Tình yêu đồng giới nữ hiếm lạ của văn xuôi Việt cuối thế kỷ XX


Một câu chuyện vừa giản dị, vừa lạ mắt về “thứ tình yêu bị xã hội chối bỏ” (Philip Herter) trong bối cảnh Việt Nam mới bước ra khỏi cơn khủng hoảng mang tên chiến tranh. Dù đã được viết cách đây 35 năm, ý nghĩa xã hội của Bố con là đàn bà vẫn còn mới ở hiện tại, khi việc nhìn nhận của xã hội về vấn đề đồng tính chưa hoàn toàn cởi mở. Lạ mắt bởi trước đó (thời điểm 1993), độc giả Việt Nam chưa từng chứng kiến thứ tình cảm nào như vậy trong văn chương nghệ thuật. Mô tả tình bạn, tình yêu đồng giới của hai người nữ bằng một giọng văn thản nhiên khách quan, có vẻ như Vũ Bão đang làm một công việc tất yếu và tối hậu của văn chương Việt sau đổi mới: phản ánh thứ hiện thực đang diễn tiến chứ không phải hiện thực trong mơ ước. Nhưng đọc hết thì lại thấy dường như sự tiên nghiệm về các mối quan hệ con người phức tạp, mập mờ mới chính là điều mà nhà văn muốn hướng tới.

1. Bản thể nữ giải ảo quyền lực nam giới

Với một tiêu đề khác thường, câu chuyện của Vũ Bão tái dựng một lát cắt đời sống của hai người đàn bà vô danh sống vào nửa cuối TK XX ở một đất nước vốn hoàn toàn xa lạ với văn hóa đồng tính nhưng lại hiện hữu như một minh chứng sống động cho cái gọi là “tình bạn lãng mạn và tình yêu đồng tính nữ” theo cách nhà nữ quyền đồng tính trứ danh Lillian Faderman đã gọi ra từ bên kia bán cầu trong một công trình thế kỷ gây nhiều tranh cãi Vượt qua  tình yêu của đàn ông. Lillian Faderman cho rằng “tình cảm say mê giữa đàn bà song hành với nhu cầu tự do đang khởi xuất mãnh liệt, thách thức và lật nhào dục tính dị tính”(1) vốn là sản phẩm và biểu hiện của nền văn hóa phụ quyền, của sự thống trị nam giới. Bố con là đàn bà đã chứng thực rằng, ngay trên mảnh đất hình chữ S này, ngay tại thời điểm Việt Nam vừa đi qua cơn biến động khủng khiếp, ngay trong lòng một quốc gia có lịch sử mấy ngàn năm chưa từng ghi nhận sự cộng sinh của khái niệm đồng tính nữ, vẫn âm thầm tồn tại một thứ dục tính giống như nữ quyền gia kia đã xác nhận.

Tái sử dụng lại đề tài về đời sống của những nữ bộ đội, nữ thanh niên xung phong trong thời bình, không cao giọng triết thuyết, truyện của Vũ Bão vẫn hoàn toàn mang tinh thần của một tự sự về nữ quyền hiện đại: giải thiêng vai trò và quyền lực của nửa thế giới bằng cách phô bày một thứ dục tính không có sự tham gia của đàn ông. Dục tính ấy khởi phát từ người con gái mang một cái tên khá cục mịch: Mì.

Đổ vỡ niềm tin vào thế giới đàn ông

Bốn người phụ nữ, bốn câu chuyện đời tư không giống nhau. Chuyện của Ngát và Nghinh, chung một bi kịch nhưng ở hai thái cực, làm người ta cười buồn vì sự bất công của ông Tạo. Chuyện của Ngoan khiến người ta thương cảm. Chuyện của Mì khiến ta bối rối, sửng sốt. Một người đàn bà bị người yêu lừa dối, thiết tưởng trong đời không hiếm. Người đàn bà ấy với sự căm hờn đã quyết tâm truy đuổi kẻ phản bội để bắt hắn đền tội. Biện pháp trừng phạt mà người đàn bà bị phản bội dành cho kẻ phạm tội là xẻo con giống của hắn bằng một con dao bén sắc. Mì là một trong số ít ỏi những người dám làm những việc mà một người đàn bà thông thường sẽ do dự hoặc ngại ngần khi hành động. Bởi Mì là một bản thể đặc biệt. Trong quan hệ nam nữ, đàn ông với Mì ban đầu là đối tượng để tin, yêu, sau là đối tượng bị ghét bỏ, để trút hận. Ông tổ phân tâm học khi còn sống từng cho rằng “những trường hợp dục năng libido ngả theo hướng đảo giới tính sau khi có trải nghiệm đau khổ với một đối tượng tình dục bình thường, là những ca đặc biệt thú vị” (2). Trường hợp của Mì, xét ở biểu hiện, có vẻ đúng như vậy. Cú sốc bị phản bội (trải nghiệm tình dục dị tính tệ hại) trở thành một chấn thương sâu làm thay đổi toàn bộ suy nghĩ và thái độ của Mì về giới đàn ông. Đối với Mì, giờ đây, đàn ông đồng nghĩa với sự dâm dục nguyên thủy (3). Sau chấn thương, mục đích sống của Mì hướng dồn vào sự trả thù tàn khốc kẻ bạc tình. Mì đã công khai chọn một cách hành xử bạo liệt và dứt khoát, phân minh rõ ràng trong tình yêu. Đổ vỡ niềm tin đi kèm với nỗi thù hận theo Mì vào tận những cơn mơ ban đêm và được đem ra mài sắc hàng ngày (4). Mì giễu cợt và thẳng thừng tuyên chiến với kẻ mang nhóm máu D (dê) là chồng Ngát như đã tinh quái rủ nhiều anh đàn ông đến nhà để thích thú chứng kiến những ánh mắt hau háu thèm thuồng trong vô vọng của họ. Lời tuyên bố nhìn thấu tâm địa xấu xa của bọn đàn ông được Mì hiện thực hóa bằng việc khước từ sự bảo hộ cũng như ý muốn áp đặt thứ dục tính của họ lên cô. Cô tìm cách hạ bệ sự ưu thắng của giống đực bằng những hành động khiêu khích mà đỉnh điểm là quyết tâm trực tiếp ra tay thiến hoạn cái vật biểu trưng của niềm kiêu hãnh giới ở tên đàn ông cô căm ghét nhất.

Trừng trị kẻ bội phản để bồi thường cho sự ngây thơ và tin tưởng ngu dại hay để rửa nhục? Với Mì điều đó có vẻ chưa phải là toàn bộ mục đích của cuộc truy đuổi. Mì là trường hợp cá biệt đã không chịu tuân phục theo một trật tự thế giới có sẵn, thứ trật tự mà các bạn của cô ngầm công nhận và không phản kháng, cho dù nó hoàn toàn vô lý.

Thiết lập bản thể nữ – đàn ông

Trong con mắt của Ngoan và những chị em ở khu tập thể, Mì khỏe khoắn, lại thường mặc bộ áo mayô ba lỗ của bọn con trai với quần đùi xanh. Mì lấy được thiện cảm của Ngoan ngay từ lần đầu gặp mặt. Mì đã phô cho Ngoan thấy cái khí chất mạnh mẽ, xốc vác khác thường. Nó như ngầm bắn tín hiệu cho Ngoan về một bờ vai để dựa dẫm, một cánh tay để chở che, bao bọc. Trong dáng điệu ấy, Mì bước vào cuộc sống của Ngoan với lời khẳng định ngấm ngầm về một cá nhân độc lập, một bản thể tự nó, tự công nhận như đàn ông đang sống, đang làm việc, tự chủ về mọi mặt, một người đàn ông có đủ khả năng lấp đầy những lỗ hổng trong phần đời buồn bã của người bạn gái mới quen. Nhà văn dường như đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tiểu sử cho nhân vật của mình trước khi dẫn người đọc đi vào sự kiện trung tâm của tác phẩm, thế nhưng độc giả vẫn cứ sửng sốt bất ngờ trước màn tỏ tình táo bạo của Mì. Từng đêm, Mì đều chui sang giường Ngoan để diễn đi diễn lại từng ấy cử chỉ: vồ vập, hôn hít, đụng chạm xác thịt. Mì hành động như một kẻ si tình cực đoan: liều lĩnh, ghen tuông, chiếm hữu. Mì xác lập sự sở hữu người yêu cũng như khẳng định vị thế đàn ông trong tình cảm với Ngoan bằng việc chuyển ngôi xưng hô (bắt Ngoan gọi bằng “anh”), bằng cách giữ rịt Ngoan bên mình và nghiêm cấm Ngoan qua lại thân thiết với những chị em khác.

Mì trước và trong câu chuyện tự thể hiện là một người lưỡng tính đồng thời lại như một người đàn bà muốn dùng tình yêu đồng giới (cùng với nhục dục đồng tính nữ) để tuyên chiến với thế giới đàn ông. Mì xóa bỏ vai trò của cánh đàn ông bằng cách thiết lập bản thể nữ – đàn ông trong địa hạt của riêng mình. Bên ngoài, Mì diễn tròn vai là người bạn, người em gái thân thiết của Ngoan, bên trong cánh cửa khép kín, Mì độc chiếm Ngoan và khẳng định vai trò của một butch (5), điều khiển và đưa ra các yêu cầu, mệnh lệnh. Mì mặc nhiên sở hữu Ngoan bất cứ khi nào chỉ còn hai người và tự cho mình có thứ quyền tuyệt đối với người yêu: căm tức ra mặt khi thấy Ngoan vô tư thân mật với Nghinh, “khủng bố” tinh thần bạn tình bằng sự dằn dỗi, đập phá, ngày càng xiết chặt Ngoan trong những cái ôm riết róng bạo liệt…

2. Tình yêu đồng tính nữ – những bí mật nữ

Số phận người nữ trong chiến tranh, sau chiến tranh luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà văn Việt Nam. Trong đối trọng lệch của sự quan tâm này, đời sống tình dục bản năng dường như bị quên lãng. Ở hoàn cảnh ấy, câu chuyện của Vũ Bão trở nên đặc biệt lạ lùng vì nó hé lộ những chuyện chưa bao giờ được kể về người nữ, mà lại là những nữ thanh niên xung phong. Một chuyện tình yêu nhưng chứa trong lòng nó hai bí mật đàn bà: bí mật của người nữ mang trong mình căn cước giới tính thiểu số và bí mật của nhục dục đồng tính cơ hội.

Bí mật của căn cước giới tính thiểu số

Đó là câu chuyện của Mì – người phụ nữ duy nhất khác thường trong số bốn cô gái của khu tập thể bộ đội. Mì đến sau khi căn phòng dành cho những chị em độc thân còn lại mỗi mình Ngoan; Ngát và Nghinh đều đã đi lấy chồng, chuyển sang khu gia đình. Mì đến giữa lúc ba người phụ nữ mỗi người đều mang một nỗi khổ của số kiếp đàn bà. Ngát khiếp sợ vì lấy phải anh chồng lúc nào cũng nóng máy đến mức nhiều tối phải trốn sang ngủ nhờ phòng Ngoan, Nghinh rầu rĩ vì điệp khúc chưa đi đến chợ đã hết tiền của chồng. Còn Ngoan cám cảnh thân phận bao năm chăn đơn gối lẻ. Những câu chuyện về đời sống tình dục dù là ám ảnh hay khát khao của người phụ nữ vốn không phải là chủ đề quen thuộc đã được nhà văn lựa chọn làm đầu mối trung tâm của tất cả các sự kiện. Và cho đến phút cuối nó vẫn luôn chứng tỏ là mối bận tâm duy nhất của nhà văn.

Ngay từ đầu, Mì đã xuất hiện trong một liên tưởng nghịch đảo giới tính: người phụ nữ sở hữu một bộ ngực đồ sộ nhưng lại có tác phong rất đàn ông (6). Mì đến mang theo bí mật của riêng cô về thân phận bị giấu kín của một người lưỡng tính và tiếp tục tạo ra một bí mật khác ngay trong vòng cương tỏa của chế độ xã hội là tình yêu giữa đàn bà. Mì đánh lạc hướng suy đoán của người đọc về một người phụ nữ bất hạnh bị bạc tình. Lời thú nhận với Ngoan trong đêm ngủ mơ thực thi công lý trừng phạt kẻ bội bạc đã tiết lộ cô là một kẻ bất toàn trong con mắt cộng đồng. Từ tâm thế nạn nhân của chế định nam giới, Mì nhanh chóng hoán đổi vị trí, trở thành một kẻ liều lĩnh chủ động, giữ vai đàn ông trong mối quan hệ với Ngoan, tấn công Ngoan dồn dập bằng những lời tỏ tình, yêu đương và những cái hôn như mưa lên má. Mì chinh phục Ngoan như cách những người đàn ông táo bạo thường dùng để chinh phục người phụ nữ của mình. Mì không che giấu bản chất lưỡng tính của mình với Ngoan. Cô vừa sẵn sàng chia sẻ câu chuyện bị bội phản, lại vừa công khai tỏ lời yêu Ngoan, muốn gắn bó với Ngoan. Mì trở thành trường hợp đầu tiên trong lịch sử văn chương Việt giai đoạn đầu đổi mới mang trong mình một căn cước giới lạ lẫm, dị biệt với số đông. Trong bối cảnh Việt Nam lúc ấy, đó là một bi kịch. Mì không giống bất kỳ người phụ nữ nào trong số những người phụ nữ sống trong cái xã hội thu nhỏ là khu tập thể bộ đội xuất ngũ. Mì bị giằng co giữa ý muốn trả thù người tình (nam) cũ và tình yêu với người (nữ) mới. Mì yêu Ngoan bằng một thứ tình sâu nặng nhưng cuối cùng vẫn chọn cách ra đi để thực hiện ý định trả thù bởi bản chất Mì là một thực thể lưỡng tính, không phải là một lesbian (đồng tính nữ) hoàn toàn. Tình cảm với Ngoan là một nửa đời sống bản năng của Mì cũng như quyết tâm trừng trị tên đàn ông bội bạc là nửa còn lại của ý thức do bản năng ấy chi phối. Bí mật cá nhân của Mì vẫn mãi là câu chuyện kín chỉ hai người biết. Sự hé lộ rụt rè cuối tác phẩm tiếp tục phong tỏa bí mật ấy dưới hình thức của một lời nói đùa vô hại. Đến khi Mì chia tay Ngoan để “ra đi trừng trị thằng khốn nạn”, sự lưu luyến của họ vẫn khiến người đời lầm lẫn “ai cũng tưởng hai chị em gái nhớ nhau quá” (7).

Tình yêu đồng giới nữ trong văn chương bản chất là những bí mật buồn, chỉ có thể sẻ chia cho chính người trong cuộc. Hạnh phúc yêu đương của những số phận mang căn cước thiểu số như Mì do đó chỉ là thứ hạnh phúc âm thầm và phải cầu viện ngụy trang bằng lớp vỏ tình bạn. Khát khao nhục thể nữ cuối cùng vẫn chỉ là câu chuyện dị biệt của những cá nhân bất toàn, không thể và không dám công khai thổ lộ, tới những năm 90 của TK XX vẫn nằm phía trong bóng tối.

Nhục dục đồng tính cơ hội

Câu chuyện ra mắt người xem năm 1993 nhưng lấy bối cảnh đời sống đêm trước đổi mới với những việc, những người của thời bao cấp. Lối hành xử lạ lùng của Mì, tình cảm cuồng nhiệt của Mì như một chất xúc tác đúng lúc thổi bùng lên ngọn lửa yêu đương trong Ngoan – một cô gái trẻ hoàn toàn khỏe mạnh về sinh lý nhưng lại bị kìm tỏa bởi một thứ danh hiệu ảo. Năm lần bảy lượt Ngoan đành để hạnh phúc tuột khỏi tầm tay chỉ vì Đảng ủy nhà máy nơi cô công tác không xét duyệt (8).

Giữa lúc ấy thì Mì xuất hiện. Mì yêu Ngoan bằng tình yêu của một người đàn ông với người đàn bà, đồng thời lại không giống bất cứ tình yêu đàn ông nào được nhắc đến trong tác phẩm. Nó là thứ trung gian, ở giữa. Không bạo liệt như tình của chồng Ngát, không hết hơi như tình của chồng Nghinh, nó cho Ngoan một cảm giác tin cậy. Đối với người đàn bà cô đơn đang hoài nghi và lo lắng khi chứng kiến những bi kịch tình dục trong hôn nhân xảy ra xung quanh mình, việc trao gửi cho một người đàn ông rất có thể sẽ trở thành một quyết định liều lĩnh, bao hàm nhiều nguy cơ rủi ro. Nhưng tình yêu với một người đàn bà mạnh mẽ là một trải nghiệm rất khác, nó hứa hẹn những gần gụi tinh thần và sự thỏa mãn xác thân tự do không nghi ngại.

Tính chất của “một dạng thức tình dục mới mẻ nhưng đầy tính quỷ ám” trong trường hợp này đã hiện hữu thật sự trong ý nghĩa trần trụi của nó. Tình yêu vô thức và những đắm say thân xác không thể cưỡng lại chính là bước khởi đầu cho chuỗi dài luyến ái hữu thức về sau. Sự cảm thông và an ủi về tinh thần trong đời sống là bước đệm để hai tâm hồn đàn bà cô đơn tìm đến nhau, bất chấp điều này đồng nghĩa với việc phá vỡ “vùng an toàn” họ đang có. Thái độ của Ngoan, cách hành xử của Ngoan khiến người ta phải công nhận sự đúng đắn của lý thuyết đồng tính cơ hội đã được các nhà tâm lý học nêu ra. Mì đến làm cuộc sống cũ của Ngoan hoàn toàn xáo trộn. Trước những khát khao nhục dục không kiềm chế của một người đàn bà mạnh mẽ, Ngoan đã “đầu hàng” tình thế không một chút kháng cự. Và cứ thế, tình yêu giữa hai người phụ nữ được khéo léo che đậy dưới hình thức của tình bạn thân thiết, được nhóm lên sau cánh cửa khép kín của một căn nhà tập thể liền kề cho những cô gái độc thân – thứ nhà ở phổ biến tại Việt Nam những năm 80, 90 của thế kỷ trước, một không gian đặc trưng đơn giới mất cân bằng dễ kích thích những mối tình đồng tính nảy nở. Chẳng phải chính những nhà kiến tạo luận đã chỉ ra rằng, không ít trường hợp đồng tính thứ phát vì có sự hậu thuẫn của hoàn cảnh hay sao. Tình yêu khác thường của Mì đã làm thỏa mãn Ngoan ở cả hai mặt: vừa xoa dịu cơn khát ẩn ức tính dục, vừa vẫn trọn vẹn hình tượng về một nữ anh hùng lao động tương lai. Từ chỗ bị đẩy xô theo hoàn cảnh, Ngoan dần yêu Mì như một người đàn bà si tình dễ bảo. Và người đàn bà si tình ấy chính là người đã ôm chặt không rời người tình của mình trong phút chia tay, mong Mì hồi tâm chuyển ý.

Nếu như việc xuất hiện của Mì trong đời Ngoan được coi như một yếu tố tạo nên hoàn cảnh thì sự ra đi của Mì chính là dấu chấm hết cho hoàn cảnh ấy. Hoàn cảnh tạo nên tình trạng đồng tính không còn, Ngoan trở về trạng thái ngày trước. Mọi chuyện đáng lý sẽ diễn ra đúng như thế. Nhưng bằng việc cho Ngoan âm thầm thực hiện lời Mì dặn dò trước lúc chia tay (xin bằng được một đứa con về nuôi cho đỡ buồn), âm thầm lấy Mì mặc định làm người cha cho đứa con trai bé bỏng, và vẫn “thỉnh thoảng nằm mơ thấy Mì chui vào giường, ôm ghì lấy Ngoan như những đêm nào”, nhà văn đã chứng minh một định đề ngoại lệ, vượt ra ngoài suy đoán của khoa học tâm lý về nhục dục đồng tính cơ hội – thứ nhục dục về thực chất là phức tạp và khó hiểu trong sự hiểu biết mù mờ và phần lớn là nhầm lẫn của nhân loại.

3. Thay lời kết

Bố con là đàn bà minh chứng cho một khía cạnh đời sống thời hậu chiến, nhưng ở góc khuất lấp, một thứ tiểu tự sự nằm ở ngoại vi của lịch sử mà bấy lâu người ta cố tình lờ đi vì cho rằng nó dị biệt hoặc tầm phào. Mì – kẻ bất thường trong trật tự đàn ông, bằng diễn ngôn giới của mình, tự do phô diễn những khoái lạc dục vọng đồng tính và lôi cuốn bạn tình vào cơn đắm say tưởng chừng không dứt, cuối cùng lại chọn cách dứt áo ra đi để thực hành cho kỳ được cái khát khao trả thù, để rồi… vô tăm tích. Cách kết thúc hẫng hụt này có thể gieo vào lòng người đọc sự thất vọng về một cái kết có hậu cho tình yêu đồng tính, nhưng lại phản ánh chuẩn xác thái độ của người tường thuật và cả cách suy nghĩ của chính kẻ trong cuộc. Sự ra đi của Mì thay vì tiếp tục duy trì mối quan hệ yêu đương không chính danh với Ngoan trong bối cảnh Việt Nam cuối TK XX là một thực tế hợp lý – nó như một giải pháp khả dĩ mở ra một tương lai khác cho Ngoan. Nó cũng lặng lẽ chứng minh cho sự ngậm ngùi của nhà văn trước những oái oăm của số kiếp con người sau khi chiến tranh chấm dứt. Một lần nữa, câu chuyện về những người nữ thanh niên xung phong tái trở lại đau đáu trong văn xuôi, nhưng ở trong một dáng dấp mới mẻ và khác biệt, khiến người xem nhận ra sự bất toàn và thiên lệch của văn chương Việt suốt một thời gian dài. Câu chuyện tình yêu giữa hai người phụ nữ có lẽ chẳng phải lạ lẫm với văn minh loài người nhưng lại trở thành dị biệt trong một xã hội được nuôi dưỡng bằng những định kiến thâm căn cố đế, mãi nhiều năm sau vẫn còn làm người xem phải băn khoăn và xót xa, kể cả khi xã hội ấy đã tiến thêm được nhiều bước trong việc nhìn nhận về sự đa dạng giới.

______________

1. phebinhvanhoc.com.vn

2. Sigmund Freud, Phân tâm học và tình yêu, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.48.

3, 4, 6, 7, 8, 10. Nhiều tác giả, Tình yêu sau chiến tranh, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2004, tr.218, 219, 217, 224, 216, 225.

5. Những người đồng tính nữ có thiên hướng ăn mặc và cá tính như nam giới. Trong mối quan hệ đồng tính, họ thường giữ vai trò chủ động, có thể hiểu đơn giản là “làm chồng”.

9. Annamarie Jagose, Queer Theory: An Introduction, New York University Press, 1996, tr.15.

Tác giả : Lê Thị Thủy

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *