Tiếp cận nghệ thuật đương đại thông qua một số tác phẩm Video Art

Hình 1. Đồng hồ TV. 1963. Nam June Paik

Trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại, nhiều thể loại nghệ thuật được sinh ra và phát triển một cách mạnh mẽ với sự bổ sung không ngừng về mặt kỹ thuật, chất liệu, đem đến sự sáng tạo đa dạng, tạo nên một nền văn hóa thị giác đầy cảm xúc và sinh động. Sự xuất hiện của video art được xem là một trong những thể loại nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn với kỹ thuật xử lý hình ảnh hiện đại tạo nên một bước tiến trong sự kết hợp giữa ý tưởng nghệ thuật và khoa học kỹ thuật trong thời đại kỹ thuật số. Và trong dòng chảy đó, video art đã hình thành một chất liệu sáng tác của nhiều nghệ sĩ quốc tế, trong đó có các nghệ sĩ của Việt Nam.

Video Art là gì?

Video là chuỗi những hình ảnh chuyển động được luu trữ, ghi, sao chép, phát sóng, trình chiếu trên các phương tiện. Các hệ thống video khác nhau có sự khác nhau về độ phân giải màn hình, tỷ lệ khung hình, màu sắc, chất lượng… Vào những năm giữa thế kỷ 20, một loại hình nghệ thuật sử dụng video làm phương tiện sáng tác được khởi xướng bởi các nghệ sĩ như Andy Warhol, Wolf Vostell và Nam June Paik…, “loại hình này được gọi là video art, video của nghệ sĩ” 1. Vào nhiều năm sau, sự tiến bộ trong công nghệ máy tính và video kỹ thuật số, cho phép các nghệ sĩ chỉnh sửa và điều khiển các đoạn phim, từ đó đã mở ra một loạt các cơ hội sáng tạo và thu hút nhiều nghệ sĩ đến với thể loại nghệ thuật này.

Hình 3. Truyền hình đảo ngược. 1983. Bill Viola

Ở Việt Nam, từ “video art” vẫn luôn được giữ nguyên như một thuật ngữ chuyên ngành nghệ thuật đương đại thay cho từ “nghệ thuật video”. Các bài viết trên các tờ báo uy tín như Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Thanh Niên hay các bài viết trên website, tạp chí của các Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật TP HCM cũng như nhiều trang web chuyên về nghệ thuật cũng sử dụng từ “video art”. Về cơ bản, Video art có nhiều hình thức: Phát sóng trên các kênh truyền hình, trình chiếu ở các phòng trưng bày, bảo tàng, phát trực tiếp, phân phối dưới dạng băng, đĩa, kết hợp với nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt v.v…

Đối với loại hình Video art cũng có một số khác nhau nhất định với các thể loại video khác là không dựa vào các quy tắc cơ bản của điện ảnh, có thể đầy đủ mọi yếu tố của một bộ phim, cũng có thể không có diễn viên, không có cốt truyện, không chứa lời thoại, không dùng với mục đích giải trí… Sự khác biệt này cũng phân biệt nghệ thuật video với các thể loại phụ của điện ảnh như phim tiên phong, phim ngắn hoặc phim thử nghiệm. Việc sử dụng một cấu trúc linh hoạt và nhiều kỹ thuật trong video art cũng làm cho loại hình nghệ thuật này trở nên phong phú và đa dạng hơn, một trong những kỹ thuật khá nổi bật được nhiều nghệ sĩ sử dụng trong video art là kỹ thuật stopmotion. Đây là một trong những hình thức của video art, hoạt ảnh stop-motion được các nghệ sĩ chú ý bởi sự đặc biệt về diễn hoạt chiều của thời gian thông qua những chuyển động nhỏ, ngắt quãng, về những nhân vật vô tri được diễn đạt một cách đầy sức sống thông qua sự nối tiếp nhau trong từng bức ảnh, về sự tách biệt của không gian và thời gian lại được kết nối với nhau một cách chân thực và đầy cảm xúc. Chính vì vậy, những nghệ sĩ sử dụng stop-motion trong các tác phẩm của mình, thử nghiệm trong đa dạng chất liệu, kỹ thuật, hình thức thể hiện, từ đó đem đến cho người xem những cảm nhận đặc biệt thông qua sự sáng tạo đầy màu sắc của mình

Video Art ra đời như thế nào?

Bắt đầu từ năm 1958, nghệ sĩ Wolf Vostell đã giới thiệu tác phẩm Transmigration, là một tác phẩm bao gồm sự kết hợp một bức tranh cắt vải với một màn hình TV nhấp nháy. Đây là lần đầu tiên có sự tham gia của công nghệ và sản phẩm trình chiếu tạo thành một phần của tác phẩm nghệ thuật. Năm 1963, Vostell đã thực hiện tác phẩm Dé-collage Events for Millions, là một chương trình phát sóng trên truyền hình có sự tham gia của khán giả truyền hình song song với chương trình phát sóng. Trong năm này, Nam June Paik, một nghệ sĩ Mỹ gốc Hàn tạo ra TV Clock, là một tác phẩm sắp đặt bao gồm hai mươi bốn màn hình tivi đặt trên các bệ thẳng đứng, sắp xếp theo một đường cong. Paik đã tạo ra mỗi hình ảnh điện tử bằng cách điều khiển tivi để nén các màu đỏ, xanh lục và xanh lam của nó thành một đường thẳng trên nền đen (hình 1).

Năm 1965, Nam June Paik trưng bày tác phẩm Magnet TV với các tivi và nam châm, tại Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney, New York. Paik đã kết hợp ti vi với nam châm tạo ra từ trường làm thay đổi hình ảnh trong màn hình (hình 2).

Mặc dù đã có những sự kết hợp đầu tiên giữa truyền hình, công nghệ và nghệ thuật nhưng mãi đến cuối năm 1965, vào tháng mười, Nam June Paik đã sử dụng một chiếc máy quay Sony Portapak để quay cảnh rước Giáo hoàng Paul VI qua thành phố New York. Đoạn phim ngay chiều hôm đó đã được Nam June Paik trình chiếu tại một quán cà phê ở Greenwich Village cho bạn bè xem. Đoạn video dài hai mươi phút này được xem là tác phẩm video art đầu tiên của nền nghệ thuật đương đại.

Hình 5. Khổ nạn 99. 1991. Craig Baldwin

Với sự khởi đầu từ máy ảnh Sony Portapak và các thiết bị ghi – phát video thương mại đầu tiên, các nghệ sĩ bắt đầu sự sáng tạo của mình với video art. Sự phát triển rực rỡ của công nghệ đã khiến các nghệ sĩ có khả năng tiếp cận lớn hơn đối với người xem, có sự đa dạng trong sáng tạo với các thiết bị ghi – thu – phát ngày càng hiện đại cùng với sự tham gia của các công nghệ chỉnh sửa, tạo hiệu ứng cho hình ảnh video khiến cho video art ngày càng được phát triển một cách rộng rãi, mạnh mẽ và đa dạng.

Trong những năm 70 của thế kỷ XX, video art mang tính thử nghiệm đối với những hạn chế của định dạng video. Nghệ sĩ người Mỹ Peter Campus đã tạo tác phẩm Double Vision – Tầm nhìn đôi kết hợp các tín hiệu video từ hai chiếc Sony Portapaks thông qua một bộ trộn điện tử, dẫn đến hình ảnh bị méo một cách triệt để. Một tác phẩm đại diện khác, Vertical Roll – Cuộn dọc của Joan Jonas, với sự tổng hợp các tài liệu video được ghi lại trước đó của Jonas và cho nhảy tiếp nối nhau trên tivi, tạo nên một tổng thể hình ảnh có nhiều lớp mang tính phức hợp.

Năm 1970, nghệ sĩ Willoughby Sharp đã bắt đầu loạt phim đối thoại Videoviews với các nghệ sĩ. Sê-ri Videoviews bao gồm các cuộc đối thoại của Sharps, với Bruce Nauman (1970), Joseph Beuys (1972), Vito Acconci (1973), Chris Burden (1973), Lowell Darling (1974) và Dennis oppenheim (1974). Cũng trong năm 1970, Body Works, một triển lãm các tác phẩm video của Vito Acconci, Terry Fox, Richard Serra, Keith Sonnier, Dennis oppenheim và William Wegman đã được trình bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Khái niệm Tom Marioni, San Francisco, California.

Ở châu Âu, tác phẩm Facing a Family năm 1971 của Valie Export, được xem là một trong những tác phẩm đầu tiên có sự tổng hợp giữa phát sóng truyền hình và video art. Video, ban đầu được phát trên chương trình truyền hình Áo Kontakte ngày 2 tháng 2 năm 1971, cho thấy một gia đình tư sản người Áo đang xem TV trong khi ăn tối, với ấn tượng tạo nên một tấm gương hai chiều phản ánh lại hình ảnh của nhiều gia đình khác cũng đang làm điều tương tự.

Năm 1971, nghệ sĩ David Hall đã tạo TV Interruptions – Sự gián đoạn TV Video này đã được truyền đi một cách cố ý không được báo trước và không được công nhận trên truyền hình Scotland, đây lần đầu tiên có một nghệ sĩ đã tạo ra một tác phẩm can thiệp trên truyền hình, là tiền đề cho những hướng đi mới về ý tưởng của nghệ thuật đương đại.

Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, các phần mềm chỉnh sửa video bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều hơn, giá thành cũng hạ xuống, điều này đã làm các nghệ sĩ thay đổi cách tương tác với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Các chủ đề khác nhau xuất hiện và được khám phá trong các tác phẩm của các nghệ sĩ, chẳng hạn như tính tương tác và phi tuyến tính.

Reverse Television của Bill Viola năm 1983 là một đoạn phim dài 15 phút gồm bốn mươi bốn bức chân dung mô tả những người đang nhìn vào máy quay video như thể đây là một chiếc tivi. Đây là một phương pháp mà người nghệ sĩ mô tả rằng “làm gián đoạn dòng chảy không phân biệt của hình ảnh truyền hình, cho người xem khả năng suy nghĩ về vị trí của chính họ đối diện với màn hình.”2

Hình 6. Các khung hình cắt ra từ Tĩnh vật. 2001. Sam Taylor Wood

Tác phẩm Video art Bất chấp vì nó luôn diễn ra của nghệ sĩ Gary Hill năm 1990 là sự pha trộn giữa nghệ thuật sắp đặt và video art, bao gồm mười sáu màn hình, mỗi màn hình chiếu về một bộ phận cơ thể của chính nghệ sĩ được chiếu một cách ngẫu nhiên, không theo quy luật sắp xếp của cơ thể. Xung quanh màn hình là các sợi dây màu đen được bó lại như các dây thần kinh hay đốt sống, từ đó tác phẩm toát nên một vẻ ẩn dụ về cơ thể con người như là một ảo cảnh về tính hiện sinh.

Khi được trình chiếu vào năm 1991, Tribulation 99 của nghệ sĩ Craig Baldwin đã trở thành một tác phẩm kinh điển phản văn hóa ngay lập tức. Tác phẩm của Craig Baldwin là giả thuyết biên niên thực tế về sự can thiệp của Hoa Kỳ vào châu Mỹ Latinh dưới hình thức thuyết âm mưu cực hữu, kết hợp hành động ngụy biện, thảm họa môi trường, người ngoài hành tinh không gian, giết người, giết người và về mọi lý thuyết khác được phát thông qua các giả thuyết mang tính hiện đại của một câu chuyện giả tưởng.

Từ năm 2000, công nghệ và kỹ thuật chỉnh sửa đã phát triển lên một tầm cao mới cũng như ngày càng không ngừng được nâng cao, các hình thức của video art xuất hiện ngày càng đa dạng. Năm 2001, nghệ sĩ Sam Taylor Wood đã thực hiện một tác phẩm nghệ thuật video vào có tên Still Life – Tĩnh vật. Đây là một đoạn phim được theo kỹ thuật Time-lapse được nối từ các hinh ảnh chụp trong các khoảng cách thời gian nhất định.

Soft Rain năm 2003 của hai tác giả Jennifer và Kevin McCoy là tập hợp của bảy mô hình được đặt trên bảy chiếc bàn khác nhau, có những mô hình của tàu hỏa, ngôi nhà, cây cối, xe cộ và người. Trên bàn được thiết lập các đèn chiếu sáng và có khoảng năm mươi chiếc máy quay nhỏ, mỗi máy quay tạo trên một số cảnh quay nhất định theo góc tương ứng của chúng. Các cảnh quay trực tiếp được truyền đến một máy tính trung tâm kiểm soát chỉnh sửa. Chương trình chỉnh sửa này cho phép những cảnh tĩnh này trở nên sống động; mặc dù không có mô hình nào di chuyển; nhảy cắt, làm mờ dần và chuyển tiếp cho phép người xem tưởng tượng câu chuyện và sự chuyển động của chúng.

Sự xuất hiện của chất liệu video art thực sự mang lại nhiều cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ thời kỳ này, góp phần thay đổi các khuynh hướng thẩm mỹ và tạo ra những nét mới trong ngôn ngữ nghệ thuật đương đại…

_____________

1. Chris Meigh-Andrews. (2013). Lịch sử của nghệ thuật video. Cơ sở Bloomsbury. Anh

2. Moisdon, Stéphanie. Truyền hình đảo ngược – Chân dung khán giả. New Media Encyclopedia.

Tài liệu tham khảo

1. Donald Preziosi (2009), Lịch sử Nghệ thuật, Đại học Oxford

2. Chris Meigh-Andrews. (2013). Lịch sử Video Art. Bloomsbury Academic. UK.

3. Michael Rush. (2007). Video art. Publisher: Thames & Hudson. ISBN-13: 978-0500284872

4. Phan Lê Chung (2015), Tư liệu trực quan học phần Tạo hình Đa phương tiện. Đề tài NCKH cấp cơ sở Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

PHAN LÊ CHUNG – NGUYỄN THỊ HIỀN LÊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *