Trong dòng chảy văn học Nhật Bản, cảm thức thẩm mỹ ảnh hưởng lớn đến phong cách sáng tác của nhà văn. Từ Murasaki Shikibu đến Kawabata Yasunari, mỹ cảm aware có sự chi phối đặc biệt thể hiện qua tính nữ. Bài viết tập trung vào phân tích nhân vật, hình ảnh và văn phong trong tác phẩm Xứ Tuyết của Kawabata Yasunari tác phẩm đoạt giải Nobel năm học 1968) để làm rõ yếu tố tính nữ trên cơ sở kết hợp với những đặc tính của mỹ cảm aware qua đó sáng tỏ hơn những hiệu ứng thẩm mỹ của tác phẩm, cũng như nghệ thuật viết văn tài tình của tác giả. Từ đó, có thể thấy được sự thành công của việc tiếp thu yếu tố truyền thống và hiện đại từ quan niệm nghệ thuật đến tác phẩm của nhà văn.
1. Tính nữ – một đặc trưng của vẻ đẹp Nhật Bản
Từ văn học cổ sơ cho đến cổ đại và hiện đại, tính nữ luôn là biểu tượng của vẻ đẹp nữ giới, là một phần thế giới âm – dương trong quan niệm về vũ trụ của quan điểm triết học phương Đông. Trong văn học, Truyện Genji và một số tác phẩm thuộc dòng văn học nữ luôn đề cao tính nữ, xem đó là tính nữ vĩnh cửu, mang vẻ đẹp vừa mềm mại, dịu dàng, lại vừa quyến rũ và mạnh mẽ, sâu lắng, ảnh hưởng lớn đến văn học Nhật về sau. Đúng như tác giả Nhật Chiêu khẳng định: “Tanizaki, Kawabata, Mishima… là những ngôi sao sáng nhất của nền văn học Nhật Bản hiện đại, tất cả họ đều chịu ảnh hưởng của Genji monogatari, trong linh hồn của cái đẹp. Làn hương của Murasaki, người phụ nữ của nghìn năm trước, vẫn còn vương trong bút pháp của TK XX” (1). Đặc tính này xuyên suốt và ảnh hưởng đến dòng văn học Nhật hiện đại. Kawabata được xem là: “nhà văn lĩnh hội trọn vẹn tinh thần của văn chương Heian. Trong tác phẩm của ông, văn phong giàu nữ tính và người phụ nữ luôn là đối tượng để tôn vinh” (2).
Nhìn từ cảm quan thẩm mỹ, tính nữ là đặc trưng của cái đẹp nói chung và vẻ đẹp nữ giới nói riêng. Tính nữ thường gắn với phái đẹp và bản thân cái đẹp cũng hiện lên sâu sắc từ vẻ đẹp của nữ giới. Tính nữ được biểu hiện qua hai phương diện như vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm hồn của con người. Trong đó, yếu tố vẻ đẹp bên trong của tâm hồn được đề cao hơn. Người Nhật chú trọng vẻ đẹp của thế giới bên trong tâm hồn con người hơn. Vẻ đẹp ngoại hình chỉ là những nét chấm phá và tô điểm cho nội dung bên trong của chủ thể cảm xúc.
2. Tính nữ qua một số hình ảnh tiêu biểu xuyên suốt tác phẩm
Hầu hết các tác phẩm của Kawabata được sáng tác trong cảm xúc đặc biệt và được gắn kết bởi những hình ảnh mang tính biểu trưng cao. Dường như cốt truyện không được xây dựng nhưng dòng cảm xúc đặc biệt ấy được kết nối bởi những biểu tượng có tính liên kết chặt chẽ, làm nên nội dung tác phẩm và phản ánh tư tưởng của nhà văn. Trong Xứ Tuyết, hình ảnh biểu tượng mang tính nữ như: geisha, kimono, gương soi xuyên suốt tác phẩm.
Vẻ đẹp tài năng và tâm hồn của geisha
Trước hết, geisha là một biểu tượng của vẻ đẹp người phụ nữ Nhật Bản được đào tạo trở thành một nghệ sĩ với khả năng đàn hát, múa và kĩ năng trò chuyện với khách. Komako là một geisha đặc biệt chỉ có thể tìm thấy ở nơi hoang sơ, trong trẻo của xứ tuyết phương Bắc Nhật Bản qua cách nhìn và sự cảm nhận khách quan của chàng lữ khách Shimamura.
Vẻ đẹp Komako có sức quyến rũ bởi sự khỏe mạnh, đầy đặn của bộ ngực, đôi vai mảnh dẻ, sống mũi cao thanh tú, hàng lông mày rậm, cong và mượt như tơ, đôi môi đỏ mọng, nồng nàn sống động. Tất cả toát lên sự tươi mát, thanh khiết đến mức Shimamura đã phải sững sờ, cảm thấy như lạc trong ảo ảnh ngay từ lần gặp đầu tiên. Đây là “cô gái gây cho Shimamura một cảm giác tuyệt vời bởi sự sạch sẽ và tươi mát của cô,… anh tự hỏi sự tinh khiết ấy chỉ là ảo ảnh vì mắt anh hãy còn bị chói bởi ánh sáng rực rỡ của mùa xuân vừa chớm đến vùng núi” (3). Vẻ đẹp của nàng Komako luôn khiến Shimamura khao khát khi ở gần, đó là những ham muốn nhục dục về thể xác: “Komako gắn bó với anh khá mãnh liệt với vẻ tươi tắn của tâm hồn và sự cuồng nhiệt gợi cảm của thể xác cô” (4). Nhưng khi xa cách, hình bóng của nàng lại trở nên nhạt nhòa ngay trong ký ức, Shimamura cảm giác như nàng đã biến mất, chưa từng xuất hiện hoặc lẩn tránh khỏi trí nhớ của anh. Mặc dù vậy, trong ký ức của Shimamura, Komako vẫn là người con gái hồn nhiên, chất phác, giàu nghị lực. Anh ngạc nhiên, cảm kích bởi sự ham học hỏi và tài năng đàn hát của nàng, đặc biệt là khả năng chơi đàn Samisen của Komako đã khiến chàng kinh ngạc, tiếng đàn của nàng cất lên khiến Shimamura “cảm thấy như bị nhiễm điện, anh rùng mình nổi da gà lên đến tận má, tưởng như những nốt nhạc đầu tiên đã khoét một cái hốc trong ruột gan anh, tạo ở đó một khoảng trống cho tiếng đàn tinh khiết và trong sáng ngân vang…” (5). Shimamura từ kinh ngạc đến ngưỡng mộ khâm phục nghị lực của Komako, vì chàng biết không phải dễ gì để học được đàn samisen. Thực tế, những geisha như Komako là những người gắn bó nhất với văn hóa truyền thống Nhật Bản. Họ khoác lên mình bộ trang phục kimono cổ truyền, hát múa như một nghệ sĩ tài ba đậm vẻ đẹp nữ. Komako còn chinh phục được Shimamura bằng chính sự hồn nhiên, dịu dàng, chân thành và đáng yêu. “Tên Shimamura cứ được cô viết đi viết lại không thôi… cô nhìn theo anh như không thể cưỡng lại bản thân cô, mặc dù mắt cô ngượng nghịu cụp xuống đầy khó nhọc” (6). Nàng muốn dành tình cảm chân thành với người con trai với khát vọng được yêu thương trong sáng ở Komako.
Vẻ đẹp nữ tính của cô gái còn được thể hiện qua nỗi buồn về thân phận. Hình ảnh người phụ nữ bươn chải và sống tha hương. Komako luôn nhận thức rõ thân phận của một geisha có cuộc sống bấp bênh, tạm bợ, phải tiếp đón nhiều khách đến. Vì vậy, khi gặp gỡ và yêu Shimamura, khiến cô day dứt, giằng xé, bởi hạnh phúc đối với cô như một thứ ảo ảnh, xa vời không có thực. Nhưng cô vẫn yêu và khao khát cháy bỏng được dâng hiến, yêu hết mình dù không biết đến ngày mai. Đối với Shimamura, dù không có gì chắc chắn nhưng cuối cùng, anh vẫn là người mà cô dành trọn vẹn tình yêu. Cô vượt qua ranh giới của một geisha, ranh giới của bản thân mình, đó chính là lòng tự trọng và ý thức giữ gìn danh dự vì đó là tiếng nói của con tim. Cô yêu Shimamura không nghĩ đến sự đáp đền. Shimamura hiểu tình yêu của Komako “Cô ấy yêu ta, người phụ nữ này phải lòng ta”, nên trong lòng anh cũng luôn day dứt, tiếc nối cho một phụ nữ đẹp, tài năng nhưng chôn vùi tuổi xuân nơi thâm sơn cùng cốc. Dù vậy, anh vẫn tin rằng “sự kiên trì của cô dù sao cũng có một nét gì đó tinh khiết. Và cả cuộc đời cô nữa, nhờ vậy cũng được rọi sáng”. Cô gái này đã cảm hóa được tâm hồn Shimamura, khiến anh tìm thấy niềm hạnh phúc từ vẻ đẹp của người con gái thuần khiết, dung dị và đáng trân trọng. Anh tìm thấy niềm tin rằng cuộc sống có thống khổ đến đâu vẫn có những niềm hy vọng lấp lánh bởi vẻ đẹp vốn có của nó dù thấp thoáng, mờ ảo nhưng hơn hết cần sự kiếm tìm…
Kimono – vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống
Kimono là trang phục truyền thống, là niềm tự hào của người Nhật. Đối với người Nhật, một chiếc kimono là một tác phẩm nghệ thuật, là sáng tạo độc đáo và tinh tế của những người nghệ sĩ. Kimono trở thành biểu tượng cho người phụ nữ truyền thống Nhật Bản. Nàng geisha Komako trong Xứ tuyết đẹp nhất và quyến rũ nhất khi thể hiện thao tác cử chỉ trong từng điệu múa, làm tôn lên vẻ đẹp tao nhã của bộ trang phục truyền thống kimono. Đặc biệt, chiếc tay áo may rộng tới gối của kimono là một điểm mạnh, làm tăng sự quyến rũ khi rót trà, đàn hát mà vô tình để lộ được làn da trắng mượt của mình: “Khi Komako giơ cánh tay lên phía trên cửa xe mà cô đã bám vào, ống tay áo kimono của cô kéo lên tận khuỷu, lộ ra màu đỏ gắt của tấm áo lót, chiếu rõ lên tấm kính đóng chặt, chính nó đã sưởi ấm trái tim Shimamura vượt qua cơn gió lạnh” (7). Sự ấm áp mà Shimamura cảm nhận được chính là nhờ chiếc kimono của Komako mang lại. Không những thế, sức gợi tình của kimono còn thể hiện ở phần hông, cổ khi người phụ nữ khoác chiếc áo trên người. Điều này lý giải vì sao Shimamura luôn có ấn tượng mạnh mỗi khi nhìn thấy Komako: “Vì cô cúi người về phía trước, đầu nghiêng một chút và vươn thẳng nên anh có thể trông thấy lưng cô đỏ ửng dưới áo kimono hơi hở ra. Gáy cô và làn da ở đó trông thật khêu gợi…” (8).
Kimono và sự uyển chuyển tinh tế của người mặc chính là biểu tượng cho chỉnh thể của vẻ đẹp nữ tính, mang lại sự quyến rũ tự nhiên. Chính vì vậy, Shimamura luôn cảm thấy sức hút mãnh liệt của nàng sau làn vải kimono. Vẻ đẹp của cơ thể Komako trở nên cuốn hút, quyến rũ chính nhờ vẻ gợi tình của trang phục kimono cùng chiếc thắt lưng nhỏ. Kimono đi đôi với cơ thể geisha như một chỉnh thể, tôn lên vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ Nhật, Vì vậy, kimono chính là chiếc áo của tâm hồn Nhật Bản. Đó là vẻ đẹp cô đọng nhất mang đậm giá trị văn hóa dân tộc hàng trăm năm mà người nghệ sĩ tài năng đã đúc kết và tái sinh trong văn học.
Hình ảnh gương soi
Chiếc gương gắn với truyền thuyết về nữ thần mặt trời Amaxteraru, như sứ giả đã mang ánh sáng của thần linh đến với thế gian và đem lại sự sống trên mặt đất. “Ở Nhật Bản, Kagami, hay gương là một biểu tượng của tính trong sáng hoàn hảo không một vết nhơ của tâm hồn và trí tuệ, của sự tự phản chiếu mình vào ý thức và lương tâm” (9). Chiếc gương trong tiểu thuyết của Kawabata không chỉ mang sứ mệnh là soi chiếu, phản ánh sự vật mà quan trọng hơn, nó là chiếc gương của tâm hồn người đến gần với nhau, cũng như đến gần với cái đẹp hơn. Chiếc gương giúp mỗi người tự nhận thấy giá trị, tự soi chiếu bản thân và mở ra không gian đa chiều với những cảm nhận về vũ trụ, về con người.
Chiếc gương là công cụ để hiểu thêm về nhân vật Yoko thông qua điểm nhìn và cảm nhận của Shimamura. Đôi mắt “đăm đăm của nàng với hai hàng mi sững lặng” được cảm nhận trong cái giây phút Shimamura giơ thẳng một ngón tay, anh vạch nhanh một đường trên cửa sổ mờ hơi nước thì bỗng thấy ở đó xuất hiện một con mắt phụ nữ…” (10). Những đặc điểm ngoại hình của Yoko được miêu tả sau đó đều gắn với những cảm nhận khách quan của Shimamura: “gương mặt đó có vẻ phi thực và nếu vậy thì cũng phải trong suốt; một khuôn mặt đầy nữ tính và tuổi trẻ; gương mặt xinh đẹp cảm động ấy”(11). Chiếc gương với tất cả những biểu tượng khác cùng hệ thống với nó như tấm kính cửa sổ toa tàu, tuyết trắng, hay dải ngân hà đẹp một cách ma quái trong tiểu thuyết này đều là biểu tượng gắn liền với việc thể hiện vẻ đẹp nữ tính trong tác phẩm. Con tàu vượt qua đường hầm xuyên bóng đêm như qua một tấm gương để đến xứ tuyết trắng, dường như Shimamura từ thế giới của hiện thực để tìm đến thế giới của mộng ảo soi trên gương tuyết. Tất cả những gì của thế giới cổ tích ảo mộng hiện ra dưới con mắt của chàng: tấm biển phòng trà cũ rích sạm màu thời gian, chiếc mặt nạ cổ xưa, hay cỗ xe đã một thế kỷ, đặc biệt, hình ảnh người phụ nữ cũng mờ ảo nơi sương tuyết và huyền ảo từ tấm kính cửa sổ toa tàu.
Có thể thấy, Komako và Yoko đều là hai người phụ nữ mà Shimamura yêu mến, ngưỡng mộ thầm kín. Nàng Yoko như một thứ ảo ảnh trên mặt gương soi. Shimamura ngắm nhìn nàng và cảm nhận được sự dịu dàng ấm áp trong tâm hồn qua từng cử chỉ yêu thương chăm sóc người đàn ông ốm đau đi cùng nàng trên chuyến tàu về xứ tuyết. Vẻ đẹp thuần khiết, quyến rũ, nồng ấm của Yoko làm cho Shimamura không hề cảm thấy trắc ẩn đối với cảnh ốm đau bệnh tật, mà cảm giác như một thứ ảo ảnh trong giấc mơ trên nền phong cảnh ban đêm. Còn với Komako, nổi bật với đôi má rực hồng được tuyết làm nền, dường như nàng là hiện thực trong thế giới của Shimamura, luôn hấp dẫn và đầy khêu gợi. Vẻ đẹp của nàng thường dấy lên trong Shimamura những ham muốn có tính bản năng, những khát khao nhục cảm. Trong cùng một chuyến đi đến xứ tuyết, tấm gương với chu trình khép và mở đã đón Shimamura với Yoko trong nền cảnh đêm và đưa anh đi với Komako trên nền tuyết trắng. Hai người phụ nữ với hai thời điểm phản chiếu bóng mình trong gương đã khiến Shimamura luôn day dứt giữa hai thế giới hiện thực và ảo mộng. Vì say đắm Komako nên trong anh luôn hiện diện thứ ánh sáng diệu kỳ, lóe lên bởi ánh mắt của Yoko. Vẻ đẹp thanh cao, thánh thiện nhưng có phần xa cách, không thể với tới được của Yoko luôn khiến Shimamura khao khát trong giấc mơ thầm kín của mình. Dường như có một khoảng cách vô hình giữa họ nên càng trở nên thánh thiện và cuốn hút. Chính sự dịu dàng, cao khiết trong tâm hồn Yoko trở thành tấm gương soi chiếu những tâm tư, uẩn khúc trong đáy sâu tâm hồn Shimamura. Khi chứng kiến cái chết của Yoko phản chiếu trên lửa đỏ và dải ngân hà lóng lánh, Shimamura dường như đã thức tỉnh, nhận ra cái khắc nghiệt của hiện thực, nhận ra bản chất của cái đẹp. Shimamura cũng nhận ra giá trị của chính mình, chàng tìm thấy mình trên vùng đất trong trẻo, thánh thiện nhờ được soi chiếu bởi tấm gương lớn của thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn của nhữngngười phụ nữ trong cuộc hành trình tìm kiếm cái đẹp của mình. Đó là sự thức tỉnh không dễ dàng, phải trải qua nhiều đau đớn, giằng xé, ám ảnh và cả những lầm lỗi, để rồi chàng bước ra khỏi xứ tuyết không còn vương vấn, không còn nhìn lại lần nào nữa trong đời.
3. Kết luận
Việc tiếp cận tác phẩm Xứ tuyết thông qua những hình ảnh gợi đặc tính nữ đã khám phá ra những đặc điểm chiều sâu vẻ đẹp nữ tính. Từ hình ảnh người phụ nữ gheisha, kimono và chiếc gương soi đã cho thấy đặc tính nữ gợi lên từ sự dịu dàng, trong sáng, có chiều, đặc biệt là sự u buồn thầm kín. Nhà văn chú trọng vào nhân vật nữ giới Komako và Yoko thông qua lăng kín của nam giới – chàng Shimamura. Sự cảm nhận về phụ nữ của một người đàn ông càng khẳng định yếu tố nữ có sự cuốn hút mãnh liệt, toát lên vẻ đẹp riêng. Vẻ đẹp trong sự cảm nhận trở nên đầy thăng hoa, từ nhục cảm bản năng đến sự cảm hóa sâu sắc, mang đến một vẻ đẹp cao khiết, vẻ đẹp tâm linh như con người đang hướng đến một miền sáng của tâm hồn mà bấy lâu nay chưa tìm thấy được bởi cuộc sống vốn thống khổ với những nỗi buồn. Không chỉ trân trọng và nâng niu cái đẹp với thái độ sống tích cực, hướng thiện, nhà văn còn hướng người đọc đến sự chủ động kiếm tìm vẻ đẹp chìm sâu trong tâm hồn của mỗi con người mà không phải ai cũng cảm nhận được.
Dưới sự ảnh hưởng của quan niệm thẩm mỹ Heain, Kawabata đã tiếp thu trọn vẹn tinh thần aware khi xây dựng vẻ đẹp đầy nữ tính: vẻ đẹp đi liền với nỗi buồn trong tâm hồn của con người. Cội nguồn của tính nữ này có thể bắt nguồn từ những triết lý tôn giáo và văn hóa Nhật ngàn đời. Trong đó, yếu tố Thiền tông và dòng văn học nữ lưu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Những xúc cảm trầm buồn truyền thống gặp gỡ với cảm giác mới của thế hệ thanh niên trí thức thời hậu chiến đã thăng hoa trong dòng ý thức phương Tây. Tác phẩm mang lại hiệu ứng thẩm mỹ cao, sự thành công trong biểu hiệu tư tưởng của nhà văn. Cuộc sống này đang đau khổ và bế tắc đến cùng cực nhưng biết hướng đến và đi tìm thì đâu đó vẫn có nguồn sáng cho con người dõi theo và sống tiếp.
_______________
1. Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, Nxb Giáo dục, 2009, tr.126.
2. Đào Thị Thu Hằng, Nhà văn Nhật Bản thế kỷ XX, Nxb Tổng hợp, TP.HCM, 2018, tr.126.
3. 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11. Yasunary Kawabata, Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2005, tr.268, 268, 268, 254, 329, 246, 224, 226.
9. A.Gheerbrant, Jean Chevalier, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Đình, Nguyễn Văn Vỹ (dịch), Nxb Đà Nẵng, 1997, tr.372.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Nga – Hoàng Thị Mỹ Nhị
Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn