Tính nhân văn trong các bộ phim về Việt Nam của Joris Ivens


Joris Ivens (1898-1989) là nghệ sĩ điện ảnh tài liệu nổi tiếng của Hà Lan có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới bởi tư tưởng tiến bộ, tầm nhìn vượt thời đại và giàu tính nhân văn, thông qua các bộ phim phóng sự, tài liệu gây ấn tượng sâu sắc được thực hiện tại nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ và châu lục.

1. Joris Ivens – người nghệ sĩ chiến sĩ

TK XX, thế kỷ của những biến động với nhiều cuộc chiến tranh quy mô lớn, lôi kéo sự tham gia của các cường quốc trên thế giới như: Thế chiến lần thứ I (1914-1918), chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945), chiến tranh lạnh, nội chiến, các cuộc chiến giành độc lập của nhiều quốc gia thuộc địa… Trong bối cảnh với nhiều bất trắc ấy, Joris Ivens luôn xuất hiện ở những vùng chiến sự nóng bỏng và mang tính thời sự nhất, với phong cách làm phim kiểu cinema direct (điện ảnh trực diện) kịp thời thể hiện quan điểm và tư tưởng yêu hòa bình, đứng về phía nhân dân lao động, chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc.

Năm 1912, khi mới 13 tuổi Joris Ivens đã thực hiện bộ phim đầu tay Lều của người da đỏ; năm 1932, ông làm phóng sự đặc sắc Komsomol (Đoàn thanh niên Cộng sản, còn có tựa tiếng Pháp dịch sang tiếng Việt là Bài ca của những anh hùng) được ra đời tại Liên Xô. Năm 1937 ông làm tác phẩm Đất nước Tây Ban Nha lên án phát xít Franco… Trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945), Joris Ivens cùng với nhà điện ảnh Mỹ Lewis Mileston sang Liên Xô thực hiện bộ phim Mặt trận Nga của chúng ta (1941). Đặc biệt, bộ phim Chúng ta vì hòa bình hoàn thành năm 1952 đã đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim Quốc tế tổ chức ở Tiệp Khắc. Ngoài ra, Joris Ivens còn thực hiện nhiều phóng sự ở Pháp, nổi bật là Sông Seine gặp gỡ Paris (1958) đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes về thể loại phim tài liệu. Năm 1958, Joris Ivens nhận lời mời của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh sang Trung Quốc giảng dạy. Một năm sau ngày Cuba được giải phóng, Chủ tịch Fidel Castro đã mời Joris Ivens sang giảng dạy tại Học viện Điện ảnh Cuba. Ở đây, ông quay bộ phim Vũ khí của quần chúng, đặc biệt cho ra đời bộ phim thú vị Thư gửi Charlie Chaplin trong cùng năm 1961. Bước chân của ông còn đặt tới Bỉ, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Ba Lan, Đông Đức, Tây Đức, Italia, Mali, Chile, Indonesia… khi thực hiện nhiều phóng sự nóng bỏng khác. Sự nghiệp điện ảnh rạng rỡ của ông được đánh dấu bởi hơn 80 bộ phim tại các quốc gia ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ – Latin, châu Phi, Australia… Khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam ở giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, đạo diễn Joris Ivens đã đến với Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 1965-1969, Joris Ivens đã có mặt tại miền Bắc Việt Nam. Chứng kiến cuộc chiến đấu quyết liệt và gian khổ của nhân dân Việt Nam, Joris Ivens lần lượt thực hiện các bộ phim: Bầu trời, Mặt đất (1965), Vĩ tuyến 17-chiến tranh nhân dân (1967), Việt Nam xa xôi (1967)… nhằm phản đối sự tham gia quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Bộ phim đáng chú ý và có giá trị tư liệu đặc biệt của Joris Ivens thực hiện tại Việt Nam là Đàm thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969), được coi như bộ phim cuối cùng của điện ảnh nước ngoài đã thu hình và ghi âm cuộc đối thoại, trao đổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chiến sĩ quân đội miền Bắc Việt Nam, miền Nam Việt Nam và Mặt trận giải phóng dân tộc tại Hà Nội. Tháng 5-1968, vì những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam cùng thành công của bộ phim Vĩ tuyến 17 – chiến tranh nhân dân ở nhiều nước Âu – Mỹ, đạo diễn Joris Ivens được trao giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lênin.

2. Tính nhân văn trong các bộ phim về Việt Nam

Lịch sử Việt Nam giai đoạn từ năm 1965-1969 là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khốc liệt nhất của cả dân tộc. Cuộc leo thang tàn bạo của Mỹ ở Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của thế giới, đã có nhiều tiếng nói lương tri ủng hộ người dân Việt Nam, chống chiến tranh và tàn sát dân thường, thể hiện tình yêu hòa bình… Vào điểm nóng của chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam, Joris Ivens đã quyết định đến Việt Nam và thực hiện 3 bộ phim về cuộc chiến tranh nhân dân: Bầu trời, Mặt đất (1965), Việt Nam xa xôi (1967), Vĩ tuyến 17-chiến tranh nhân dân (1967). Đây là những bộ phim mang tính đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, lên án sự tàn bạo của Mỹ với những bằng chứng hiện diện trên khắp các vùng đất ở Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn do Hãng phim Pháp Temoin thực hiện năm 1983, với nội dung muốn tìm hiểu quan điểm chính trị của đạo diễn Joris Ivens trong hai bộ phim: Bầu trời, Mặt đất Vĩ tuyến 17 – chiến tranh nhân dân, ông đã trả lời: “Phim Bầu trời, Mặt đất là âm thanh đến từ gió, nhưng gió từ phương Đông, từ rất xa, từ Việt Nam đến. Bầu trời ở đó, mang đến cho tôi một khái niệm hoàn toàn khác, bầu trời làm kẻ xấu phải sợ. Chính vì vậy, tôi đã đến Việt Nam… Tôi tự nói với mình sau khi tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra, tôi cần phải ghi lại… tôi có quyền đưa nó lên phim… Một dân tộc phi thường… Họ chiến đấu vì độc lập của mình, bảo vệ mảnh đất của mình… Tôi đã say mê lao vào sự nghiệp và thấy mình đi ngược lại thể chế của phương Tây, nhưng lại đạt được điều tôi cho là mang tính nhân loại, nhất là ở mức độ văn minh nhân loại: Con người có quyền sống trong hòa bình, được tự do…”. Joris Ivens đã làm phim theo lương tâm của chính mình mặc dù đi ngược lại tư tưởng phương Tây, để bảo vệ những gì ông tin vào nhân loại, đó là sự công bằng, không những đối với xã hội phương Tây mà còn ở những vùng đất khác nhau trên thế giới. Chính tư tưởng nhân văn vì con người, coi camera là vũ khí hiệu quả chiến đấu vì quyền được sống trong hòa bình, tự do của con người đã định hướng cho những hành động, quan điểm nghệ thuật, thái độ chính trị của Joris Ivens trong suốt sự nghiệp điện ảnh tài liệu và giúp ông trở thành một trong những đạo diễn phim tài liệu có phong cách làm phim cinema direct bản lĩnh của TK XX. Tính nhân văn trong các tác phẩm của Ivens đến từ nhận thức của riêng bản thân về nhân loại. Khi hoàn thành bộ phim Đất Tây Ban Nha, ông đã nói: “Đây là một cuộc chiến không có phần thưởng hoặc huy chương nào hết. Chỉ có những vết thương là đồ trang trí và phần thưởng duy nhất là lương tâm tốt”. Lương tâm trong công việc là yếu tố chi phối cuộc đời ông, thể hiện trong loại hình, thể loại và phong cách làm phim, cách xây dựng bối cảnh, mô tả sự kiện và nhân vật trong các tác phẩm. Các bộ phim của ông bằng cách này hay cách khác có tác động đến người xem phương Tây, thường có thái độ thờ ơ, vô cảm về những gì đang xảy ra ở rất xa họ.

Việc lựa chọn bối cảnh, sự kiện để làm phim của Joris Ivens ở Việt Nam, xuất phát từ quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Vì vậy, những thước phim của ông luôn có những hình ảnh chân thực về cuộc chiến mà Mỹ đang gây ra tại Việt Nam. Đầu năm 1967, khi Joris Ivens và vợ – bà Marceline Loridan dự tính đến Việt Nam thực hiện một bộ phim tài liệu về cuộc chiến tranh, họ đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và thẳng thắn đề nghị: “Hãy đưa chúng tôi đến nơi nào ác liệt nhất của đất nước các bạn. Còn nếu chỉ ở Hà Nội, bắt tay, uống trà rồi hỏi: Anh có khỏe không? thì tôi sẽ về nước ngay” (1). Lựa chọn vĩ tuyến 17 – vùng đất lửa nằm tại ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc làm bối cảnh quay phim cho bộ phim Vĩ tuyến 17-chiến tranh nhân dân Joris Ivens đã chấp nhận đến một vùng đất đầy bất trắc, nơi tính mạng con người luôn bị đe dọa. Chỉ vì ông muốn có những hình ảnh chân thực hơn, một góc nhìn từ bên trong cuộc chiến, từ nơi bị dội bom ác liệt nhất, nơi hằng ngày, hằng giờ người dân phải ăn, uống, sinh hoạt cùng tiếng bom, đạn, nơi được coi là túi bom của Việt Nam. Khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý chọn một bối cảnh ở nơi khác an toàn hơn Vĩnh Linh để làm phim, Joris Ivens đã khảng khái nói: “Tôi lâu nay chỉ làm phim ở đầu chiến tuyến, tôi không có ở sau chiến tuyến để làm phim” (2). Hay khi chọn các bối cảnh cho phim Bầu trời, Mặt đất, Joris Ivens đã sử dụng hình ảnh chiến đấu của quân đội và nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc nhằm thể hiện tinh thần chiến đấu đoàn kết, thống nhất, một trong những nguyên nhân đem lại thắng lợi cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước…

Một đặc điểm nổi bật trong các bộ phim về Việt Nam của Joris Ivens là luôn tập trung phần lớn thời lượng phim thể hiện những người dân thường trong chiến tranh: cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu bảo vệ quê hương. Những phân đoạn chiến đấu giữa quân đội Mỹ và Việt Nam, cảnh người cộng sản bị bắt bớ, đánh đập xuất hiện với tần suất không nhiều, chủ yếu các màn giao tranh lại là những cuộc thả bom dày đặc xuống dân thường và sự chống trả bằng súng, pháo cao xạ của đội ngũ dân quân tự vệ trong làng, xã, đặc biệt trong đó có nhiều phụ nữ. Không khó để tìm thấy cảnh những nữ nông dân đang lao động trên cánh đồng, khi nghe tiếng máy bay là vội vàng xách súng, hay các cô gái trẻ học cách phá bom bi, bọn trẻ con không chỉ lao động giúp đỡ người lớn việc đồng áng, chúng cũng phải học cách cầm súng, học cách di tản nhanh, tìm nơi trú ẩn tránh thương vong, học những câu tiếng Anh cơ bản để đối phó với tù binh Mỹ… Cuộc leo thang ác liệt bằng không kích, pháo kích của Mỹ tại Việt Nam đã đẩy những người thường dân kể cả phụ nữ, trẻ em, người già vào con đường buộc phải chiến đấu. Cuộc chiến lúc này không còn là cuộc giao tranh giữa hai lực lượng quân sự mà trở thành cuộc tấn công của một đế quốc siêu cường với vũ khí tối tân, hiện đại, nhằm hủy diệt cuộc chiến tranh nhân dân của một dân tộc bé nhỏ, nghèo đói, không có gì ngoài tình đoàn kết và quyết tâm chiến thắng. Việc quay những thước phim về phụ nữ và trẻ em trong cuộc chiến tranh nhân dân tại Việt Nam của Joris Ivens không hẳn không có dụng ý. Đây có lẽ là hình ảnh thuyết phục khán giả gấp nhiều lần khi phản ánh một cuộc chiến đấu vì chính nghĩa ở Việt Nam, khiến họ buộc phải đặt câu hỏi: điều gì khiến họ, những con người tưởng yếu đuối nhất trong xã hội lại có thể dũng cảm đầy quyết tâm đến như vậy? Dụng ý này của Joris Ivens thể hiện rõ nét nhất trong phim Vĩ tuyến 17- chiến tranh nhân dân. Hình ảnh và vai trò của phụ nữ và trẻ em ở phim này không chỉ xuất hiện thoáng qua, minh họa như trong hai phim Bầu trời, Mặt đất, Việt Nam xa xôi, mà họ là những con người cụ thể, có số phận, có tên gọi, đại diện cho lớp người nông dân cầm súng chiến đấu ở khắp các làng quê Việt Nam, đặc biệt ở Vĩnh Linh. Họ là cô Miện, cô Thu, em Phạm Công Đức, anh Huân, Đông, Thuận… là hàng trăm, hàng triệu người dân Việt Nam đang đồng lòng, quyết tâm đánh Mỹ. Và một chiến thắng dành cho họ sẽ là tất yếu.

Tinh thần nhân đạo của Joris Ivens cũng thể hiện rõ nét qua việc tập trung mô tả những hình ảnh thương vong, gia đình ly tán của dân thường. Đó là những lời kể vẫn chưa hết hoảng loạn khi trốn khỏi bờ Nam, lánh nạn sang bờ Bắc của những gia đình nông dân bên sông Bến Hải, là hình ảnh xác những em bé chỉ mới 2, 3 tuổi với tờ giấy nhỏ ghi tên trên ngực sau một trận bom, là những người già thẫn thờ sờ vào mảnh vỡ của xác máy bay… Những hình ảnh ấy không lời bình nhưng để lại nhiều ám ảnh với sức tố cáo mạnh mẽ sự tàn ác của quân đội Mỹ.

Trực tiếp chứng kiến cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam trước đế quốc Mỹ, Joris Ivens đã xúc động, cảm phục và yêu mến Việt Nam, muốn bảo vệ và đứng về phía một dân tộc “thật tuyệt vời, họ dũng cảm, kiên cường, hào phóng và thân thiện…” (Thư của Ivens gửi người em trai). Ông muốn truyền cảm xúc ấy tới những người dân phương Tây, nơi mọi thông tin của cuộc chiến về Việt Nam còn bị hạn chế. Ông muốn thức tỉnh dân chúng phương Tây vẫn còn thờ ơ, lãnh đạm với thời cuộc. Thông qua những nhân vật, sự kiện tiêu biểu của phương Tây giai đoạn những năm 60 trong 3 bộ phim về Việt Nam, Joris Ivens đã khái quát một diện mạo và cái nhìn của nước ngoài đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam còn nhiều hoang mang, nghi ngại nhưng cũng không thiếu những con người dũng cảm, chân chính đứng về phía Việt Nam, ủng hộ nhân dân Việt Nam. Và khẳng định quyết tâm đánh Mỹ của nhân dân Việt Nam qua câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam có thể kéo dài 5 năm, 10 năm nhưng nhất định thắng lợi.

Thế hệ trẻ của Việt Nam ngày nay có thể không biết đến những trận chiến ác liệt trong quá khứ, nhưng những bộ phim về Việt Nam của Joris Ivens và Marceline sẽ giúp họ hiểu và tự hào về một thời kỳ lịch sử của đất nước mà cha ông ta đã chiến đấu kiên cường để giải phóng và giành độc lập. Những bộ phim có giá trị lịch sử của Joris Ivens và Marceline góp phần vào chiến thắng và thống nhất đất nước năm 1975. Chúng ta biết ơn tình cảm, sự hy sinh, đoàn kết và ủng hộ của ông bà Joris Ivens đã dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều cuối cùng Joris Ivens để lại trong sự nghiệp của mình: ông là một người yêu hòa bình, một nghệ sĩ chiến đấu theo lương tâm của chính mình để bảo vệ quyền lợi cho người dân được sống trong hòa bình và tự do, dù ở bất cứ nơi đâu.

_______________

1. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng trong bài báo Đời tôi như chiếc xe bọc thép của nhà báo Vũ Liên.

2. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng trong bộ phim Joris Ivens và ngọn gió Việt Nam.

 

Tác giả: Tạ Hoàng Anh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *