Tính nghệ thuật trong dòng tình khúc Huế


Tình khúc Huế hay dòng nhạc Huế đã có đời sống khá lâu bền trong lòng công chúng yêu âm nhạc. Từ nửa sau TK XX đến nay, dòng nhạc Huế đã tạo nên màu sắc riêng với những giá trị đặc hữu, góp phần làm giàu thêm hương sắc cho vườn hoa âm nhạc Việt Nam hiện đại. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong nước hay nước ngoài, khi nghe một câu intro vang lên là nhận ngay ra dòng nhạc Huế, đó chính là giá trị của màu âm, bản sắc và âm điệu mà không phải địa phương, vùng miền nào cũng có.

1. Về giá trị nghệ thuật

Cho tới nay, đã có hàng trăm tình khúc Huế đọng lại trong tâm tư, tình cảm của nhiều thế hệ người yêu nhạc cả nước với những giai điệu, ca từ, hình tượng âm nhạc đẹp đến nao lòng. Vị trí địa lý, khí hậu, thiên nhiên nơi đây đã tạo nên con người xứ Huế có tiếng nói nằm trong tầm âm ngắn, khoảng một quãng tám, nên khi phát âm thường biến đổi các dấu sắc thành nặng, hỏi thành ngã… tạo thành những quãng 4 đặc hữu trong giọng nói. Âm điệu thì chậm rãi, dùng dằng, tạo cho tính cách, tâm hồn, thiên nhiên Huế một nét rất riêng, thấm đẫm trong dòng tình khúc, tạo thành một dòng nhạc riêng.

Về âm điệu tiếng nói

Chúng ta đều biết, âm điệu tiếng nói là yếu tố quyết định đến dân ca địa phương của mỗi vùng miền, quốc gia, dân tộc. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến cách phát âm trong giọng nói, một yếu tố ảnh hưởng khá lớn trong âm nhạc dân gian và thính phòng xứ Huế, một mạch nguồn vô tận của dòng tình khúc Huế.

Tác giả Hoàng Thị Châu cho rằng: “Tiếng Huế ở một vị trí giáp ranh giữa phương ngữ Trung và Nam, đó là phương ngữ Trung của vùng Nghệ Tĩnh và Quảng Bình, Quảng Trị có gốc từ ngôn ngữ Việt – Mường… Mặt khác, đó là sự biến đổi của phương ngữ Nam vào tiếng Huế, trường hợp có từ 2, 3 đến 5 vần trùng nhau: iêu, iu, ươu, ưu đều đọc là (iu), đôi phụ âm cuối (- n – t) biến thành (- ng – k), tạo ra hàng loạt từ đồng âm mới như: (muống) trong ham muốn và rau muống, (lang) trong hoa lan và khoai lang, (mặc) trong mặt trời và mặc áo. Đôi phụ âm cuối (- nh – ch) lại biến thành (- n – t) như mình phát âm thành (mừn)… Người bình thường sẽ nhận ra trước tiên sự biến đổi đôi phụ âm cuối (- n – t) thành (- k), nó gây ra cách đọc lệch âm và viết sai chính tả như: con ngan ăn con chuồn chuồn sẽ đọc và viết thành coong ngang ăng coong chuồng chuồng, hoặc ngồi mát ăn bát vàng thành ngồi mác ăng bác vàng” (1). Cũng theo tác giả: “những biến đổi ngữ âm đến từ người Hán của Trung Quốc sang miền Nam Việt Nam như Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và thời gian biến đổi ngữ âm diễn ra cuối TK XIX và nửa đầu TK XX. Bên cạnh đó, là biệt ngữ cung đình Huế do xuất phát từ việc các bà vợ của các vua triều Nguyễn, từ Minh Mạng cho đến Bảo Đại, phần lớn là các con cháu các quan đại thần quê Nam Bộ. Do đó, nội cung ở Huế đều nói tiếng Nam Bộ, các cung phi, thị nữ được tuyển vào cung cũng phải học nói tiếng miền Nam… Từ đó, phương ngữ Nam dễ dàng thâm nhập vào tiếng nói của dân chúng cố đô Huế, cấp cho tiếng Huế một nét mới mà các phương ngữ khác ở vùng Bắc Trung bộ không có. Từ 1954 – 1975, tiếng Huế lại một lần nữa bị sức hút của phương ngữ Nam và nhận thêm ảnh hưởng của phương ngữ Nam… Như vậy, đối với tiếng Việt hiện nay, thì sự phân chia tiếng Việt là 2 vùng phương ngữ Bắc và phương ngữ Nam và tiếng Huế là phương ngữ chuyển tiếp, đệm giữa hai vùng phương ngữ trên” (2). Từ những phân tích, nhận định trên đây, cách phát âm của tiếng Huế ảnh hưởng rất lớn đến âm điệu trong lối tiến hành giai điệu và dấu giọng trong phần ca từ của từng ca khúc. Đặc biệt là các ca khúc lấy cảm hứng từ âm điệu ca Huế hoặc từ âm nhạc dân gian cổ truyền Huế.

Về lối tiến hành giai điệu

Do ảnh hưởng của âm nhạc thính phòng và dân gian xứ Huế nên điều dễ nhận thấy trong các tình khúc Huế là lối tiến hành giai điệu, thường đi các quãng gần và liền bậc, chủ yếu là các quãng 4, quãng 5; quãng 2 luyến lên hoặc xuống quãng 3; ít có trường hợp nhảy quãng xa, quãng kép… Ví dụ như:

RẤT HUẾ

 Chậm, tha thiết

                                                                Thơ: Huỳnh Văn Dung

                                                                         Nhạc: Võ Tá Hân

             MÙA XUÂN NHO NHỎ

                                                                                              Thơ: Thanh Hải

                                                                                              Nhạc: Trần Hoàn

Bên cạnh đó, âm điệu và dấu giọng ảnh hưởng từ cách phát âm tiếng Huế cũng được các nhạc sĩ đặc biệt quan tâm, đa số các âm trong ca từ được luyến quãng 4, quãng 5, hoặc mượn nốt luyến qua quãng 2 về quãng 4, quãng 5 và tầm âm xa nhất ít khi vượt qua quãng 8. Điều đó làm cho giai điệu khớp với các dấu giọng trong tiếng Việt, cộng với các âm luyến láy theo âm hưởng ca Huế nên đa số các tình khúc Huế có âm điệu trầm, buồn, da diết. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua một số ca khúc quen thuộc như:

ĐÊM TÀN BẾN NGỰ

                                                        Nhạc và lời: Dương Thiệu Tước

                                                        Âm hưởng: Nam ai – Nam Bình

TIẾNG XƯA

                                      Nhạc và lời: Dương Thiệu Tước

                                      Âm hưởng: Tương tư khúc

HUẾ – NHỊP CHÈO THỜI GIAN

Nhạc và lời: Khắc Yên

Về thủ pháp phát triển

Có thể nói, sau thời kỳ âm nhạc cải cách và âm nhạc tiền chiến, tân nhạc Việt Nam đã có bước tiến xa về chất và lượng, đặc biệt là trong giai đoạn 1954 – 1975: Hình thành các dòng nhạc như Bolero, còn gọi là nhạc quê hương hay nhạc vàng; nhạc cách mạng còn gọi là nhạc đỏ; các trào lưu nhạc nhẹ, nhạc kích động, nhạc phản chiến, nhạc tôn giáo, nhạc phong tục sinh hoạt… Dòng nhạc Huế cũng hình thành và phát triển rực rỡ trong giai đoạn này, cấu trúc hình thức thông thường ở các thể hai đoạn, ba đoạn tái hiện hoặc phát triển, thang âm điệu thức kết hợp cả của Tây Phương với âm hưởng âm nhạc cổ truyền, tạo nên một màu âm đặc trưng.

Đặc điểm của tiếng Huế là tầm âm thấp và hẹp, trong giao tiếp thông thường đã luyến thành quãng 4đ nên khi kết hợp giữa nhạc và lời, các nhạc sĩ thường sử dụng các thủ pháp nhắc lại có phát triển, mô phỏng hoặc di vị cả âm hình của một đường nét giai điệu… rất gần với ngôn ngữ của âm nhạc cổ truyền Huế, khiến người nghe dễ nhớ, dễ thuộc.

Trong ca khúc Mưa trên phố Huế, nhạc sĩ Minh Kỳ đã khéo léo kết hợp giữa cấu trúc hình thức theo kiểu lý thuyết âm nhạc phương Tây với kiểu mô phỏng của âm nhạc cổ truyền, tạo nên màu sắc dân tộc khá đậm đà. Cụ thể, là các quãng 2T; 3t phương Tây kết hợp với các nốt bắc cầu ở phách yếu về các quãng 4đ của giọng Huế. Đặc biệt là câu 2 mô phỏng quãng 2T đi lên làm cho giai điệu như da diết hơn trong cuộc tình chia xa.

Trong ca khúc Nhớ Huế, nhạc sĩ Việt Đức đã sử dụng gam Rê thứ tự nhiên, nhưng giai điệu chủ yếu tiến hành trên các âm: Rê – Fa – Son – La – Đô, bằng thủ pháp mô phỏng quãng 2T ở cuối câu, tạo nên một màu âm bàng bạc rất Huế ở đoạn cao trào:

Về vận dụng âm hưởng cổ truyền trong xây dựng tác phẩm

Âm nhạc dân gian cổ truyền chính là quốc hồn, quốc túy của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì lẽ đó, mà nhạc sĩ thiên tài trên thế giới đều vận dụng sáng tạo vốn dân ca, dân nhạc của dân tộc mình vào trong các tác phẩm âm nhạc kinh điển, để đời của nhân loại như: L.V.Beethoven, W.A.Mozart, F.Chopin, F.Liszt, F.Schubert, J.S.Bach…

Trong dòng tình khúc Huế, nhiều nhạc sĩ Việt Nam đều có tác phẩm về Huế, và hầu như nhạc sĩ nào cũng vận dụng vốn âm nhạc cổ truyền để nói lên cảm xúc của mình về mảnh đất và con người nơi đây. Thủ pháp thường gặp là lấy tempo nhạc của một bài bản cụ thể trong ca Huế hoặc lý Huế, hoặc là âm hưởng chung của các bài bản cổ truyền pha trộn, hoặc là mô phỏng quãng, âm điệu dân tộc trong một cấu tứ văn học nào đó…

Trong ca khúc Huế thương, nhạc sĩ An Thuyên đã rất tinh tế khi gắn kết tình cảm của các nữ sinh viên với nón Huế, thơ Huế, thiên nhiên Huế và điệu chảy của dòng sông Hương trên âm hưởng của Lý Hành Vân ở đoạn 1 và cao trào với âm hưởng Nam Bình để dẫn vào kết bài thật xao động, mênh mang.

Đoạn 1: Phỏng theo Lý Hành Vân

Đoạn 2: Âm hưởng Nam Bình

Hoặc trong ca khúc Ngược dòng Hương Giang, nhạc sĩ Đức Trịnh, đã khéo léo vận dụng âm hưởng tiếng đệm của điệu Lý tình tang để làm hình tượng chính cho tác phẩm của mình:

Khi mô tả ánh hoàng hôn xuống dần trên kinh thành Huế, nhạc sĩ Minh Kỳ đã vận dụng tài tình thủ pháp mô phỏng quãng 2T, 3t đi xuống trên tiết nhịp ¾ làm cho âm hưởng của Huế thật nhẹ nhàng, lung linh, diệu vợi:

 

Việc vận dụng Hơi nhạc cổ truyền cũng được khá nhiều nhạc sĩ vận dụng trong các tình khúc Huế ở các thời kỳ khác nhau (trước 1975 và sau 1975) như: Hơi Nam giọng Ai “Do Re (non) Fa (già) Sol La (rung)”; Hơi Oán của nhạc Chàm “Do Mi Fa Sol La”, đặc biệt là thang âm ngũ cung của âm nhạc Huế. Có thể bắt gặp rất nhiều tình khúc Huế được xây dựng trên âm hưởng của một bài bản hoặc đan xen nhiều bài bản ca Huế hoặc lý Huế, hò Huế…, như: Mưa trên phố Huế, Huế xưa, Ai ra xứ Huế, Thương về miền Trung, Dòng sông ai đã đặt tên, Huế tình yêu của tôi, Huế thương

Những ca khúc trong dòng tình khúc Huế được xếp vào giai đoạn âm nhạc Việt Nam hiện đại. Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung đã nhận định: “Đối với âm nhạc đương đại Việt Nam, các tác giả đã bước qua những khuôn mẫu cũ trong sáng tạo, tìm cho mình những thang âm riêng trên nền tảng kế thừa tri thức nhân loại và những giá trị văn hóa – âm nhạc dân tộc” (3). Tuy nhiên, dòng tình khúc Huế không chỉ bắt nguồn từ hơi thở của âm nhạc cổ truyền Huế mà nó còn được sinh ra từ linh khí đất trời và tính cách, tâm hồn Huế để tạo nên một thương hiệu thơ – ca của miền đất sông Hương – núi Ngự. Giá trị nghệ thuật của tình khúc Huế chính là sự thăng hoa của âm điệu tiếng nói với sự luyến lưu của âm nhạc cổ truyền trên mạch nguồn cảm xúc của bài thơ đô thị với thiên nhiên tuyệt tác và tâm hồn đa cảm, tính cách trầm tư, kín nhiệm của người con gái Huế.           

_____________

1, 2. Hoàng Thị Châu, Những đặc điểm và diễn biến của tiếng Huế (tiếng Huế thuộc vùng phương ngữ nào?), Diễn đàn khoa học Tiếng Huế – Người Huế – Văn hóa Huế, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, tập 1, 2014, tr.1-7.

3. Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trào lưu hiện đại thể hiện trong âm nhạc Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu âm nhạc, Viện Âm nhạc – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, số 51, 2017, tr.75.

Tác giả: Nguyễn Thị Việt Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *