Toàn cầu hóa và sự thay đổi văn hóa đọc ở việt nam

Toàn cầu hóa nói chung, thành tựu của khoa học công nghệ nói riêng dường như đang xóa nhòa dần biên giới địa lý của từng quốc gia, làm cho khoảng cách không gian trên thế giới, giữa các châu lục như xích lại gần nhau. Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển internet ở Việt Nam có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống vật chất và tinh thần, các nhu cầu giải trí, tìm hiểu văn hóa, sáng tác của người dân Việt Nam. Chỉ cần có một phương tiện nối mạng, một cú kích chuột hay chạm vào màn hình cảm ứng, mọi thông tin về âm nhạc, điện ảnh, thời trang, sân khấu, mỹ thuật, văn học trong và ngoài nước, những xứ sở diệu kỳ, những nền văn hóa kỳ bí… đều có thể dễ dàng phô bày trước mắt người dùng.

Thế giới hôm nay đang diễn ra một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử văn minh nhân loại, đó là quá trình toàn cầu hóa. Quá trình toàn cầu hóa có 5 ưu điểm chính: tạo ra khả năng phát triển, phổ cập công nghệ thông tin và các phương tiện viễn thông; hình thành nền kinh tế tri thức, với sự phân biệt rõ rệt vai trò của tri thức đối với sản xuất của thời đại ngày nay so với trước kia; tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hóa và tư tưởng rộng rãi, làm cho con người xích lại gần nhau hơn; thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại và tạo ra khả năng thực thi các luật lệ kinh tế khách quan trong một không gian toàn cầu rộng lớn; đem lại khả năng giải quyết một số vấn đề chung đang đối mặt với toàn cầu hóa kinh tế và sự phát triển xã hội.

Bên cạnh những ưu điểm trên, toàn cầu hóa đang đặt ra cho các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, những thách thức và nguy cơ. Về mặt xã hội, hiện nay, các nước đều đang phải đối diện với những vấn đề chung trong sự phát triển kinh tế quốc gia như: sinh thái, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, dân số, sức khỏe cộng đồng, sự phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm mang tính quốc tế. Về mặt chính trị, sự hội nhập về kinh tế tăng lên sẽ kéo theo sự hội nhập về chính trị. Về mặt văn hóa, có những giá trị văn hóa sẽ mai một rồi biến mất, có những giá trị văn hóa hỗn dung hoặc thay đổi, định hình dưới một dạng khác; văn hóa tinh hoa thì ngày càng phân hóa… Toàn cầu hóa có thể tạo nên những biến thái mới, làm thay đổi các chuẩn mực, giá trị, khuôn mẫu ứng xử… và làm lu mờ bản sắc của cả một nền văn hóa, nếu nền văn hóa ấy không đủ nội lực để vượt qua các thách thức.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam không đứng ngoài quá trình toàn cầu hóa mà ngược lại, tham gia rất tích cực vào quá trình này. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng tạo ra nhiều thách thức đối với Việt Nam như: nguy cơ tụt hậu về kinh tế, nạn thất nghiệp và thiếu việc làm, sự phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm có xu hướng tăng, sự lo ngại về mất bản sắc, mất độc lập tự chủ của các quốc gia… Có thể nói, những bước tiến vượt bậc của khoa học công nghệ cùng với nó là quá trình toàn cầu hóa đã tác động đến mọi mặt đời sống của con người như: kinh tế, chính trị, xã hội, nghệ thuật… đặc biệt là văn học mạng.

Quá trình toàn cầu hóa đã khiến văn học nói chung, văn học mạng nói riêng có nhiều sự thay đổi quan trọng. Làn sóng khoa học công nghệ ngày càng trở nên phổ biến, trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao tạo nên khả năng ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực đời sống. Việc khai thác, sử dụng công nghệ vào việc viết trực tiếp trên mạng đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen viết so với lối viết cũ. Viết văn không còn là một công việc cô độc, không còn là của riêng nhà văn. Mà giờ đây, độc giả và tác giả trực tiếp tham gia viết văn. Quy trình đó được diễn ra từ khi viết, đọc, tiếp nhận và phê phán, sửa chữa. Thậm chí, đôi khi, độc giả còn tham gia quá trình thay đổi kết cấu, nội dung, cả văn phong của tác phẩm. Điều này rất mới mẻ và mang phong cách hiện đại.

Văn học mạng thực sự đã trở thành một hình thức tồn tại mới của văn chương. Đó là loại hình văn chương mạng của các tác giả trên mạng. Họ sống đời sống văn chương mạng, viết, xử lý thông tin, tương tác trên mạng, tồn tại, buồn vui, hy vọng hay thất vọng cũng trên mạng… Họ là công dân mạng toàn phần và những tác phẩm văn học được thai nghén, sản sinh ngay trên mạng internet. Có thể nói, đây là thứ văn chương mạng đúng nghĩa, khác hẳn các tác phẩm đã hoàn thiện được đưa lên mạng. Mạng trở thành phương thức tồn tại của những tác phẩm này và bản thảo cũng được đưa lên mạng. Các tác phẩm văn học mạng mang tính mở, dở dang theo kiểu chương hồi cho tới khi tác giả hoàn thành dưới sự tương tác của độc giả, công chúng. Ở đó, nhà văn xây dựng được nhóm công chúng của riêng mình, nhận những phản hồi của độc giả để thay đổi tác phẩm của mình.

Công nghệ phát triển và ngày càng phổ biến nên nhiều người có thể tham gia các diễn dàn, lập ra những website, các trang cá nhân trên mạng xã hội (facebook, twitter, instagram…) để công bố tác phẩm của mình mà không phụ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ điều gì, bất cứ cơ quan nào…

Việc thay đổi tác phẩm còn diễn ra khi tác giả vắng mặt, chỉ khi tác phẩm được tác giả chính thức công bố thành sách thì việc thay đổi tác phẩm mới thực sự được đóng lại. Việc xuất bản những tác phẩm văn học mạng có tính đặc thù riêng. Nếu tác phẩm của các nghệ sĩ khác chủ yếu được in thành sách sau đó mới đưa lên mạng thì quá trình xuất bản của các tác phẩm văn học mạng lại ngược lại. Có thể nói, văn học mạng đã làm thay đổi mối quan hệ giữa tác phẩm, tác giả và người đọc. Hơn thế, hiện nay, nhiều tác giả tìm đến văn học mạng, bởi họ nhận ra, đây là phương tiện xuất bản với nhiều ưu thế mà nền xuất bản chính thống không thể so sánh. Đó là tốc độ, giá rẻ và sự tiện lợi. Tác phẩm viết xong nhanh chóng được đưa (post) lên mạng để đến với một khối lượng độc giả lớn mà không cần đợi hay nhờ một nhà xuất bản nào. Trong làng văn, không ít những tác phẩm có giá trị đã bị lãng quên bởi sự đói cơm rách áo của cái nghiệp cầm bút hay tâm lý lo ngại chính đáng của các tác giả trước sự xâm phạm bản quyền trắng trợn của các nhà in. Vì thế, họ đưa sáng tác của mình lên mạng để tác phẩm dễ dàng đến với độc giả.

Có thể nói, sự ra đời, phát triển của văn học mạng làm thay đổi căn bản về sự xuất bản và lưu hành tác phẩm. Văn học mạng ra đời đã thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong sáng tác văn học và sự tự xuất bản.

Toàn cầu hóa nói chung, internet nói riêng đã khiến người đọc dần từ bỏ thói quen tìm đến các nhà sách, các thư viện. Họ có thể dùng các tài khoản mạng để mua các phiên bản ebook để đọc qua máy tính, máy tính bảng, máy đọc sách hoặc smartphone – những thiết bị ngày một phổ biến, có giá chỉ tầm 3-4 triệu. Nền tảng mạng đã giúp người đọc dễ dàng trong việc mua bán, trao đổi sách. Nó làm biến đổi thói quen tìm kiếm tri thức thông thường, giúp người đọc tiết kiệm thời gian, thậm chí, giao phó toàn bộ việc tìm kiếm cho các trang web, chỉ cần gửi email yêu cầu, mọi việc còn lại do trang web tiến hành. Việc tìm kiếm sách này vừa tiết kiệm thời gian, lại tiết kiệm chi phí, nhưng sẽ dần triệt tiêu văn hóa nhà sách, văn hóa cafe sách trong tương lai, nơi những người đọc đến không chỉ để tìm và đọc sách, mà còn để giao lưu đối thoại với nhau. Phương thức tìm kiếm này sẽ chịu ảnh hưởng từ độ tuổi người đọc, bởi các thế hệ 8x và 9x sẽ có ưu thế hơn trong việc sử dụng internet để tìm kiếm sách.

Thay vì đọc theo chiều ngang và lật qua trang, cấu trúc của sách điện tử khiến người đọc có xu hướng đọc lướt xuống phía dưới. Độc giả mạng nói chung đọc theo hình chữ f  nghĩa là từ trên xuống dưới (quan sát), từ trái sang phải (quan tâm). Người đọc bị ảnh hưởng bởi tăng tốc độ đọc, chú trọng thông tin, cốt truyện nhưng lại dễ bỏ qua những giá trị thẩm mỹ, đặc trưng ngôn từ. Hơn nữa, hầu như ít có người đọc sách điện tử nào chỉ chuyên tâm đọc văn bản văn học, mà thường phải đối diện với vô số các cám dỗ khác như: đọc báo, nghe nhạc, chơi game, xem phim… Nền tảng mạng cũng giúp người đọc bỏ qua được nhiều khoảng cách giới hạn. Độc giả có thể tra cứu ngay một thông tin sự kiện, nhân vật, tác giả được ghi trong sách thông qua search google, hoặc dùng translate google để dịch văn bản. Chẳng hạn, một độc giả đọc Phải lấy người như anh của Trần Thu Trang hay Sợi dây tình yêu của Trang Hạ, nếu muốn có thể kết nối với tác giả qua diễn đàn, facebook… hoặc có thể nhanh chóng tìm được các thông tin ngoài lề như: tác giả này tên thật là gì, tốt nghiệp trường nào, được giải thưởng văn học năm nào, có những tác phẩm nào… Người đọc cũng dễ dàng đọc nhiều văn bản cùng lúc qua đường link mà không phải lật sách tra tìm. Điều này đã góp phần làm thay đổi thói quen, sự tiếp nhận của người đọc hiện nay.

Quá trình sáng tạo nghệ thuật bao gồm nhiều yếu tố, trong đó yếu tố tiếp nhận đóng một vai trò quan trọng. Tiếp nhận văn học không chỉ đơn giản là việc đọc bằng thị giác mà còn đòi hỏi huy động các yếu tố khác như cảm xúc, tri giác, tưởng tượng, thị hiếu… Một tác phẩm có được thừa nhận là một tác phẩm văn học hay không phụ thuộc nhiều vào chính bạn đọc – công chúng. Đối với văn học mạng, bên cạnh phương tiện truyền tải, đối tượng tiếp nhận cũng có nhiều khác biệt, kéo theo các hệ quả khác như yêu cầu về nội dung, hình thức của tác phẩm…

Công chúng văn học thời đại nào cũng có những cách tiếp cận tác phẩm khác nhau. Điều đó phụ thuộc nhiều vào năng lực đọc, khả năng đồng cảm, vốn sống, vốn văn hóa… Việc tiếp nhận văn học mạng cũng tuân theo những bước này. Tuy nhiên, với mỗi người khi tham gia vào đời sống văn học mạng, tùy theo mối quan tâm, mục đích và điều kiện, sẽ xác lập một phương thức tiếp cận riêng. Căn cứ vào mức độ chuyên sâu của quá trình tiếp nhận tác phẩm và tương tác với nhà văn, với các chủ thể tiếp nhận khác, chúng tôi tạm phân chia các cấp độ tiếp nhận của người đọc văn học mạng như sau:

Cấp độ thứ nhất (tìm kiếm tác phẩm): được rút ngắn hơn bao giờ hết. Người đọc sử dụng internet như một phương tiện trợ giúp cho việc đọc sách, tìm kiếm những tác phẩm mới ra đời hoặc mới xuất bản thành sách, phục vụ cho mục đích tìm hiểu thông tin, giải trí, hoặc cho việc tìm kiếm nhằm bổ sung thông tin, tri thức. Người đọc chỉ tìm kiếm một số thông tin về tác phẩm phục vụ cho nhu cầu cá nhân của họ. Phương thức đọc của độc giả thay đổi từ sách in sang sách điện tử, qua màn hình máy tính hoặc các công cụ hỗ trợ đọc sách điện tử khác.

Cấp độ thứ hai (đọc): ở cấp độ này, sự chú ý của người đọc cao hơn. Thay vì việc chỉ đọc và tìm kiếm những nội dung liên quan đến tác phẩm, người đọc đã bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu chính các tác phẩm ấy. Với cách thức đọc văn bản là sách điện tử (bao gồm cả tác phẩm văn học thông thường đã được số hóa và cả tác phẩm được viết trực tiếp trên nền tảng ngôn ngữ mạng), việc đọc cũng đã thay đổi.

Cấp độ thứ ba (bình luận): không chỉ tìm hiểu thông tin, đọc tác phẩm, người đọc còn đưa ra những nhận xét, bình luận (comment) của cá nhân về nhân vật, chi tiết, kết cấu, ngôn ngữ… của tác phẩm. Những bình luận thể hiện ý kiến cá nhân của độc giả làm cho việc tương tác giữa độc giả và tác giả hay giữa độc giả với độc giả trở nên gần gũi hơn.

Cấp độ thứ tư (đồng sáng tạo tác phẩm): người đọc thâm nhập vào thế giới sáng tạo của tác giả, cùng khơi gợi, thâm nhập và khơi nguồn sáng tạo cho tác giả. Khi tác phẩm chưa hoàn thành, hoặc mới ra mắt độc giả theo từng phần, có sự tương tác rất lớn giữa người đọc và tác giả. Chính người đọc là người nhận xét, đưa ra những ý kiến khen, chê, định hướng tác phẩm… Tác giả, trên cơ sở tiếp nhận những luồng ý kiến đó sẽ là người quyết định cuối cùng những thay đổi của tác phẩm. Điều này cần bản lĩnh, tài năng và sự lao động nghiêm túc của tác giả.

Qua điều tra tình hình đọc văn học mạng tại ba địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên cho thấy tỷ lệ người sử dụng loại hình giải trí văn học mạng chiếm 13,5%, chủ yếu tập trung ở độ tuổi học sinh, sinh viên (1). Có thể nói, đối tượng tiếp nhận văn học mạng là giới trẻ, sống chủ yếu ở các khu vực thành thị. Đây là nhóm đối tượng có nhiều cơ hội tham gia vào thế giới thông tin, kết nối vô cùng rộng lớn, cùng lúc có thể tiếp cận nhiều hệ tư tưởng, nhiều giá trị sống khác nhau nhưng họ cũng dễ bị tác động, bị thay đổi bởi các yếu tố mới.

Sự thay đổi cơ bản nhất của internet so với các phương tiện truyền thông truyền thống đó là tính tương tác đồng thời và khả năng phản hồi nhanh của phương tiện này. Tác phẩm được đưa lên mạng có thể ngay lập tức nhận được phản hồi của công chúng: có thể là khen ngợi, có thể là phê bình, có thể chỉ là suy nghĩ riêng của từng cá nhân. Đối với một tác phẩm văn học mạng mà nói, có càng nhiều ý kiến phản hồi có nghĩa là dư luận dành nhiều sự quan tâm tới tác phẩm.

Văn học mạng đã thay đổi mối quan hệ và tương tác giữa tác giả, tác phẩm và người đọc. Thông qua các trang blog và mạng xã hội, nơi đăng tải chủ yếu và đầu tiên các tác phẩm văn học mạng, người đọc đã có thể đối thoại dễ dàng, trực tiếp với tác giả. Dưới mỗi tác phẩm văn học mạng bao giờ cũng có các comment của độc giả, là phần văn bản tác động hoặc chi phối đến quá trình sáng tạo của tác giả. Ngược lại, thông qua blog hay trang mạng xã hội, tác giả có thể thăm dò phản ứng của người đọc nhằm đưa ra những quyết định trong sáng tạo.

Nhiều trang web có khả năng tương tác cao, cho phép người sử dụng tham gia đóng góp ý kiến của mình vào các diễn đàn mở. Họ có thể tự do bày tỏ cảm nghĩ hoặc phê phán chỉ trích thoải mái, nếu cần, có thể chất vấn lại chính tác giả. Họ có quyền và có cơ hội nói những tâm tư, ước muốn, bức xúc và mọi ý tưởng, cho dù đó là ý tưởng ngược đời đến đâu đi nữa… Nhiều khi những ý kiến thiểu số lại có thể thắng thế trong các diễn đàn chung, vì có cơ hội được nói ra để mọi người ủng hộ. Việc sở hữu những địa chỉ email, tạo blog hoặc tham gia vào các nhóm bạn trên mạng cũng đang đáp ứng nhu cầu sống dân chủ, thể hiện bản thân, có khoảng không gian riêng, không bị kiểm soát. Hơn thế, hiện nay, ở các tác phẩm văn học còn xuất hiện mục bình chọn để định giá trị các tác phẩm và giá trị văn hóa. Như vậy, trên cơ sở tiếp nhận những luồng ý kiến đó, tác giả sẽ là người quyết định cuối cùng những thay đổi của tác phẩm. Điều này cần bản lĩnh, tài năng và sự lao động nghiêm túc của tác giả.

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, cùng với nó là quá trình toàn cầu hóa đã khiến văn học mạng có những tác động lớn   như: thay đổi thói quen viết, thói quen đọc, cách thức xuất bản, tiếp nhận văn học của người dân Việt Nam. Việc lựa chọn văn học mạng (cả về sáng tác lẫn tiếp nhận), trên thực tế, không đơn thuần là một lựa chọn của riêng cá nhân mà đối với nhiều người, đó là một lựa chọn có tính xã hội, một lựa chọn có tính thời đại. Thời đại internet đã làm thay đổi nhiều hệ thống giá trị. Trong đó, có cả các giá trị ảo và giá trị thực. Đối với văn học mạng, nhiều khi cái ảo đang xâm lấn không ngừng vào đời sống thực. Cái ảo cũng từng bước đem lại những giá trị rất thực, rất vật chất. Cái ảo cũng có lực lượng, có quyền năng. Văn học mạng đã làm thay đổi nhận thức của công chúng về văn học, thúc đẩy quá trình giao tiếp văn học, khuyến khích sự đối thoại, bình đẳng các giá trị, các quan điểm trong văn học. Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa cũng khiến các cá nhân có xu hướng cá nhân hóa. Môi trường internet thành vườn hoa nở rộ của các cá tính, thành kênh miễn phí để các cá nhân tự thể hiện mình. Văn học mạng chính là minh chứng quan trọng cho xu hướng này.

_______________

1. Từ Thị Loan, Tác động của các loại hình giải trí thông qua các phương tiện truyền thông mới đến lối sống con người Việt Nam trong thời kỳ CNH – HĐH và Hội nhập quốc tế, Đề tài khoa học cấp Bộ, Hà Nội, 2013, tr.78.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ THU TRANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *