâm, phối hợp, đầu tư, xây dựng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan du lịch, lãnh đạo chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Phạm Văn Thi

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *