Tinh thần quốc tế vô sản là cơ sở, nền tảng, động lực để Đảng củng cố, phát triển tình cảm đoàn kết, gắn bó thân ái giữa Việt Nam với Pháp; qua đó tích cực ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau, nhằm thực hiện mục tiêu giành độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân hai nước. Đồng thời, thiết thực góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình, chủ nghĩa xã hội ở khu vực cũng như trên thế giới.
Tinh thần quốc tế vô sản của Đảng phản ánh đường lối đúng đắn trong lãnh đạo đoàn kết với nhân dân Pháp
Từ năm 1945 – 1954, cả nhân dân Việt Nam và Pháp đều phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, hy sinh để đoàn kết với nhau bằng tình nghĩa thủy chung, trong sáng. Đoàn kết được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc, lập trường của giai cấp công nhân, cùng phấn đấu để thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao cả là độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân, góp phần thực hiện hóa ba mục tiêu cao cả của giai cấp vô sản là: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Sứ mệnh của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là lãnh đạo các lực lượng cách mạng đấu tranh giành độc lập, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, góp phần bảo vệ hòa bình khu vực, thế giới. Để thực hiện sứ mệnh đó, một mặt Đảng phải phát huy cao độ nội lực, mặt khác cần thắt chặt tình đoàn đoàn kết vô tư, trong sáng với các Đảng Cộng sản, giai cấp vô sản, các lực lượng tiến bộ thế giới, nhất là Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của họ, góp phần tăng cường lực lượng, sức mạnh cho nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc thắng lợi. Nghị quyết của Thường vụ T.Ư ban hành ngày 4 – 2 – 1950 nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tranh thủ thời gian, bên trong thì củng cố, khuếch trương lực lượng; bên ngoài thì đón lấy sự giúp đỡ thiết thực, nhanh chóng của các bạn ta, để hành động kịp thời chuyển mạnh sang tổng phản công, giải phóng cho ta; đồng thời cũng để bảo vệ hòa bình thế giới, bảo vệ Liên Xô, phá âm mưu của bọn gây chiến, làm cho cách mạng lan rộng ở Đông Nam Á” (1). Như vậy, đoàn kết với nhân dân Pháp một cách vô tư, trong sáng trên tinh thần quốc tế vô sản cao cả của giai cấp công nhân vừa là tôn chỉ, vừa là phương pháp rất quan trọng để Đảng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trước dân tộc, nhân loại.
Thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam, thực tiễn cách mạng Pháp cho thấy nhân dân Việt Nam cùng cách mạng Pháp có chung kẻ thù là thực dân Pháp. Do vậy, cần đoàn kết chặt chẽ với nhau để cùng chống kẻ thù chung. Hơn nữa, Việt Nam đoàn kết với nhân dân Pháp không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu trong sáng vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân mỗi nước mà còn góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực, trên thế giới.
Nội dung tinh thần quốc tế vô sản trong lãnh đạo đoàn kết với nhân dân Pháp của Đảng
Tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với nhân dân Pháp được xây dựng bằng tình cảm chân thành
Chân thành phản ánh tính thực tế, lương thiện, thành thật trong quan hệ giữa Việt Nam với nhân dân Pháp. Tình đoàn kết với nhân dân Pháp được Đảng củng cố, tăng cường trên cơ sở của sự phát triển mối quan hệ giữa hai bên trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945), là kết quả thực tế của sự đoàn kết giữa Việt Nam với nhân dân Pháp trong giai đoạn này. Tình đoàn kết đó hướng dân tộc Việt Nam và nhân dân Pháp đến thực hiện mục tiêu cao cả của sự lương thiện chính là độc lập, tự do, bình đẳng. Trong quá trình xây dựng, vun đắp đoàn kết, không có chỗ cho sự dối trá, giả tạo hay lừa lọc. Sự chân thành trong mối quan hệ đoàn kết Việt Nam – Pháp đã được Hồ Chí Minh khẳng định trong Lời kêu gọi gửi đồng bào toàn quốc, nhân dân Pháp, nhân sĩ toàn thế giới: “Hỡi nhân dân Pháp! Việt Nam vẫn yêu mến và muốn thật thà cộng tác với nhân dân Pháp trong khối Liên hiệp Pháp, vì hai dân tộc Việt – Pháp đều yêu chuộng tự do, bình đẳng, bác ái, độc lập” (2).
Nét đẹp của tinh thần quốc tế vô sản cao cả được kết tinh, hội tụ trong đường lối của Đảng có tác dụng to lớn, làm dấy lên phong trào đấu tranh ủng hộ của Đảng Cộng sản, nhân dân Pháp đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình đấu tranh ấy, đã có nhiều những chiến sĩ cộng sản Pháp đã bị bắt bớ, bị cầm tù, thậm chí là hy sinh.
Đoàn kết trong sáng, chống tư tưởng hẹp hòi, bình đẳng cùng có lợi
Đảng xác định: “Chúng ta chiến đấu không phải cho riêng mình chúng ta, mà thật ra cho cả nhân dân Pháp và các thuộc địa Pháp nữa” (3). Như vậy, Đảng đã khẳng định rõ nguyên tắc bình đẳng, trong quan hệ đoàn kết với nhân dân Pháp. Đảng, nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Đảng Cộng sản, nhân dân Pháp trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp để giành độc lập, tự do thực sự. Nhưng dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng không chiến đấu, hy sinh chỉ vì mình, vì nền độc lập tự do của dân tộc mình mà còn chiến đấu vì nhân dân Pháp. Vì sao lại khẳng định như vậy? Bởi Việt Nam và nhân dân Pháp có chung một kẻ thù là thực dân Pháp. Thực dân Pháp vừa áp bức nhân dân Việt Nam, vừa bóc lột giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở Pháp. Nhân dân Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp cũng chính là giúp nhân dân Pháp, nhân dân các thuộc địa của Pháp sớm giành được tự do, dân chủ, độc lập, hòa bình, có cuộc sống hạnh phúc.
Sự đoàn kết giữa Việt Nam với nhân dân Pháp được Đảng ta dày công vun đắp để thực hiện mục đích trong sáng là quyền dân tộc, quyền con người. Đối với Việt Nam, đó là giành độc lập dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, còn đối với nhân dân Pháp là tự do, dân chủ, hạnh phúc của người dân Pháp.
Luận cương cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng khẳng định: “Kháng chiến Việt Nam đã làm cho quân đội Pháp sa lầy, kinh tế tài chính Pháp kiệt quệ, lực lượng đế quốc Pháp thêm suy, do đó, giúp nhân dân Pháp thêm điều kiện thuận lợi để bảo vệ độc lập, mở rộng dân chủ” (4). Việt Nam đoàn kết, chiến đấu hy sinh cùng nhân dân Pháp không phải chỉ vì quyền lợi, lợi ích của Việt Nam, mà chính cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã giúp nhân dân Pháp bảo vệ độc lập, thực hiện dân chủ, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Nguyên tắc bình đẳng phản ánh tinh thần quốc tế vô sản cao cả của giai cấp công nhân đã được đồng chí Môrixơ Tôrê, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp đề cập ngay từ năm 1932 khi cho rằng: “Mỗi đòn do những người anh em của chúng ta ở Đông Dương hay Angiêri giáng vào giai cấp tư bản Pháp là một sự giúp đỡ trực tiếp đối với phong trào của chúng ta. Cũng như thế, mỗi đòn chúng ta giáng vào giai cấp tư sản là một sự giúp đỡ trực tiếp đối với những người nô lệ bị giai cấp tư sản áp bức ở các thuộc địa của nó. Những người vô sản ở chính quốc, các dân tộc bị áp bức cần dựa vào nhau trong cuộc đấu tranh của họ chống kẻ thù chung. Đó là lợi ích chung của họ” (5). Nguyên tắc này được các đảng viên cộng sản, nhân dân Pháp quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc từ đó về sau.
Vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thắt chặt tình đoàn kết
Để xây dựng, củng cố, tăng cường đoàn kết với nhân dân Pháp, cả Đảng ta, nhân dân Pháp đã phải vượt qua biết bao khó khăn, thử thách cả về khách quan, chủ quan. Về mặt chủ quan, Đảng Cộng sản Đông Dương phải rút vào hoạt động bí mật, cùng thời điểm phải lãnh đạo nhân dân tiến hành nhiều nhiệm vụ. Nhân dân Việt Nam ở thời điểm đầu cuộc kháng chiến chưa thấy hết sự cần thiết phải đoàn kết với nhân dân Pháp, một bộ phận nhân dân, số ít cán bộ, đảng viên có thời điểm chưa phân biệt rõ bạn, thù. Về phía nhân dân Pháp, Đảng Cộng sản Pháp không phải là đảng cầm quyền, nhân dân Pháp thiếu thông tin về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, các tầng lớp nhân dân Pháp ở những thời điểm cụ thể còn bất đồng quan điểm trong việc ủng hộ Việt Nam đánh thực dân Pháp. Về mặt khách quan, cả Việt Nam, nhân dân Pháp khi thiết lập quan hệ đoàn kết ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được sự ủng hộ, giúp đỡ của cách mạng thế giới; chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, trực tiếp là thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc, nham hiểm để ngăn cản, chia rẽ tình đoàn kết giữa Việt Nam với nhân dân Pháp. Song, quán triệt, thực hiện tinh thần quốc tế vô sản vô tư, trong sáng của giai cấp công nhân, Đảng đã lãnh đạo vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cản trở đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Pháp: “Không một mưu mô hung hãn hay thâm độc nào của bọn phản động thực dân Pháp có thể chia rẽ dân ta, dân Pháp, hoặc xóa bỏ nước Việt Nam mới trên bản đồ thế giới” (6).
Đoàn kết trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu
Tinh thần lắng nghe, thấu hiểu được tạo dựng bởi thái độ thật lòng, cầu thị. Bởi vậy, Hồ Chí Minh đã nói rõ với quốc dân đồng bào: “Vì thật lòng thân thiện với nhân dân ta, nhân dân Pháp đối với tôi một cách rất thân mật” (7). Đảng ta khẳng định: “Thợ thuyền Pháp đã bãi công kịch liệt, đòi bỏ các đạo luật phản động, đòi cải thiện sinh hoạt. Đảng Cộng sản Pháp sau khi sửa chữa đường lối, đang tích cực chuẩn bị tranh đấu võ trang để cản đường bọn Đờ Gôn, đầy tớ Mỹ, giữ gìn độc lập, dân chủ cho nước Pháp” (8).
Ý nghĩa của việc quán triệt, thực hiện tinh thần quốc tế vô sản trong lãnh đạo đoàn kết với nhân dân Pháp
Quán triệt, thực hiện tốt tinh thần quốc tế vô sản cao cả của giai cấp công nhân trong lãnh đạo đoàn kết với nhân dân Pháp, Đảng đã từng bước củng cố, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp này để tận dụng có hiệu quả sự ủng hộ giúp đỡ vô tư, trong sáng từ nhân dân Pháp. Đồng thời, góp phần tăng cường lực lượng, sức mạnh cách mạng nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ dân tộc là độc lập, tự do, mục tiêu thời đại là bảo vệ hòa bình, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, chống chiến tranh xâm lược.
Đảng ta đã tạo ra niềm tin vững chắc với Đảng Cộng sản, nhân dân Pháp. Đây là cơ sở rất quan trọng để nhân dân Pháp không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí là hy sinh để đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam kiên trì, đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.
Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập toàn diện hiện nay, quá trình triển khai thực hiện đường lối đoàn kết quốc tế, Đảng cần giáo dục, quán triệt, thực hiện tốt tinh thần quốc tế vô sản cao cả của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, tinh thần đó phải được xác lập trên trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, đặc biệt phải thấu triệt quan điểm vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh trong thiết lập, xây dựng, phát triển các mối quan hệ song phương, đa phương.
Đảng cần nắm vững tình hình, đặc điểm mới, thực trạng, yêu cầu đoàn kết quốc tế trong hoàn cảnh mới để tiếp tục đề ra chủ trương đúng đắn, sáng tạo, triển khai chỉ đạo phù hợp, hiệu quả để tiếp tục củng cố, tăng cường, phát triển quan hệ đoàn kết với nhân dân Pháp, nhân dân các nước trên thế giới.
_______________
1, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.223, 49.
2, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, tập 8, 2000, tr.158, 120, 158, 18.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, tập 10, 2000, tr.40.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd,tập 12, tr. 152.
6. Nguyễn Thành Lê, Đảng Cộng sản Pháp, ngọn cờ đấu tranh giải phóng xã hội và độc lập dân tộc của nhân dân Pháp, người bạn chiến đấu thân thiết của nhân dân Việt Nam, Tình đoàn kết chiến đấu vô sản Việt – Pháp, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1986, tr.39.
Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng